6 cách dùng điều hòa không lo tốn điện trong ngày hè nóng nực
Mùa hè nóng nực cần dùng điều hòa để giải nhiệt, nhưng bật điều hòa thời gian lâu lại e ngại vấn đề tiêu tốn điện. Bạn đừng quá lo lắng, các chuyên gia đã chia sẻ 6 cách dùng điều hòa có thể tiết kiệm điện.
Cách thứ nhất: Mở cửa ra vào và cửa sổ trước khi bật điều hòa
Vừa từ ngoài trời bước vào phòng trong một ngày nắng nóng, bạn thường không nhẫn được, lập tức chỉnh nhiệt độ điều hòa xuống mức thật thấp để nhanh chóng làm mát căn phòng.
Tuy nhiên, việc “bật điều hòa lên” cộng với việc “thay đổi nhanh nhiệt độ phòng từ nóng sang mát” là một hành vi rất tốn điện. Chuyên gia sắp xếp nội thất Trần Ánh Như (Chen Yingru) gợi ý rằng nếu bạn về nhà và thấy trong phòng rất nóng, trước tiên bạn nên mở cửa ra vào và cửa sổ để khí nóng thoát ra ngoài, sau đó mới bật điều hòa. Làm như vậy, bạn sẽ không cần phải điều chỉnh nhiệt độ điều hòa quá thấp.
Hơn nữa, nếu bỏ qua bước mở cửa ra vào và cửa sổ mà chỉ bật điều hòa thì khả năng làm lạnh sẽ chậm hơn.
Cách thứ hai: Kết hợp với quạt điện và quạt tuần hoàn
Nhiều người sẽ chỉnh điều hòa xuống dưới 26 độ, cảm thấy như vậy mới thoải mái. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên để nhiệt độ điều hòa trong khoảng 26-28 độ, chỉ cần tăng lên 1 độ là đã có thể tiết kiệm được 6% điện năng.
Nếu bạn cảm thấy 26-28 độ không đủ mát, bạn có thể kết hợp với quạt điện và quạt tuần hoàn. Chúng không có tác dụng làm lạnh, nhưng nếu đặt chúng ở cửa gió của điều hòa thì có thể làm phân tán hơi lạnh thổi ra ngoài, giúp hơi lạnh trong phòng đều hơn. Đặc biệt là trong không gian rộng, người ngồi xa điều hòa sẽ cảm thấy nóng bức cho nên rất muốn hạ nhiệt độ xuống. Sử dụng quạt điện và quạt tuần hoàn có thể giải quyết vấn đề này.
Cách thứ ba: Điều chỉnh sang chế độ “Sleep” khi ngủ vào ban đêm
Tùy chọn nút “Sleep” trên điều khiển từ xa của máy điều hòa có thể giúp tiết kiệm điện năng khi bạn ngủ vào ban đêm. Sau khi màn đêm buông xuống, nhiệt độ sẽ hạ, nhiệt độ trong nhà không cần quá thấp, đặc điểm của chế độ “Sleep” là nhiệt độ sẽ tăng nhẹ sau khi thổi trong một khoảng thời gian. Cô Trần Ánh Như cho biết nhiệt độ điều hòa trong nhà cô sẽ tăng lên 1-1.5 độ sau khi bật chế độ “Sleep” trong một giờ.
Bật chế độ “Sleep” khi ngủ cũng có thể giúp bạn không bị cảm lạnh vào ban đêm.
Cách thứ tư: Không tắt điều hòa khi ra ngoài trong thời gian ngắn
Thời điểm tắt bật điều hòa là lúc tiêu tốn nhiều điện năng nhất, nếu chỉ ra ngoài trong thời gian ngắn thì không cần tắt điều hòa, nhưng cũng không cần để nhiệt độ thấp. Vì vậy, nếu bạn chỉ ra ngoài trong khoảng một giờ, bạn có thể tăng nhẹ nhiệt độ lên 1 hoặc 2 độ hoặc chuyển sang chế độ quạt gió.
