9 chậu cây trồng đầy sức sống giúp làm đẹp bậu cửa sổ nhà bếp
Thời gian gần đây, những chậu cây trồng trong nhà rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, khi chúng ta suy nghĩ về việc trang trí nhà ở bằng cây cảnh trồng trong nhà, thì lại thường quên mất căn bếp. Trên thực tế, việc đặt cây cảnh trong phòng bếp là cách làm đẹp nhà bếp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Không những vậy, nó còn mang tính thực dụng. Một số cây trồng trong nhà có thể dùng làm rau, chẳng hạn như cây gia vị; còn có một số loại cây có tác dụng sơ cứu, chẳng hạn như cây nha đam có thể bôi lên vết thương bị bỏng khi nấu ăn.
Bệ cửa sổ phòng bếp là không gian chủ yếu trong nhà để đặt chậu cây. Vì khu vực này có đủ ánh nắng, cân đối, sáng sủa, không nằm trên đường đi, nên cây không dễ bị vướng hoặc dễ bị tổn thương. Đồng thời, bệ cửa sổ nằm trong tầm mắt, chúng ta có thể thường xuyên nhìn thấy chậu cây nên sẽ không quên chăm sóc chúng. Khoảng cách lại rất gần vòi nước nên rất thuận tiện trong việc tưới nước cho cây. Ánh nắng chiếu đầy đủ và thường xuyên, cho dù là chiếu trực tiếp hay gián tiếp đều có thể giúp cây phát triển mạnh mẽ.
Nhà bếp là không gian trong nhà mà mỗi ngày chúng ta dành nhiều thời gian nhất trong cuộc sống. Dù là lúc nấu nướng thức ăn, nghỉ ngơi uống cà phê, hay là khi thả lỏng suy nghĩ, ánh mắt sẽ luôn vô thức nhìn về phía cửa sổ. Lúc này, chúng ta sẽ nhìn thấy chậu cây xanh tốt, tràn đầy sức sống trên bệ cửa sổ. Đó quả thực là một điều rất thú vị!
Dưới đây là 9 loại cây rất thích hợp để trồng trên bệ cửa sổ nhà bếp. Nếu không ngại, bạn hãy trồng thử xem, biết đâu sẽ mang lại điều ngạc nhiên thú vị cho cuộc sống hàng ngày của bạn.
1. Cây Trầu bà Đế vương (Philodendron Birkin)
Cây Trầu bà Đế vương (Philodendron Birkin) là một loại cây cảnh cao cấp cho không gian trong nhà, sống tốt trong bóng râm. Đây là loại cây cảnh cho lá đẹp, dễ chăm sóc, lá to và trên mặt lá có những đường chỉ bạc rất nhỏ. Hoa văn trên lá rất xinh đẹp, mang hơi hướng quý tộc. Cây Trầu bà Đế vương sẽ ngày càng phát triển lớn hơn, vì vậy cần phải thay chậu và chuyển vị trí cho chúng. Tuy nhiên, khi loại cây này vẫn còn là một gốc cây nhỏ, đặt chúng trên bệ cửa sổ sẽ giúp cây phát triển mạnh mẽ.
Cây Trầu bà Đế vương cần ánh sáng, ánh mặt trời chiếu gián tiếp. Các đường chỉ bạc trên lá cây cho thấy, chúng cần nhiều ánh sáng mặt trời để thực hiện quá trình quang hợp hơn các loại cây khác. Tuy nhiên, nếu ánh sáng trên bệ cửa sổ chiếu trực tiếp vào cây thì không phù hợp với cây Trầu bà Đế vương, bởi vì ánh nắng trực tiếp sẽ làm cháy mặt lá của chúng. Lượng ánh sáng vừa phải có thể giúp các đường chỉ bạc trên lá Trầu bà Đế vương phát triển càng nổi bật và đẹp hơn. Nên tưới nước cho cây khi thấy đất trồng cách bề mặt 1 inch có tình trạng khô. Hãy nhớ rằng, cây Trầu bà Đế vương gây độc cho chó và mèo.
