Âm thanh của Chiến tranh và Âm nhạc
Kể từ thời Đệ nhị Thế chiến, ông Marine Orlandino Scialla đã cố gắng bảo tồn âm nhạc Big Band
Vào ngày 21/05/1927, ông Charles A. Lindbergh (một phi công, nhà văn, nhà phát minh và nhà thám hiểm người Mỹ) đã một mình hoàn thành chuyến bay không nghỉ vượt Đại Tây Dương. Ông Lindbergh đã bay thẳng liên tục 33 tiếng rưỡi, vượt qua 3,600 dặm từ Long Island đến Paris. Phi cơ phải vất vả lắm mới đáp xuống được thành phố Paris trước khi cả thế giới đồng ca một điệp khúc khen ngợi vị phi công người Mỹ này, và không có hình thức nào tôn vinh khoảnh khắc và nhân vật này tuyệt vời hơn âm nhạc.
Các nhạc sĩ đã nhân cơ hội này cho ra đời những giai điệu phù hợp với thành tựu của ông Lindbergh. Khi ông Lindbergh tiếp đất, người dân Paris gọi ông là “Plucky Lindy” (Lindy Can Trường.) Các nhà soạn nhạc L. Wolfe Gilbert và Abel Baer đã bỏ chữ “P” và đặt tên cho bài hát nhanh chóng khuấy đảo thị trường của họ là “Lucky Lindy.” Giai điệu này được biểu diễn trong các câu lạc bộ đêm ở Manhattan ngay buổi tối hôm đó, và rất nhanh, bài hát, tên tuổi, và điệu nhảy “Lindy Hop” kèm theo đã lan rộng khắp cả nước.
Chỉ cách nơi ông Lindbergh cất cánh một đoạn ngắn về phía Bắc, gia đình Sciallas vừa chào đón đứa con thứ bảy của họ: Orlandino Guiseppe Scialla. Johnny – người con trai cả khi đó cũng bị cuốn vào cơn sốt cuồng nhiệt ông Lindbergh, quyết định rằng em trai bé bỏng của mình cũng sẽ được chia sẻ biệt danh này, và ngay sau đó, ông Orlando được gọi là “Lindy.”
Trưởng thành trong thời kỳ Big Band
Ông Lindy lớn lên giữa tâm điểm của cuộc Đại Suy Thoái, giống như hầu hết các nhà khác, Đại Suy Thoái khiến gia đình ông rơi vào cảnh khốn cùng. Gia đình Sciallas đã sớm chuyển từ Amsterdam, New York đến Paterson, New Jersey, nơi cha ông, ông Aniello, tìm được việc làm. Đây là lần thứ hai trong một thập niên, gia đình Sciallas phải rời bỏ quê hương của họ. Lần đầu tiên là vào năm 1920 khi ông Aniello từ Ý đến Mỹ để tìm kiếm công việc. Hai năm sau khi ông Aniello làm nghề thợ xây, vợ ông là bà Rosina, cùng các con đã lên một chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương để đoàn tụ với ông.
Khi Mỹ quốc chậm chạp bước qua qua thời kỳ Suy Thoái, sau Lệnh cấm rượu, và tiến tới Đệ nhị Thế chiến, kỷ nguyên của Big Band đã thống trị nền văn hóa Mỹ quốc. Hơn bất cứ điều gì khác, chính âm nhạc đã để lại dấu ấn trong lòng ông Lindy.
Trong khi ông Aniello tiếp tục làm công việc thợ xây, những cậu con trai gia đình Scialla đã hoàn thiện tài năng âm nhạc của mình. Mỗi người chơi một loại nhạc cụ, và họ nhanh chóng thành lập ban nhạc. Một người chơi đàn accordion, một người chơi bass, một người chơi saxophone, và một người khác chơi kèn clarinet. Khi cậu bé Lindy khoảng 12 tuổi, cậu chơi trống và tham gia cùng các anh trai và bạn bè của họ. Hai trong số những người bạn đó, ông Bucky Pizzarelli và ông Walt Levinsky, đã trở thành những cái tên quen thuộc trong ngành công nghiệp âm nhạc.
