Bắc Kinh im lặng trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel làm dấy lên lo ngại về vai trò của nước này trong nền chính trị Trung Đông
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp ba nhà lãnh đạo Trung Đông trước các cuộc tấn công của Hamas.
Chế độ cộng sản Trung Quốc đã không lên án các cuộc tấn công của Hamas, nhóm khủng bố Palestine, vào Israel và vụ thảm sát thường dân Israel kể từ khi vụ việc xảy ra vào thứ Bảy tuần trước (07/10).
Trong khi đó, các hãng truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền đã đăng một bài cảnh báo Hoa Kỳ: “Nếu quý vị can thiệp vào việc chúng tôi chiếm Đài Loan, thì chúng tôi sẽ gây rối với Israel của quý vị.”
Cuộc gặp mặt trực tiếp mới đây của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình với ba nhà lãnh đạo Trung Đông trước các cuộc tấn công đã thu hút sự chú ý của quốc tế.
Hồi thứ Bảy tuần trước (07/10), Hamas đã bắn hàng ngàn hỏa tiễn vào Israel trong khi một số lượng lớn những kẻ khủng bố lẻn vào nước này, sát hại hơn 1,200 người dân Israel và bắt 100 – 150 con tin trở về Gaza. Quân đội Israel đã phát động các cuộc phản công và chính phủ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo đã tuyên chiến với Hamas.
Trong khi các nước dân chủ trên toàn thế giới lên án các cuộc tấn công và hành động tàn bạo của Hamas, thì hôm 08/10, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ nói rằng họ lo ngại sâu sắc về “sự leo thang căng thẳng và bạo lực giữa Palestine và Israel” đồng thời kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức.”
Một lần nữa họ lại đề cập đến “giải pháp hai nhà nước” và kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Hôm 08/10, trên mạng xã hội X, Đại sứ quán Israel tại Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền ĐCSTQ lên án các cuộc tấn công của Hamas nhưng Bộ ngoại giao của ĐCSTQ đã từ chối làm việc này.
Hôm 11/10, ông Trạch Tuấn (Zhai Jun), đặc phái viên của ĐCSTQ tại Trung Đông, đã có cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao hàng đầu của Palestine, ông Amal Jadou, về tình hình giữa Israel và Palestine.
Theo các hãng truyền thông chính thức của Trung Quốc, ông Trạch bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh và nhân đạo ở Palestine và ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine.
Các quan chức của Bộ Ngoại giao Palestine cảm ơn ĐCSTQ vì sự ủng hộ lâu dài dành cho Palestine và nói rằng Palestine “tin tưởng” ĐCSTQ.
‘Đài Loan đổi lấy Israel’
Ifeng.com, một hãng truyền thông chính thức của ĐCSTQ được thành lập tại Hồng Kông, đã đăng một bài báo hôm 07/10 với tiêu đề “Nếu quý vị can thiệp vào việc chúng tôi chiếm Đài Loan, thì chúng tôi sẽ gây rối với Israel của quý vị; Trung Quốc sẽ tạo ra những đột phá trong ba phương diện ở Syria.”
Bài báo chỉ trích những hành động của Hoa Kỳ ở Biển Đông và cho rằng Hoa Kỳ đã cản trở việc Đài Loan “trở về” với Trung Quốc và Trung Quốc đã chịu đựng điều đó quá lâu rồi.
Bài báo viết, “Lần này, Trung Quốc sẵn sàng phản công Hoa Kỳ, thiết lập mối hợp tác chặt chẽ với Syria, và tấn công Israel, vốn là quân cờ của Mỹ.”
Bài viết đã bị xóa khỏi ifeng.com hôm 09/10, nhưng vẫn có thể được tìm thấy trên Toutiao, một nền tảng nội dung thông tin và tin tức của Trung Quốc thuộc sở hữu của ByteDance, công ty mẹ của TikTok.
Cây viết kiêm nhà bình luận thời sự Thái Thậm Khôn (Cai Shenkun) nói với The Epoch Times hôm 09/10 rằng cuộc tấn công của Hamas đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ông nói: “Đó là một cuộc tấn công quy mô lớn, có độ rủi ro cao, có thể dùng làm hành động tham chiếu tuyệt vời cho kế hoạch xâm chiếm Đài Loan của ĐCSTQ.”
