Bài học cuộc đời từ trải nghiệm đi xem xiếc cùng Mẹ tôi
Bài học cuộc đời đến từ một truyền thống thân thuộc ở Mỹ quốc
Theo ghi chép, vào năm 1793 Tổng thống George Washington đã đến một rạp xiếc ở tiểu bang Philadelphia, đây có lẽ là một trong những rạp xiếc đầu tiên ở Mỹ quốc. Theo những thông tin thu thập được, buổi biểu diễn đó chủ yếu là cưỡi ngựa. Ngoài ra, chương trình này còn có sự tham gia của những nghệ sĩ tung hứng, những nghệ sĩ hề, và một nghệ sĩ biểu diễn trên dây. Vào khoảng năm 1825, các rạp xiếc ở Mỹ quốc bắt đầu sử dụng những chiếc lều. Khi các gánh xiếc có thêm các loài động vật và thiết bị biểu diễn, họ đã đi lưu diễn bằng những chiếc xe ngựa kéo. Vào ngày 10/04/1871, ông Phineas T. Barnum (một chính trị gia, người trình diễn, và là một doanh nhân người Mỹ) đã thành lập đoàn xiếc dưới một cái lều vải bạt có diện tích 3 mẫu vuông ở Brooklyn, New York. Những thập niên sau đó, các đoàn xiếc di chuyển bằng những chuyến tàu hỏa đặc biệt, để có thể chuyên chở một đoàn nghệ sĩ trình diễn đông đảo gồm các diễn viên và động vật.
Hội chợ Thế giới tương tự ở Chicago năm 1893 từng mang kiến trúc cổ điển của White City vĩ đại đến các đường phố chính của rất nhiều thị trấn ở Mỹ quốc, cũng mang theo “midway” (hội chợ), một thuật ngữ được vay mượn từ khu giải trí của hội chợ Chicago — hay còn gọi là Midway Plaisance. Hội chợ của Midway này trưng bày những thứ kỳ lạ và khác thường. Vòng đu quay cự đại Ferris Wheel không phải ở White City, mà là ở Midway Plaisance. Những năm sau đó, hội chợ này đã chứng kiến số lượng các buổi lưu diễn gia tăng nhanh chóng, giúp mang “cả thế giới” đến thị trấn nhỏ này của Mỹ quốc. Các buổi biểu diễn có quy mô khác nhau, từ các đoàn xiếc lều lớn đến các công ty lễ hội nhỏ hơn, vốn đã lưu diễn vòng quanh ở hội chợ của các tiểu bang và quận — đóng vai trò quan trọng trong các hội chợ.
Những lễ hội và đoàn xiếc này vô cùng nổi tiếng trong nhiều thập niên, mang lại màu sắc và trải nghiệm đến một thế giới đơn điệu, buồn tẻ thời bấy giờ — chí ít là đối với những người trẻ tuổi. Lều xiếc sẽ đến một số cánh đồng ở ngoại ô thị trấn và dựng lên một quả cầu ma thuật bằng vải bạt. Những nghệ sĩ biểu diễn diễn hành trên con đường chính của thị trấn trong những bộ trang phục màu sắc sặc sỡ. Người ta sử dụng những chú voi để dựng lên những chiếc lều lớn. Trẻ em thường lẻn xuống đó để xem. Một số trẻ em sẽ nài nỉ được đi theo rạp xiếc. Đối với các thị trấn nhỏ ở Mỹ quốc, đó thực sự là “buổi biểu diễn tuyệt vời nhất trên Trái Đất.”
Kết thúc của một kỷ nguyên
Nhưng đến những năm 1960, khi Mẹ đưa chúng tôi đi xem một trong những rạp xiếc lều lưu động cuối cùng, thì mọi thứ đã thay đổi. Đoàn xiếc Ringling Bros và Barnum & Bailey từ lâu đã bỏ những chiếc lều và chỉ biểu diễn ở các sân khấu dân sự lớn. Những buổi biểu diễn sử dụng lều còn lại vô cùng ít ỏi. Mẹ đưa chúng tôi đến để trải nghiệm cận cảnh thế giới này, thế giới của những tấm vải bạt, mùn cưa, và những chú voi núi. Để chúng tôi thấy ấn tượng, mẹ đã xếp chỗ cho chúng tôi ngồi ngay hàng đầu. Tuy nhiên, chúng tôi lại không thấy chương trình này quá cuốn hút như mẹ kỳ vọng.
Những người bán đồ giải khát đi một vòng quanh các khán đài, và bạn có thể hình dung rằng một người làm nghề xiếc sống cuộc đời thật vất vả với những khuôn mặt phong sương và đôi bàn tay chai sạn. Người đàn ông bán bắp rang nài nỉ để bán được hàng, nán lại trước những gia đình đông người hơn như gia đình chúng tôi, với hy vọng bán được hàng cho những đứa trẻ thèm ăn. Mẹ tôi, biết trước tình huống này, nên đã cho chúng tôi bữa tối no nê trước khi đi xem biểu diễn, và không hề có ý định mua đồ ăn nhẹ cho năm đứa con của bà. Người bán xúc xích lớn giọng than thở: “Năm nào tôi cũng phải mua một chiếc xe Cadillac mới! Tôi không nghĩ là mình sẽ có thể kham nổi các khoản chi phí.”
