Quyền lực khẩn cấp COVID-19, Thỏa thuận Mới Xanh mở đường cho cuộc ‘Đại Tái Thiết’ của chế độ chuyên chế
Theo ký giả và cựu phụ tá chính trị Marc Morano, các hạn chế và biện pháp phòng chống COVID-19 nhằm giải quyết biến đổi khí hậu là những trụ cột của sáng kiến Đại Tái Thiết nhằm mục đích thiết lập lại chủ nghĩa tư bản toàn cầu, để rốt cuộc dẫn đến sự kiểm soát chuyên chế đối với các xã hội.
Ông Morano là người sáng lập trang ClimateDepot.com, một kho thông tin thách thức luận điệu về biến đổi khí hậu toàn cầu và theo sát những tiến triển trong nghị trình xanh.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “Crossroad” (Giao lộ thông tin) của EpochTV, ông Morano cho biết, các biện pháp được các chính phủ trên khắp thế giới thực hiện để hạn chế sự lây lan của virus corona đã không tuân theo những quy tắc thường được áp dụng nhằm đối phó với một đại dịch.
Ông Morano, người cũng đã viết cuốn sách “Cuộc Đại Tái Thiết: Giới Tinh Hoa Toàn Cầu Và Sự Phong Tỏa Vĩnh Viễn,” cho biết việc ứng phó đối với đại dịch COVID-19 “bắt đầu bằng cách đảo ngược toàn bộ các quy tắc về đại dịch.”
Ông cho hay trong khi các nhà dịch tễ học nổi tiếng khuyến nghị giữ cho công chúng bình tĩnh và thoải mái, đồng thời đưa ra các biện pháp rõ ràng để ngăn chặn sự hoảng loạn, thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quan chức y tế khác, với sự hỗ trợ của một số nhà khoa học, đã tạo ra “sự cuồng loạn tuyệt đối” và sự hỗn loạn để đối phó với đại dịch, rồi cuối cùng buộc phải chích ngừa, đeo khẩu trang, và khiến công chúng chấp nhận các lệnh phong tỏa.
“Nỗi sợ hãi đối với COVID-19 len lỏi khắp các đảng phái, hệ tư tưởng, nhóm tuổi,” ông Morano nói. “Ban đầu, mọi người khá sợ hãi.”
COVID-19 và Thỏa thuận Mới Xanh
Tác giả đã gọi các biện pháp phòng chống COVID-19 là “Thỏa thuận Mới Xanh cực đoan, được áp đặt qua một đêm bằng các đợt phong tỏa”.
Ông Morano chỉ ra rằng việc ứng phó với dịch COVID-19 đã đặt ra các giới hạn đối với hoạt động đi lại, đây cũng là một phần của Thỏa thuận Mới Xanh.
Ông cho biết mỗi tình huống đều kéo theo những cuộc suy thoái kinh tế đã được dự định. “Phong trào giảm tăng trưởng” (pdf) để chống lại biến đổi khí hậu, do Liên Hiệp Quốc ủng hộ, dẫn đến sự suy giảm kinh tế, trong khi các đợt phong tỏa gây ra những thiệt hại kinh tế.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), giảm tăng trưởng có nghĩa là “nền kinh tế đang thu hẹp lại chứ không phải là nền kinh tế đang phát triển” và đặt phúc lợi lên trước lợi nhuận. Kết quả là, năng lượng và tài nguyên của thế giới được sử dụng ít hơn.
WEF tuyên bố: “Nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục là mục tiêu mặc định, thì điều này sẽ dẫn đến thảm họa khí hậu.”
Ông Morano giải thích, các chiến thuật gây sợ hãi và đe dọa được sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến và thuyết phục mọi người từ bỏ chủ quyền quốc gia để ủng hộ chủ nghĩa toàn cầu nhằm chống lại cả biến đổi khí hậu lẫn đại dịch COVID-19.
Theo ông, rõ ràng là cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã vẽ ra sự tương đồng giữa COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Tháng 04/2020, ông Kerry, hiện là Đặc phái viên của Tổng thống về Khí hậu trong chính phủ ông Biden, cho biết trong bài bình luận viết cho tờ The Boston Globe: “Quý vị có thể dễ dàng thay thế các từ ‘biến đổi khí hậu’ bằng ‘COVID-19’; nó thực sự là câu chuyện về hai đại dịch bị trì hoãn, bị phủ nhận, và bị bóp méo.”
Cuộc Đại Tái Thiết
Ông Morano cho biết, cuộc Đại Tái Thiết — một sáng kiến toàn cầu nhằm tái cấu trúc nền kinh tế thế giới và loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch — gắn liền với cả biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, và nói thêm rằng WEF xem đại dịch là “một cơ hội hiếm hoi nhưng mỏng manh” để thiết lập lại chủ nghĩa tư bản toàn cầu.
