Youtuber người Mỹ lên tiếng vì người dân Trung Quốc: Hãy ‘để họ nói’
Một thanh niên người Mỹ 31 tuổi sở hữu hành trang hoàn hảo để trở thành người nổi tiếng ở Trung Quốc: kỹ năng tiếng phổ thông cấp bản địa, chứng chỉ từ trung tâm ngôn ngữ Viện Khổng Tử và Học viện Hý kịch Trung ương danh tiếng ở Bắc Kinh, cùng tính cách hướng ngoại, vui vẻ.
Điều đó có thể xảy ra khi, giá mà anh ấy có thể cam kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để trở thành một trong những thành viên của “ngũ mao đảng”, hay còn gọi là “đội quân 50 xu ngoại quốc”, một thuật ngữ mà người Trung Quốc sử dụng để mô tả những người phương Tây thực hiện nỗ lực của ĐCSTQ trên các phương tiện truyền thông và trực tuyến.
Đội quân 50 xu là mạng lưới đầy tai tiếng với những ‘dư luận viên’ của ĐCSTQ, những người dẫn dắt cuộc thảo luận theo hướng ủng hộ các quan điểm tuyên truyền của Bắc Kinh. Tên này có nguồn gốc từ một nửa nhân dân tệ vốn được trả cho mỗi bài đăng trực tuyến của họ.
Nhưng với một người ngoại quốc, công việc này sinh lời nhiều hơn.
“Tôi từng cố gắng để giống như một thành viên của ‘ngũ mao đảng,’” anh Alex Farley, có nghệ danh là Lele Farley, nói với The Epoch Times. “Tôi từng cố gắng để trở thành một kẻ bán các giá trị của bản thân vì tiền. Tôi đã thật sự không giỏi làm việc đó.”
Giờ đây, anh tự cho mình là “người hỗ trợ” làm cầu nối giữa người Mỹ và người Trung Quốc vì những trải nghiệm và sự hiểu biết đặc biệt của anh về Trung Quốc.
Anh nói, “Nếu quý vị muốn tóm tắt toàn bộ lập trường chính trị của tôi khi nói đến Trung Quốc trong ba từ, thì đó là ‘Để họ nói,’” tức là để người dân Trung Quốc lên tiếng.
Ngành giải trí bị đàn áp
Chuyến đi đầu tiên của anh Farley đến Trung Quốc là vào hồi hè năm 2007 trong một chương trình trao đổi sinh viên. Khi đó anh 16 tuổi. Hai năm sau, anh nhận được một kỳ thực tập ở Thượng Hải. Anh chứng kiến các dự án xây dựng ở khắp nơi trong thành phố và coi Trung Quốc là vùng đất của cơ hội.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Emory ở Atlanta với bằng kép chuyên ngành kinh tế và Trung Quốc học, anh đến Viện Khổng Tử tại Đại học Nam Kinh, miền đông Trung Quốc để học Hoa ngữ vào năm 2014. Một năm sau, anh đến Học viện Hý kịch Trung ương ở Bắc Kinh để học biểu diễn, phát thanh, và tổ chức sự kiện.
Trải nghiệm đầu tiên khiến anh cân nhắc về khoảng thời gian của mình ở Trung Quốc là vào năm 2016, khi anh còn là sinh viên Học viện Hý kịch Trung ương ở Bắc Kinh. Việc này liên quan đến việc sử dụng thuật ngữ “phú nhị đại” hay “thế hệ giàu có thứ hai”, ám chỉ con em của giới thượng lưu ĐCSTQ hoặc các gia đình giàu có khác.
Lúc đó, anh Farley đang thực hiện một chương trình trò chuyện. Khi đang quay phim, anh đã so sánh việc học tập của một sinh viên ngoại quốc ở Trung Quốc với ở Hoa Kỳ, và sử dụng từ “phú nhị đại.”
“Cắt!” Nhà sản xuất ngay lập tức tạm dừng việc quay phim và chạy đến chỗ anh, “Lele, cậu không được nói phú nhị đại.”
“Gì? Tại sao không?” anh Farley hỏi.
