Bài mở đầu trong loạt bài: Những ý tưởng hình thành nên Hiến Pháp
Ai đã tạo ra những ý tưởng cho Hiến Pháp Hoa Kỳ?
Các cuốn sách lịch sử kể lại cách Hiến Pháp được biên soạn bởi 55 “nhà soạn thảo” từ ngày 25/05/1787 đến ngày 17/09/1787.
Nhưng câu chuyện còn ly kỳ hơn thế nữa.
Vào ngày 28/09/1787, Quốc hội Liên Bang yêu cầu các cơ quan lập pháp của tiểu bang quy định việc bầu cử đại biểu cho các đại hội nhân dân để phê chuẩn hoặc bác bỏ Hiến Pháp. Điều này đã châm ngòi cho cuộc tranh luận chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội — từ những thương gia giàu có nhất trong thành phố, đến thợ thủ công ở thị trấn, nông dân ở nông thôn và thậm chí cả những nô lệ trong nhà bếp — đã thảo luận về mọi khía cạnh của văn kiện này. Cơ quan lập pháp của tiểu bang cuối cùng đã ủy quyền cho các quận của mình bầu các đại biểu cho hội nghị phê chuẩn tiểu bang. Mặc dù các tiểu bang có tiêu chuẩn để bỏ phiếu của mình, nhưng nhìn chung những tiêu chuẩn đó rất dễ đạt và đối với cuộc bầu cử này, một số tiểu bang đã bỏ qua hoàn toàn.
Quá trình này cũng không chỉ giới hạn ở nam giới da trắng. Phụ nữ tham gia thông qua vận động bầu cử — ở New Jersey (và lẻ tẻ ở những nơi khác) bằng cách tự bỏ phiếu. (Annis Stockton, cư dân New Jersey, là vợ và mẹ chồng của những người ký Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định rằng ở Mỹ “phụ nữ có quyền bình đẳng về mọi thứ.”)
Tại năm tiểu bang, người Mỹ gốc Phi Châu tự do cũng bỏ phiếu về Hiến Pháp.
Vào ngày 07/12/1787, đại hội Delaware đã đồng thuận phê chuẩn. Sự phê chuẩn của Delaware được tất cả các tiểu bang khác đi theo, bao gồm cả tiểu bang mới thứ 14 Vermont (ngày 10/01/1791).
Việc sách giáo khoa tập trung vào những người soạn thảo [hiến pháp] đôi khi khiến chúng ta quên rằng, mặc dù Hiến Pháp chỉ có 55 người biên soạn, nhưng số đại biểu đại hội đã thông qua Hiến Pháp như là “Luật tối cao của Đất Mỹ” là 1,757 (tính cả 109 người ở Vermont). Hàng ngàn công dân đã bỏ phiếu cho các đại biểu đó. Đó là một hoạt động lớn nhất trong nền dân chủ toàn dân được ghi chép lại cho đến nay.
Trong những năm sau đó, Hiến Pháp của những Nhà Lập Quốc (Founders), đôi khi được tu chính, đóng vai trò là cấu trúc chính trị cho một quốc gia đã trở thành quốc gia thành công nhất mà thế giới từng chứng kiến. Ngay cả ngày nay, trong khi một số điều khoản của Hiến Pháp đã bị xói mòn, hầu hết các tài liệu vẫn tiếp tục có hiệu lực đầy đủ.
Các Nhà Lập Quốc đã lấy ý tưởng của họ từ đâu?
Những ý tưởng hình thành đằng sau thành công rực rỡ này là gì? Chúng đến từ đâu vậy? Làm thế nào mà thế hệ những nhà lập quốc đưa chúng vào Hiến Pháp?
Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ trả lời những câu hỏi đó trong một loạt bài tiểu luận. Loạt bài sẽ xem xét cuộc sống và ý tưởng của những tác gia đã ảnh hưởng đến thế hệ những người lập quốc và truyền cảm hứng cho một cuộc phiêu lưu mới trong [việc thiết lập] chính phủ tự trị.
