Bắc Kinh tăng cường tuyên truyền chống Hoa Kỳ sau bài diễn văn tại Munich của nhà ngoại giao hàng đầu
Các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ bám sát vào các cáo buộc trục lợi, ‘cướp bóc trắng trợn’
Trung Quốc đã khá bận rộn lên án Hoa Kỳ trong hai tuần qua, thông qua cả hai kênh ngoại giao lẫn tuyên truyền.
Ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, đã chỉ trích gay gắt Hoa Kỳ tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức hôm 17-19/02.
Tiếp đến là các cuộc tấn công trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó có việc một phát thanh viên truyền hình nổi tiếng chỉ trích Hoa Kỳ vì tội “cướp bóc trắng trợn”. Cuối cùng là, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ trục lợi, cho rằng Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho cuộc chiến Nga-Ukraine.
Một chuyên gia về Trung Quốc tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang bộc lộ một lập trường đối đầu công khai với Hoa Kỳ.
Nhà ngoại giao hàng đầu yêu cầu Hoa Kỳ ‘sửa sai’
Ông Vương Nghị, trưởng ban đối ngoại mới được bổ nhiệm của ĐCSTQ, đã nói chuyện tại Hội nghị An ninh Munich hôm 18/02, đổ lỗi Hoa Kỳ gây tổn hại cho mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc bằng hành vi “điên cuồng”.
Ông Vương bình luận về vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị Ngũ Giác Đài bắn hạ.
“Điều động một chiến đấu cơ tân tiến để bắn hạ một khinh khí cầu bằng một hỏa tiễn, hành vi như vậy là không thể tin được, gần như là điên cuồng,” ông nói.
“Trên khắp thế giới có rất nhiều khinh khí cầu, và nhiều quốc gia khác nhau có chúng, vậy Hoa Kỳ sẽ bắn hạ tất cả các khinh khí cầu đó sao?” ông Vương nói tiếp. “Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ thể hiện sự chân thành của mình và sửa chữa các sai lầm, đối mặt và giải quyết vụ việc này, vốn gây tổn hại đến mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Sau cuộc họp, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa ra một tuyên bố nhắc lại rằng ông Vương đã làm rõ lập trường của Bắc Kinh về “cái gọi là sự cố khí cầu” và kêu gọi Tòa Bạch Ốc “thay đổi hướng đi” và “thừa nhận và sửa chữa thiệt hại do việc sử dụng vũ lực quá mức gây ra cho mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Ông Vương nhấn mạnh sức mạnh của mối bang giao Trung-Nga
Ông Vương nhấn mạnh rằng cả hai bên nên “cam kết cởi mở và hợp tác, chống lại việc tách rời và cắt đứt các chuỗi công nghiệp và cung ứng, đồng thời hợp tác để bảo đảm sự ổn định của chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu”, một tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết.
Trước đó, trình bày tại một phiên thảo luận tại hội nghị này, ông Vương nhắc lại lời kêu gọi đối thoại và đề nghị các nước Âu Châu “bình tĩnh suy nghĩ” về cách thức chấm dứt chiến tranh.
Ông cũng cho biết có “một số lực lượng dường như không muốn các cuộc đàm phán thành công, hoặc không muốn đàm phán để cuộc chiến sớm kết thúc,” mà không nói rõ ông đang đề cập đến ai.
Sau hội nghị Munich, ông Vương đến Moscow và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/02. Theo các nguồn tin của Nga, ông Putin ca ngợi tình hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời nói rằng ông đang mong chờ chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp, ông Vương nói rằng mối bang giao Nga-Trung đã “trưởng thành, kiên cường và ổn định”, theo truyền thông Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao: ‘Nguồn vũ khí lớn nhất’ của Hoa Kỳ ở Ukraine
Hôm 23/02, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chủ trì một cuộc họp báo thường kỳ. Trả lời một câu hỏi về thông tin tình báo của chính phủ Tổng thống Biden rằng ĐCSTQ có thể đang cân nhắc hỗ trợ vũ khí cho Nga, ông Vương nói rằng Hoa Kỳ đang “đuổi theo những cái bóng và bôi nhọ” Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng Hoa Kỳ là “nguồn vũ khí lớn nhất” trên chiến trường tại Ukraine.
Trong một cuộc họp báo trước đó hôm 21/02, ông Vương cáo buộc rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ đang thu lợi từ cuộc chiến này, và nói rằng Hoa Kỳ nên “ngừng thổi bùng ngọn lửa hoặc trục lợi từ” cuộc xung đột đó.
