BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Facebook đóng trương mục của một cư dân Boston chia sẻ cho The Epoch Times bức thư cảnh báo các mối đe dọa đối với nền dân chủ
Ông Chad Jones, một nhà đầu tư mạo hiểm sống và làm việc ở khu vực Boston, từ thời trung học, đã từng vô cùng yêu thích môn lịch sử và Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Ông Jones hồi tưởng. Đó là vào khoảng đầu tháng 04/2022, đang lúc lướt qua kho lưu trữ ấn bản trực tuyến của The Epoch Times, ông bắt gặp một bài viết gửi đến chuyên mục gửi thư cho biên tập viên của tờ báo đã khiến ông phải lưu tâm.
Bức thư này, được phát hành vào ngày 05/12/2021, có tiêu đề “Quan điểm của một Cựu Thẩm phán,” và tác giả là ông Keith M. Alber, tự nhận mình 85 tuổi và là một cựu “sinh viên luật.”
“Năm đầu tiên tôi học đại học cách đây 68 năm,” thẩm phán này viết. “Tôi có một buổi học khoa học chính trị. Nửa trang sách giáo khoa của tôi về cơ bản đã vạch ra một vài bước để lật đổ một nền dân chủ.”
Ông Jones đọc tiếp; ông đã đọc các bước để xóa bỏ và đánh sập hình thức chính phủ mà tại đó công dân nắm giữ quyền lực trọng yếu và được đại diện thông qua những người mà họ bầu chọn và những người chịu trách nhiệm trước người dân.
Và khi đọc những dòng chữ đó, người dân gốc California này nặng trĩu cảm xúc hoang mang và day dứt; vì những lời này không chỉ đúng mà còn vang vọng và lặp lại ở thời đại hiện nay.
Sau đây là các bước để “lật đổ nền dân chủ” mà Thẩm phán Alber đã chia sẻ từ quyển sách giáo khoa đó:
“1) Chia rẽ quốc gia về mặt triết học. 2) Kích động xung đột chủng tộc. 3) Gây mất lòng tin vào cơ quan cảnh sát. 4) Tràn qua biên giới quốc gia một cách bát nháo và vi hiến. 5) Tạo ra sức mạnh quân sự để làm suy yếu nền dân chủ. 6) Tạo gánh nặng cho công dân bằng cách đánh thuế bất công hơn. 7) Cỗ vũ bạo loạn dân sự và không khuyến khích mọi tội phạm phải chịu trách nhiệm. 8) Kiểm soát toàn bộ việc bỏ phiếu. 9) Kiểm soát toàn bộ giới truyền thông.”
Để kết luận, ông Alber đã viết: “Những gì được in vào năm 1954 như một cơn ác mộng kinh hoàng có thể xảy ra đã trở thành hiện thực. Tôi hy vọng rằng người Mỹ sẽ đủ hiệp lực để viết nên một đoạn kết có hậu – Hãy suy ngẫm.”
Ông Chad Jones cảm thấy nội tâm thôi thúc phải chia sẻ bức thư của Thẩm phán Alber. Và ông đã chia sẻ bức thư ngày hôm đó trên trang Facebook của mình.
Bài đăng này đã khởi đầu cho một giai đoạn mà ông Jones đã phải trải qua và chịu sự kiểm soát độc đoán của giới truyền thông vốn đã được báo trước trong bức thư của Thẩm phán Alber. Ông tin rằng đó là hậu quả của việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và chia sẻ ý kiến đáng tin cậy.
Ông Jones tin rằng đó là một hình thức của chủ nghĩa độc đoán chủ yếu nhắm vào và trừng phạt những người nói và viết cũng như giới thiệu thông tin và quan điểm theo hướng bảo tồn truyền thống, bảo vệ quyền tự do cá nhân, và không đồng ý với các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách cấp tiến và thiên tả.
Facebook tạm ngưng trương mục của ông Chad Jones
Một hoặc hai ngày trước khi ông Chad Jones đăng bức thư của Thẩm phán Albers, trương mục Facebook của ông đã được phục hồi sau 30 ngày bị Facebook tạm ngưng, do đó suốt thời gian đó ông không thể sử dụng trương mục này.
