‘Happy New Year’ – Bài hát tiên tri
Vẻ đẹp lộng lẫy, giai điệu tao nhã, giản dị, thoáng u buồn khiến ca khúc ‘Happy New Year’ chạm đến với tâm hồn tất cả mọi người. Nhưng ít ai để ý rằng, trong ca từ của bài hát ẩn chứa một thông điệp chưa từng cũ từ khi bài hát ra đời – một dự cảm mang tính tiên tri lạ lùng như chính bài hát buồn trên nền nhạc sôi động vào thời khắc giao thừa…
“No more champagne.
And the fireworks are through.
Here we are, me and you.
Feeling lost and feeling blue.
It’s the end of the party.
And the morning seems so grey.
So unlike yesterday…”
(Rượu đã cạn.
Và pháo hoa cũng tắt.
Chỉ còn mình anh và em ở đây.
Cảm thấy lạc lõng và buồn bã.
Tiệc đã tàn. Và bình minh sao ảm đạm quá.
Không giống như ngày hôm qua…)
Bài hát bắt đầu bằng những âm điệu của nỗi buồn nhẹ nhàng lan tỏa trong từng lời ca như lòng người khi cảm nhận dòng chảy vô cùng tận của thời gian. Vì sao bài hát chúc mừng năm mới lại nhiều âu lo, buồn bã như vậy. Để hiểu được điều đó, phải biết bối cảnh ra đời của bài hát.
Happy New Year ra đời vào năm 1979, trong bối cảnh thập niên 1970 nhân loại dường như đang đứng bên bờ vực thảm họa diệt vong với hàng loạt cuộc khủng hoảng, chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang Hoa Kỳ và Liên Xô, xung đột Trung Đông, khủng hoảng dầu lửa, nạn đói và những cuộc diệt chủng ở Đông Timor, Ethiopia, Pol Pot ở Campuchia… Đến cuối thập niên 1970, số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã đủ để hủy diệt vài lần nền văn minh nhân loại.
Bởi thế, bài hát với lời ca chất chứa ưu tư, như một nỗi hoang mang trước những thay đổi của thế giới và dự cảm đầy lo lắng về tương lai khi con người dường như ngày càng trả giá cho sự lên ngôi của công nghệ – điều mà họ từng tin rằng sẽ là phương thuốc cho những vấn đề do chiến tranh và bệnh tật gây ra. Nhân loại không hòa bình hơn, bệnh tật ngày càng nguy hiểm hơn và một thế giới kỹ nghệ hóa đến mất hết tính người.
Đó là lý do mà trong bài hát có câu: “Sometimes I see. How the Brave New World arrives.”
Sometimes I see.
How the Brave New World arrives
And I see how it thrives
In the ashes of our lives
Oh yes, man is a fool
And he thinks he’ll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he’s astray
Keeps on going anyway…
(Đôi khi em thấy
“Thế giới mới tươi đẹp” đang đến gần
Đang sinh sôi nảy nở
Trên tro tàn của cuộc đời ta
Ôi, con người là một gã khờ
Nhưng hắn cứ tưởng rằng mình vẫn ổn
Lê đôi chân đất sét
Hắn lang thang lang thang
Mà chẳng biết mình đang lạc lối…
Để hiểu được thông điệp của bài hát, chúng ta phải biết đến một cuốn tiểu thuyết cực kỳ nổi tiếng ‘Brave New World’ mà nhân vật trong bài hát nhắc đến. (Cuốn tiểu thuyết này đã được dịch ra Tiếng Việt với tựa đề “Thế giới mới tươi đẹp”). Là kiệt tác văn chương của nhà văn Anh – Aldous Leonard Huxley, xuất bản lần đầu năm 1932, Brave New World được đánh giá là một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng dữ dội nhất mọi thời đại đã gây sửng sốt nhiều thế hệ dù gần một thế kỷ đã đi qua vì tính tiên tri của nó.
Aldous Leonard Huxley được đánh giá là một trong những trí thức kiệt xuất và một trong những nhà văn tiếng Anh quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ông cũng được đề cử giải Nobel trong nhiều năm.