Nhà sản xuất cho biết một “phú nhị đại” vừa thực hiện một vụ tông xe rồi bỏ chạy trong một chiếc xe hạng sang mà không bị truy cứu. Vụ việc gây chú ý trên toàn quốc; nhiều người Trung Quốc đã tức giận về điều đó. Do đó, cụm từ này có nghĩa xấu đối với công chúng và có thể mang lại rắc rối cho chương trình.
Điều đó khiến anh Farley phải suy nghĩ.
“Là một thanh niên trẻ, tôi cảm thấy bình thường với việc sử dụng hành vi của những nước khác để bao biện cho những hành động tàn bạo mà chính quyền [Trung Quốc] đã gây ra,” anh nói. “Tôi chỉ nghĩ đại thể là, “Ừ thì Mỹ cũng làm vậy thôi.” Sau đó, tôi sẽ không nghĩ sâu thêm chút nào về điều đó.
“Nhưng một khi tôi bắt đầu tham gia vào ngành giải trí và chứng kiến việc chính quyền này bóp nghẹt ngành giải trí đến mức nào, tôi thực sự bắt đầu suy nghĩ, ‘Được rồi, chuyện này thật lố bịch.’”
Đó là khi anh Farley biết mình không thể tồn tại lâu trong trò chơi tuyên truyền của ĐCSTQ. Anh tự nhủ sẽ phải chịu đựng điều đó trong vài năm nữa để trở nên nổi tiếng. Sau đó, anh có thể trở về Hoa Kỳ để tổ chức “chương trình phát thanh trung thực” hoặc “podcast trung thực” của riêng mình.
Anh đã bỏ học tại Học viện Hý kịch Trung ương và nhận việc tại một đài truyền hình địa phương của Trung Quốc ở Los Angeles vào mùa hè năm 2017. Từ mùa thu năm 2017 đến mùa hè năm 2018, anh đã tổ chức một chương trình ở Los Angeles, phỏng vấn các nghệ sĩ Hollywood cho iQIYI, một trong những nền tảng video trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc.
Trở lại Trung Quốc
Trong chương trình, anh nhận ra rằng Hoa ngữ của mình cần phải đạt đến một trình độ khác. Vì vậy, anh đã ghi danh chương trình thạc sĩ của Học viện Hý kịch Thượng Hải về giao tiếp đa văn hóa. Anh đã trúng tuyển và trở lại Thượng Hải vào mùa thu năm 2018.
Tuy nhiên, trong mắt anh Farley, Trung Quốc thậm chí đã thay đổi nhiều hơn nữa theo chiều hướng sai lầm.
Khi anh ở thành phố Vũ Hán thuộc miền trung Trung Quốc để tổ chức một sự kiện, anh đã xem một chương trình trên truyền hình cáp trong phòng khách sạn. Nữ xướng ngôn viên đã đọc lá thư của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình gửi cho cha mình khi ông phải bỏ lỡ bữa tiệc sinh nhật của cha vào năm 2001 do một chuyến công tác. Tất cả các sinh viên trên khán đài đều trông như thể, “Ôi Trời! Đó là điều vĩ đại nhất từ trước đến nay,” anh Farley nhớ lại.
Anh Farley nói: “Điều đó, cộng với việc ông ấy [ông Tập] cũng vứt bỏ luật pháp Hồng Kông bằng cách truy lùng những người bán sách đó. Tôi nghĩ, ‘Điều này thật tệ. Điều này thực sự, thực sự rất tệ.’”
Lần trước anh ở Trung Quốc hồi năm 2015, năm nhân viên bán sách liên quan đến Hiệu sách ở Vịnh Đồng La của Hồng Kông — một cửa hàng nổi tiếng bán những quyển sách bị cấm ở Đại lục về cuộc đời của các quan chức ĐCSTQ — đã biến mất. Năm 2016, họ được xác nhận là đang bị giam giữ tại Trung Quốc đại lục.
Lần này, Trung Quốc mang đến cho anh Farley nhiều nhận định hơn chỉ đơn thuần là một sự cân nhắc; anh bắt đầu nhận thấy “những điểm chung giữa Đại Cách mạng Văn hóa và những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.”
