BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Bài toán kiểm soát lithium của Trung Quốc ở Mỹ Latinh còn nan giải
Lithium được gọi là “vàng trắng” trong ngành khai thác mỏ. Các mỏ lithium của Mỹ Latinh đã trở thành một thành phố vàng El Dorado mới, một nỗ lực chinh phục hàng hóa mà Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát.
Cùng với Úc và Chile, Trung Quốc là một trong ba nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới. Quốc gia Á Châu này cũng chiếm khoảng 80% sản lượng pin điện toàn cầu, vốn đang thúc đẩy nhu cầu về lithium tăng cao hiện nay.
Trong thập niên qua, Trung Quốc đã rót hàng tỷ dollar vào nền kinh tế của các quốc gia giàu lithium như Chile, Argentina, và Bolivia nhằm giành quyền tiếp cận ưu tiên đối với khoáng sản này.
Tuy nhiên, với việc Chile và Mexico là những nước gần đây nhất tuyên bố quốc hữu hóa ngành công nghiệp lithium của họ, thì Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức mới đối với mục tiêu kiểm soát cuộc chạy đua “vàng trắng” này.
Các quốc gia Mỹ Latinh có một lịch sử lâu dài về những nỗ lực thất bại trong việc kiếm lợi nhuận lâu dài từ việc quốc hữu hóa tài nguyên. Đó là một hiện tượng mang tính chu kỳ được thúc đẩy bởi sự bùng nổ hàng hóa và giá cả tăng cao.
Khi nhà nước nắm quyền kiểm soát các ngành công nghiệp, ngoài việc tạo ra doanh thu ngắn hạn nhiều hơn thì còn đi kèm với những trở ngại nghiêm trọng trong dài hạn.
Các vấn đề như thiếu đổi mới, tham nhũng, kém hiệu quả, tranh đấu chính trị, và giảm lợi ích của nhà đầu tư đã cản trở các nỗ lực quốc hữu hóa trên khắp khu vực kể từ chính quyền của ông Hugo Chavez ở Venezuela.
Ngày nay, sự bùng nổ hàng hóa đã quay trở lại trong một làn sóng mới của các nhà lãnh đạo cánh tả trong khu vực. Sau đó, một số nhà phân tích cho rằng nỗ lực thâu tóm lithium của Trung Quốc ở Mỹ Latinh đang phải đối mặt với một con đường chông gai phía trước.
“Lithium là thứ mới hấp dẫn mà các chính phủ cánh tả muốn quốc hữu hóa,” Tiến sĩ Evan Ellis nói với The Epoch Times.
Ông Ellis là một giáo sư nghiên cứu về Châu Mỹ Latinh của Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ. Ông cho rằng các dự án của Trung Quốc có thể sẽ phải chịu hậu quả của xung đột chính trị, đặc biệt là với các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc. Các quốc gia được đặt tên một cách khéo léo là “bộ tam lithium” gồm Argentina, Bolivia, và Chile này đã chiến đấu với các cuộc biểu tình gây rối do phe đối lập lãnh đạo trong nhiều năm.
Loại bất ổn này thường ảnh hưởng đến lĩnh vực khai thác mỏ. Những người dân bị nghèo đói tấn công ở vùng ngoại ô của các dự án ngoại quốc trị giá hàng tỷ dollar thường trở nên phẫn nộ vì các cộng đồng địa phương không được hưởng nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, theo ông Ellis, nguồn lực tài chính của Trung Quốc vẫn có thể giúp thúc đẩy các dự án bị đình trệ.
Trong bộ tam lithium này, ông nói, “Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong cả ba ‘hũ bánh ngọt’ này.” Nếu Trung Quốc rót một số tiền đủ lớn, thì ông nghĩ rằng số ngân lượng đó có thể giúp “bẻ cong các quy tắc.”
Để mắt đến Chile
Trong lĩnh vực sản xuất lithium toàn cầu, Chile chỉ đứng sau Úc. Nước này tạo ra khoảng 26% tổng nguồn cung của thế giới từ sa mạc Atacama, nơi có trữ lượng lớn nhất đã được chứng minh là 9.3 triệu tấn.
Mặc dù vậy, không giống như Úc, Chile là nhà sản xuất lithium số một từ việc chiết xuất nước biển.
Hôm 20/04, tổng thống Chile Gabriel Boric tuyên bố chính phủ của ông sẽ bắt đầu chuyển các hoạt động sản xuất lithium rộng lớn của quốc gia từ những đại công ty thuộc khu vực tư nhân như SQM và Albemarle có trụ sở tại Hoa Kỳ sang một công ty nhà nước.
“Đây là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có để chuyển đổi sang một nền kinh tế phát triển và bền vững. Chúng ta không thể lãng phí cơ hội này,” ông Boric nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình.
Thông báo của ông Boric được đưa ra ngay sau sắc lệnh của tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, vốn trao quyền kiểm soát lithium của quốc gia này cho một công ty nhà nước hồi tháng Hai năm nay.
“Những gì chúng tôi đang làm bây giờ … là quốc hữu hóa lithium để người ngoại quốc từ Nga, Trung Quốc, hoặc Hoa Kỳ không thể khai thác nguồn tài nguyên này,” ông Obrador nói trong một sự kiện báo chí ở tiểu bang Sonora.