Ông Jones, một nhà đầu tư mạo hiểm 53 tuổi, sống và làm việc tại khu vực Boston, cho biết: “Hành động lúc đầu khiến tôi gặp rắc rối với Facebook là tôi đã chia sẻ thông tin và số liệu thống kê về Covid vốn không phù hợp với lối đưa tin mà Tòa Bạch Ốc và ông Anthony Fauci và các lực lượng ủng hộ phong tỏa đang thúc đẩy và quảng bá.”
“Quý vị thấy đấy, vào thời điểm đó, tôi đang làm việc cho một công ty công nghệ giúp đỡ các bệnh nhân được quản lý chăm sóc mãn tính (CCM). Bên cạnh những bệnh tật và tình trạng mà họ vốn đã có, những bệnh nhân này rất dễ bị tổn thương trước các vấn đề khác, kể cả bị đe dọa đến tính mạng nếu họ mắc COVID-19.
“Tôi đã viết và đề xướng một chương trình để đáp ứng các nhu cầu của những bệnh nhân này mà họ không cần rời khỏi nơi ở. Để phát triển chương trình này, tôi đã nghiên cứu hết báo cáo này đến báo cáo khác, từ NIH, HHS, CDC, và ở Mỹ cũng như ngoại quốc. Thậm chí tôi còn liên lạc với lực lượng đặc nhiệm COVID của Tòa Bạch Ốc. Bất kỳ thông tin hoặc dữ liệu nào mà tôi đăng về căn bệnh này đều rất đáng tin cậy và đến từ các nguồn đáng tin cậy.”
Nhưng đại công ty truyền thông xã hội này, do Meta sở hữu, đã không tán thành. Công ty thông báo cho ông Jones biết rằng ông có quá nhiều bài đăng đã được xác thực dữ kiện. Ngoài ra, Facebook, với tất cả các ý đồ và mục đích của họ, đã đình chỉ trương mục của ông.
Facebook đã cho ông hoạt động lại.
Tuy nhiên, hai ngày sau khi ông Chad Jones đăng bức thư của Thẩm phán Alber, thì trương mục của ông lại bị Facebook làm khó dễ. Lần này, Facebook đã gửi cho ông Jones một thông báo rằng trương mục của ông sẽ bị vô hiệu hóa trong 30 ngày mà không nêu rõ lý do cho trạng thái sắp tới này.
“Tôi cho rằng bức thư của Thẩm phán Alber là giọt nước làm tràn ly, và tôi đã bị bịt miệng.” ông Jones nói. “Hai sự kiện này xảy ra trùng hợp một cách đáng ngờ.”
“Facebook cho tôi biết cách để tôi có thể kháng cáo quyết định này, và tôi đã cố gắng làm theo các bước để kháng cáo nhưng chẳng đi đến đâu. Tôi không được cung cấp nhiều quyền đề nghị ngoài việc được đưa đến một màn hình nơi tôi có thể nhấp vào nút ‘không đồng ý với quyết định.’ Tôi đã nhấp vào nút đó. Tuy nhiên, tôi không thấy hồi âm.”
Và thời gian tiếp tục trôi đi. Ông Jones nhận được một thông báo từ Facebook rằng ông có 20 ngày để gửi một kháng cáo thành công đối với quyết định của họ, nếu không thì trương mục của ông sẽ bị vô hiệu hóa.
Ông Chad Jones liên tục cố gắng kháng cáo nhưng có vẻ như không ai lắng nghe. Không một ai chú ý cả.
Và sau đó Facebook đã vô hiệu hóa trương mục của ông.
“Chuyện này có nhiều lý do khiến tôi bất mãn — một lý do là Facebook đã kiểm duyệt tôi mà không có lý do chính đáng và hợp lý.”
“Tôi cũng có khoảng 2,300 người bạn trên trương mục này, hầu hết đều là những bằng hữu riêng tư mà tôi liên hệ bên ngoài Facebook hoặc là các mối quan hệ qua người khác — quý vị biết đấy, họ là bạn của bạn tôi. Khi vô hiệu hóa trương mục này, thì Facebook cũng đã xóa các liên kết đến những người bạn đó luôn.”
“Đồng thời, khi đóng trương mục của tôi, Facebook cũng xóa hàng trăm bức ảnh mà tôi đã lưu trên đó.”
Ông Chad Jones đã nỗ lực để lấy lại dữ liệu và các tệp truyền thông nhưng chẳng ích gì.
Ông Jones có một trương mục Facebook khác mà lẽ ra ông có thể bắt đầu sử dụng. Tuy nhiên, lần bị hủy bỏ đó khiến ông khó chịu với nền tảng này. Ông đã ngưng dùng Facebook trong khoảng ba tháng.