Trong thời gian học Hoa ngữ tại Đại học Emory, anh đã tham gia một khóa học về Đại Cách mạng Văn hóa, một giai đoạn xã hội có nhiều biến động dữ dội dưới bàn tay của ĐCSTQ từ năm 1966 đến năm 1976. Dự án cuối cùng của anh là diễn một vở kịch về Cách mạng Văn hóa.
Một đặc điểm của các vở kịch trong thời kỳ đó là lông mày của các diễn viên, anh Farley lưu ý. “Lông mày của họ thực sự rất căng. Nhìn vào lông mày, trông người ta ánh lên vẻ tức giận. Nhưng cùng lúc đó họ lại đang mỉm cười.”
“Họ đang giả vờ tự cho mình là có đạo đức. Tất cả chỉ là một màn diễn.”
Trong chương trình truyền hình mà anh xem trong phòng khách sạn ở Vũ Hán, anh Farley cũng thấy điều tương tự ở xướng ngôn viên và những đứa trẻ trên khán đài. Mọi người đều hành động như thể ai đó yêu cầu họ “đứng thẳng, ưỡn lưng, dựng đôi lông mày lên và cười tươi hơn,” anh nói.
“Lý do duy nhất để mọi người hành động như thế là họ làm điều đó để cấp trên không gặp rắc rối. Kiểu hành động như vậy là có hệ thống.”
Anh nói, “Điều đó thật bệnh hoạn. Thật sự bệnh hoạn, bởi vì khi quý vị so sánh điều đó với phản ứng của một người Trung Quốc đích thực, với tiếng cười hoặc sự tức giận của một người Trung Quốc đích thực, thì nó rất khác.”
“Và điều đó tước đi yếu tố chân thật của người Trung Quốc, vốn là yếu tố mà tôi rất quen thuộc.”
Rồi sau đó, rốt cuộc một sự kiện “giọt nước tràn ly” cũng xảy đến.
Hồi tháng 12/2018, ngay sau khi Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) theo yêu cầu của các công tố viên Hoa Kỳ, hai người Canada đã bị giam giữ tại Trung Quốc với cáo buộc làm gián điệp. Các doanh nhân này đã được trả tự do hồi tháng 09/2021 ngay sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ dàn xếp các cáo buộc của họ với bà Mạnh, cho phép bà này trở lại Trung Quốc. Anh Farley nhớ đã xem tin tức này trên TV hồi năm 2018. Anh tự nhủ, “Thế là xong. Tôi đi đây.”
“Đó là một quyết định rất hợp lý, kiểu như: ‘Mình đang đầu tư thời gian của mình vào quốc gia này, một quốc gia sắp tiêu vong. Và nếu mình tiếp tục làm điều này, thì mình sẽ tiêu vong theo nó.’ Và nếu thế thì, tốt hơn hết là tôi nên cắt đứt ngay bây giờ,” anh nói.
Trở lại Hoa Kỳ và vượt qua nỗi sợ hãi
Anh trở về Hoa Kỳ trước Giáng Sinh năm 2018 sau một học kỳ ở Học viện Hý kịch Thượng Hải. Trước khi đến Trung Quốc, anh đã bán tất cả mọi thứ vì anh đã lên kế hoạch ở lại đó trong tối thiểu ba năm. Vì vậy, khi trở về, anh không còn gì cả. Vì thế, anh đã đến nhà ba mẹ ở Vermont.
Vào một ngày nắng nhưng lạnh giá của tháng 01/2019, anh đang nghe một ban nhạc Trung Quốc và bài hát rất hay. Anh chợt nhận ra rằng đây là những gì anh muốn làm: rap song ngữ và hài kịch.
“Tôi muốn hát rap về thực tế rằng những người bạn mà tôi có, những người tôi biết và tôi đã gặp trong suốt thời gian dài học Hoa ngữ rất giống với những người bạn Mỹ của tôi hơn là khác biệt với họ,” anh nói trong video YouTube của mình, nhan đề “Tôi Đã Bị Cấm Ở Trung Quốc Như Thế Nào” (“How I Got Banned in China”).