Cuốn tiểu thuyết của Huxley lấy bối cảnh là thế giới thế kỷ 26, trong đó tác giả không chỉ dự báo sự phát triển của khoa học và công nghệ, như công nghệ sinh học, kỹ thuật nhân bản…, mà còn cả những nghịch lý của xã hội công nghệ, nơi không còn gia đình, nghệ thuật, tôn giáo, triết học, và đa dạng văn hoá, nơi hạnh phúc của con người phụ thuộc vào máy móc, thuốc, chất kích thích và tình dục…
Một hình dung ghê rợn về tương lai của loài người, Brave New World ở vị trí thứ 5 trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thế kỷ 20, ở vị trí thứ 53 trong 100 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại.
Brave New World được viết giữa Thế chiến I và Thế chiến II, thời kỳ lên ngôi của cách mạng khoa học công nghệ. Ý tưởng của Huxley dựa trên hình dung về thế giới mới khi chế độ cộng sản ở Nga và Đức Quốc xã đều bắt đầu kế hoạch về một nhà nước xã hội chủ nghĩa không tưởng cho tất cả mọi người.
Tiêu đề ‘Thế giới mới tươi đẹp’ do Huxley dùng lại một câu thoại trong vở kịch Bão tố (The Tempest) của Shakespeare, khi Miranda là một thiếu nữ sống trên hoang đảo, lần đầu tiên trông thấy những người khác, cô thốt lên:
“Ôi, tuyệt diệu!
Bao nhiêu con người tốt đẹp nơi đây.
Loài người mới đẹp đẽ làm sao.
Ôi thế giới mới tươi đẹp!
Với những con người như thế này trong đó.”
Trớ trêu thay, những con người ấy lại là những đại biểu tồi tệ nhất của loài người, những kẻ độc ác và phản phúc.
Đây chính là nguồn cảm hứng để tác giả dẫn chúng ta vào “thế giới tươi đẹp” mà ông đã thể hiện xuất sắc tài năng của một nhà văn châm biếm với tư tưởng vượt tầm thời đại.
Thế giới mới tươi đẹp như thế nào?
Là tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, Brave New World mô tả London vào năm A.F.632 (tức năm 2540 Công nguyên). A.F. là viết tắt của Anno Ford, thay cho Anno Domini (Công nguyên), có nghĩa là thay “Domini” (chỉ Chúa Jesus) bằng một vị Chúa mới là Ford. A.F.632 tức năm 632 kỷ nguyên Ford. Bởi vì trong thế giới mới, Ford cũng ảnh hưởng đến tôn giáo và văn hóa như Chúa Jesus. Con người trong thế giới này luôn gọi “Lạy Ford, vì Ford!” mỗi khi cần cảm thán, và những nghi thức tôn giáo, các bài hát cũng tràn ngập hình ảnh Ford tối cao.
Thế giới mới được gọi là ‘tươi đẹp’ bởi nó sinh ra với mục tiêu để con người ‘hạnh phúc’ và xã hội ‘ổn định’, không còn đau đớn, khổ sở với niềm tin rằng bằng sự phát triển của công nghệ, con người sẽ đạt được sự thỏa mãn như thấy thiên đường nhân gian.
Dây chuyền sản xuất của Ford và cuộc cách mạng tiêu dùng là nguồn cảm hứng để Huxley đặt tên cho tân thế giới, bởi vì ở đó, con người được “sản xuất hàng loạt” bằng công nghệ, trẻ con được sinh ra trong ống nghiệm. Cho nên không cần cha mẹ và các mối quan hệ bền vững như vợ chồng. Sinh sản tự nhiên bị coi là tục tĩu, những khái niệm về gia đình, cha mẹ và con cái bị xóa bỏ.
Một thế giới vô cùng “ổn định” vì ngay từ khi thụ tinh, trẻ con đã được xác định đẳng cấp vì thế không có đấu tranh giai cấp. Khi ra đời, những đứa trẻ được đào luyện một cách đặc biệt bằng phản xạ để suốt đời hài lòng với số phận dành cho mình, chẳng hạn được lập phản xạ bị điện giật để “sợ sách và hoa”. Trong lúc ngủ chúng được nghe đi nghe lại những câu nói được soạn sẵn, in vào tiềm thức của chúng, tạo thành những ám thị trong suốt cuộc đời. Giáo dục được sử dụng để củng cố sự phục tùng xã hội.