Tuyên bố tương tự của ông Boric đã làm rung chuyển cộng đồng quốc tế. Chile luôn là một lựa chọn đáng tin cậy cho các nhà đầu tư nhờ sự ổn định chính trị tương đối và sự hợp tác cởi mở với các doanh nghiệp ngoại quốc. Sự thay đổi đột ngột trong các hoạt động đã khiến các nhà phân tích và quan chức hoài nghi, những người vốn nghi ngờ liệu nước này có tiếp tục là một người tham gia nghiêm túc trong thị trường lithium hay không.
Hơn nữa, làn sóng biểu tình chuẩn bị nổ ra đối với lĩnh vực khai thác mỏ của Chile do tính chất cần nhiều nước của việc khai thác nước biển.
“Quý vị có thể nghĩ rằng chúng tôi đang khai thác lithium cho việc chuyển đổi ‘năng lượng xanh.’ Tuy nhiên, thực tế là, mối lo ngại này không chỉ phát sinh từ các mối lo ngại của cộng đồng địa phương. Hôm 25/04, giáo sư John D. Graham cho biết trong một sự kiện của Trung tâm Wilson rằng có các nhóm môi trường của Hoa Kỳ đang rất tích cực ở Chile, bằng cách đào tạo các nhà hoạt động cách phản đối việc khai thác lithium.”
Câu chuyện cảnh báo
Ở Bolivia, chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực khai thác mỏ, bao gồm cả lithium, là một cái gai trong mắt Trung Quốc.
Tuy nhiên, hồi tháng Một, Tổng thống Luis Arce đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với các công ty của Trung Quốc như Công ty Công nghệ Amperex Đương đại (CATL), Công ty Công nghệ Tái chế Brunp Quảng Đông (BRUNP), và Công ty TNHH Tập đoàn CMOC để tiếp cận nguồn dự trữ lithium đang rất được săn lùng của Bolivia ở cánh đồng muối Uyuni. Các doanh nghiệp của Trung Quốc sẽ hợp tác với công ty lithium YLB thuộc sở hữu nhà nước với hy vọng sẽ sản xuất được 25,000 tấn mỗi năm bắt đầu từ năm 2025.
Tuy nhiên, ông Ellis cũng đề cập đến dự án quặng sắt liên tục gặp khó khăn trong khu rừng rậm ở Bolivia, El Mutún, như một ví dụ về việc tiền không thể mua được mọi thứ ở Mỹ Latinh.
Năm 2016, chính phủ Bolivia đã trao cho công ty Trung Quốc Sinosteel một dự án khai thác quặng sắt ở vùng núi El Mutún giàu khoáng sản. Quá trình sản xuất dự kiến bắt đầu vào năm 2019. Cho đến nay, những cánh cổng của nhà máy El Mutún vẫn đóng.
Việc thay đổi các ưu tiên trong bối cảnh chế độ chính trị thay đổi trong thời kỳ đại dịch và một loạt các khoản hối lộ không hồi kết cho các quan chức cấp bộ được cho là lý do dẫn đến sự đình trệ kéo dài trong hợp đồng trị giá 450 triệu USD này.
Đó là một mô hình thường thấy trong khu vực này. Chính trị, tình trạng bất ổn dân sự, và tham nhũng có thể nhấn chìm ngay cả những dự án lớn nhất.
Một số người dân địa phương dự đoán số phận tương tự sẽ xảy ra với thỏa thuận lithium của Trung Quốc với YLB.
Ông Christian Vargas nói với The Epoch Times: “Mọi chuyện thường diễn ra như vậy. Có rất nhiều cuộc nói chuyện về một dự án, chẳng hạn như ở El Mutún, sau đó chẳng có gì cả.”
Ông Vargas là một cựu giáo sư kinh tế và sống ở thành phố lớn nhất của Bolivia, Santa Cruz. Ông cho biết chính phủ cánh tả của đất nước ông đã và đang đấu tranh để đưa lithium của Bolivia ra thị trường trong nhiều năm qua.
“Chile sản xuất nhiều hơn chúng tôi, mặc dù trữ lượng của chúng tôi lớn hơn,” ông nói, đồng thời cho biết thêm, “Điều đó cũng sẽ xảy ra [với lithium] ở Uyuni. Mọi nhóm dân sự đều muốn ‘cắt giảm’, hoặc họ sẽ dừng dự án đó.”
Nhưng một quốc gia láng giềng trong bộ tam lithium đã ghi nhớ bài học về chủ nghĩa dân tộc thất bại: Argentina.
Ông Benjamin Gedan, giám đốc chương trình Châu Mỹ Latinh tại Trung tâm Wilson cho biết: “Ngành lithium của Argentina đã phát triển mạnh nhờ một chiến lược phi tập trung, ủng hộ thị trường.”
Ông Gedan cũng cho biết “sự kiểm soát quá mức của nhà nước” là nguyên nhân chính khiến Bolivia không thể đưa nguồn lithium khổng lồ của mình ra thị trường.
Căn cứ vào hướng tiếp cận ủng hộ thị trường của họ, các nhà phân tích dự đoán rằng Argentina có thể sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới trong mười năm tới. Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia trong khu vực, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và những cuộc biểu tình thường xuyên có thể đe dọa đến hội viên lithium mới nổi này.
Ông Ellis cho hay mặc dù Argentina có trữ lượng nhỏ nhất, nhưng nước này có một mô hình kinh doanh hấp dẫn hơn cho việc khai thác và công nghiệp hóa lithium trên một quy mô lớn hơn.
Ông nói: “Đó là nơi Trung Quốc có nhiều quyền tiếp cận nhất và làm những gì họ muốn để đưa lithium ra ngoài.”
Nhã Đan và Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times