Bắc Kinh gây lo ngại khi tìm cách sở hữu công nghệ thông qua các mạng lưới không chính thức
Một nhóm học giả người Hoa ở Vương quốc Anh đã được giới thiệu về các dự án do một công ty hợp tác với các nhà sản xuất hỏa tiễn và phi đạn hàng đầu Trung Quốc tiến hành.
Một nhóm nhân viên đại học người Hoa ở Vương quốc Anh đã làm dấy lên lo ngại về an ninh sau khi Bắc Kinh tập hợp nhóm này để trợ giúp cho chiến dịch gây ảnh hưởng và những nỗ lực chuyển giao công nghệ của mình.
Hiệp hội Nhân viên Trung Quốc trong Giáo dục Đại học Vương quốc Anh (HECEA) đã chịu sự giám sát chặt chẽ sau khi một sự kiện mà hiệp hội này tổ chức vào năm 2023 được sử dụng để kết nối các nhà nghiên cứu với các tổ chức có liên hệ chặt chẽ với tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc.
Sự giám sát này diễn ra trong bối cảnh Phó Thủ tướng Anh Oliver Dowden cảnh báo về những rủi ro an ninh kinh tế và học thuật khi giao thương với các chế độ chuyên quyền, trong đó có Trung Quốc cộng sản.
Trong những năm gần đây, chính phủ Vương quốc Anh đã thực hiện các bước để thu hẹp các lỗ hổng an ninh, bao gồm thắt chặt kiểm soát xuất cảng và ban hành luật mới yêu cầu các đại diện ngoại quốc phải ghi danh hoạt động của họ. Tuy nhiên, lễ thành lập ủy ban điều hành của HECEA đã làm dấy lên những lo ngại mới về chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự và chuyển giao công nghệ thông qua mạng lưới các công ty tư nhân và các hiệp hội nghề nghiệp của Bắc Kinh.
Buổi lễ tổ chức hôm 26/08/2023 đã được Nouvelles d’Europe, một hãng truyền thông hoạt động trên khắp châu Âu và được cho là do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát, đưa tin bằng tiếng Hoa.
Theo bản tin này, các thành viên đã được trao cơ hội việc làm tại một trường đại học có liên kết chặt chẽ với quân đội Trung Quốc.
Họ cũng được giới thiệu về các dự án do một công ty có liên kết với các nhà sản xuất hỏa tiễn, vệ tinh, và phi đạn hàng đầu của Trung Quốc tiến hành.
Ông Jeffrey Stoff, giám đốc Trung tâm Liêm chính và An ninh trong Nghiên cứu (CRSI), người đã làm việc gần hai thập niên trong chính phủ Hoa Kỳ trên cương vị là nhà phân tích và nhà ngôn ngữ học về Trung Quốc, cho biết HECEA có thể là một trong nhiều tổ chức thực hiện những nhiệm vụ tương tự ở Vương quốc Anh và cảnh báo rằng những hoạt động như vậy mặc dù không trái pháp luật, nhưng có thể “gây ra rủi ro cho cả an ninh quốc gia và an ninh kinh tế.”
Ông Charles Parton, người từng là một nhà ngoại giao và cộng tác viên cho Hội đồng Địa chiến lược và Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), cho biết chính phủ Anh nên hạn chế những mối quan hệ hợp tác có thể trợ giúp cho bộ máy giám sát hoặc quân đội của nhà nước Trung Quốc.
Nouvelles d’Europe cũng cho biết một nhà ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi các thành viên HECEA giúp phát triển mối quan hệ giữa Bắc Kinh và London và thúc đẩy các câu chuyện của ĐCSTQ.
Chuyển giao tài năng và công nghệ
Theo Nouvelles d’Europe, HECEA đã phát triển từ một nhóm trò chuyện riêng tư trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc lên thành một hiệp hội có hơn 200 thành viên, bao gồm các giáo sư, giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, và quản trị viên từ hơn 50 trường đại học và viện nghiên cứu của Anh, trong đó có Cambridge và Oxford.