Xã hội có chuẩn mực đạo đức mới về tình dục, không phải để duy trì nòi giống mà chỉ là một hình thức giải trí. Quan hệ bừa bãi được khuyến khích và tình cảm gắn bó bị cấm, bởi vì trong thế giới mới: “Mỗi người là của mọi người” (Everyone belongs to everyone else). Tất cả đều thuộc về cộng đồng, không có gì là thầm kín, riêng tư. Không có ranh giới về giới tính. Trẻ em được tiếp xúc với những trò chơi gợi dục từ nhỏ. Bản năng được buông thả không giới hạn, nhưng những biện pháp tránh thai được áp dụng nghiêm ngặt.
Nhà nước Thế giới của Huxley tập trung vào chủ nghĩa tiêu dùng và giải trí – những thứ đem đến sự thỏa mãn và hạnh phúc. Con người sống trong một thế giới bão hòa của tiếp thị, liên tục bị kích động bởi những khẩu hiệu giống như tiếng leng keng khuyến khích tiêu thụ càng nhiều càng tốt.
Và để cho hạnh phúc luôn luôn đầy đủ, còn có thêm một thứ: soma – loại thuốc được nhà nước sử dụng để kiểm soát dân số, đó là những viên thuốc gây ảo giác được phát cho mọi người theo khẩu phần; mỗi khi người ta thấy buồn phiền, bất an, thiếu hạnh phúc, một viên soma sẽ đưa họ vào trạng thái lơ mơ phiêu bồng, không cảm giác, không ý thức, và họ lại thấy hạnh phúc. Đổi lại, mọi thứ thừa thãi như xúc cảm, các giá trị tinh thần sâu sắc, tự do lựa chọn cuộc đời của cá nhân đều bị vứt bỏ.
Kẻ hoang dã
Trong thế giới mới đó, những con người cố thủ vào các giá trị truyền thống bị gọi là hoang dã, man rợ. John – “người Hoang dã” là đại biểu của thế giới truyền thống cũ, được sinh ra bởi một người mẹ – một người phụ nữ bị trục xuất khỏi “thế giới văn minh” vì đã mang thai (chứ không phải thụ tinh nhân tạo).
John hiểu về thế giới qua những lời dạy của mẹ và những cuốn sách cũ kĩ. Anh say mê những lời thơ của Shakespeare và sống theo tiêu chuẩn đạo đức cao đẹp. Được nuôi dạy hoàn toàn trong môi trường hoang dã, John lại là người duy nhất thấm nhuần tinh hoa của nền văn hóa Victoria. Người Hoang dã lạc lõng cô đơn giữa thế giới mới văn minh, vì anh gần như là người duy nhất mang trong mình văn hóa của thời đại Phục Hưng ở Âu châu, hoàn toàn xa lạ với những con người thời đại Hậu Ford.
Khi tình yêu là bi kịch
John rất đẹp trai, đã lập tức mê hoặc được Lenina một cô gái thuộc thế giới mới: cơ thể đẹp đẽ hoàn hảo – sản phẩm được thụ tinh và đào luyện. John yêu Lenina bằng một tình yêu trong sáng và thơ ngây. một cách trang trọng thầm kín, anh luôn thấy mình là Romeo và Lenina là Juliet để anh tôn thờ, anh chàng luôn sợ không xứng đáng với “sự trong trắng cao quý” của nàng.
John muốn cưới cô như cách mà người ta vẫn làm ở ngôi làng xưa. Nhưng anh cay đắng nhận ra tình yêu trong cô cho đến cùng chỉ là ham muốn nhục dục mà thôi, như cách cô vẫn làm với những đàn ông khác. Điều này khiến John giận dữ điên cuồng, mắng cô là “đồ đĩ thõa trơ tráo”. Cuộc tình mà cả hai bên đều mong đợi ấy đi đến một kết cục ê chề. Chàng quay về với Shakespeare còn nàng cầu cứu soma.
Chính tình yêu khiến mối quan hệ giữa họ trở thành bất hạnh, bởi thế giới mới không có chỗ cho những giá trị cao quý như tình yêu, sự thật, chân lý, nghệ thuật – những điều khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa thật sự, khiến con người trở nên đẹp đẽ, chứ không phải những thú vui rẻ tiền, biến con người thành hèn hạ.
Những giá trị văn chương vĩnh cửu như tác phẩm của Shakespeare trở thành loại hình nguy hiểm và mang mầm mống lật đổ bởi nó gợi ý cho những sự nghĩ lại, những chất vấn suy tư, những trăn trở về đúng và sai, tình yêu và thù hận.