2. Cây nha đam (Aloe vera)
Cây nha đam được gọi là “cây bất diệt” vì nó có sức sống mãnh liệt, có thể dễ dàng sống sót ngay cả khi đặt trong phòng bếp. Lá dài, màu xanh, có gai nhỏ giống như răng cưa ở hai bên mép. Khi cắt lá ra, bên trong lộ ra dịch lỏng sền sệt, tươi mới, trong suốt. Chất dịch sền sệt của nha đam có tác dụng làm mát. Nếu bạn không cẩn thận bị nước sốt cà chua nóng làm bỏng da, hãy cắt một miếng nhỏ lá Nha đam gần bệ cửa sổ rồi bôi lên vết thương, có thể nhanh chóng làm dịu vết bỏng. Cây nha đam không cần quá nhiều nước. Vì vậy, cây cần trồng trong đất thoát nước tốt, phù hợp với khí hậu ôn hòa đến ấm áp.
3. Cây sen đá (Echeveria)
Cây Sen đá (Echeveria) là loại cây mọng nước thuộc chi Cảnh thiên (Sedum). Cho đến nay, chúng vẫn rất được ưa chuộng. Cây sen đá cần ánh sáng mạnh, đặc biệt chịu hạn tốt, dễ chăm sóc. Về nguyên tắc, có thể để mặc chúng không cần quan tâm, đến khi cần tưới nước chỉ tưới một ít nước là được, không nên tưới quá nhiều. Lá của cây sen đá rất dày, mọc từng tầng từng tầng giống như hoa sen. Hình dáng và kích thước của cây rất thích hợp đặt trên bệ cửa sổ.
Nếu cây sen đá được đặt trên bệ cửa sổ phía Nam hoặc Đông Nam, được ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, thì cần phải đặc biệt chú ý để lá cây không bị cháy nắng. Nếu nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới mức đóng băng, thì nên chuyển cây ra khỏi bệ cửa sổ. Bởi vì vào mùa đông, loại cây mọng nước sẽ bị tổn thương do lạnh, ngay cả khi cửa sổ lắp kính hai lớp, chúng vẫn có thể bị tổn thương.
4. Cây cỏ gương (Pilea peperomioides)
Cây cỏ gương (Pilea peperomioides) có nguồn gốc ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nhưng hiện nay nó có thể được thấy ở khắp nơi trên thế giới. Câu chuyện bắt đầu từ việc một nhà truyền giáo người Na Uy đã mang cây cỏ gương từ Trung Quốc về quê hương Na Uy của mình và tặng cho cư dân ở vùng đất đó. Từ đó, cây cỏ gương đã phổ biến ra khắp thế giới. Cũng vì vậy, nó còn có tên là “Cỏ tình bạn” (friendship plant).
Cỏ gương ưa ánh sáng, nhưng cần ánh sáng chiếu gián tiếp; kích thước nhỏ thích hợp đặt ở vị trí bệ cửa sổ. Tuy nhiên không nên đặt chúng ở cửa sổ hướng Nam, vì nắng nóng và ánh sáng chiếu trực tiếp sẽ làm cháy lá. Chỉ cần nhiệt độ duy trì trên mức đóng băng, cây cỏ gương đều có thể sinh trưởng tốt. Tuyệt đối không nên tưới nước cho cây quá nhiều. Cách chăm sóc cây cũng giống như đối với các loại cây mọng nước khác, cần được trồng trong đất thoát nước tốt, chỉ tưới nước khi đất trồng hoàn toàn khô.
5. Cây bắt ruồi (Venus Flytraps)
Cây bắt ruồi là loại cây nhỏ, độc đáo, không chỉ có giá trị trang trí mà còn rất thú vị vì có thể bắt nhiều loại côn trùng. Từ lâu, cây bắt ruồi đã là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của những người sưu tầm thực vật. Trên các lá của cây bắt ruồi có những lông ngắn nhỏ hình kim, một khi bị chạm vào, sẽ kích hoạt cơ chế bẫy, lá cây lập tức đóng lại để bắt giữ con mồi, sau đó tiết ra chất tiêu hóa để phân giải con mồi. Đây cũng là cách chúng tự cung cấp chất dinh dưỡng cho mình.
