Ba huyệt vị giúp giảm khó chịu do máy điều hòa không khí
Máy điều hòa trong nhà thường là lựa chọn của hầu hết mọi người khi tiết trời oi bức. Tuy nhiên, một số người có thể xuất hiện các triệu chứng giống cảm lạnh như ho và sổ mũi, dị ứng mắt, mũi, đau đầu, và đau cổ khi ở lâu trong phòng máy lạnh. Bác sĩ Trung y Thư Vinh sẽ chia sẻ về 2 loại gia vị và 3 huyệt vị giúp cải thiện các triệu chứng này.
Khi đi từ ngoài trời với nhiệt độ cao vào phòng đang mở điều hòa nhiệt độ thấp, đặc biệt nếu đang đổ mồ hôi, chúng ta rất dễ bị cảm lạnh và nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi hoặc đau đầu. Một số người thậm chí còn có thể bị sốt vào ban đêm hoặc liệt mặt.
Nếu ở lâu trong phòng máy lạnh thì hơi lạnh và hơi ẩm từ từ sẽ thấm sâu vào cơ thể. Điều này có khả năng dẫn đến các triệu chứng mạn tính như khô mắt, viêm mũi (mũi nhạy cảm), lên cơn hen suyễn, chàm, ngứa da, đau nhức cơ thể và đau khớp.
Vì sao điều hòa thổi thẳng vào cơ thể lại gây bệnh?
Khi cơ thể cảm thấy rất nóng hoặc đổ mồ hôi nhiều, các lỗ chân lông sẽ tự động mở trên toàn cơ thể, giúp nhiệt thoát ra ngoài, đồng thời mồ hôi cũng sẽ đẩy nhiệt ra bên ngoài. Quá trình này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định nhiệt độ cơ thể.
Khi tiếp xúc với không khí lạnh, các lỗ chân lông sẽ nhanh chóng đóng lại, cản trở quá trình thải nhiệt bên trong. Mồ hôi và hơi ẩm chưa kịp thoát ra ngoài sẽ tích tụ trong cơ và dưới da, dẫn đến hàng loạt bệnh tật.
Theo quan điểm của Trung y, nhiều bệnh tật là do các yếu tố môi trường gây ra như gió (hàn), lạnh (phong), nóng (thử), khô (táo), ẩm (thấp) và lửa (nhiệt).
Ngoài ra, bác sĩ Thư Vinh cho rằng dù là ở bất kể mùa nào thì việc tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh vẫn có thể gây hại cho cơ thể con người.
Theo Trung y, trên bề mặt cơ thể con người có một lớp dương khí, còn gọi là “Vi khí,” có tác dụng bảo vệ cơ thể. Lớp dương khí có tác dụng chống lại sự xâm nhập của nóng, lạnh, ẩm ướt, virus, vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh khác.
Lý thuyết cơ bản về âm dương trong Trung y cho rằng vạn vật trong tự nhiên đều có đặc tính âm dương tương ứng. Những đặc tính đối lập này biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như sự đối lập của đất và trời, lạnh và nóng. Hai năng lượng âm và dương đối lập nhau nhưng cũng phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, sự cân bằng là điều cần thiết. Khi âm dương cân bằng, con người sẽ khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, cơ thể được điều hòa và ổn định. Ngược lại, khi âm dương mất cân bằng, sẽ xuất hiện nhiều vấn đề khác nhau.
Không khí lạnh, vốn mang tính âm, có khả năng phá vỡ khí dương của cơ thể, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và nhiễm bệnh hơn.
Theo Trung y, kinh mạch là những kênh vận chuyển năng lượng xuyên suốt trong cơ thể con người. Kinh mạch có nhiệm vụ vận chuyển khí huyết – những chất cơ bản cấu tạo và duy trì các hoạt động sống của con người – đi khắp cơ thể.
Kinh mạch được chia thành kinh dương và kinh âm. Kinh dương mang năng lượng dương, đặc trưng bởi sự ấm áp và nhiệt. Tất cả các kinh dương đều đi qua đầu và mặt, nên năng lượng dương ở đây tương đối mạnh.
Một số người thích hướng luồng khí lạnh trực tiếp vào đầu và mặt vì nghĩ rằng điều hòa sẽ giúp hạ nhiệt nhanh hơn. Tuy nhiên, cách làm này có thể làm tổn hại đến năng lượng dương ở đầu và mặt, khiến họ dễ bị các triệu chứng như đau đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, thậm chí là liệt mặt.
Ngoài ra, các kinh dương cũng đi qua lưng, đặc biệt là kinh Du ở giữa lưng. Kinh Du có nhiệm vụ điều khiển các kinh dương của toàn cơ thể, hai bên kinh Du còn có các kinh dương. Vì vậy, dương khí ở phía lưng rất mạnh nên tương đối nhạy cảm với nhiệt và đổ mồ hôi nhiều.
Thường xuyên để lưng tiếp xúc với không khí lạnh có thể làm tổn thương năng lượng dương của cơ thể và gây ra các bệnh liên quan như đau vùng chẩm, cứng cổ hoặc bất động, cứng vai, đau thắt lưng, khó chịu ở bụng, tiêu chảy, đau bụng kinh, lạnh đầu chi, cảm lạnh thường xuyên.