Có vẻ như nhóm này chủ yếu hoạt động như một nền tảng kết nối để cung cấp sự giúp đỡ và trao đổi học thuật giữa các thành viên, nhưng nhóm này cũng được cho là đã bị chính quyền Trung Quốc thỏa hiệp để thúc đẩy các mục tiêu của Bắc Kinh.
Những người tham dự buổi lễ đã được thuyết trình về những cơ hội việc làm tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử Tây An của Trung Quốc và các dự án do nhà tài trợ sự kiện, Viện Đổi mới Hợp tác Bắc Kinh (BICI) tiến hành. Cả hai tổ chức này đều có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.
Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử Tây An ban đầu được thành lập như một chương trình đào tạo vô tuyến cho Hồng quân vào năm 1931. Cơ sở này có tên như hiện tại vào năm 1988.
Đại học này nằm dưới sự giám sát chung của các bộ giáo dục và công nghiệp quốc phòng của Bắc Kinh cũng như Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), và được xếp hạng rủi ro “rất cao” trên Hệ thống Theo dõi Đại học Quốc phòng Trung Quốc của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI).
Nghiên cứu của ASPI cho thấy trường đại học này đang điều hành ít nhất năm phòng thí nghiệm quốc phòng và là đối tác của tổ chức tình báo tín hiệu thuộc Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), dường như là nơi đào tạo quan trọng cho tin tặc của quân đội Trung Quốc, và sở hữu mức độ tín nhiệm bảo mật ở cấp độ cao vốn cho phép trường này làm việc trong các dự án vũ khí mật.
Trong khi đó BICI, một công ty tài trợ cho nghiên cứu và trợ giúp chuyển đổi công nghệ sang các công ty khởi nghiệp hoặc liên doanh, lại đang hợp tác với các nhà sản xuất hỏa tiễn hàng đầu Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược cạnh tranh kinh tế và công nghệ của nhà cầm quyền.
Công ty này là một trong hàng trăm trung tâm đổi mới hợp tác mọc lên khắp Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghệ nhanh chóng, và họ cũng nhận được tài trợ của chính quyền khi thành lập vào năm 2014.
Trong số các đối tác của họ có một số trường đại học có rủi ro “cao” và “rất cao” trong Hệ thống Theo dõi Đại học Quốc phòng Trung Quốc của ASPI, bao gồm Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, một trong “bảy đứa con của ngành quốc phòng” Trung Quốc chuyên về hàng không vũ trụ, bị đưa vào danh sách đen của chính phủ Canada hồi tháng Một.
Các đối tác của BICI cũng bao gồm năm viện nghiên cứu liên kết với hai tập đoàn hàng không vũ trụ sản xuất hỏa tiễn, vệ tinh, và phi đạn cho Trung Quốc — Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC).
Trang web của công ty cũng cho biết họ đã tham gia tổ chức vòng chung kết cuộc thi đổi mới và khởi nghiệp ở London vào tháng 11/2022.
Rủi ro an ninh
Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi (CSET) của Đại học Georgetown, Bắc Kinh sử dụng hàng chục phương tiện hợp pháp, bất hợp pháp, cũng như ngoài vòng pháp luật để thu thập các bí quyết của phương Tây, bao gồm thông qua các hiệp hội cựu sinh viên ở ngoại quốc, các hiệp hội nghề nghiệp người Hoa ở ngoại quốc, và các cuộc thi khởi nghiệp.
Trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn này cũng đã xem xét 208 hiệp hội nghề nghiệp của người Hoa ở hải ngoại vào năm 2020 và phát hiện ra rằng 126 hiệp hội trong số đó nêu rõ trên trang web rằng họ trao đổi thông tin kỹ thuật, đưa các nhà khoa học đến Trung Quốc, hoặc đóng góp vào các kế hoạch nhân tài cụ thể của Trung Quốc. Khoảng 6.3% các tổ chức này hoạt động ở Vương quốc Anh.