“Chúng tôi chơi nhạc ở những quán bia,” ông Lindy nói. “Một số câu lạc bộ đêm thuộc sở hữu của những người nổi lên nhờ mánh khóe kiếm tiền bất hợp pháp. Những đứa trẻ chúng tôi thích nghe những câu chuyện về những người cùng phòng giam với họ, những người họ gặp trong những năm tháng tù tội. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người trong số họ.”
Mặc dù các câu lạc bộ đêm này được điều hành bởi những người kiếm tiền theo kiểu đáng ngờ và thường là bất hợp pháp, nhưng đám đông tại đây không hẳn là vô đạo đức.
“Họ là những người đến để khiêu vũ,” ông nói. “Tôi nghĩ mọi người cư xử có chừng mực hơn vào thời điểm tôi trưởng thành. Họ đến đó để khiêu vũ, và không có xảy ra cãi vã. Tôi nghĩ có lẽ là do chúng tôi chơi nhạc ở những khu lân cận. Mọi người đều quen biết nhau. Sau này, tôi chơi nhạc ở những nơi mà được biết là có xảy ra những trận ẩu đả. Nhưng đó là chuyện sau chiến tranh.”
Trước khi chiến tranh nổ ra, ông Lindy cùng với các anh chị em của mình đã làm tất cả những gì có thể để đỡ đần tài chính cho gia đình. Trong khi biểu diễn cùng ban nhạc, ông Lindy cũng đến làm việc trong các nhà máy sản xuất lụa của thành phố.
“Nếu bạn xuất thân từ một gia đình lao động, cha mẹ không thực sự thúc ép bạn đến trường,” ông Lindy nói. “Bạn thường sẽ cố gắng kiếm tiền chu cấp cho gia đình.”
Để tiếp tục giúp đỡ gia đình, anh trai cả Johnny đã từ bỏ việc tốt nghiệp trung học và gia nhập Quân đội. Quân đội cho ông sự ổn định về nhiều mặt, bao gồm cả tài chính. Ông đã chiến đấu ở Phi Châu và Ý, bị thương trong Trận Anzio. Người anh trai thứ hai, ông Mario, đã trở thành lính cứu thương và là một thành viên của trận đổ bộ Normandy. Mặc dù các thành viên của nhóm lần lượt nhập ngũ, nhưng ban nhạc vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, khi chiến tranh tiếp diễn, ban nhạc dần thu hẹp quy mô vì ông Pizzarelli, ông Levinsky, và rồi ông Lindy đều tham gia chiến đấu.
Chiến tranh và Âm nhạc
Năm 1944, ông Lindy gia nhập Thủy quân Lục chiến, ngay trước khi tốt nghiệp trung học, và được chuyển đến Thái Bình Dương khi là một thành viên của Sư đoàn số 1. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là Guam, lãnh thổ lâu đời của Hoa Kỳ ở Quần đảo Mariana. Vào thời điểm ông đặt chân lên hòn đảo này, hầu hết các cuộc giao tranh đã kết thúc.
Ông Lindy là lính dự bị và chủ yếu đi tuần tra. Ông nói rằng ông đã nghe về những cuộc xung đột nhiều hơn là trực tiếp chứng kiến. Ông kể rằng đôi khi các đội tuần tra trở về và áp giải theo một số tù binh người Nhật. Sau đó, ông đã lên đường đến Okinawa, dù một lần nữa vẫn là lính dự bị. Theo nhiều cách, âm nhạc đã cứu rỗi cuộc đời ông.
“Khi tôi đến Okinawa, họ đưa tôi vào ban nhạc,” ông nói. “Đó là một trong những điều khả dĩ đến với tôi khi ở trong Quân đội. Vẫn tốt hơn là lính chiến. Nhóm nhạc giống như lính khiêng cáng hơn.”