“Chính những kẻ cầm quyền phía trên, những người được gọi là lãnh đạo cấp trên, bảo chúng ta công kích lẫn nhau. Trong khi thực tế, tất cả chúng ta đều muốn điều giống nhau. Tất cả chúng ta đều muốn một thế giới tốt đẹp hơn, một môi trường tốt hơn, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Lúc đó, anh vẫn cẩn thận lựa chọn ngôn ngữ để không làm mất lòng ĐCSTQ. Đối với anh, cái giá phải trả là quá lớn: Lên tiếng chống lại Đảng sẽ khiến anh không thể trở lại Trung Quốc, đồng nghĩa với việc từ bỏ một phần quan trọng của cuộc đời mình. Một số người bạn thân nhất của anh sống ở Trung Quốc, và anh đã sống hầu hết tuổi đôi mươi của mình ở đó.
Hồi tháng 02/2019, anh chuyển trở lại Los Angeles và sinh sống ở đó bằng việc diễn hài độc thoại và tổ chức các sự kiện song ngữ. Anh đã cải thiện kỹ năng tổ chức sự kiện và kiếm được nhiều tiền ở đó. Cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, anh đã lên lịch tổ chức khoảng 10 chương trình dạ tiệc Tết Nguyên Đán.
Sau đó, đại dịch COVID-19 ập đến. Do đó, tất cả các sự kiện dạ tiệc Tết Nguyên Đán của anh đều bị hủy bỏ cùng với nguồn thu nhập vốn sẽ giúp anh trang trải trong phần lớn thời gian của năm. Anh nhận thấy nhiều người dân Mỹ không hiểu về những gì đã xảy ra ở Trung Quốc. Nhiều người không biết rằng ĐCSTQ chính là tác nhân chịu trách nhiệm cho đại dịch vì họ đã che đậy sự bùng phát ban đầu ở Vũ Hán.
“Tôi chỉ nghĩ rằng thế giới cần một người như tôi bước ra và kiểu như, ‘Đây là những gì đang xảy ra. Đây là bản chất của chính quyền Trung Quốc,’” anh Farley nói. Anh biết; bởi anh từng làm việc tại Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, trong một năm rưỡi và đã tổ chức nhiều sự kiện cho các cơ quan của chính quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và Los Angeles.
“Tôi luôn hiểu sâu sắc về chính quyền Trung Quốc, và tôi luôn muốn lên tiếng về vấn đề này,” anh nói trong video YouTube của mình. “Tôi đã quá sợ hãi để làm như vậy. Tôi không muốn mất Trung Quốc.”
Cuối cùng, thông qua sự khích lệ của gia đình và bằng hữu và xem các chương trình của Dave Chappelle, anh Farley quyết định làm điều mà anh luôn mong muốn: trào phúng chính trị. Anh cho rằng, là một nghệ sĩ, anh có trách nhiệm phải đứng lên để giúp mọi người vạch trần những gì đang xảy ra vì nó quá điên rồ.
Ngay sau khi anh quyết định lên tiếng, “sự sáng tạo trào dâng trong não tôi như mạch điện.” Ngay sau đó, anh đã viết một bài hát. Anh nghĩ rằng việc phát hành bài hát đó sẽ khiến anh bị cấm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm đã đến sớm hơn thế.
Trong một trong những video về “Chiến Tranh Lạnh 2020” (“Cold War 2020”) vào ngày 04/06/2020, anh đã mặc một bộ áo liền quần Winnie the Pooh và đóng giả lãnh đạo ĐCSTQ trong video “Tập Cận Bình Tìm Thấy Hy Vọng Trong Tình Trạng Hỗn Loạn Của Nước Mỹ” (“Xi Jinping Finds Hope in America’s Turmoil”). Ông Tập được cư dân mạng Trung Quốc đặt biệt danh là “Winnie the Pooh” vì diện mạo của ông trông giống con gấu trong phim hoạt hình đó. Trong vòng vài giờ, anh Farley đã bị cấm ở Trung Quốc.