Ông Chad Jones đã không biết rằng — trong khoảng một năm rưỡi — sau khi ông chia sẻ bức thư của Thẩm phán Alber trên trang Facebook của mình, bài đăng đó đã trở nên vô cùng nổi tiếng và trở thành một hiện tượng đáng chú ý trên mạng.
Bức thư của Thẩm phán Keith Alber
Bức thư của Thẩm phán Alber đã được chia sẻ rất nhiều lần từ trang The Epoch Times, trong đó có những lượt chia sẻ từ các hãng thông tấn khác, cũng như từ trang Facebook của ông Chad Jones, đến nỗi bức thư này đã thu hút sự chú ý của Snopes, trang web chuyên tìm ra sự thật và bác bỏ những điều hoang đường.
Snopes đã bắt đầu một cuộc điều tra. Trang web này đã tìm tòi, nghiên cứu, và thậm chí còn gọi điện cho Thẩm phán Keith Alber để trao đổi.
Snopes đã công bố những phát hiện của mình trong một bài báo vào ngày 16/05/2022. Họ xác nhận rằng ông Keith Alber đã viết bức thư mà ông gửi cho The Epoch Times. Sau đó, bức thư đã được The Epoch Times phát hành, và được chia sẻ rộng rãi và thường xuyên trên mạng.
Đồng thời, Snopes còn đưa tin: “Một trong những bài đăng ngày càng phổ biến của bài báo này đến từ một trương mục Facebook có tên Chad Jones. Tính đến giữa tháng 05/2022, bài đăng đó đã được chia sẻ hơn 11,000 lần.”
Ông Keith Alber đã phúc đáp câu hỏi của Snopes rằng liệu ông có muốn nói thêm điều gì để chứng thực cho bức thư của mình không. Ông Alber nói rằng, hồi năm 1954, ông nghĩ rằng các bước để đánh sập nền dân chủ đã được trình bày trong sách giáo khoa đó “không bao giờ có thể xảy ra.”
Tuy nhiên, nhiều năm sau, ông nhận ra các bước đó đang xảy ra và ông “rất lo sợ.”
Ông Alber viết: “Tôi đã cống hiến phần lớn cuộc đời tôi cho hệ thống tư pháp và luật pháp.”
Sau khi nghỉ việc tại bộ phận giao thông dành cho trẻ em vị thành niên của Tòa Thượng Thẩm Quận Los Angeles, ông Alber đã làm việc cho Quận Los Angeles trong hơn 20 năm, từ cuối những năm 1970 đến cuối những năm 1990. Dù là ở nơi làm việc hay ngoài xã hội, ông đều được gọi là Thẩm phán Alber.
Khi trả lời Snopes, Thẩm phán Alber cũng lưu ý rằng, [nói về] hiện trạng của Mỹ quốc, ông cảm nhận một “nhận xét rất đáng buồn rằng công chúng rất ít có tiếng nói.”
Sau vài năm chống chọi với những biến chứng do đột quỵ, Thẩm phán Keith Alber đã được an nghỉ vào ngày 31/08/2022, hưởng thọ 86 tuổi. Ông đã bỏ lại bà Linda, người bạn đời cùng chung sống với ông trong 55 năm qua, và ba người con: bà Juliana, ông Kevin, và bà Rebecca (còn gọi là bà Becky).
The Epoch Times đã trò chuyện với bà Juliana Alber qua điện thoại.
“Cha tôi thật phi thường; ông rất thông minh và luôn hiếu kỳ về cuộc sống; ông thích đọc lịch sử,” bà Juliana nói. “Với đầu óc nhạy bén của mình, ông có thể dễ dàng nhớ lại đoạn văn trong sách giáo khoa mà ông đã đọc gần 70 năm trước.”
“Gia đình chúng tôi rất biết ơn vì The Epoch Times đã đăng bức thư đó và vì ông Chad Jones cùng hàng ngàn người khác cũng đã chia sẻ.”
“Cha tôi đã sống một cuộc đời viên mãn, cuộc đời của một công dân và công chức. Thoạt đầu ông là một nhân viên tuần tra xa lộ California, lúc đó ông đã từng tham gia chống lại cuộc bạo loạn Watts vào tháng 08/1965.”