Một tháng rưỡi sau khi Trận Okinawa kết thúc, Mỹ quốc đã kết thúc cuộc xung đột quân sự lớn nhất trong lịch sử nhân loại bằng cách thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào đầu tháng 08/1945. Khi chiến sự kết thúc ở Nhật Bản, ông Lindy và một số sư đoàn Thủy quân Lục chiến đã được đưa sang Trung Quốc để trợ giúp ông Tưởng Giới Thạch giải trừ quân bị và đưa quân Nhật rút về nước. Vào cuối tháng Chín, ông đến Thanh Đảo và sau đó được chuyển đến Thiên Tân, gần Bắc Kinh, và cuối cùng đến Tần Hoàng Đảo.
“Chúng tôi đã trải qua mùa đông đầu tiên lạnh giá hơn cả địa ngục. Ở gần Vạn Lý Trường Thành,” ông nói. “Chúng tôi thật may mắn khi bắt đầu nhận được một số quần áo ấm vì ngay từ đầu chúng tôi đã không chuẩn bị.”
Trong mùa đông đầu tiên vào năm 1945 đó, nơi này vẫn còn hàng trăm ngàn quân Nhật, nhiều người trong số họ vẫn đang chiến đấu mặc dù đã đầu hàng. Có một vài cuộc giao tranh lẻ tẻ giữa Nhật Bản và Quốc dân Đảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc, và thậm chí cả Liên Xô. Những người bị Liên Xô bắt giữ khoảng 500,000 người, ép họ vào các trại lao động nô lệ, nơi nhiều người vẫn bị giữ ở đó thậm chí nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc. Mặc dù ông Lindy luôn sẵn sàng chiến đấu, nhưng tài năng chơi trống của ông là một đặc ân cứu rỗi ông.
“Khi bạn ở độ tuổi đó, bạn muốn tham gia vào cuộc chiến; nhưng tôi khá may mắn là đã làm quen với một số người trong ban nhạc và họ mời tôi tham gia,” ông nói. “Một số người trong ban nhạc đã chứng kiến rất nhiều cuộc đụng độ ngoài kia. Bất kể bạn có phải là thành viên của ca đoàn trong nhà thờ hay không, bạn vẫn là một tay súng.”
Ông Lindy nhanh chóng được tiến cử chơi trống cho ban nhạc Thủy quân Lục chiến, điều đó có nghĩa là ông là một thành viên của Bộ Chỉ Huy chính. Ban nhạc này đi dọc theo tuyến đường sắt Tangku-Tần Hoàng Đảo (Tangku-Chinwangtao), dừng lại ở nhiều nơi khác nhau để biểu diễn cho quân đội đang đóng quân rải rác khắp đại lục. Có một chuyến đi giữa các trạm dừng chân mà ông Lindy nhớ rất rõ.
“Chúng tôi trên chuyến tàu đi từ Thiên Tân đến Tân Hoàng Đảo thì bị nã súng,” ông hồi tưởng lại. “Tạ ơn Chúa, đoàn tàu được làm bằng thép. Bạn có thể nghe thấy những viên đạn dội vào thép. Dấu hiệu duy nhất mà chúng tôi có thể thấy từ vụ nổ súng là những mảnh kính bay rào rào.
“Khi chúng tôi chơi nhạc, chúng tôi thường mang theo súng trường,” ông nói thêm.
Trong thời gian ông Lindy ở Trung Quốc, ban nhạc của ông dẫn dắt các buổi diễn hành, chơi nhạc trong các cuộc kiểm tra hàng tuần, biểu diễn trong các buổi khiêu vũ và các sự kiện đặc biệt của Hội Chữ Thập Đỏ. Ông Lindy nói rằng việc có ban nhạc và các điệu nhảy đã thúc đẩy nhuệ khí của quân đội, đặc biệt là cho một số người mới rời khỏi chiến tuyến chống lại quân Nhật hoặc phe cộng sản.
