Diếp cá là ‘chất kháng sinh tự nhiên’, có thể kháng khuẩn tiêu viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng
Rau Diếp cá (ngư tinh thảo) là một vị thuốc Trung y thường được sử dụng, có thể gọi là chất kháng sinh tự nhiên, có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm, thanh nhiệt giải độc, tiêu phù lợi tiểu, rất hiệu quả trong điều trị viêm đường hô hấp, viêm đường tiết niệu, cảm mạo. Sở dĩ loại cây này có tên như vậy là vì thân và lá của nó khi bị nghiền nát thì có mùi tanh như cá.
Tác dụng của rau Diếp cá
Trung y cho rằng, rau Diếp cá có vị cay tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu phù trị lở loét, lợi tiểu trừ thấp, kiện vị tiêu thực, có thể trị các chứng nhiệt như nhiệt độc, viêm sưng phổi, lở loét, phù nề, trĩ và loét dạ dày.
Mặc dù rau Diếp cá tính hàn, nhưng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng khả năng thực bào của bạch cầu, thúc đẩy quá trình tái tạo mô, mở rộng mao mạch, tăng lưu lượng máu lưu thông.
Rau Diếp cá là một loại kháng sinh tự nhiên, mùi hương đặc biệt và hơi khó chịu của nó có nguồn gốc từ Decanoyl acetaldehyde. Đây là thành phần kháng khuẩn rất quan trọng, có tác dụng ức chế mạnh đối với các loại vi khuẩn rất độc như vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Phế cầu khuẩn (Pneumococcus).
Rau Diếp cá chứa Quercetin, có khả năng ức chế virus, có tác dụng lợi tiểu tiện. Tính kháng viêm của rau Diếp cá rất mạnh, hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm cổ tử cung, ho gà, viêm kết mạc, nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra, nó cũng chứa lượng vitamin A và vitamin C rất cao.
Cách dùng rau Diếp cá và những chú ý kiêng kỵ
Khi chọn rau Diếp cá nên chọn những cây có lá màu xanh đậm, có hoa, mùi vị nồng đậm. Rau Diếp cá có thể được làm món xào hoặc làm món gỏi, thậm chí có thể được chế biến ướp ngâm thành món dưa muối, có vị chua thơm giòn mát, rất ngon miệng.
Nếu bị cảm mạo do phong nhiệt, bị bệnh mụn rộp nước (do nhiễm Herpes virus) hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, thì nên ăn sống rau Diếp cá; nếu cơ thể tương đối yếu thì nên nấu chín rau Diếp cá rồi dùng sẽ tốt hơn.
Bài viết do Đặng Chính Lương (Giám đốc Phòng khám Trung y Tế Đức, Đài Loan) thực hiện
Lâm Phương Vũ biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