Cây bắt ruồi thích ẩm ướt và ánh sáng mạnh, ánh sáng chiếu gián tiếp. Chỉ cần đặt nó vào trong một cái đĩa nước nông rồi đặt trên bệ cửa sổ là được, không cần quá chăm sóc. Nếu trong phòng bếp nhà bạn có rất ít côn trùng bay xung quanh, thì có thể mỗi tháng vài lần cho chúng ăn một ít ruồi nhặng, rệp sáp (mealybugs) hoặc cá khô xé nhỏ.
6. Cây tử la lan châu Phi (African violets)
Cây tử la lan châu Phi (African violets) có thời kỳ ra hoa dài, kích thước cây nhỏ, thích hợp để đặt trên bệ cửa sổ. Những chiếc lá hình tròn có màu xanh nhàn nhạt, bông hoa màu sắc rực rỡ, có thể tăng thêm màu sắc cho căn bếp. Chúng là loại cây không độc, vì thế không cần phải lo lắng về việc thú cưng lén đến bên cạnh chúng nghỉ ngơi. Cây tử la lan chịu bóng râm rất tốt, nhưng trong mùa ra hoa, chúng phải được chuyển đến bệ cửa sổ để nhận được ánh sáng mặt trời chiếu gián tiếp. Tử la lan tương đối nhạy cảm với nước, đất trồng không nên để khô nhưng cũng không nên tưới quá nhiều nước. Lá của nó không nên tiếp xúc với nước, nếu không chúng sẽ bị phai màu. Vì vậy, nên dùng chậu ngâm cây để tưới nước, đặt cả chậu cây vào khay lớn đựng nước hoặc chậu nước, để nước thấm dần từ đáy chậu cho đến khi toàn bộ đất đều thấm nước.
7. Cây hương thảo (Rosemary)
Cây hương thảo (Rosemary) là loại cây có hương thơm, hình dáng nhỏ, không chiếm không gian. Khi trồng trong nhà cần nhiều ánh sáng mặt trời, nên rất thích hợp đặt trên bệ cửa sổ. Ngoài ra, khi nấu nướng có thể vươn tay ra là hái được chúng để cho vào các món ăn, rất tiện lợi lại thực dụng.
Trên thực tế, cây hương thảo khi trồng trong nhà hầu như luôn được đặt trên bệ cửa sổ đầy ánh nắng. Nên trồng cây hương thảo trong chậu đất nung có khay thoát nước nông bên dưới để tránh tưới nước quá nhiều, không nên trồng trong chậu gốm sứ. Bên dưới đặt một cái đĩa nông để thoát nước, không nên trồng chúng trong chậu không thể thoát nước. Rễ của cây hương thảo tốt nhất nên được giữ khô ráo, nhưng lá thì phải được giữ ẩm. Nên đợi khi đất trồng khô ráo hoàn toàn thì hãy tưới nước, nhưng tốt nhất mỗi tuần tưới nước vài lần bằng cách phun sương cho cây. Như vậy, chúng có thể phát triển tốt hơn khi ở trong nhà.
8. Cây sen đá (Aeonium)
Cây sen đá là loại cây mọng nước thuộc chi Cảnh thiên (Sedum), có hình dáng thanh nhã, xinh đẹp, lá mọc ở đầu thân và cành giống như một bông hoa. Điều hấp dẫn nhất là, lá của chúng được xếp lại với nhau từng lớp, giống như bông hoa sen. Điều này cũng giúp chúng dễ dàng phát triển từng lớp một. Cây này thích hợp đặt trên bệ cửa sổ, tạo nên cảnh đẹp mắt. Cây sen đá thuộc loại cây cần ánh nắng chiếu trực tiếp, chỉ cần tưới nước khi đất hoàn toàn khô ráo. Nếu là cây sen đá lớn thì sẽ cần nhiều nước hơn. Đồng thời, chúng đặc biệt sợ các loài côn trùng như nhện, ve, rệp, nên cố gắng tránh để những loài côn trùng này đến gần cây.
9. Cây húng tây (Ocimum basilicum)
Cây húng tây còn được gọi là cây húng ngọt, thích hợp làm gia vị nêm vào thức ăn, cũng là một trong những loại cây gia vị dễ trồng trong nhà bếp. Loại cây này thích ánh nắng đầy đủ, đất trồng ẩm ướt, không thích trồng ở những nơi lạnh, thoáng gió.