“Tôi nghĩ đó là một trong những điều tuyệt vời,” ông chia sẻ. “Khán giả rất ngưỡng mộ chúng tôi. Chúng tôi gần giống như những người nổi tiếng. Mọi người sẽ giúp chúng tôi sắp đặt các thiết bị. Chúng tôi thực sự đã tạo nên tên tuổi cho chính mình.”
Cộng sản nắm quyền
Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đóng quân ở Trung Quốc, mục tiêu của việc này là bắt quân Nhật đầu hàng và rút về nước, nhưng vào lúc đó, xung đột giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và những người cộng sản Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn.
“Xét về cả chính trị lẫn đạo đức, Hoa Kỳ không thể đảm nhận vai trò quân sự quyết định trong cuộc nội chiến của một quốc gia khác,” Hải quân Hoa Kỳ sau đó đã mềm mỏng hơn, “và những người Thủy quân Lục chiến bình thường đang thực hiện nghĩa vụ hậu chiến ở Trung Quốc phải trở thành khán giả đầy bất an hoặc đôi khi là người tham chiến đầy miễn cưỡng mà anh ta không hiểu gì về nó cũng như không thể ngăn chặn được. Một loạt những ‘sự cố’ liên quan đến lực lượng tuần tra Thủy quân Lục chiến và những người Cộng sản du kích tiếp tục diễn ra cho đến khi Thủy quân Lục chiến kiểm soát Thanh Đảo vào mùa xuân năm 1949.
Mãi đến đầu năm 1949, người lính cuối cùng của Thủy quân Lục chiến mới rời khỏi hòn đảo này. Mặc dù vậy, ông Lindy đã được đưa về quê hương ở Hoa Kỳ vào năm 1947. Khi Thủy quân Lục chiến rời đi, quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn toàn chiếm lấy Trung Quốc, buộc lãnh đạo Tưởng Giới Thạch và những người theo chủ nghĩa dân tộc phải rời khỏi Đại lục. Theo ông Lindy, việc phe cộng sản lên nắm quyền dường như là không thể tránh khỏi.
“Nếu ông Tưởng Giới Thạch đối xử với thường dân tốt hơn, thì có thể đã có một chính phủ khác ở Trung Quốc ngay cả là hiện tại,” ông nói. “Ông Tưởng không được người dân yêu quý nhiều như người Mỹ vốn nghe về ông. Những kẻ cu-li [người lao động tay chân] không kiếm được nhiều tiền dưới thời chính phủ của ông ta. Đó thực sự là vấn đề giai tầng xã hội ở Trung Quốc. Đó gần như là vấn đề sống còn. Người lao động bị giới quý tộc đối xử như nô lệ. Nếu một nhà quý tộc muốn dùng gậy đánh vào đầu một kẻ cu-li, ông ta sẽ làm. Và nếu ông ta gọi cảnh sát, cảnh sát sẽ đứng về phía ông ta.”
Ông Lindy đã chứng kiến điều tương tự khi một quý tộc Trung Quốc đẩy một cậu bé ra khỏi cái nạng của cậu ấy. Cậu bé [thuộc nhóm người] cu-li, và so với tầng lớp quý tộc ở Trung Quốc, cậu không có quyền đòi hỏi công lý. Ông Lindy đã chạy đến để bảo vệ cậu bé và đấm ngã gã quý tộc kia. Khi cảnh sát đến, và thượng sĩ của ông Lindy cũng chạy đến và nhanh chóng bảo ông rời đi. Cú đấm đó, tuy là hợp với lý lẽ, nhưng cũng có thể khiến ông phải hầu tòa.
Ông nói rằng ông thương cảm cho những người cu-li và đã trò chuyện rất lâu với một số người trong số họ, đặc biệt là những người làm việc xung quanh doanh trại Quân đội. Ông nói rằng mình đã học được rất nhiều về lịch sử của Trung Quốc và hoàn cảnh khó khăn của những người không thuộc tầng lớp quý tộc.
