6 cách giúp con bạn có hứng thú với môn lịch sử
Nghiên cứu lịch sử giống như bước lên một cỗ máy thời gian. Chúng ta tiến nhập vào những thử thách và chiến thắng của các bậc tiền nhân.
Trong cuốn sách “Một vùng hoang dã thân quen: Tìm một mái ấm trên con đường của Daniel Boone”, tác giả S. J. Dahlman có trích dẫn lời của Michael Crichton: “Nếu bạn không hiểu biết lịch sử, vậy thì bạn sẽ không biết gì cả. Bạn là một chiếc lá không biết rụng về cội nào”.
Những người có một số hiểu biết nhất định về lịch sử trong chúng ta đều nhận thức được rõ rằng: nhiều công dân của đất nước chúng ta, đặc biệt là những người trẻ tuổi, là những chiếc lá không biết rụng về cội nào.
Có lẽ bạn đã xem video của Mark Dice trên YouTube. Anh ấy đứng trên vỉa hè, cầm micrô, và phỏng vấn những người đi đường. Anh đã hỏi họ lý do tại sao chúng ta kỷ niệm Ngày Độc Lập vào hôm 04/07. Thế rồi anh nhận được những cái nhìn bối rối, hoặc những câu trả lời kiểu như: “Đó là ngày chúng ta giành được độc lập khỏi Canada”.
Có lẽ bạn đã nói chuyện với một người bạn hoặc một người hàng xóm trông hoàn toàn ngơ ngác không hiểu khi bạn nói với họ rằng tổ tiên xa xôi của bạn đã chiến đấu trong Trận Yorktown.
Có lẽ bạn đã xem kênh CNN hoặc Fox News, và nhận ra rằng một số thành viên hiện tại trong Quốc hội của chúng ta dường như thiếu kiến thức chuyên môn về Hiến pháp của Hoa Kỳ.
Là một sinh viên chuyên ngành lịch sử ở trường đại học, rồi tiếp đến là 2 năm nghiên cứu sau đại học, và là một người dành cả đời đọc lịch sử và tiểu sử, tôi cảm thấy lo sợ hơn là bất ngờ trước sự thiếu hiểu biết này.
Nghiên cứu lịch sử giống như bước lên một cỗ máy thời gian. Chúng ta tiến nhập vào những thử thách và chiến thắng của những người đã đi trước mình. Chúng ta tìm thấy hy vọng trong sự tiến bộ của loài người. Và chúng ta học hỏi được về nghệ thuật của sắc thái. Ví dụ như, chúng ta miễn cưỡng thừa nhận rằng Robert E. Lee đã chiến đấu vì một mục đích xấu. Tuy nhiên, ông ta đã làm vậy vì tình yêu dành cho mảnh đất Virginia, nơi ông coi như nhà của mình.
Nếu chúng ta không lên được cỗ máy thời gian đó, nếu chúng ta không nghiên cứu và đánh giá cao những người đã hy sinh để có được hiện tại hôm nay, chúng ta sẽ trở thành những kẻ lạc trôi. Giống như rất nhiều người ngày nay, chúng ta sẽ trôi dạt vô định trong dòng sự kiện hiện tại. Rồi chúng ta sẽ tin vào những lời hứa kỳ quặc của các chính trị gia nhất định, những người mà bản thân họ cũng thiếu hiểu biết về lịch sử nhân loại.
Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp những chiếc lá này trong chúng ta nhận thức rõ hơn rằng chúng đang bám vào những cái cành của một cây sồi khổng lồ? Và những cái cành đó lại lần lượt được cố định vào một thân cây to lớn? Và thân cây to lớn đó lại được nuôi dưỡng bởi những chiếc rễ đâm sâu vào quá khứ?
Hãy quên đi lịch sử được dạy trong các trường học của chúng ta – một số chúng hữu ích, nhưng số khác thì không.
Đây là 6 cách mà các bậc cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác, và những người cố vấn có thể tái hiện quá khứ vào trong cuộc sống của thế hệ trẻ, và giúp họ phát triển sự tôn trọng dành cho thế hệ đi trước.
Hãy bắt đầu từ khi còn nhỏ
Nếu chúng ta khơi dậy được lòng nhiệt tình của những người trẻ tuổi và mang đến cho họ những cuốn sách hay, chúng ta có thể khiến cả những đứa trẻ mẫu giáo thích thú với môn lịch sử. Những giá sách trong các thư viện công cộng của chúng ta chứa vô số những câu chuyện lịch sử đầy màu sắc, những trang tiểu sử cuốn hút và những cuốn tiểu thuyết lịch sử. Chẳng hạn như, bộ sách Eyewitness Books đã hấp dẫn không chỉ những đứa trẻ 6 tuổi, mà cả những người trưởng thành. Các cuốn sách tiểu sử dành cho học sinh tiểu học trình bày nhiều câu chuyện sinh động của những bậc vĩ nhân, từ George Washington đến Florence Nightingale, từ John Glenn đến Martin Luther King, Jr.