Mặc dù điều này nghe có vẻ hơi phi lý đối với những đứa trẻ như chúng tôi, nhưng sự thật là đoàn xiếc này sống trên các chiếc xe trailer của hãng Airstream, và vào mỗi mùa hè, họ kiên trì lái những chiếc xe hơi lớn được trang bị các tời kéo này [để đến các buổi trình diễn]. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là cách họ lái xe hàng trăm dặm, dựng lều, dựng rạp diễn, rồi mỉm cười khi thực hiện những tiết mục phi thường bằng phong thái trông rất nhàn nhã — theo một cách không khác biệt mấy so với những bậc tiền nhân của họ, những người đã từng lưu diễn trên các chiếc xe ngựa kéo trước đây. Không hiểu vì sao, những đứa trẻ như chúng tôi lại nuối tiếc điều đó.
Sau đó, người đàn ông bán xúc xích, những người hướng dẫn chỗ ngồi, những nhân viên bãi đậu xe, và rất nhiều người khác trong các vai trò thầm lặng xuất hiện trở lại trong trang phục của những nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình. Những đứa trẻ cố gắng bỏ trốn để tham gia vào đoàn xiếc có lẽ đã sớm nhận ra rằng đó là một cuộc sống khó nhọc, và hầu hết những người biểu diễn xiếc đều đóng nhiều vai trò trong suốt quá trình biểu diễn — bên cạnh đó là vô vàn các nhiệm vụ khác, bao gồm việc dàn dựng [trước buổi biểu diễn] và tháo dỡ sân khấu [khi buổi biểu diễn kết thúc].
Một bài học lớn
Khi một nhóm diễn viên nhào lộn trẻ tuổi bước ra lớp mùn cưa để biểu diễn tiết mục của mình, có lẽ Mẹ tôi bắt đầu hối hận khi quyết định để chúng tôi ngồi phía trước. Những nữ nghệ sĩ đã biểu diễn thật tuyệt vời và thể hiện các màn biểu diễn dường như thật dễ dàng, nhưng những bộ trang phục trông có vẻ nhếch nhác. Ở vị trí ngồi của mình, chúng tôi không khỏi chú ý đến những vết rách trên trang phục của nghệ sĩ biểu diễn và điều đó làm mất đi một phần vẻ rực rỡ của tiết mục. Ai đó trong các anh em chúng tôi hẳn đã cười hoặc nói điều gì đó không phù hợp. Điều rõ ràng là, Mẹ thấy chúng tôi đã không dành sự tôn trọng đúng mực cho công sức phi thường của họ.
Nếu nhắc về mẹ của chúng tôi, thì bà đúng là một giáo viên tuyệt vời. Chẳng phải bà luôn nói với chúng tôi rằng sau khi học đại học, lẽ ra mẹ tôi đã trở thành một giáo viên ở miền bắc Virginia, chiến đấu với cái mà mẹ tôi gọi là “trận chiến thứ ba của Manassas,” ám chỉ đến hai cuộc Nội chiến thực sự đã diễn ra ở đó hay sao? Trải nghiệm đó có thể đã dẫn đến việc bà quyết định theo học cử nhân vật lý và cuối cùng là gia nhập bộ phận kỹ thuật của nhà máy Glenn L. Martin, nơi chế tạo thủy phi cơ trong chiến tranh. Qua nhiều năm, Mẹ tôi đã phát triển kỹ năng quan sát rất nhạy bén.
“Các con hãy quan sát các diễn viên nhào lộn khi họ bước ra khỏi cái vòng,” mẹ chỉ dẫn chúng tôi. “Hãy xem cách họ dừng lại và nhặt những mẫu than xỉ ra khỏi tay họ!” (Ở chỗ chúng tôi, chúng tôi gọi những mẩu sỏi nhỏ là “than xỉ.”) Thật vậy, những nghệ sĩ biểu diễn tươi cười, nhào lộn thanh thoát trên không trung giờ đây nhăn mặt vì đau đớn khi họ làm sạch đôi tay của mình. Lớp mùn cưa được trải quá mỏng trên mặt sàn một khu vực đậu xe không được tráng nhựa, và than xỉ đã lọt vào lòng bàn tay của các cô gái tội nghiệp khi họ thực hiện động tác trồng cây chuối thanh lịch. Họ đau đớn nhặt bỏ chúng. Khi có tín hiệu cho màn biểu diễn tiếp theo, nụ cười sẽ xuất hiện trở lại trên khuôn mặt họ. Sau đó, họ sẽ lại xuất hiện để biểu diễn trên cùng một đống mùn cưa thảm thương đó.
Chủ nghĩa anh hùng! Đó là những gì mẹ muốn chúng tôi nhìn thấy. Đây là một trong những bài học cuộc đời lớn nhất mà Mẹ dạy chúng tôi. Đó là điều mà tôi ghi nhớ đến tận bây giờ. Ngày hôm đó, Mẹ đã dạy chúng tôi rằng chúng tôi thường bỏ lỡ một sự thật giản dị là những người xung quanh chúng ta dường như bên ngoài trông rất bình thản, nhưng có thể họ đang mỉm cười trong nỗi đau mà chúng ta không nhìn thấy được. Chúng ta cần nhận ra những người có thể đang “nhặt than xỉ” ở giữa đời thường. Nếu chúng ta thực sự để tâm, thì chúng ta sẽ thấy rằng chủ nghĩa anh hùng luôn hiện hữu quanh mình.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times