“Những người cu-li đó thực sự không có nhiều cơ hội trong bất cứ việc gì. Thật khó để họ thay đổi thân phận dưới chính phủ chủ nghĩa dân tộc đó, mặc dù chế độ cộng sản còn tồi tệ hơn,” ông nói. “Những người nghèo khổ mà bạn kết giao đó, bạn gọi họ là bạn bè và họ đúng là như vậy, tôi nghĩ họ sẽ hy sinh mạng sống vì bạn, thực sự đấy. Đặc biệt là nếu bạn đối xử tử tế với họ, và ban nhạc chúng tôi đã làm như vậy. Đôi khi chúng tôi thậm chí còn mang thức ăn cho các cậu bé. Một số thường dân và người lính đã trở thành những bạn tốt của nhau.
Suy nghĩ một lúc, ông nói thêm, “Tôi muốn quay lại đó và xem tất cả những thay đổi, xem Trung Quốc hiện nay như thế nào.”
Hãy để Âm nhạc lên tiếng
Khi ông Lindy trở về quê hương vào năm 1947, ông đã học đại học, chơi bóng bầu dục ở trường đại học, kết hôn, sinh con, và lập nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Cuộc đời của ông trải qua nhiều thời kỳ, từ thời Lệnh Cấm Rượu, đến Đại Suy Thoái, rồi đến Đệ Nhị Thế Chiến, đến Chiến tranh Lạnh và cho đến thế kỷ 21. Mặc dù ông đã sống lâu hơn hầu hết các thời đại đó, nhưng có một thời kỳ mà ông cố gắng bảo tồn: kỷ nguyên Big Band.
“Tôi đã chơi nhạc từ khi còn là trẻ con. Âm nhạc giống như phương pháp trị liệu,” ông chia sẻ. “Ở đây, khi đó, chúng tôi đã từng chơi nhạc nhiều hơn rất nhiều so với bây giờ. Tôi đang cố gắng hồi sinh điều đó. Chúng tôi đã từng chơi nhạc của nhiều điệu nhảy. Chúng tôi vẫn có một số nhạc sĩ rất giỏi. Có lẽ kiểu đám đông khán giả như chúng tôi từng có ngày xưa đã không còn nữa.”
Ông Lindy tin rằng những người Mỹ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, thực sự bỏ lỡ khi họ không được trải nghiệm loại âm nhạc của thời kỳ Big Band, chẳng hạn như âm nhạc của những nghệ sĩ Glenn Miller, Tommy Dorsey, Artie Shaw, Benny Goodman, và nhiều nhà sản xuất âm nhạc của thời kỳ đó.
“Tất cả đều là thể loại âm nhạc tuyệt vời. Âm nhạc đó biểu đạt cho một thời kỳ,” ông nói. “Nếu bạn mang một số điều đó trở lại, bạn có thể ngạc nhiên về những gì sẽ xảy ra. Ngay cả bây giờ, nếu tôi có được một số đĩa hát đó và một vài những đứa trẻ nghe chúng, tôi dám chắc là các cháu sẽ thực sự thích thứ âm nhạc đó, nhất là nếu chúng thích khiêu vũ.”
Ở tuổi 96, ông Lindy vẫn chơi trống mỗi khi có dịp. Ông nói rằng ông rất muốn thấy ngày mà âm nhạc Big Band trở lại.
“Có thể cần vài người như bạn để viết về loại âm nhạc đó và có thể mọi người sẽ bắt đầu chú ý đến,” ông nói. “Mọi người có thể sẽ nghĩ, ‘Ôi, sao hay thế nhỉ.’ Mọi người chắc hẳn sẽ tự hỏi, ‘Làm sao mà mình lại không hề biết đến loại âm nhạc đó chứ?’”
Chú thích:
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times