Âu Châu chi nhiều tiền để giúp các doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng
BERLIN/LONDON — Đức đã quốc hữu hóa hãng nhập cảng khí đốt Uniper hôm thứ Tư (21/09) và Anh cho biết họ sẽ giảm một phần hóa đơn năng lượng cho các doanh nghiệp để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng, đang bộc lộ tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga của Âu Châu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng thêm sức ép lên giá năng lượng khi tuyên bố huy động một phần quân đội Nga, trong diễn biến leo thang nhiều nhất của cuộc chiến Ukraine kể từ khi Moscow xâm lược hôm 24/02.
Theo nghiên cứu của viện nghiên cứu Bruegel, năm ngoái các chính phủ Âu Châu đã dành gần 500 tỷ euro (496 tỷ USD) để bảo vệ người dân và các công ty trước giá khí đốt và điện tăng vọt.
Uniper là một trong những công ty chịu thiệt hại nhiều nhất, với việc hôm thứ Tư, Đức đánh dấu bước mới nhất khi chi 8 tỷ euro trong gói cứu trợ trị giá 29 tỷ euro.
Cũng nằm trong số những nước chi tiêu cao, Pháp sẽ phân bổ 9.7 tỷ euro để kiểm soát hoàn toàn tập đoàn cung cấp điện EDF.
Còn Anh thì cho biết kế hoạch mới nhằm trợ giúp các doanh nghiệp của họ sẽ tốn kém “hàng chục tỷ bảng Anh.”
Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng cho biết giới hạn giá bán buôn điện và chi phí khí đốt cao nhất cho các doanh nghiệp sẽ được áp dụng từ hôm 01/10, “Chúng tôi đã can thiệp để ngăn chặn các doanh nghiệp sụp đổ, bảo vệ việc làm, và hạn chế lạm phát.”
Hơn 20 hãng cung cấp điện của Anh đã sụp đổ, nhiều hãng cung cấp điện phá sản vì giới hạn giá cao nhất của chính phủ khiến họ không thể chuyển mức giá đang tăng cao [cho người tiêu dùng].
Việc Uniper được quốc hữu hóa hoàn toàn sẽ liên quan đến việc chính phủ Đức mua lại số cổ phần mà công ty Fortum của Phần Lan đang nắm giữ, đưa số cổ phần chính phủ nắm giữ lên đến 99%.
Ông Simone Tagliapietra, một nhân sự cao cấp tại viện tư vấn Bruegel, nói về dự luật khủng hoảng năng lượng tổng thể của Âu Châu, “Điều này rõ ràng là không bền vững từ góc độ tài chính công.”
“Các chính phủ có nhiều không gian tài chính hơn chắc chắn sẽ quản lý cuộc khủng hoảng năng lượng này tốt hơn bằng cách cạnh tranh với các nước láng giềng về nguồn năng lượng hạn chế trong những tháng mùa đông.”
‘Làm mọi thứ có thể’
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, thông báo về hành động đối với công ty Uniper và các bước khác để tránh phải phân phối năng lượng trong mùa đông này, cho biết: “Chính phủ sẽ … làm mọi thứ có thể để luôn giữ cho các công ty ổn định trên thị trường.”
Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết, việc quốc hữu hóa công ty Uniper cho phép chính phủ Đức kiểm soát một số tài sản ở Nga, đồng thời cho biết thêm rằng họ đang cân nhắc xem phải làm gì với những tài sản này.
Đức bị phụ thuộc vào khí đốt của Nga, chủ yếu được cung cấp qua đường ống Nord Stream 1, nhiều hơn so với nhiều nước Âu Châu khác. Nga đã ngừng dòng khí đốt chảy qua đường ống này và đổ lỗi rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở hoạt động. Các chính trị gia Âu Châu cho rằng đó chỉ là cái cớ và nói rằng Moscow đang sử dụng năng lượng như một vũ khí.
Chính phủ Đức đã đặt công ty Gazprom Germania, một công ty con của Gazprom do Điện Kremlin kiểm soát, và một công ty con của công ty dầu khí Nga Rosneft dưới sự ủy thác — đây trên thực tế là một hình thức quốc hữu hóa. Tính cả gói cứu trợ dành cho Uniper, dự luật này tiêu tốn tổng cộng khoảng 40 tỷ euro.
Thuế ‘tài vận’
Trong khi đó, ở Âu Châu đang dấy lên một cuộc tranh luận rằng liệu các công ty dầu mỏ đang kiếm được lợi nhuận kỷ lục thông qua cuộc khủng hoảng năng lượng này có nên nộp thêm thuế để giúp người tiêu dùng đối phó với lạm phát tăng cao hay không.
Hôm thứ Tư, Giám đốc điều hành của công ty dầu khí TotalEnergies, ông Patrick Pouyanne cho biết rằng tập đoàn năng lượng của Pháp này có thể phải đối mặt với hơn 1 tỷ euro tiền thuế bổ sung nếu kế hoạch đề nghị áp thuế bổ sung đối với các công ty dầu khí của EU được thông qua.
Giá khí đốt Âu Châu hôm thứ Tư đạt 212 euro mỗi megawatt giờ (MWh), thấp hơn mức cao nhất trong năm nay là khoảng 343 euro, tuy nhiên tăng hơn 200% so với một năm trước. Giá dầu tăng tới 3% hồi đầu phiên giao dịch, nhưng sau đó đã giảm xuống.
Ông Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô tại Kpler, cho biết: “Việc huy động một phần quân đội (ở Nga) chắc chắn là một yếu tố khiến giá tăng vì việc này làm tăng nguy cơ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine.”
Hôm thứ Tư, các dòng khí đốt của Nga chảy qua Ukraine đến Âu Châu đã ổn định, tuy nhiên các dòng khí đốt chảy về hướng tây qua đường ống Yamal-Âu Châu từ Ba Lan đến Đức đã bị ngưng lại.
Hôm thứ Ba (20/09), tại Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đề nghị rằng chính phủ Tổng thống Joe Biden nên áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng quốc tế để củng cố kế hoạch của G-7 nhằm giới hạn giá dầu của Nga.
Moscow cho biết họ sẽ cắt tất cả các dòng dầu và khí đốt đến phương Tây nếu một giới hạn giá như vậy được thực hiện.
Một số nước đã cấm nhập cảng dầu thô và nhiên liệu từ Nga, nhưng Moscow đã cố gắng duy trì doanh thu bằng cách tăng cường bán cho Á Châu.
Hành động của các nhà lập pháp Hoa Kỳ diễn ra vài giờ trước khi ông Putin ra lệnh huy động quân đội, đợt huy động đầu tiên của Nga kể từ Đệ nhị Thế chiến, cảnh báo rằng nếu phương Tây tiếp tục cái mà ông gọi là “tống tiền hạt nhân” thì Moscow sẽ đáp trả bằng kho vũ khí khổng lồ của họ.
Do Kirsti Knolle và Paul Sandle của Reuters thực hiện
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times