7 loại cây trồng thường gặp có thể xua đuổi muỗi
Ngoài việc khiến con người cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, muỗi còn có thể mang đến bệnh sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác, vì vậy mọi người đều muốn thoát khỏi nó. Ngoài việc đập muỗi bằng “tay không”, xịt dầu thơm lên khắp cơ thể, đốt nhang muỗi để xua muỗi, chúng ta còn có thể lợi dụng các loại cây trồng với tác dụng xua muỗi có sẵn trong thiên nhiên.
Một số loại cây có mùi hương đặc thù khiến muỗi không thích, nếu dùng tinh dầu của những loại cây này chế thành chất lỏng phun xịt, cũng có tác dụng đuổi muỗi khá tốt. Dưới đây là 7 loại cây thường gặp có thể trồng ở trong sân vườn, ban công, bệ cửa sổ, trên sân thượng… để đuổi muỗi bay vào nhà. Ngoài ra, có thể chế thành tinh dầu rồi đốt hoặc xông để đuổi muỗi; đồng thời cũng có thể dùng pha trà, làm gia vị, có rất nhiều giá trị thực dụng.
Cây Bạc hà mèo (Nepeta Cataria)
Cây bạc hà mèo còn được gọi là cỏ tai mèo, có vẻ bề ngoài giống với cây bạc hà, nhưng không phải cây bạc hà. Bạc hà mèo có tác dụng đuổi muỗi rất mạnh. Một nghiên cứu của Đại học tiểu bang Iowa, Hoa Kỳ phát hiện, tinh dầu chiết xuất từ cây bạc hà mèo có tác dụng đuổi muỗi gấp 10 lần so với thành phần đuổi muỗi nhân tạo DEET (tên viết tắt của hợp chất N, N-diethyl-m-toluamide).
Ngoài ra cây bạc hà mèo còn có tác dụng khác như: an thần, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, kích thích cảm giác thèm ăn…
Cây Bạc hà (Mint)
Bạc hà là một loại cây hương thảo, chỉ cần sờ nhẹ lên cây là cây sẽ phát ra mùi thơm dịu mát. Rất nhiều loại thuốc trong Trung và Tây y đều dùng đến bạc hà, cũng có thể dùng nó để pha trà giúp tinh thần tỉnh táo. Cây bạc hà ít sâu bệnh, dễ trồng, trồng ở trong vườn hoa, trước cửa sổ hoặc ban công đều thích hợp.
Các tác dụng khác của cây bạc hà: giảm nhiệt, giảm đau, giảm mệt mỏi, cải thiện đau đầu cảm cúm…
Cây hương thảo (Rosemary)
Cây hương thảo cũng có tác dụng đuổi muỗi nhất định. Nó là một loại gia vị được sử dụng phổ biến trong các món ăn phương Tây, đồng thời có giá trị y dược rất cao trong Trung y. Trong Trung y cổ đại, hương thảo được cho là có khả năng tăng cường trí nhớ. Hương thảo có khả năng chống oxy hóa rất mạnh, chứa carnosic acid, Carnosol, phenol hương thảo, Ursolic acid, Rosmarinic acid và nhiều thành phần chống oxy hóa khác.
Các tác dụng khác của cây hương thảo: kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa, an thần cải thiện giấc ngủ, trị chứng đau đầu …
Hoa Oải hương (Lavender)
Hoa oải hương có màu tím, rất lãng mạn và xinh đẹp, thường được dùng làm tinh dầu và túi hương. Hoa oải hương là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Tinh dầu oải hương có thể được sử dụng để chế thành chất chống muỗi. Lấy 2-3 giọt tinh dầu oải hương, trộn với tinh dầu phong lữ (geranium), tinh dầu chanh sả, thêm nước rồi cho vào bình xịt, lắc đều rồi xịt vào quần áo, cách hai giờ đồng hồ xịt một lần để xua đuổi muỗi.
Các tác dụng khác của cây oải hương: an thần giảm đau, dưỡng da dưỡng nhan, sát khuẩn và xua đuổi côn trùng….
Cây Phong lữ (Geranium)
Cây Phong lữ hay còn gọi là phong lữ thảo, thiên trúc quỳ, có rất nhiều loại phong lữ với nhiều loại hoa và màu sắc rực rỡ xinh đẹp. Tương đối phổ biến là loại phong lữ Bourbon và phong lữ Pelargonium graveolens L’Hér. Phong lữ có một mùi hương rất đặc biệt, nếu ruồi muỗi ngửi thấy mùi này thì sẽ tránh xa; giá trị thực dụng của cây phong lữ phần lớn là dùng để chế tinh dầu phong lữ.
Các tác dụng khác của cây phong lữ: khử mùi hôi, kháng khuẩn, tiêu viêm, làm mờ sẹo …
Cây cúc vạn thọ (Marigold)
Mùi thơm của cây cúc vạn thọ có tác dụng xua đuổi côn trùng. Loại cây này thích ánh nắng, vì vậy không nên trồng trong nhà, còn trồng ở trong sân vườn có thể làm giảm mật độ muỗi. Ngoài ra nó còn là một vị thuốc quan trọng trong Trung y. Dùng lá của cây cúc vạn thọ để pha trà, băm nhỏ chiên trứng, sẽ cho một hương vị khác lạ.
Các tác dụng khác của cây cúc vạn thọ: thanh nhiệt giải độc, tiêu đàm ngừng ho…
Cây ngải cứu (Mugwort)
Cây ngải cứu có rất nhiều chủng loại, người xưa thường treo cành ngải cứu trước cửa, và cho rằng đốt xông lá ngải cứu có tác dụng phòng bệnh, trừ tà (ôn dịch). Bản thân cây ngải cứu cũng là một loại thuốc Trung y. Lấy lá ngải cứu phơi khô và đốt, có tác dụng đuổi muỗi như nhang muỗi tự nhiên.
Hoàng Yên Hoa thực hiện
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