Mô tả về cách thức hoạt động điển hình của các mạng lưới này, ông Stoff nói với The Epoch Times rằng họ thường “được chính quyền Trung Quốc trực tiếp giao nhiệm vụ” tuyển dụng các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng để đưa về Trung Quốc, và “hoặc là giúp điều hành các phòng thí nghiệm và tổ chức nghiên cứu, hoặc là thiết lập các doanh nghiệp và chuyển giao các bí quyết của ngoại quốc về nước để làm lợi cho Trung Quốc.”
Ông nói, “Vì vậy, không thực sự rõ ràng nước chủ nhà Anh quốc được hưởng lợi như thế nào từ các hoạt động của một tổ chức như thế này khi về căn bản mục tiêu chính của họ là phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.”
Ông cũng cho biết có một kịch bản tiềm năng trong đó các tổ chức như BICI “về cơ bản khai thác các nghiên cứu ở cấp độ cao nhất tại các trường đại học của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, sau đó cố gắng tạo ra các ứng dụng công nghiệp thương mại và quốc phòng trong nghiên cứu của họ để làm lợi cho Trung Quốc.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo về chiến lược Hợp nhất Quân sự-Dân sự (MCF) của ĐCSTQ, vốn loại bỏ “các rào cản giữa các lĩnh vực thương mại và nghiên cứu dân sự của Trung Quốc, và các lĩnh vực công nghiệp quân sự và quốc phòng của họ.”
Bản tóm tắt của chiến lược này cho biết, MCF được thực hiện bằng cách tăng cường khả năng nghiên cứu trong nước của Trung Quốc và bằng cách “tiếp thu và chuyển hướng các công nghệ tân tiến của thế giới — bao gồm cả thông qua đánh cắp — để đạt được sự thống lĩnh về quân sự.”
Báo cáo đã liệt kê các công nghệ chính hiện đang là mục tiêu của MCF, bao gồm điện toán lượng tử, dữ liệu lớn, vi mạch bán dẫn, 5G, công nghệ hạt nhân tân tiến, công nghệ hàng không vũ trụ, và AI.
Báo cáo cho biết thêm, “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặc biệt tìm cách khai thác bản chất ‘lưỡng dụng’ vốn có của nhiều kỹ thuật trong số những công nghệ này, vốn sở hữu khả năng ứng dụng trong cả lĩnh vực quân sự lẫn dân sự.”
The Epoch Times không cáo buộc bất kỳ hành vi sai trái nào của các thành viên HECEA và không rõ họ đã được giới thiệu những công việc và dự án nào.
Ông Parton cho biết cần phải hiểu rõ liệu các dự án có liên quan đến công nghệ có thể bị sử dụng cho quân đội hoặc thiết bị giám sát hay không.
Ông nói với The Epoch Times: “Nếu những người này đang làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm, như quân sự hoặc giám sát để đàn áp, thì tôi nghĩ việc hạn chế họ trợ giúp cho một thế lực thù địch là đúng đắn.”
Ông cũng lập luận rằng ở cấp độ tiến sĩ và sau tiến sĩ, các chuyên gia của Hoa lục nên bị loại khỏi các lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm này, và những người xuất thân từ PLA hoặc làm trong ngành sản xuất vũ khí “không nên được phép tham gia nghiên cứu.”
Ông Stoff tin rằng sẽ hiệu quả hơn nếu tập trung vào các tổ chức có rủi ro cao nhất, có liên quan trực tiếp đến quân đội hoặc tham gia rộng rãi vào việc trợ giúp nghiên cứu quốc phòng.
Ông nói, những tổ chức này “đã xây dựng các chương trình, năng lực, nguồn lực, và kiến thức chuyên dụng” để chuyển hướng nghiên cứu sang mục đích quân sự.
Ông cũng cho biết nên có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như hợp tác về vấn đề quản lý và an toàn hạt nhân.
Hồi tháng Một, chính phủ Canada đã công bố một bản danh sách các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ nhạy cảm, cũng như một danh sách đen gồm 103 tổ chức ngoại quốc, trong đó có 85 trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc.
