Bắc Kinh chiêu mộ phi công phương Tây để đào tạo nhân sự không quân
Chuyên gia: Phương Tây đang giúp ĐCSTQ trở thành mối đe dọa
Bắc Kinh đang chiêu mộ một số lượng lớn phi công Anh, Pháp, Úc, và Canada để đào tạo lực lượng không quân của mình. Ông Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Liên Trung tâm Tình báo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cảnh báo rằng phương Tây đang giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở thành một mối đe dọa.
Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh (MoD) cho biết họ tin rằng có tới 30 cựu phi công quân sự Anh đang tiến hành các khóa đào tạo ở Trung Quốc, đồng thời cho biết nước này đã liên lạc với nhiều người khác, bao gồm cả nhân sự Anh hiện đang tại ngũ. Mỗi phi công được trả 237,911 bảng Anh (khoảng 272,842 USD).
MoD nói rằng chính quyền Trung Quốc sử dụng các bên thứ ba để tìm ra các phi công Anh và phi công các nước phương Tây khác nhằm đào tạo cho phi công Trung Quốc cũng như hỗ trợ các công ty công nghiệp quốc phòng và viện nghiên cứu của nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Canada cho biết họ đang điều tra các tin tức cho biết chính quyền Trung Quốc có thể đang trả lương cao để chiêu mộ các phi công chiến đấu cơ Canada nhằm huấn luyện cho lực lượng không quân của ĐCSTQ.
Theo tờ báo Le Figaro của Pháp, Bắc Kinh đang đề nghị chiêu dụ các phi công Pháp đã về hưu để huấn luyện quân đội ĐCSTQ cách hạ cánh và cất cánh phi cơ từ các hàng không mẫu hạm và học hỏi chiến lược không quân của NATO. Một số phi công chiến đấu đã làm việc ở Trung Quốc trong vài năm qua, bao gồm cả một phi công đã về hưu từ Lực lượng Không quân Chiến lược.
Lý do đằng sau sự tiến bộ nhanh chóng của hàng không mẫu hạm Trung Quốc
Ông Carl Schuster nói rằng ở Hoa Kỳ, mọi người không được phép làm việc cho các chính phủ ngoại quốc khi chưa được chính phủ cho phép.
“Tôi không biết về Pháp và Anh, nhưng tôi nghĩ rằng xét một cách khả quan nhất thì đó là việc không khôn ngoan,” ông Schuster nói với The Epoch Times. “Chắc chắn điều đó giải thích tại sao Trung Quốc lại đạt được tiến bộ nhanh chóng một khi họ đóng xong một chiếc hàng không mẫu hạm.”
Quân đội của ĐCSTQ đang phát triển nhanh chóng, với một hạm đội gồm các hàng không mẫu hạm và các tham vọng thách thức vị thế của Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Theo tạp chí quân sự Trung Quốc “Military Technology”, trong vòng 10 năm tới, PLA sẽ cần đào tạo từ 100 đến 150 phi công hải quân mới để đáp ứng hạm đội mới này, và họ vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề.
Lý do khiến ĐCSTQ mở rộng quá trình chiêu mộ đến Pháp là vì các phi công Pháp đã thành thạo kỹ thuật cất cánh và hạ cánh bằng máy phóng phi cơ trên các hàng không mẫu hạm. Chiếc Phúc Kiến, hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc, được trang bị máy phóng điện từ, một công nghệ chỉ được Hoa Kỳ sử dụng và sẽ sớm được Pháp áp dụng. Trong khi đó, Vương quốc Anh đã sử dụng oanh tạc cơ Falcon cất cánh thẳng đứng từ những năm 1980.
Theo ông Schuster, kỹ thuật hạ cánh và cất cánh từ một hàng không mẫu hạm là rất khó, và thực hiện việc này một cách nhanh chóng lại càng khó hơn. Do đó, việc tuyển dụng các phi công phương Tây thực sự có thể giúp ĐCSTQ đẩy nhanh chương trình đào tạo hàng không phục vụ cho hàng không mẫu hạm của họ.
Trong năm 2012, các hãng truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin rằng quân đội Trung Quốc đã hạ cánh thành công một chiến đấu cơ lên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc. Do đó, ông Shuster phỏng đoán rằng ĐCSTQ có thể đã bắt đầu tuyển dụng các phi công ngoại quốc làm huấn luyện viên vào năm 2010.
‘Nối giáo cho giặc trước khi bước vào cuộc chiến’
Tuy nhiên, ông Shuster cho biết ông lo ngại hơn về việc các phi công phương Tây huấn luyện quân đội ĐCSTQ các chiến thuật tác chiến không đối không chứ không chỉ đơn giản là huấn luyện họ các kỹ năng cất cánh và hạ cánh trên hàng không mẫu hạm.
“Tôi nghĩ rằng việc những phi công này làm điều đó là không khôn ngoan … Quốc gia của họ cho phép họ làm điều đó cũng là không khôn ngoan,” ông nói. “Việc đó chẳng khác nào nối giáo cho giặc trước khi bước vào một cuộc chiến.”