Sách vở chỉ mang tính cung cấp thông tin thuần. Để khoa học và công nghiệp phát triển, sách về văn học, triết học, nghệ thuật và tôn giáo bị thiêu hủy, bị cấm đoán hoàn toàn. Bởi nó khiến quần chúng được khai phóng, có tư duy độc lập, và biết được cách thức mà những kẻ thống trị biến con người thành nô lệ.
Mustapha Mond – nhà lãnh đạo kiểm soát thế giới mới cố gắng giải thích cho người Hoang dã cơ sở lý luận về các chính sách của Nhà nước, bao gồm cả việc từ chối văn học và lịch sử, rằng: xã hội cần tiêu khiển, bằng những trò vui vô tâm, chứ không cần nghệ thuật cao cấp. Kịch Shakespeare chẳng hạn, bị cấm ở London, trước hết, vì nó cũ. Nghệ thuật phải mới và dễ hiểu, đại chúng. Nghệ thuật thật sự thì làm ra cái đẹp, khoa học thật sự thì khám phá ra sự thật về thế giới và con người, nhưng mục tiêu của xã hội không phải là sự thật và cái đẹp, mà là tiện nghi và hạnh phúc.
Theo Mustapha: “Không thể có một nền văn minh lâu dài nếu thiếu những trò vui đồi bại… Nền văn minh tuyệt đối không cần những thứ như sự hy sinh, cái tuyệt mỹ, cái cao cả hoặc cái anh hùng.”
“Tình cảm tôn giáo sẽ đền bù cho tất cả những mất mát của chúng ta. Nhưng chúng ta chẳng có mất mát nào để đền bù.” Vì con người trong thế giới mới luôn hạnh phúc nên không cần phải hướng về Chúa. “Thượng Đế không tương hợp với máy móc và thuốc men khoa học”, “Nền văn minh công nghiệp chỉ có thể tồn tại khi không có sự hy sinh nào cả. Nền văn minh tuyệt đối không cần cái cao cả hoặc cái anh hùng. Những thứ ấy là biểu hiện sự thiếu hụt về chính trị.”
John đã từ chối Lenina và toàn bộ xã hội ‘văn minh’, anh khẳng định rằng các kỳ quan công nghệ và chủ nghĩa tiêu dùng của nó là những sự thay thế tồi tệ cho tự do cá nhân, phẩm giá con người và tính toàn vẹn cá nhân.
Tóm lại, nhân danh hạnh phúc phổ biến và ổn định xã hội, tất cả những gì là cao quý làm nên con người thực sự bị xóa bỏ hoàn toàn. Nhờ tiến bộ khoa học và công nghệ, nó cung cấp dư thừa của cải vật chất đảm bảo một cuộc sống tiện nghi thoải mái nhất, và nhằm đến cái đích cao nhất mà con người muốn đạt đến: Hạnh phúc. Nhưng hóa ra cái đích cao nhất về hạnh phúc ấy, chỉ là thỏa mãn khoái lạc vật dục. Không có nghệ thuật, tôn giáo và bất kỳ niềm đam mê hay sự tò mò đích thực nào, xã hội này đã trả cho một mức giá khá cao đối với hạnh phúc trống rỗng của nó.
Mustapha có tài hùng biện, nhưng ông đã không thuyết phục được người Hoang dã. Anh nói:
“Nhưng tôi không muốn thoải mái. Tôi muốn Thượng Đế, tôi muốn thơ ca, tôi muốn nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi.”
“Thật ra” – Mustapha Mond nói – “anh đang đòi quyền được bất hạnh.”
“Vậy thì được” – người Hoang dã nói giọng thách thức – “tôi đòi quyền được bất hạnh.”
John đã khước từ thứ “hạnh phúc” không xứng đáng với Con Người.
Liệu có thể có thứ hạnh phúc mà phải hy sinh tự do và suy nghĩ cá nhân để vun đắp cho nó? Huxley gợi ra một câu hỏi về ý nghĩa thực sự của hạnh phúc và khiến chúng ta phải tự vấn về cái gọi là tươi đẹp nơi thế giới ta đang sống.
Cuốn sách tiên tri về tương lai loài người
Mặc dù cực kỳ nổi tiếng kể từ khi nó ra đời, Brave New World đã thường xuyên bị cấm và bị thách thức kể từ khi xuất bản ban đầu.
“Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết về tương lai, về nỗi kinh hoàng của một thế giới không tưởng và cuộc nổi dậy chống lại nó.”
Với “Thế giới mới tươi đẹp”, Huxley muốn đẩy đến tận cùng cái viễn cảnh mà các nhà chính trị đương thời vẽ ra về “một địa đàng trần gian” theo chủ nghĩa xã hội. Nơi mà con người ai ai cũng hạnh phúc, làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Huxleey đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ: Trong mọi hình thức tàn phá hủy diệt, không gì đáng sợ hơn hủy diệt nhân tính người.
“Thế giới mới tươi đẹp” không hề miêu tả những tình tiết máu me, rùng rợn như trong các tiểu thuyết kinh dị hay những tình huống bi thương, bất hạnh như tiểu thuyết tâm lý. Thế nhưng, cảm giác ám ảnh và lo sợ mà nó mang lại thực sự rún động tâm can người đọc về một “thế hệ vô nhân cách” sẽ thế chỗ cho hệ thống của Tự nhiên, trong những lồng ấp rộng lớn của nhà nước, nơi hệ thống gia đình sẽ biến mất, cùng với nhân tính.
Huxley khiến độc giả choáng váng nhận ra sự thật đáng sợ về cách mà thế giới đang vận hành. Điều khiến tác phẩm không ngừng ám ảnh là người đọc hoàn toàn nhận ra rằng, thế giới mà chúng ta đang sống chính là “thế giới mới” trong hình dung của Huxley từ năm 1931. Với tầm nhìn vượt thời đại, cuốn tiểu thuyết của ông không cũ đi theo năm tháng, mà ngược lại, gần một thế kỷ đi qua, tính tiên tri trong tiểu thuyết Thế giới mới tươi đẹp của Huxley càng làm sửng sốt nhiều thế hệ.
Từ những dấu hiệu được nhen nhóm trong chính thời mình sống, Huxley cảnh báo những gì sắp đến qua bức chân dung nghiệt ngã về cuộc sống trong một thế giới chối bỏ Chúa và kiệt quệ về tinh thần, nơi con người thỏa mãn tất cả mọi ham muốn lớn nhỏ nhưng chỉ dừng lại trong những khát vọng vật chất trần tục nhất. ông phơi bày huyễn tưởng mà kỷ nguyên hiện đại từng hứa hẹn khi nó đang từng bước đẩy con người vào những ‘nguy cơ tận thế’ mới.
Oh yes, man is a fool
And he thinks he’ll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he’s astray
Keeps on going anyway…
(Ôi, con người là một gã khờ
Nhưng hắn cứ tưởng rằng mình vẫn ổn
Lê đôi chân đất sét
Hắn lang thang lang thang
Mà chẳng biết mình đang lạc lối…
Nỗi âu lo trong bài hát Happy New Year năm 1970 về một “Tân thế giới” đang đến gần chính là cảnh báo của Huxley trong “Brave New World” từ năm 1932. Một xã hội hiện đại hoàn hảo, nhưng lại đối lập với đạo đức của con người. Nội dung của truyện như lời tiên tri cho tương lai của thế giới đã trở thành hiện thực ngày nay.
Tân thế giới nào nào cho chúng ta?
Thế giới sau gần nửa thế kỷ còn biến động hơn cả khi bài hát Happy New Year ra đời. Nhưng lời tiên tri trong bài hát về một Tân thế giới dũng cảm thì càng đúng hơn bao giờ hết. Và lời chúc trong Happy New Year là những lời chúc của tương lai.
Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don’t we might as well lay down and die
You and I
Bài hát lặp lại với giai điệu Chúc mừng năm mới, nhưng lời chúc mừng thật giản dị, day dứt như một câu hỏi mà mỗi người phải tự vấn vào thời khắc chuyển giao trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này.
(Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Cầu cho mọi người có một tầm nhìn
Về một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Cầu cho mọi người hy vọng và ước mơ
Để tìm kiếm, hay nếu không, em và anh
Chúng mình cũng có thể ngả mình và chết…)
Nhân loại sẽ lựa chọn quay trở về vòng tay của Chúa, hay chìm đắm trong thứ ma túy của công nghệ, chủ nghĩa tiêu dùng, và khoái lạc?