Ấn Độ từ chối cấp thị thực cho hàng ngàn nhân viên công nghệ Trung Quốc
Thủ tướng Modi luôn nỗ lực biến Ấn Độ thành cường quốc sản xuất, trong khi mối bang giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên tục xấu đi do tranh chấp biên giới. Trong bối cảnh đó, hàng ngàn chuyên gia Trung Quốc, bao gồm các kỹ sư và kỹ thuật viên, không được cấp thị thực Ấn Độ.
Theo tin tức từ Financial Times hôm 27/06, ông Pankaj Mohindroo, Chủ tịch Hiệp hội Điện thoại và Điện tử Ấn Độ, cho biết trong hai đến ba năm qua, hàng ngàn công dân Trung Quốc đã bị từ chối cấp thị thực kinh doanh và làm việc. Nhiều người đã không nộp đơn vì “sợ bị từ chối.”
Ông Mohindroo cũng cho biết thêm, ngay cả những công dân làm việc trong bộ phận về Trung Quốc của công ty Hoa Kỳ [tại Ấn Độ] trong nhiều năm cũng bị từ chối thị thực.
Vào năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và xung đột đẫm máu tại khu vực biên giới Himalaya khiến 20 binh sỹ Ấn Độ và ít nhất 4 binh sỹ Trung Quốc thiệt mạng, Ấn Độ đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Ấn Độ, cơ quan quản lý việc cấp thị thực, đã không trả lời yêu cầu bình luận của Financial Times về vấn đề tồn đọng thị thực.
Bốn năm trước, chính phủ Tổng thống Modi đã ban hành thông báo số 3 (Press Note No.3, gọi tắt là “PN3”), yêu cầu các công ty từ các quốc gia có biên giới với Ấn Độ phải được chính phủ trung ương phê chuẩn trước khi thực hiện bất kỳ khoản đầu tư trực tiếp nào từ ngoại quốc. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố rằng quy định này nhằm “ngăn chặn việc thâu tóm cơ hội đối với các công ty Ấn Độ.” Mặc dù không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng nhiều người cho rằng quy định này chủ yếu nhằm vào các công ty Trung Quốc.
Theo thông tin từ Cơ quan Quản lý Biên giới của Bộ Nội vụ Ấn Độ, có bảy quốc gia giáp ranh với Ấn Độ là Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc, Bhutan, Nepal, Pakistan, và Afghanistan, trong đó Trung Quốc từng là quốc gia đầu tư lớn nhất. Dữ liệu từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển cho thấy, trong 20 năm qua, tổng số vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc từ sáu quốc gia giáp ranh khác với Ấn Độ chỉ bằng 0.2% so với Trung Quốc. Ảnh hưởng của các các quốc gia này đối với đầu tư vào Ấn Độ gần như không đáng kể.
Financial Times đưa tin rằng, theo các quan chức Ấn Độ, những công ty Trung Quốc không được cấp phép mở rộng hoạt động tại tiểu lục địa Ấn Độ bao gồm nhà sản xuất xe điện BYD và nhà cung cấp linh kiện cho Apple là Luxshare Precision.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, Ấn Độ đã tăng tốc độ cấp thị thực cho một số công dân Trung Quốc tham gia vào các dự án thuộc chương trình khuyến khích sản xuất liên kết (PLI) của chính phủ Tổng thống Modi. Chương trình này nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và cung cấp hàng tỷ dollar trợ cấp cho các ngành như điện tử, dược phẩm, và dệt may.
Căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gia tăng, cùng với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt thêm nhiều biện pháp kiểm soát và kiểm duyệt đối với các công ty ngoại quốc ở Trung Quốc, và tìm kiếm cơ hội phát triển tại các quốc gia khác ở châu Á.
Vị thế địa chính trị hiện tại của Ấn Độ mang lại nhiều lợi thế. Chính phủ ông Modi tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng “Trung Quốc +1” (China plus One): Nhiều quốc gia phương Tây và châu Á chuyển hoạt động kinh doanh và đầu tư sang các nước láng giềng của Trung Quốc để giảm rủi ro liên quan đến sản xuất và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Nhiều công ty đa quốc gia trong các ngành kinh tế then chốt hiện không chỉ xem Ấn Độ là lựa chọn thay thế cho đầu tư vốn dài hạn mà còn nhận thấy sức hút của thị trường nước này.
Ấn Độ là quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới. Trong suốt một thập niên cầm quyền của mình, ông Modi luôn đề cao “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ), nhằm tạo việc làm và thúc đẩy xuất cảng. Sáng kiến này phù hợp với xu hướng của các công ty toàn cầu về việc tìm kiếm địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc, như tại Ấn Độ và Việt Nam.
Ấn Độ đã thành công trong việc thu hút một số công ty đa quốc gia, bao gồm Apple và nhà cung cấp Foxconn. Những công ty này đang xây dựng nhà máy tại miền nam Ấn Độ.
Hôm 23/06, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Modi đã tổ chức cuộc họp bàn tròn tại Tòa Bạch Ốc với các lãnh đạo công nghệ Hoa Kỳ và Ấn Độ. Các CEO của Apple, Alphabet, Microsoft, và nhiều công ty công nghệ khác đã tham dự, chủ yếu thảo luận về những cơ hội và thách thức khi đầu tư vào Ấn Độ. Ông Modi cũng gặp gỡ ông Elon Musk, CEO của Tesla.