Khái niệm về Đại Tái Thiết đã được ông Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành của WEF, tiên phong và ủng hộ. Ông đã nói hồi tháng 06/2020 rằng, “Một điểm nhấn của đại dịch là nó đã cho thấy chúng ta có thể thực hiện những thay đổi căn bản nhanh chóng như thế nào đối với lối sống của chúng ta. Gần như ngay lập tức, cuộc khủng hoảng buộc các doanh nghiệp và cá nhân phải từ bỏ các hoạt động lâu nay được cho là thiết yếu, từ việc di chuyển thường xuyên bằng phi cơ để đến văn phòng làm việc.”
Ông Schwab chỉ ra rằng các chương trình chi tiêu quy mô lớn mà nhiều chính phủ thực hiện để khôi phục nền kinh tế của họ khỏi các hạn chế của đại dịch virus corona, cũng như các khoản đầu tư tư nhân và quỹ hưu trí, không nên được sử dụng “để lấp đầy những kẽ hở trong hệ thống cũ”.
Thay vào đó, ông Schwab khuyến nghị sử dụng các quỹ — chẳng hạn như quỹ phục hồi của Liên minh Âu Châu và quỹ kích cầu kinh tế của Hoa Kỳ — để tạo ra một hệ thống mới bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị “xanh” và tạo động lực cho các ngành cải thiện thành tích về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG).
Hệ thống năng lượng đang sụp đổ
Ông Morano nói, những người ủng hộ cuộc Đại Tái Thiết muốn phá vỡ hệ thống hiện tại để tạo ra một “sự thay đổi tột bậc”.
Ông Morano cho biết thêm, ý tưởng về việc làm sụp đổ hệ thống hiện có đồng thời tạo ra hỗn loạn và tai họa để thực hiện một thay đổi mang tính cách mạng đã được ông Vladimir Lenin công khai nói đến trong cuộc Cách mạng Bolshevik ở Nga.
Ông Morano nói, xu hướng trong những bản tin thời sự ngày nay là sự suy thoái của sản xuất năng lượng, sản xuất lương thực, và giao thông vận tải.
Cuộc Đại Tái Thiết gắn liền với biến đổi khí hậu và các chính sách về thỏa thuận mới xanh được thúc đẩy ở Hoa Kỳ, Âu Châu, và một số quốc gia khác cũng như nghị trình về khí hậu và sáng kiến phát thải ròng bằng không (net-zero) của Liên Hiệp Quốc.
Cam kết phát thải ròng bằng không nhằm mục đích cắt giảm phát thải khí nhà kính xuống mức càng gần bằng 0 càng tốt.
Hoa Kỳ, sau khi là một nhà nhập cảng năng lượng ròng trong vài thập niên, đã trở thành nhà xuất cảng năng lượng ròng vào năm 2019 dưới thời chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump. Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng, mặc dù nước này vẫn nhập cảng năng lượng nhưng đã sản xuất ra nhiều năng lượng hơn mức sử dụng.
Tuy nhiên, ông Morano cho hay, dưới thời chính phủ TT Biden, hệ thống năng lượng này bắt đầu sụp đổ.
Tổng thống Joe Biden đã tạm dừng việc cấp các hợp đồng thuê đất mới của chính phủ khi ông bắt đầu cầm quyền như một phần của nỗ lực toàn diện nhằm hạn chế sản xuất dầu và khí đốt trên lãnh thổ liên bang để thực hiện nghị trình Thỏa thuận Mới Xanh của ông.
Mặc dù Đạo luật Giảm Lạm Phát, được ký thành luật hồi tháng Tám, cung cấp một số cơ hội khoan mới, nhưng nó cũng làm tăng chi phí khoan dầu khí.
Khuyến nghị về chiến lược “xây dựng lại tốt hơn” này của WEF đã được chính phủ ông Biden thông qua như một chính sách về biến đổi khí hậu.
Ông Morano nói, một phần của chiến lược “xây dựng lại tốt hơn” ở Hoa Kỳ là sự sụp đổ của hệ thống năng lượng hiện tại để giảm lượng khí thải carbon dioxide.
Năm 2021, Hoa Kỳ trở thành nhà nhập cảng dầu ròng và sẵn sàng duy trì như vậy trong năm 2022, do đó Hoa Kỳ đã mất đi sự độc lập về năng lượng, theo báo cáo hồi tháng 02/2022 của Cơ quan Thông tin Năng lượng.
Tình trạng thiếu xe hơi
Gần đây, thống đốc California Gavin Newsom đã công bố một gói gồm 40 dự luật mà ông gọi là các biện pháp khí hậu “quyết liệt nhất” của đất nước nhằm “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của tiểu bang” sang các nguồn năng lượng không chính thống.