Không khí lạnh cũng dễ ảnh hưởng đến các khớp xương. Các khớp chỉ được bao phủ bởi một lớp da và mỡ mỏng, bên dưới có nhiều gân, dây chằng, xương và dịch khớp. Việc tiếp xúc trực tiếp với khí lạnh sẽ khiến khí huyết ứ đọng, từ đó làm cản trở chuyển động của khớp, dẫn đến đau nhức, lâu ngày sẽ hình thành bệnh viêm khớp mạn tính.
Trong khi ngủ, dương khí trong cơ thể tương đối yếu và lỗ chân lông có xu hướng mở ra. Bật điều hòa khi ngủ dù ở nhiệt độ thấp cũng khiến không khí lạnh lưu thông suốt đêm và xâm nhập vào lỗ chân lông. Điều này dễ dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt dương khí, gây ra các triệu chứng như cảm lạnh và đau nhức cơ thể.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với không khí lạnh rất dễ khiến bệnh cũ tái phát, thậm chí làm nặng thêm. Ví dụ, các bệnh như thấp khớp và cúm dạ dày có xu hướng trở nên nặng hơn khi không khí ẩm ướt hoặc thời tiết lạnh. Không khí lạnh từ máy điều hòa tạo ra một môi trường lạnh giả tạo và đôi khi ẩm ướt. Điều này có thể khiến các tình trạng như hen suyễn do cảm lạnh – thường xuất hiện vào mùa đông – cũng có thể xuất hiện vào mùa hè và trở nên trầm trọng hơn khi đến mùa đông. Các chứng bệnh khác, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng và bệnh chàm, cũng sẽ nặng hơn do tiếp xúc với không khí lạnh, có thể tiến triển thành bệnh quanh năm.
Trung y trị ‘bệnh điều hòa’ như thế nào?
Bác sĩ Thư Vinh giới thiệu 2 loại gia vị và kỹ thuật xoa bóp huyệt đạo giúp làm giảm bệnh điều hòa.
1. Gừng
Gừng có tính hoành (làm đổ mồ hôi) có thể giúp cơ thể phục hồi sau nhiều bệnh thông qua việc đổ mồ hôi. Gừng có thể được ăn sống, nấu chín, ngâm giấm, ướp, muối hoặc trộn với mật ong. Khi đi bộ xuyên rừng, ở vùng núi có nhiều bóng râm và ẩm ướt, ngậm một miếng gừng trong miệng có thể tăng sức đề kháng với thấp lạnh ở môi trường xung quanh.
2. Nước gừng
Cho 2 lát gừng vào nước sôi và uống hai lần một ngày để ngăn ngừa cảm lạnh do tiếp xúc với gió hoặc nhiệt độ lạnh. Tuy nhiên, nếu bị đau họng, thì không nên uống nước gừng.
Theo truyền thuyết, Từ Hà Khách, là du khách nổi tiếng thời Trung Quốc cổ xưa, luôn mang theo gừng trong hành lý. Mỗi sáng ông ăn một ít. Nếu có các triệu chứng như cảm lạnh, sổ mũi hoặc sốt, thì ông sẽ uống một bát nước gừng rồi đắp chăn để ra mồ hôi. Đây là cách mà ông tự bảo vệ mình dưới thời tiết khắc nghiệt trong suốt cuộc hành trình vào thời xưa.
Nếu phải tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh, bác sĩ Thư khuyên nên nhai gừng, xoa mặt và tay cho ấm hoặc mặc thêm nhiều quần áo. Nếu không thể chuẩn bị trước, bạn có thể uống nước gừng hoặc canh hành lá (xem phần giới thiệu bên dưới) để làm ấm cơ thể. Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ nặng, bạn có thể cân nhắc tìm bác sĩ để chữa trị.
3. Canh hành lá
Canh hành lá có thể làm giảm các triệu chứng như ớn lạnh, khó đổ mồ hôi, sổ mũi, hắt hơi, đau nhức cơ thể hoặc cứng cổ một cách hiệu quả. Để làm canh hành lá, bạn hãy đun sôi 4 củ hành cả rễ với 500ml nước trong hai phút rồi uống.
4. Bấm huyệt chữa bệnh do nhiễm khí lạnh
Ấn vào các huyệt Hợp cốc, Khúc trì và Phong trì, mỗi huyệt trong hai phút, sẽ có ích cho quá trình phục hồi của cơ thể. Nếu cảm thấy đau nhức hoặc sưng tấy ở các điểm đó thì cũng không có vấn đề gì.
Lưu ý khi dùng điều hòa
1. Điều chỉnh nhiệt độ thích hợp, không nên quá lạnh, lý tưởng nhất là từ 72ºF đến 77ºF (từ 22ºC đến 25ºC).
2. Mở hé cửa ra vào và cửa sổ để không khí tự nhiên có thể lưu thông vào.
3. Thỉnh thoảng dành chút thời gian để tận hưởng ánh nắng mặt trời, để cơ thể đổ mồ hôi một chút và hít thở không khí trong lành.
4. Mặc thêm quần áo hoặc tập thể dục nhẹ nhàng để làm ấm cơ thể trước khi vào phòng máy lạnh.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times