“Tôi có thể hiểu rằng những phi công này chỉ muốn có tiền, chứ tôi không thể nào nhìn thấy một phi công yêu nước làm điều đó.”
Vị đại úy Hải quân đã về hưu này nói rằng lợi thế lớn nhất của việc ĐCSTQ tuyển dụng các phi công phương Tây là họ có thể đánh cắp kinh nghiệm chiến đấu của các phi công Pháp và Anh. Anh và Pháp đã tham gia vào Chiến dịch Lá chắn Sa mạc trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990.
“Khi quý vị nhìn vào cách họ tiếp cận một mục tiêu chiến thuật: họ làm thế nào để xâm nhập hệ thống phòng không, và họ làm gì sau khi họ xuất hiện từ cuộc tấn công đó? Đó là những chiến thuật quan trọng có thể bảo đảm các phi công sẽ sống sót trong thế giới tự nhiên,” ông Shuster nói. “Vì vậy, tôi nghĩ đó là lý do tại sao Trung Quốc chiêu mộ họ. Họ đang tìm cách mở rộng kinh nghiệm chiến thuật cũng như chương trình đào tạo của họ trong những bối cảnh đó.”
‘Đã giúp Trung Quốc trở thành mối đe dọa của phương Tây’
Ông Shuster tin rằng việc các phi công phương Tây giúp đỡ huấn luyện cho ĐCSTQ sẽ khiến chính quyền này trở nên nguy hiểm hơn.
“Đó là một ví dụ khác về việc phương Tây đã giúp Trung Quốc trở thành mối đe dọa đối với chính phương Tây. Đó là đang hỗ trợ kẻ thù của quý vị,” ông nói. “Khi họ lo ngại rằng có khả năng Trung Quốc sẽ xâm lược Biển Đông hoặc Đài Loan, thì lại có phi công của chính quý vị huấn luận không quân Trung quốc và [dạy họ] những chiến thuật có thể được sử dụng để đánh bại quý vị hoặc đánh bại Đài Loan, nếu điều đó vẫn chưa được nhìn nhận là phạm tội, thì [đã đến lúc] phải được nhìn nhận như vậy thôi.”
Về vấn đề này, MoD cho biết tất cả các quân nhân tại ngũ và cựu quân nhân đều bị ràng buộc bởi Đạo luật Bảo mật Chính thức.
Một phát ngôn viên MoD cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi đang thực hiện các bước dứt khoát để ngăn chặn các kế hoạch tuyển dụng của Trung Quốc vốn đang cố gắng chiêu mộ các cựu phi công và phi công tại ngũ của Lực lượng Vũ trang Vương quốc Anh nhằm đào tạo nhân sự cho Quân Giải phóng Nhân dân ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Ông James Heappey, Bộ trưởng Các lực lượng Vũ trang và Cựu chiến binh, cho biết chính phủ hiện đang tìm cách thay đổi luật để kỷ luật các phi công quân sự truyền đạt chuyên môn của họ cho quân đội Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ đưa vào luật rằng một khi mọi người đã nhận được cảnh báo đó, việc tiếp tục tiến hành và duy trì khóa đào tạo đó sẽ trở thành một hành vi phạm pháp,” ông Heappey nói với Sky News. “Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh đang đe dọa lợi ích của Vương quốc Anh tại nhiều nơi trên thế giới.”
Tại Canada, vi phạm Đạo luật Bảo mật Thông tin sẽ bị kết án 14 năm tù.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Canada Daniel Le Bouthillier cho biết: “Đạo luật Bảo mật Thông tin áp dụng cho cả quân nhân tại ngũ và cựu quân nhân, ngoài ra việc bất tuân Đạo luật này có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.”
Pháp chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Ông Schuster nói rằng nếu luật pháp của Anh và Pháp cho phép phi công của họ huấn luyện quân đội Trung Quốc, thì họ nên thay đổi luật của mình để điều đó trở thành bất hợp pháp.
Ông nói, “Hoa Kỳ, Pháp, và Anh nên điều tra việc này nhằm phát hiện xem việc này đã diễn ra được bao lâu và những ai đã và đang thực hiện việc đó.”
Theo Daily Mail, ĐCSTQ đang sử dụng một học viện không quân tư nhân ở Nam Phi làm nơi trung gian để tuyển dụng phi công, vì bất kỳ cuộc tiếp xúc trực tiếp nào giữa Bắc Kinh và các phi công lái phi cơ tốc độ cao của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh sẽ bị các cơ quan an ninh ngăn chặn. Học viện này mang tên là Học viện Bay Thử nghiệm của Nam Phi đặt tại Phi trường Otshoorn ở Western Cape.
Ông Schuster cho biết nếu một công ty thuê các phi công phương Tây để đào tạo phi công Trung Quốc, thì công ty đó đang vi phạm luật pháp Hoa Kỳ; Nếu một phi công Hoa Kỳ huấn luyện một phi công Trung Quốc và không báo cáo điều đó, thì người phi công Hoa Kỳ đó đang phạm pháp.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times