Theo quy tắc này, các dự án sẽ bị cấm nhận tài trợ của chính phủ Canada nếu có bất kỳ nhà nghiên cứu nào có liên kết với các tổ chức này hoặc đang nhận tài trợ hoặc hỗ trợ bằng hiện vật từ họ.
Chiến lược Mặt trận Thống nhất
Tại lễ khánh thành ủy ban điều hành của HECEA, chủ tịch đầu tiên và đương nhiệm của nhóm này, giảng viên cao cấp của Đại học Southampton, bà Hua Ping, người trước đây đã biện minh cho các chính sách của ĐCSTQ đối với Hồng Kông, Tân Cương, và Đài Loan, “đã lên án việc chính phủ Vương quốc Anh đàn áp các trao đổi học thuật bình thường với danh nghĩa ‘an ninh quốc gia,’” Nouvelles d’Europe cho biết.
Tùy viên Đại sứ quán Trung Quốc Lưu Hồng Mai (Liu Hongmei) và Lãnh sự Yu Kang cũng nằm trong số khách mời.
Theo bản tin, bà Lưu đã kêu gọi giới học giả góp phần vào trao đổi giữa Trung Quốc và Anh quốc và chống lại “sự phân biệt chủng tộc” cũng như “các thế lực phản Hoa” khác.
Bà nói: “Hãy là những người truyền bá văn hóa Trung Quốc, người kể câu chuyện của Trung Quốc, và là người đấu tranh cho sự hợp tác Trung-Anh.”
Kể “câu chuyện của Trung Quốc” là một phần trong chiến lược “Mặt trận Thống nhất” của ĐCSTQ, bao gồm việc quảng bá các câu chuyện của ĐCSTQ bằng các phương thức sáng tạo và dễ tiếp nhận. Thuật ngữ đó xuất phát từ một bài diễn văn của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đó yêu cầu các đảng viên “hãy làm tốt việc kể câu chuyện của Trung Quốc và truyền bá tiếng nói của Trung Quốc.”
Nỗ lực này do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ dẫn đầu, nhưng các thành viên ngoài đảng cũng có thể được yêu cầu tham gia, dù muốn hay không muốn, để giúp tiến hành chiến lược rộng hơn.
Cả HECEA của Vương quốc Anh và bà Hua đều không phúc đáp khi The Epoch Times hỏi liệu nhóm này có phải là một tổ chức đã ghi danh ở Vương quốc Anh hay không cũng như nguồn gốc và việc tài trợ cho nhóm.
Các chuyên gia về Trung Quốc kêu gọi sự minh bạch trong các nhóm hoạt động ở Vương quốc Anh.
Trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, ông Sam Dunning, Giám đốc Tổ chức Minh bạch Anh-Trung (UKCT), cho biết: “Nếu các tổ chức của Vương quốc Anh cộng tác hoặc làm việc chung với Đại sứ quán Trung Quốc hoặc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, thì họ nên minh bạch về điều này và nên hiểu là phải đối diện với sự giám sát của công chúng.”
Ông Stoff nói: “Tôi nghĩ ít nhất, những loại tổ chức như thế này cần phải minh bạch về việc họ là ai, họ hợp tác với ai, và liệu họ có nhận được tài trợ hoặc trợ giúp khác từ chính quyền Trung Quốc hoặc các tổ chức đại diện của chính quyền đó hay không. Và kiểu minh bạch này cũng nên áp dụng cho các trường đại học trong việc tiết lộ quà tặng và hợp đồng với chính quyền Trung Quốc.”
Ông nói, các nền dân chủ tự do như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ “đang chưa làm đủ đến gần mức cần thiết để giải quyết các vấn đề rõ ràng là liên quan đến sự thiếu minh bạch và liêm chính mà một số đối tác của Trung Quốc thể hiện.”
“Thế nhưng chúng ta vẫn tiếp tục hợp tác rộng rãi, và dường như chúng ta không xem bản thân việc này là một yếu tố rủi ro riêng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times