Bà Yellen nói rằng một số biện pháp trừng phạt Nga có thể vẫn còn ngay cả khi chiến tranh Ukraine kết thúc
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen tuyên bố rằng một số lệnh trừng phạt đối với Nga có thể sẽ được giữ nguyên ngay cả khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc.
Bà Yellen, đang tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 hàng năm ở Bali, Indonesia, nói rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình cuối cùng nào cũng sẽ liên quan đến việc xem xét lại các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt lên Nga. Tuy nhiên, cách các bình luận cho thấy chính phủ ông Biden đang nghiêng về hướng tiếp tục chiến dịch gây áp lực lên nền kinh tế Nga trong dài hạn.
The Wall Street Journal đưa tin, bà Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/11 tại G-20: “Thực sự không có bất kỳ nỗ lực nào từ phía Nga muốn tiến hành đàm phán với Ukraine về bất kỳ điều khoản nào mà Ukraine có thể chấp nhận được.”
“Tôi cho rằng trong trường hợp có một thỏa thuận hòa bình nào đó, thì việc điều chỉnh các biện pháp trừng phạt là khả thi và có thể thích hợp.”
Bà nói, “Với những gì đã xảy ra, chúng tôi có thể cảm thấy rằng có lẽ một số biện pháp trừng phạt nên được giữ nguyên.”
Các quốc gia phương Tây kêu gọi đàm phán
Sau khi Nga bất ngờ rút quân khỏi thành phố chiến lược Kherson, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Âu Châu hiện đang tìm cách đàm phán hòa bình với Nga trước mùa đông.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã nói rằng họ để tùy người Ukraine xác định các điều khoản của một giải pháp có thể chấp nhận được với người Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rõ rằng lãnh đạo của cả hai bên sẽ phải ngồi lại với nhau để thảo luận về các điều khoản và thời điểm đưa ra quyết định đó nằm trong tay Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng “đàm phán hòa bình thực sự” với Điện Kremlin khi tất cả các bên xác định tương lai của cuộc xung đột kéo dài tám tháng ngày càng tốn kém này.
Tuy nhiên, ông Zelensky đã nói rằng bất kỳ điều kiện nào cho các cuộc đàm phán sẽ bao gồm việc trả lại tất cả lãnh thổ đã bị Nga sáp nhập từ năm 2014, bồi thường thiệt hại, và bàn giao các quan chức và quân nhân Nga là thủ phạm của tội ác chiến tranh – điều mà Tổng thống Vladimir Putin có khả năng sẽ từ chối.
Hôm 07/11, ông Zelensky nói rằng các đồng minh của Ukraine nên tập trung vào việc “ngăn chặn sự xâm lược của Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi và buộc Nga phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình thực sự.”
Trừng phạt đối với công nghệ quân sự
Trong khi đó, bà Yellen nói rằng Hoa Kỳ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với một nhóm quốc tế gồm các cá nhân và công ty đã mua công nghệ quân sự để phục vụ cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Các đồng minh của Ukraine đã đang cố gắng cắt đứt khả năng tiếp cận của Nga với công nghệ quân sự tiên tiến và gây thêm áp lực lên hệ thống tài chính của nước này, nhưng người Nga vẫn có thể duy trì thu nhập cao từ hoạt động xuất cảng năng lượng của họ.
Bộ trưởng Ngân khố nói với các phóng viên tại G-20 rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhắm vào 14 cá nhân và 28 tổ chức, bao gồm cả các tổ chức tài chính, nhưng bà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Bà nói: “Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chúng tôi nhằm dập tắt nỗ lực chiến tranh của Nga và từ chối các thiết bị mà nước này cần thông qua các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất cảng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong tuần này rằng họ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Ngân khố để nhắm mục tiêu vào một mạng lưới mua sắm xuyên quốc gia thân Kremlin ở Âu Châu và Á Châu.
Bộ Thương mại cũng đã tham gia chiến dịch cắt giảm xuất cảng linh kiện vi mạch do Mỹ sản xuất và các công nghệ khác được quân đội Nga sử dụng.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga được cho là phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị vi điện tử nhập cảng từ phương Tây và Trung Quốc.
Bà Yellen thừa nhận rằng công nghệ do Hoa Kỳ thiết kế, trước đây được Nga mua lại, đã có tác động trong cuộc xung đột.
Bà nói trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phơi bày và phá vỡ chuỗi cung ứng quân sự của Điện Kremlin, đồng thời từ chối cung cấp thiết bị và công nghệ mà Nga cần để tiến hành cuộc chiến bất hợp pháp chống lại Ukraine.”
“Các hành động của ngày hôm nay thể hiện cam kết kiên định của Bộ Ngân khố trong việc nhắm mục tiêu vào những người trên khắp thế giới đang hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của ông Putin và giới tinh hoa thân hữu cấp vốn cho chính phủ của ông ta.