“Hồi còn làm một nhân viên tuần tra xa lộ, cha tôi bị thương nặng trong một vụ tai nạn xe cảnh sát khi đang làm việc. Sau vụ tai nạn đó, ông đã nghỉ việc ở sở tuần tra xa lộ và trở thành một nhân viên điều trần (hearing officer) của tòa án vị thành niên ở California.
Ông Chad Jones nhận được một thông tin cập nhật về bài đăng của mình
Hồi cuối tháng 05/2023, ông Chad Jones đã nhận được một thư điện tử từ Fox News thông báo cho ông về mức độ phổ biến của bài đăng trên Facebook của ông về bài viết của Thẩm phán Alber và bài đăng này đã làm xôn xao dư luận như thế nào.
Ông Jones đã không hay biết rằng ông đã khuấy động sự quan tâm đến như vậy.
Và ông Chad Jones nhanh chóng bị chỉ trích gay gắt.
“Điều đó thực sự khiến tôi bực mình vì tôi là một người Mỹ, và tôi tin tưởng vào chủ nghĩa Mỹ, và điều cơ bản của một nước cộng hòa lập hiến là sự tự do ngôn luận, khả năng tranh luận và bất đồng — thậm chí không đồng tình một cách gay gắt,” ông Jones nói. “Và tôi nhận ra rằng Facebook là một công ty tư nhân, có thể nói những gì họ muốn và quyết định họ muốn có những ai trên nền tảng của họ. Công ty này có thể từ chối cung cấp dịch vụ cho người ta.”
“Nhưng họ không công bằng khi áp dụng điều này. Họ cho phép các dữ liệu và quan điểm nào ủng hộ và đồng tình với nghị trình cánh tả và cấp tiến. Tuy nhiên, họ sẽ ngăn chặn dữ liệu, thông tin, và các bình luận biện hộ và ủng hộ cho các nguyên tắc theo hướng bảo tồn truyền thống cũng như quyền tự do cá nhân.
“Và chúng tôi ngày càng hiểu hơn về sự trao đổi giữa chính phủ và các công ty công nghệ cũng như cách mà giới công nghệ thực thi mệnh lệnh của các chính trị gia và các quan chức chính phủ. Đó là chuyên chế.”
Ông Chad Jones đã trải qua kiểu kiểm duyệt mà ông Philip Hamburger cam kết sẽ tranh đấu và đánh bại.
Ông Hamburger, một giáo sư tại Trường Luật Columbia, là một học giả pháp lý hàng đầu về luật Hiến Pháp, sự tự do cá nhân và quyền tự do cá nhân.
Ông Hamburger đứng đầu Liên minh Quyền tự do Dân sự Mới, một tổ chức đại diện cho các nguyên đơn trong án lệ Missouri kiện ông Biden. Đây là một vụ kiện mang tính bước ngoặt phản đối tính hợp hiến của việc chính phủ liên bang gây áp lực buộc các công ty công nghệ phải kiểm duyệt và bóp nghẹt sự tự do ngôn luận.
“Vụ kiểm duyệt này thật tệ hại, và chúng ta phải cố gắng hết sức để mọi người nhận ra hiểm họa này,” ông Hamburger cho biết trong một bình luận gửi tới The Epoch Times liên quan đến việc Facebook đóng trương mục của ông Jones. “Thật kỳ lạ là chúng ta đang quay trở lại thời kỳ đàn áp quan điểm của thế kỷ 17.”
Ông Chad Jones hiểu rõ những gì ông Philip Hamburger nói.
Ông Jones nói: “Nếu quý vị muốn đến nước Mỹ, và nếu quý vị muốn đóng góp cho quốc gia này và làm cho đất nước này tốt đẹp hơn, thì nước Mỹ nên cho phép quý vị tranh luận và cho phép tiếng nói của quý vị được lắng nghe, đồng thời quý vị cũng cần để người khác nói và cho phép tiếng nói của họ được lắng nghe.”
“Khi những người hiểu lý lẽ và có chừng mực nói chuyện, không đồng thuận, hay đồng thuận, và muốn có những điểm chung, thì chúng ta giải quyết được các vấn đề để đạt được các kết quả tốt hơn.”
“Thật đáng sợ khi những người nắm quyền lực chính trị và công nghệ đang hành động để dập tắt các cuộc trò chuyện và tranh luận vốn có thể khiến quốc gia này hùng mạnh hơn và có thể khuyến khích nhiều cơ hội và khả năng hơn.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times