Thời còn đi học, tôi đã say mê bộ truyện “Thời thơ ấu của các danh nhân Hoa Kỳ”. Khi trưởng thành, tôi đã sưu tầm gần một trăm cuốn của bộ truyện đó, dẫu là mua ở thư viện hay ở sự kiện thanh lý đồ cũ, để chia sẻ với con cháu mình. (Những cô cháu gái sinh đôi của tôi đặc biệt yêu thích cuốn sách về cuộc đời của Helen Keller).
Khi bạn cho các con mình làm quen với lịch sử ngay từ khi con còn nhỏ, chúng có thể sẽ đam mê lịch sử trọn đời.
Những bộ phim tài liệu
Có hàng ngàn những bộ phim điện ảnh và phim tài liệu lấy bối cảnh trong quá khứ. “Drums Along The Mohawk”, “Spartacus”, “Glory”, “Apollo 13”, “Hotel Rwanda”, “Lawrence of Arabia”, “Darkest Hour”: những bộ phim như vậy là một mỏ vàng khiến giới trẻ có hứng thú tìm hiểu và thảo luận về lịch sử quá khứ. Hãy lên YouTube, tìm kiếm “lịch sử dành cho trẻ em” hoặc “lịch sử dành cho thanh thiếu niên”. Bạn sẽ tìm thấy vô số những bộ phim tài liệu miêu tả về mọi thứ, từ việc xây dựng các kim tự tháp, cho đến cuộc Nội Chiến.
Thảo luận về các sự kiện đang diễn ra hiện tại
Các tiêu đề tin tức của thời điểm hiện tại sẽ được liên kết với các sự kiện trong quá khứ. Ngọn lửa phá hủy một phần Nhà thờ Đức Bà đã giúp [người ta] có chút thì giờ truy cập internet và đọc về thông tin lịch sử của nhà thờ. Vụ sát hại hàng trăm người ở Sri Lanka vừa qua là lúc chúng ta cần nhìn lại di sản văn hóa phong phú của hòn đảo đó, và những cuộc xung đột đẫm máu gần đây của nó.
Mời những người lớn tuổi đến nói chuyện tại các lớp học
Khi đang giảng dạy lịch sử Hoa Kỳ cho một lớp học tại gia, tôi đã nhờ một trong những người cha của học sinh tới nói chuyện với các bạn trẻ về thời gian của ông trong quân đoàn Thủy quân lục chiến. Ông phục vụ [trong cuộc chiến tranh] tại Việt Nam, và sau đó đã trở thành quân nhân có cấp bậc cao nhất trong quân đoàn. Khi đến, ông đã diện cả một “cây” màu lục – [thật ngạc nhiên là] ông vẫn có thể mặc vừa đồng phục [cũ] của mình. Những câu chuyện về [cuộc chiến tranh] Việt Nam của ông đã khiến các học sinh và tôi đều cảm thấy thích thú. Vào hôm đó, lịch sử đã thoát ra khỏi những trang sách giáo khoa và trở nên thật sống động.
Ghé thăm các địa điểm lịch sử trong những kỳ nghỉ hè và nghỉ lễ
Mới đây, vợ chồng con gái tôi đã đưa các con mình đến Jamestown và Williamsburg, rồi ở đó 3 ngày. Khi trở về, những đứa trẻ đầy phấn khích kể lại các câu chuyện về những gì chúng đã thấy: các món đồ nghệ thuật và hàng thủ công, vũ khí trong Dinh Thống Đốc, gôm cùm, nhà kho, và cột trụ tra tấn.
Cuối cùng, hãy kể những câu chuyện về bạn và gia đình của mình
Hầu hết những người trẻ tuổi thích nghe các câu chuyện về thời thơ ấu của cha mẹ họ, những năm học đại học, cách tán tỉnh, và công việc. Họ tiếp thu những câu chuyện kể về ông bà cố của họ. Những câu chuyện đó được kết nối với lịch sử của thời đại. Ví dụ như bạn đã ở đâu khi con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng? Bạn nhớ được điều gì về các vị tổng thống khác nhau? Bạn thích những ai [trong số đó] và tại sao? Bạn nhớ gì về sự kiện ngày 11/09 ? [Và đó là cách] bạn đang giúp bồi dưỡng nên các nhà sử học nhỏ tuổi.
Trong nhiều phần của cuốn sách chính trị “Những suy tư về cuộc cách mạng ở Pháp” mà tôi đã đọc từ lâu, tác giả William Burke có viết: “Xã hội thực sự là một hợp đồng. Đó là một sự hợp tác … không chỉ giữa những người đang sống, mà còn giữa những người đang sống, những người đã khuất, và những người sắp được sinh ra”.
Khi phá vỡ mối quan hệ hợp tác đó, chúng ta sẽ gặp nguy hiểm.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times