Bắc Kinh thực hiện thêm các bước (chưa thỏa đáng) để khắc phục cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc
Sau hai năm lưỡng lự, Bắc Kinh cuối cùng đã bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính/địa ốc của Trung Quốc một cách nghiêm túc — nhưng nhiêu đó thôi vẫn là chưa đủ.
Bắc Kinh đã thực hiện thêm một bước nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng địa ốc dai dẳng và hậu quả tài chính từ cuộc khủng hoảng này.
Mục đích là nhằm giảm bớt khoảng cách tài trợ ước tính trị giá 3.2 ngàn tỷ nhân dân tệ (446 tỷ USD) giữa các nhà phát triển địa ốc quốc gia và do đó, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh tính chất thăm dò của những nỗ lực trước đó của Bắc Kinh, nỗ lực mới nhất này có vẻ hết sức mạnh mẽ, nhưng dù sao cũng là chưa đủ để giải quyết nhiệm vụ trước mắt.
Sáng kiến mới nhất này có ba phần cơ bản. Bắc Kinh đang kêu gọi các ngân hàng trong nước tăng cường tài trợ cho các nhà phát triển địa ốc. Vì hầu hết các ngân hàng đều thuộc sở hữu nhà nước nên chắc chắn họ sẽ đáp ứng. Sự thúc giục mới này hoàn toàn trái ngược với những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn 2020-2021, khi chính quyền bắt đầu hạn chế nguồn tài chính cho các nhà phát triển. Bản thân chính sách bỏ đói đó đã là một sự đảo ngược hoàn toàn so với chính sách lâu năm trước đây của Bắc Kinh là thúc đẩy phát triển địa ốc. Hơn bất cứ điều gì khác, quyết định năm 2020 là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này ngay từ đầu. Giờ đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đi trọn một vòng tròn: thúc đẩy bằng nguồn tài chính dễ dàng, bỏ đói không tài trợ các nhà phát triển, rồi lại thúc đẩy. Một công việc quản lý kinh tế không thể tệ hơn được nữa.
Phần thứ hai trong nỗ lực của Bắc Kinh là cho phép các ngân hàng ứng trước các khoản vay ngắn hạn không có bảo đảm cho các nhà phát triển. Trước khi xảy ra sự đảo ngược mới nhất này, tài sản được đề cập luôn là tài sản thế chấp bảo đảm nguồn tài chính cho thi công. ĐCSTQ hy vọng rằng việc cung cấp các khoản vay không có bảo đảm sẽ cho phép các nhà phát triển gặp khó khăn có thể hoàn trả các khoản vay hiện tại vốn đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng mà các công ty này thiếu nguồn lực để giải quyết.
Phần thứ ba trong chương trình của ĐCSTQ là bảo đảm sự tham gia của giới lãnh đạo quốc gia trong việc lựa chọn nhà phát triển nào sẽ nhận được sự trợ giúp này. Bắc Kinh sẽ cung cấp cho các tổ chức cho vay một “danh sách trắng” gồm 50 nhà phát triển đủ điều kiện — các mối quan hệ chính trị chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phương trình chính sách. Danh sách đầy đủ vẫn chưa có, nhưng có vẻ như đại gia địa ốc Bích Quế Viên (Country Garden) cũng như công ty quốc doanh Vạn Khoa (China Vanke) đều có tên trong đó.
Phần hứa hẹn nhất của dòng tín dụng mới này là nó sẽ cho phép các nhà phát triển hoàn thiện khoảng 20 triệu căn hộ mà người mua nhà đã trả trước. Nếu người mua có thể sở hữu những căn hộ này, thì tình trạng bất ổn xã hội của Trung Quốc sẽ giảm bớt đáng kể. Việc hoàn thiện các căn hộ này cũng sẽ giảm bớt phần lớn căng thẳng tài chính cho hệ thống vì cho đến nay, những người mua này đã từ chối thanh toán các khoản thế chấp mà họ đã vay để mua trước các căn hộ này ngay từ đầu. Có lẽ, một khi những người này nắm quyền sở hữu, họ sẽ bắt đầu trả những khoản vay thế chấp này, giảm tải cho ngân hàng những gì mà hiện nay trông giống như một khoản nợ khó đòi lớn.
Tuy nhiên ngoài hiệu ứng đáng hoan nghênh này, thì các hành động của Bắc Kinh sẽ chỉ có tác dụng tạm thời đẩy lùi những rắc rối tài chính. Nhà phát triển nào nhận được dòng tín dụng mới thì sẽ có thể hoàn thành các tòa nhà mà họ đã ký hợp đồng, nhưng ngoài đó ra, thì công ty vẫn sẽ có rất ít triển vọng cho một dòng tiền đầy đủ. Tiền mặt trả trước cho các căn hộ đã được đổi chủ từ lâu. Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay có rất ít triển vọng phát triển hơn nữa để cung cấp cho các công ty này đủ nguồn vốn để trả nợ, dù là theo chương trình cũ hay chương trình mới của Bắc Kinh.
Kết quả là các tổ chức tài chính của Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì các khoản tín dụng này. Về phương diện này, các dòng tín dụng mới là một biến thể của câu nói cũ đầy mỉa mai trong ngành ngân hàng: “gia hạn và giả vờ.” Theo đó, khi đối mặt với một khoản vay không trả được, nhà băng sẽ kéo dài thời gian đáo hạn với hy vọng viển vông rằng bằng cách nào đó, vào một ngày nào đó trong tương lai, người vay khất nợ sẽ có đủ nguồn lực để hoàn trả số tiền còn nợ.
Trừ phi Bắc Kinh giải quyết lỗ hổng tài chính vẫn luôn tồn tại này, nếu không thì cuộc khủng hoảng tài chính sẽ tiếp tục vào một ngày nào đó trong tương lai, khi các nhà phát triển công bố rằng họ vẫn không thể trả số tiền họ nợ. Các chủ ngân hàng Trung Quốc có thể thấy trước điều này. Họ biết rằng họ vẫn phải đối mặt với khoản nợ xấu rất lớn và do đó, khả năng tài trợ của Trung Quốc cho các dự án khác được cho là hứa hẹn hơn, chẳng hạn như quyết định mới nhất của ĐCSTQ về việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, sẽ phải chịu hạn chế. Những thiệt hại do những người vay không trả nợ gây ra trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ chỉ làm nghiêm trọng thêm các vấn đề của các tổ chức tài chính cũng như ngành tài chính Trung Quốc nói chung.
Những bước đi gần đây của ĐCSTQ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nặng nề và dai dẳng này là chưa đủ so với nhu cầu hiện tại và chắc chắn sẽ không đủ cho tương lai. Cả ngành tài chính, nền kinh tế, lẫn giới lãnh đạo Trung Quốc đều không thể vô can trong vấn đề hệ trọng này. Giải pháp khắc phục sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải hành động nhiều hơn và táo bạo hơn, và không rõ liệu ĐCSTQ đã sẵn sàng đương đầu với thách thức hay chưa.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times