Ông Newsom đã ban hành một quy định loại bỏ dần việc bán các loại xe chạy bằng xăng mới vào năm 2035.
Ông Morano cho rằng quy định này sẽ tạo ra tình trạng khan hiếm xe hơi.
Ông nói: “California vừa mới noi gương Cuba. [Ở] Cuba, nhìn chung quý vị không thể mua xe mới bởi vì người dân quá khó khăn về kinh tế, vì vậy họ đang sử dụng rất nhiều những chiếc xe hơi đời cũ từ thời những năm 1950.”
Theo luật mới của California, sau năm 2035, người tiêu dùng sẽ phải mua và đi xe điện hoặc đi xe buýt.
“Tất cả điều đó có nghĩa là, luật này sẽ tấn công người nghèo, tầng lớp trung lưu, bất kỳ ai có thu nhập cố định, những người sẽ không đủ khả năng mua xe hơi, hiện sẽ bị chính phủ phân loại để cứu lấy hành tinh này.”
Hệ thống thực phẩm đang sụp đổ
Ông Morano cho biết các chính sách phát thải ròng bằng không cũng sẽ làm sụp đổ hệ thống lương thực, vốn đang diễn ra ở Hà Lan. Ông lưu ý rằng chính phủ Hà Lan sẽ phong tỏa gần 12,000 trang trại, chủ yếu là các trang trại nhỏ thuộc sở hữu của nhiều thế hệ và được vận hành độc lập.
Năm 2021, chính phủ Hà Lan đề nghị cắt giảm 30% số lượng vật nuôi ở nước này để đáp ứng các mục tiêu khí hậu bằng cách giảm phát thải nitrogen.
Ông Morano nói thêm rằng một chính sách tương tự để giảm phát thải nitrogen đang được thực hiện ở Canada và đang được xem xét ở Úc.
Một khi các trang trại này phá sản, thì điều đó sẽ tạo cơ hội cho các tập đoàn nông nghiệp lớn và các công ty vốn cổ phần thuộc sở hữu của các tỷ phú, hoặc thậm chí là của Trung Quốc, mua lại tất cả các trang trại này sau khi chúng sụp đổ, ông Morano nói và cho biết thêm rằng tỷ phú Bill Gates đã mua lại đất nông nghiệp của Mỹ.
Hướng tới chế độ chuyên chế
Ông Morano nói, sự sụp đổ các thành phần của hệ thống kinh tế xã hội như năng lượng, thực phẩm, và giao thông vận tải có nghĩa là khiến công chúng dễ dàng chấp nhận một cuộc khủng hoảng vĩnh viễn. “Họ muốn chúng ta chấp nhận quyền hạn khẩn cấp tạm thời của chính phủ.”
“Điều đó mang lại cho các chính trị gia quyền lực tối thượng,” ông Morano tiếp tục. “Đó thực sự là bản chất của chính trị. Họ vừa tìm ra một cách trong kỷ nguyên mới của chúng ta để làm cho điều này bớt đẫm máu hơn.”
“Những chế độ chuyên chế trước đây cần phải có những hàng rào kẽm gai cũ, những nhà tù. Nó cần phải có cảnh sát mật và quân đội thường trực. Nhưng ngày nay, nếu quý vị muốn trở thành một bạo chúa, thì quý vị có thể hạ bệ, cắt nguồn tài chính, bóc mẽ một ai đó.”
Ông Václav Klaus, cựu thủ tướng kiêm tổng thống Cộng hòa Czech thời hậu cộng sản, người đã chứng kiến chủ nghĩa cộng sản ở đất nước mình, đã gọi cách tiếp cận này là “giật dây từ bên trên” trong một cuộc phỏng vấn với ông Morano.
Ông Morano nói, hồi tháng Bảy, TT Biden cho biết ông chuẩn bị tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu trên toàn quốc, điều này sẽ trao cho ông 140 quyền tổng thống cũng như sẽ trang bị cho các thị trưởng và thống đốc những quyền lực tương tự. Ông nói thêm, họ có thể phong tỏa các xa lộ, khiến các thành phố không có xe hơi, và kiểm soát các bộ điều nhiệt riêng lẻ ở Hoa Kỳ, điều này đã được thực hiện ở Tây Ban Nha và các nước Âu Châu khác.
Ông nói: “Đây là nơi chúng ta đang hướng tới.”
Ông Morano cho biết mục tiêu cuối cùng là để nhà nước hành chính trở nên quyền lực đến mức không quan trọng là ai được bầu làm giám sát viên địa phương, thị trưởng, thống đốc, hay thậm chí là tổng thống.
Các anh Bryan Jung, Andrew Moran và Caden Pearson đã đóng góp vào báo cáo này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times