Ngày nay, người ta không thể tìm thấy tài khoản của anh trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. Chỉ có một video của ba và các chú của anh bình luận về nhạc rock Trung Quốc còn được lưu hành.
‘Chúa Ba Ngôi’ của ĐCSTQ
Theo quan điểm của anh Farley, ĐCSTQ đã làm cho tâm trí người dân Trung Quốc thấm nhuần “Chúa Ba Ngôi” của Đảng giống như một “học thuyết tôn giáo”: ĐCSTQ, dân tộc Trung Quốc, và đất nước Trung Quốc. Đối với Đảng, ba điều này là một và như nhau.
Tuy nhiên, anh Farley đã chọn người dân Trung Quốc thay vì ĐCSTQ. Trong buổi diễn thuyết về chính sách đối với Trung Quốc của Ngoại trưởng đương thời Mike Pompeo tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon hồi tháng 07/2020, anh Farley đã nói chuyện với những người Mỹ gốc Hoa tham dự bên ngoài phòng họp.
“Lần đầu tiên trong đời, tôi có thể thoải mái giao thiệp với người Trung Quốc trong một cuộc thảo luận không bị hạn chế, không bị sàng lọc. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời, một khoảng thời gian đáng kinh ngạc.”
“Người Trung Quốc rất khao khát được tranh luận và thảo luận,” anh Farley nói. “Tôi ghét khi người Trung Quốc nói với tôi, ‘Chúng tôi không quan tâm đến chính trị.’ Tôi chỉ muốn đáp lại kiểu như, ‘Bạn thậm chí còn không biết liệu mình có thật sự không quan tâm không.’ Nếu quý vị cho họ được chọn quan tâm đến chính trị, tôi bảo đảm họ sẽ quan tâm.”
Kể từ khi bị cấm ở Trung Quốc, anh Farley đã không thể tổ chức các sự kiện cho các cơ quan chính quyền Trung Quốc. Và anh cũng để vuột mất cơ hội kinh doanh khi có dịp liên quan đến Trung Quốc sau khi các nhà tuyển dụng xem xét các video trên YouTube của anh.
Loại tổn thất này không nằm ngoài dự đoán.
Tuy nhiên, anh cho rằng thế giới sắp đến lúc chứng kiến các công ty lớn thực hiện các chiến dịch quảng cáo để quảng bá rằng họ không cúi đầu trước Trung Quốc. Đối với anh, rào cản là các công ty này không muốn bị coi là phân biệt chủng tộc hoặc chống lại người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, một khi họ biết rằng ĐCSTQ không phải là người dân Trung Quốc và người dân Trung Quốc là nạn nhân của ĐCSTQ, thì các công ty này sẽ lên tiếng.
Hiện tại, anh Farley kiếm đủ tiền từ kênh YouTube song ngữ của mình để trang trải chi phí hàng tháng, và anh mới làm được điều này từ hai tháng trước. Anh đã mở một kênh YouTube Anh ngữ mới tên “Farley’s Far East” (tạm dịch: “Phương Đông Xa Xôi của Farley”) vào đầu tháng Bảy để mở rộng nền tảng khán giả nói tiếng Anh của mình.
Anh tự mô tả mình là một “nghệ sĩ đang sống chật vật.” Tuy nhiên, “Tôi không hối hận. Tôi sẽ nói với quý vị nếu tôi hối hận, nhưng — chưa một giây phút nào [tôi hối hận].”
Đối với anh Farley, đây không phải là về việc theo đuổi một mục đích cao cả lớn lao. “Tôi chỉ nhận được một cú hích vì sự trung thực,” anh nói. “Tôi nghĩ những diễn viên hài xuất sắc trong lịch sử cảm thấy rằng khi quý vị pha trò và ai đó cười, thì có một khoảnh khắc và một mối liên hệ ở đó.”
“Một phản ứng trung thực và hoàn toàn theo bản năng, tôi khao khát điều đó.”
Cô Terri Wu là một phóng viên tự do tại Hoa Thịnh Đốn, chuyên viết cho The Epoch Times về giáo dục và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Quý vị có thể gửi lời góp ý đến cô tại [email protected].