Sự tự tin của những Nhà Lập Quốc được xây dựng một phần dựa trên niềm tin vào Chúa nhân từ. Truyền thuyết cho rằng hầu hết thế hệ các nhà lập quốc đều theo chủ nghĩa thần thánh hay theo chủ nghĩa thế tục thuần túy [một nhà nước trung lập về niềm tin tôn giáo], chỉ đơn giản là chuyện truyền thuyết. Đại đa số ở thế hệ những người lập quốc là theo Cơ đốc giáo; phần nhỏ còn lại chủ yếu là người Do Thái. Theo đó, họ chịu ảnh hưởng nặng nề của Kinh Thánh. Trên thực tế, ảnh hưởng của Kinh Thánh lớn hơn bất kỳ loạt bài tiểu luận nào có thể đề cập đến.
Do đó, những bài tiểu luận này sẽ tập trung vào những tác giả đã dạy cho các Nhà lập quốc những bài học chính trị — những bài học của họ về chủ nghĩa cộng hòa, về tổ chức chính trị và phẩm chất chính trị.
Cấu trúc của loạt bài tiểu luận
Mỗi bài tiểu luận sẽ thu nhỏ cuộc đời và những đóng góp của một hoặc hai nhân vật lịch sử. Bài viết sẽ giải thích cách thức mà những Nhà Lập Quốc đã tích hợp ý tưởng của những cá nhân đó vào trật tự hiến pháp.
Chúng ta sẽ xem xét theo trình tự thời gian, theo thời gian mà mỗi nhân vật lịch sử đã sống.
Ngoài việc hướng dẫn về tôn giáo, nền giáo dục của những Nhà Lập Quốc tập trung vào các tác phẩm kinh điển trước thời Cơ Đốc Giáo của Hy Lạp và La Mã cổ đại. Rất lâu sau khi rời ghế nhà trường, những Nhà Lập Quốc hàng đầu đã đọc đi đọc lại những tác phẩm kinh điển đó. Nhiều nhà tư tưởng được khảo sát trong loạt bài này là những tác giả lỗi lạc của truyền thống Hy Lạp-La Mã.
Chúng ta sẽ bắt đầu với triết gia Hy Lạp Plato, người đã vay mượn rất nhiều từ người thầy của mình là triết gia Socrates. Tiếp theo, chúng ta sẽ chuyển sang Aristotle, triết gia vĩ đại nhất trong tất cả.
Nhà sử học phi thường người Hy Lạp Polybius sẽ là chủ đề của bài tiểu luận sau đó. Ông Polybius đã viết về — và thực sự tham gia vào — các sự kiện quan trọng trong sự phát triển của Cộng hòa La Mã. Các bài tiểu luận tiếp theo sẽ đề cập đến ba chính khách của nền Cộng hòa sau này: Cato già và Cato trẻ [là cháu của Cato già], và nhân vật được yêu thích nhất của ông John Adams là Marcus Tullius Cicero.
Sau đó, chúng ta sẽ đi vào thời kỳ đầu của Đế chế La Mã, bao gồm các nhà thơ Virgil, Ovid, Horace và nhà sử học Titus Livius (Livy). Sau đó, chúng ta sẽ xem xét các nhà tư tưởng trong Đế chế La Mã của thế kỷ thứ nhất và thứ hai: các nhà viết tiểu luận Seneca và Pliny, nhà sử học Cornelius Tacitus, và các nhà viết tiểu sử hấp dẫn Plutarch (viết bằng tiếng Hy Lạp) và Gaius Suetonius (viết bằng tiếng Latinh).
Tiếp theo, chúng ta sẽ bước vào thời kỳ Trung cổ Cơ đốc giáo với Niccolò Machiavelli — một người được các Nhà Lập Quốc tôn trọng với tác phẩm nổi tiếng “The Prince” (Hoàng Tử) nhưng ít hơn so với tác phẩm “Discourses on Livy” (Diễn Ngôn về Livy).
Cuối cùng, chúng tôi sẽ đề cập đến các tác giả từ quá khứ tương đối gần đây của những Nhà Lập Quốc: những người Anh gồm có James Harrington, Algernon Sidney và John Locke; Nam tước Pháp Montesquieu có ảnh hưởng lớn; và các tác giả người Thụy Sĩ ít được biết đến hơn là Jean-Louis DeLolme và Emer de Vattel. Tôi bảo lưu quyền thêm một số chi tiết.
Tuy nhiên, trước khi đề cập đến bất kỳ cá nhân cụ thể nào trong số đó, chúng ta cần khám phá cách những Nhà Lập Quốc hàng đầu được giáo dục. Đó là chủ đề của bài tiểu luận tiếp theo.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times