“Cùng với liên minh đối tác rộng lớn của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất cảng của mình để làm suy yếu quân đội Nga trên chiến trường và cắt giảm doanh thu mà ông Putin đang sử dụng để tài trợ cho cuộc xâm lược tàn bạo của mình.”
Bà Yellen nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev bằng viện trợ tài chính và kinh tế, đồng thời đã yêu cầu Quốc hội chuyển ngay một đợt hỗ trợ phi quân sự trị giá 4.5 tỷ USD cho Ukraine sang chính phủ của ông Zelensky.
Hoa Kỳ vận động G-7 để có thêm hình phạt
Ông Putin đã nói rằng ông sẽ không trực tiếp tham dự sự kiện G-20, nhưng có thể trình bày trước cuộc họp qua hình thức trực tuyến.
Cả bà Yellen lẫn Tổng thống Joe Biden đều cho biết họ sẽ không gặp ông Putin trong bất kỳ trường hợp nào nếu ông tham dự hội nghị.
Tuy nhiên, ông Biden vẫn gặp nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 14/11 để thảo luận về các vấn đề như Ukraine và Đài Loan.
Bộ trưởng Ngân khố đã và đang thúc đẩy G-7 và Úc áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga để gây thêm áp lực lên ông Putin.
Mức giá trần sẽ cấm các công ty ở các quốc gia đó cung cấp dịch vụ hàng hải, chẳng hạn như bảo hiểm cho tàu chở dầu của Nga trừ khi nó được bán dưới mức giá trần và nhằm mục đích giảm doanh thu bán năng lượng của Nga, đồng thời cho phép duy trì một lượng đủ trên thị trường toàn cầu để giữ giá ổn định.
Giá năng lượng đã biến động kể từ các lệnh trừng phạt ban đầu, đặc biệt là ở Âu Châu, nơi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đang tàn phá nền kinh tế của họ.
Chính phủ ông Biden hy vọng rằng việc áp đặt giá trần cuối cùng sẽ giảm bớt hậu quả của các lệnh trừng phạt cứng rắn của EU đối với dầu mỏ của Nga và giảm thiệt hại kinh tế lên các công ty năng lượng.
Đề nghị mức giá trần đã bị trì hoãn trong khi các nhà hoạch định chính sách hoàn thiện các chi tiết, bao gồm cả số tiền thực tế cho mức giá trần trước khi nó có hiệu lực vào ngày 05/12.
Các quan chức Hoa Kỳ, EU đàm phán về giá trần
Trong khi đó, EU tăng cường biện pháp mở rộng ra ngoài lĩnh vực vận tải biển sang các dịch vụ thứ cấp như bảo hiểm và tài chính, điều này sẽ khiến tất cả các tàu vi phạm mức giá trần một cách bừa bãi sẽ mất quyền tiếp cận các dịch vụ hàng hải.
Theo The Wall Street Journal, các quan chức Hoa Kỳ đã phản đối việc mở rộng kế hoạch này vì họ sợ rằng các công ty vận tải biển trên khắp thế giới có thể ngừng vận chuyển dầu của Nga hoàn toàn để tránh mất quyền tiếp cận bảo hiểm và tài chính của Âu Châu đối với ngay cả các chuyến hàng dầu không phải của Nga, điều này sẽ khiến giá cả tăng vọt ngoài ý muốn.
The Wall Street Journal đưa tin, bà Yellen nói rằng bà ấy đang làm việc với các đối tác Âu Châu của mình để giảm bớt bất kỳ hậu quả tiêu cực nào từ việc quy định mức giá trần.
Bà nói, “Chúng tôi đã dành thời gian thảo luận vấn đề này với họ và thảo luận về việc khai triển của họ. Và tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở một vị thế hợp lý trong chuyện này.”
“Thật khó để biết phản ứng của Nga sẽ như thế nào. Tôi không nghĩ rằng họ thực sự có đủ khả năng để đóng nhiều mỏ dầu. Họ cần doanh thu.”
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nói rằng bất kỳ mức giá trần nào cũng có khả năng dẫn đến việc cắt giảm các chuyến hàng để trả đũa bất kỳ quốc gia nào thực thi kế hoạch đó và họ chắc chắn sẽ không bán dầu dưới mức giá trần.
Các quốc gia G-7 thống trị lĩnh vực bảo hiểm hàng hải và tài chính, điều này sẽ buộc Nga phải dựa vào các phương án thay thế kém tin cậy hơn và đắt tiền hơn để vận chuyển dầu của mình.
Điều này cuối cùng có thể làm giảm doanh thu của Nga, ngay cả khi nước này từ chối bán dưới mức trần.
Bà Yellen nói rằng chính phủ ông Biden có thể chọn tiếp tục rút cạn Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược vốn đã cạn kiệt nếu người Nga trả đũa về việc áp giá trần – một chính sách đã thu hút nhiều sự chỉ trích trong nước và rất ít sự ủng hộ từ bên trong Đảng Dân Chủ.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times