‘Tờ 100 USD chỉ đáng giá 17 xu’
Hôm 21/02, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đăng một bài bình luận cho rằng Hoa Kỳ “đã lạm dụng quyền bá chủ của mình đến mức cực đoan” và “đã đứng ở phía đối lập với xu hướng tiến bộ của thế giới”. Bài báo cáo buộc Hoa Kỳ là “kẻ gây rối, kẻ hủy diệt trật tự, và kẻ tạo ra bi kịch lớn nhất trên trường thế giới.”
Ngay sau đó, người dẫn chương trình đài truyền hình nhà nước CCTV Kang Hui đã chỉ trích Hoa Kỳ vì nắm quyền bá chủ trên nhiều mặt. Người dẫn chương trình này lặp lại một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc về đồng tiền của Hoa Kỳ, và đẩy tình hình lên một bậc.
“Với tờ 100 USD chỉ tốn 17 xu để in, Hoa Kỳ khiến các quốc gia khác cung cấp cho họ hàng hóa hoặc dịch vụ trị giá 100 USD. Chẳng phải là cướp bóc trắng trợn sao?” người dẫn chương trình này nói, chỉ trích “quyền bá chủ kinh tế” của Hoa Kỳ.
Nhận xét của ông Kang đã tạo ra sự thảo luận rộng rãi trên internet Trung Quốc. Ngay sau đó, cổng thông tin NetEase của Trung Quốc đã công bố một bài báo phản bác của cư dân mạng chống lại ông.
“Chi phí sản xuất tờ 100 USD và giá trị của tờ 100 USD là hai khái niệm khác nhau, mà bất kỳ học sinh tốt nghiệp trung học nào cũng nên biết,” bài báo viết. “Giá trị của đồng tiền của một quốc gia có chủ quyền nằm ở uy tín quốc gia của quốc gia đó. Chính vì tất cả các quốc gia trên thế giới đều tin tưởng vào uy tín của chính phủ Hoa Kỳ, nên tờ 100 dollar Mỹ với chi phí sản xuất là 17 xu có giá trị 100 USD hàng hóa và dịch vụ. Ngược lại, chi phí sản xuất tờ 100 nhân dân tệ của quý vị là bao nhiêu? Quý vị cũng không yêu cầu mọi người cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương 100 Nhân dân tệ khi quý vị thanh toán bằng Nhân dân tệ ư?”
Bài báo này cũng cho biết, “Nếu quý vị cảm thấy đồng tiền của Hoa Kỳ là bá chủ và Hoa Kỳ đang cướp bóc của quý vị, thì quý vị có thể chọn không sử dụng đồng dollar Mỹ … Tại sao các quốc gia khác không muốn sử dụng đồng tiền của quý vị? Hành động trách mắng của quý vị thực ra là chỉ trích chính quý vị!”
Chuyên gia Trung Quốc: Chiến lược của ĐCSTQ gồm ba phần
Nhà bình luận thời sự và cũng là chuyên gia về Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ Thạch Sơn (Shi Shan) gần đây nói với Đài truyền hình NTD rằng hội nghị Munich phản ánh ba quan điểm chính của ĐCSTQ. Thứ nhất, ĐCSTQ và Hoa Kỳ sẽ tham gia vào một cuộc đối đầu toàn diện, với những xung đột leo thang; Thứ hai, Trung Quốc hy vọng sẽ gieo rắc bất hòa giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ củng cố các mối quan hệ với Nga và Iran.
Ông Thạch cho biết bài diễn văn tại Munich của ông Vương gợi ý rằng tất cả các quốc gia nên thận trọng với những lo ngại an ninh của bản thân họ, nhắc đến nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Hàm ý: Nga là nạn nhân trong một cuộc chiến do NATO và Hoa Kỳ khiêu khích.
Đọc ra ẩn ý này, ông Thạch nói, “Khi ông Vương Nghị nói rằng ông ấy ủng hộ quyền tự chủ trong chính sách của châu Âu, thì ông ấy có ý nói rằng các chính sách của châu Âu không được soạn thảo một cách độc lập và do Hoa Kỳ và NATO kiểm soát.”
Ngoài ra, ông Thạch cho biết tuyên bố của ông Vương rằng hòa bình nên đạt được thông qua đối thoại và đàm phán là tương tự với một tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Nga.
Tuyên bố của ông Vương nói rằng Trung Quốc phản đối “các cuộc tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân” có thể được xem là một sự ám chỉ đến việc quân đội Nga chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine. Tuy nhiên, ông Thạch cho biết tuyên bố này cũng có thể ám chỉ đến Iran, “bởi vì bản thân các cơ sở và phòng thí nghiệm hạt nhân của Iran luôn bị phá hủy hoặc bị tấn công. Vì vậy, đề nghị của ĐCSTQ tương đương với việc lên tiếng thay cho Iran.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times