Bác sĩ Nhật Bản: Gừng giúp ngăn ngừa lão hóa não và khiến bạn trẻ trung hơn
Khi con người già đi, bộ não cũng dần lão hóa và suy giảm chức năng, nhưng cách ăn uống có thể là chìa khóa để ngăn ngừa quá trình này. Tiến sĩ Takuji Shirasawa, bác sĩ phẫu thuật não người Nhật Bản, cho biết rằng gừng có thể giúp loại bỏ độc tố trong não, ngăn ngừa lão hóa não, cải thiện chứng sa sút trí tuệ, và tăng khả năng miễn dịch.
Gừng là một loại cây có nguồn gốc từ vùng biển Đông Nam Á và được du nhập vào Nhật Bản từ hơn 2,600 năm về trước. Rễ gừng được dùng rộng rãi trong ẩm thực Nhật Bản, có tác dụng giải tỏa mệt mỏi vào mùa hè, làm ấm cơ thể vào mùa đông và cải thiện hệ miễn dịch khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
Trong cuốn sách mới của mình, “Brain Detox Diet” (Tạm dịch: Cách ăn uống giúp thải độc bộ não), ông Shirasawa đề cập rằng bộ não của người hiện đại đã tích tụ rất nhiều độc tố, dần dần sẽ làm chậm chức năng não, gây ra chứng sương mù não, hay quên, sa sút trí tuệ và các triệu chứng khác. Sự tích tụ này thậm chí có thể dẫn đến những căn bệnh trầm trọng.
Bệnh Alzheimer là một bệnh rối loạn nhận thức do sự thoái hóa não gây ra. Não của bệnh nhân dần dần bị teo lại, ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tư duy, trí nhớ và các chức năng khác.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 được đăng trên tập san Integrative Medicine: A Clinician’s Journal, nhà thần kinh học người Mỹ, Tiến sĩ Dale Bredesen, đã tuyên bố rằng bốn yếu tố quan trọng góp phần gây ra bệnh Alzheimer bao gồm: viêm, độc tính, năng lượng, và dinh dưỡng.
Một cuốn sách khác do ông Shirasawa biên tập, “No No Wakagaeri Shoga Kenko Ho Tabete Nagaiki! Không Ga Ikiki!” (Phương pháp sức khỏe dựa trên gừng giúp não trẻ trung hơn), cũng đề cập đến lý thuyết của ông Bredesen và cho biết rằng gừng có tác dụng ngăn ngừa lão hóa não. Gừng có đặc tính chống viêm, chất curcumin và gingerols trong gừng cũng có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, do đó giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa não và cơ thể.
Gừng cũng có thể cải thiện chức năng thải độc của não, loại bỏ các độc tố tích tụ như kim loại có hại, nấm mốc, vi khuẩn nha chu, vi khuẩn đường ruột và các loại khác. Gừng làm giãn mạch máu ngoại vi, giúp cải thiện lưu lượng máu, khiến não thải độc tốt hơn, từ đó làm chậm quá trình lão hóa.
Ông Shirasawa khuyên mọi người nên kết hợp gừng vào các món ăn thông thường hàng ngày. Ngoài các món ăn có gừng, bạn có thể uống nước chanh gừng trước bữa ăn để đẩy nhanh quá trình tiải độc gan.
Đây là một ví dụ khác về khả năng cải thiện lưu lượng máu của gừng. Anh Minoru Iwate, một người làm việc cho một công ty lớn của Nhật Bản, kể lại trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, vào một ngày tháng 11/2021, khi đang đi bộ từ cơ quan về nhà, anh bỗng dưng không thể di chuyển chân phải của mình. “Tôi không thể cử động chân sau khi trải qua một cơn đau không thể diễn tả được trong khoảng 5 phút. Cơn đau kéo dài khoảng hai tuần và tôi đã nghĩ đến việc phải mua một cây gậy, khung tập đi hoặc thứ gì đó tương tự,” anh Iwate nói. “Trong thời gian này, tôi xem một video nói rằng gừng có thể có hiệu quả đối với các triệu chứng tương tự nên tôi đã thử. Chỉ sau hai ngày dùng gừng, chứng tê chân của tôi đã biến mất.”
Ngoài tác dụng phục hồi trí não, gừng còn có rất nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe. Ông Saito, dược sĩ tại một hiệu thuốc ở Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng gừng có chứa các hợp chất tích cực giúp cải thiện nồng độ insulin cũng như quá trình chuyển hóa. Điều này là do việc tăng mức insulin có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường. Uống trà gừng cũng có thể giảm hôi miệng.
Theo ông Saito, gừng được dùng rộng rãi ở Nhật Bản. Người Nhật thích ăn cá sống và thịt sống thái mỏng với gừng. Ăn gừng theo cách này có tác dụng diệt khuẩn và có thể làm giảm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Ông cho biết gừng cũng thường được nấu với thịt lợn thái lát và ăn với mì chay vào mùa hè, giúp cơ thể đổ mồ hôi và thải nhiệt dư thừa gây khó chịu. Gừng cũng có thể làm giảm sưng. Vào mùa đông, gừng có thể kích thích tuần hoàn máu và làm ấm cơ thể.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times