Ông Thái Thậm Khôn cho rằng ĐCSTQ có thể đã học được từ thành công của cuộc tấn công bất ngờ của Hamas để đối phó với Đài Loan sau này.
“Bởi vì sự hỗn loạn ở Israel và toàn bộ Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như vai trò của nước này ở Eo biển Đài Loan. Sự hỗn loạn sẽ khiến các nước phương Tây mất tập trung và họ sẽ bận rộn đến mức không thể đáp trả [khi Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan]. Nếu cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không thể được giải quyết ổn thỏa thì sẽ sớm có nguy cơ xảy ra chiến tranh [ở Eo biển Đài Loan],” ông nói.
“Hamas đã có thể có được hàng ngàn hỏa tiễn dưới lệnh cấm vận vũ khí toàn diện, mà điều này cho thấy họ chắc chắn được trợ giúp bởi các cường quốc lớn hơn. Không chỉ Iran; tôi tin rằng Trung Quốc và Nga đã đóng một vai trò trong việc này.”
Một bài báo của Wall Street Journal hôm 08/10 cho biết, Iran đã giúp Hamas dàn dựng vụ tấn công, bên cạnh sự viện trợ lâu dài về kinh phí, vũ khí, và huấn luyện cho nhóm khủng bố mà Hoa Kỳ đã công nhận này.
Năm 2021, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác 25 năm với Iran để rót 300-400 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc vào các ngành công nghiệp dầu khí và hóa dầu của Iran, giúp ổn định và củng cố nền kinh tế của chế độ Trung Đông này vốn đang trên bờ vực của sự sụp đổ.
ĐCSTQ cũng đã cung cấp cho Iran công nghệ và các sản phẩm công nghệ cao.
Ông Tập gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Đông
Mặc dù ông Tập rất hiếm khi gặp gỡ các quan chức ngoại quốc trong những năm gần đây, nhưng ông đã gặp các nhà lãnh đạo Palestine, Iran, và Syria trong những tháng vừa qua trước các cuộc tấn công của Hamas.
Hôm 14/06, ông Tập đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Bắc Kinh. Tại đây, ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước Palestine. Ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc “luôn ủng hộ vững chắc sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palestine trong việc khôi phục các quyền quốc gia hợp pháp của họ và thúc đẩy một giải pháp ban đầu toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine.”
Vào thời điểm đó, Trung Quốc và Palestine tuyên bố thiết lập “một mối quan hệ đối tác chiến lược.”
Hôm 24/08, ông Tập đã gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS ở Johannesburg, Nam Phi. Tại hội nghị thượng đỉnh này, ĐCSTQ ủng hộ Iran trở thành thành viên chính thức của BRICS.
Tại Đại hội Thể thao Á Châu Hàng Châu vừa kết thúc hôm 09/10, ĐCSTQ đã mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad đến tham dự lễ khai mạc, đồng thời dành riêng một chiếc phi cơ đặc biệt cho ông để di chuyển. Ông Tập cũng cùng ông Assad đến thăm chùa Linh Ẩn, một trong những ngôi chùa Phật Giáo lớn nhất Trung Quốc.
Hamas đã khôi phục ban giao với Syria vào năm 2022. Một nhóm khủng bố ủy nhiệm khác của Iran là Hezbollah ở Syria, cũng đã tham gia các cuộc tấn công vào Israel, bắn hỏa tiễn từ phía bắc vào Israel.
Ông Tô Tử Vân (Su Tze-yun), Giám đốc Viện Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng tại Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 09/10 rằng cộng đồng quốc tế đã không bỏ qua ba cuộc gặp gỡ đó của ông Tập.
“Cộng đồng quốc tế hiện nghi ngờ hơn về việc liệu ĐCSTQ có gián tiếp cung cấp hỏa tiễn mà Hamas sử dụng thông qua một bên thứ ba như Iran hay không, vì truyền thông Đức từng đưa tin rằng hỏa tiễn của Hamas được sản xuất tại Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có cung cấp cho Hamas nguyên liệu thô để chế tạo hỏa tiễn hay không?” ông nói.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times