Nếu đi lâu cần tắt điều hòa, bạn có thể tắt điều hòa trước khi ra ngoài từ 5 đến 10 phút, lợi dụng hơi lạnh vốn có để giữ mát cho căn phòng.
Cách thứ năm: Vệ sinh lưới lọc định kỳ
Vệ sinh và bảo dưỡng cũng là chìa khóa để duy trì độ mát của điều hòa và tiết kiệm điện. Cô Trần Ánh Như cho biết bụi trong lưới lọc điều hòa sẽ chặn gió lạnh, chất lượng không khí thổi ra cũng kém, không đủ mát và thậm chí còn có mùi.
Thời gian vệ sinh lưới lọc tùy thuộc vào môi trường sống, nếu nhà gần đường có nhiều phương tiện qua lại thì nên vệ sinh 1 lần/tuần. Nếu bạn sống trong ngõ, ô nhiễm không khí ít nghiêm trọng hơn và lưới lọc có thể sạch hơn, thì nên vệ sinh lưới lọc 2-3 tuần/lần.
Nếu trong phòng có chăn bông hoặc nuôi thú cưng, lưới lọc điều hòa không khí sẽ dễ bị bẩn do bông và lông thú cưng. Ở không gian ít đồ vải như phòng làm việc thì lưới lọc sẽ sạch hơn. Về cơ bản, nếu lưới lọc thường xuyên bị bám bụi thì nên vệ sinh lưới lọc hàng tuần. Nếu sử dụng điều hòa tần suất cao thì cũng nên vệ sinh 2 tuần/lần.
Phương pháp làm sạch lưới lọc:
- Tháo lưới lọc: Mở cửa điều hòa và tháo lưới lọc.
- Vệ sinh tấm tản nhiệt: Sau khi lưới lọc được tháo ra, tấm kim loại phía sau chính là tấm tản nhiệt. Trước tiên lắc đều dung dịch vệ sinh điều hòa chuyên dụng rồi xịt đều lên tấm tản nhiệt. Để yên trong khoảng 10 phút, sau đó bật điều hòa, chất tẩy rửa và bụi bẩn sẽ chảy ra ngoài qua lỗ thoát nước của máy điều hòa.
Cách sử dụng của các chất tẩy rửa điều hòa không khí bán trên thị trường không giống nhau hoàn toàn, vì vậy bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Vệ sinh lưới lọc: Trong thời gian chờ, bạn có thể vệ sinh lưới lọc. Nếu bụi trên lưới lọc rất dày, hãy dùng máy hút bụi để hút trước rồi rửa sạch bằng nước; Nếu không có nhiều bụi, bạn có thể vừa xả nước vừa dùng bàn chải mềm để chải nhẹ, cũng có thể thêm một ít nước rửa chén để vệ sinh cho sạch hơn.
- Làm khô lưới lọc: Cuối cùng, làm khô lưới lọc đã rửa sạch, lắp lại vào máy điều hòa là có thể sử dụng.
Cô Trần Ánh Như lưu ý rằng cửa thoát gió của máy điều hòa cũng cần được vệ sinh thường xuyên, chỉ cần dùng khăn khô lau sạch là được.
Tuy nhiên, cô đề nghị mọi người nên mời thợ máy đến vệ sinh kỹ lưỡng máy điều hòa sau mỗi 3-5 năm, “số tiền này không thể tiết kiệm.” Tất nhiên, trước tiên bạn có thể nhờ thợ máy đánh giá xem cái nào còn sạch và không cần vệ sinh.
Ngoài ra, dàn nóng của máy điều hòa cũng cần được giữ sạch sẽ. Thường xuyên loại bỏ bụi bề mặt, tránh tích tụ cặn bẩn sẽ giúp dàn nóng tản nhiệt tốt, tiết kiệm điện năng.
Cách thứ sáu: Lắp đặt rèm cách nhiệt trên cửa ra vào và cửa sổ
Dán một miếng đệm ở dưới cửa để ngăn hơi lạnh thoát ra ngoài và ngăn không khí nóng từ bên ngoài tràn vào. Các cửa sổ cần được dán xốp chống va chạm và cách âm.