Quân đội Trung Quốc mua vi mạch AI của Mỹ bằng cách nào?
Theo một báo cáo của Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi (CSET) tại Đại học Georgetown, dẫu cho Hoa Kỳ có thực hiện các biện pháp hạn chế xuất cảng công nghệ cho quân đội Trung Quốc, nhưng các loại vi mạch do các công ty Hoa Kỳ thiết kế vẫn rơi vào tay của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Trong báo cáo này, các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 66,000 hồ sơ mua hàng của PLA được công bố công khai trong khoảng thời gian tám tháng từ tháng 04/2020 đến tháng 11/2020 và xác định được 97 vi mạch trí tuệ nhân tạo (AI) đặc biệt, cao cấp do PLA đặt hàng. Gần như toàn bộ số vi mạch này đều được các công ty của Hoa Kỳ thiết kế là Nvidia, Xilinx (nay là AMD), Intel, và Microsemi.
Báo cáo của CSET, được công bố hồi tháng trước, cũng lưu ý rằng các nhà nghiên cứu không thể tìm thấy bất kỳ hồ sơ công khai nào về việc PLA mua vi mạch AI cao cấp từ bất kỳ công ty Trung Quốc nào, bao gồm HiSilicon (Huawei), Sugon, Sunway, Hygon, và Phytium.
Các loại vi mạch AI này là thành phần then chốt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc “thông minh hóa” (bổ sung trí tuệ nhân tạo vào một hệ thống, theo Kaikki.org) quân đội của mình, cũng như để [hiện thực hóa] mục tiêu của nhà cầm quyền là giành được sự thống trị trên thị trường thiết kế và sản xuất công nghệ AI toàn cầu.
Mặc dù ĐCSTQ đã rót hàng chục tỷ Mỹ kim vào ngành công nghiệp chất bán dẫn của riêng mình, nhưng các công ty Trung Quốc, vì thiếu “kiến thức nội tại và thiết bị chuyên dụng cao,” nên vẫn không thể bắt kịp các công ty thiết kế của Hoa Kỳ, trong khi “Samsung của Nam Hàn và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) … vẫn đang là những đại công ty chuyên về chế tạo chất bán dẫn toàn cầu,” báo cáo trên cho biết.
Để có được các loại vi mạch AI do Hoa Kỳ thiết kế, ĐCSTQ đã né tránh các hạn chế mà Hoa Kỳ áp dụng trong các biện pháp kiểm soát xuất cảng gần đây.
Né tránh kiểm soát xuất cảng
Chính phủ ông Biden đã duy trì các biện pháp kiểm soát từ thời cựu Tổng thống Trump được thiết kế nhằm hạn chế xuất cảng công nghệ cho người dùng cuối cùng trong quân sự ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những kiểm soát này không áp dụng cho các mặt hàng được sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ. Vì hầu hết các loại vi mạch AI được sản xuất tại Nam Hàn và Đài Loan, nên các biện pháp kiểm soát người dùng cuối có rất ít quyền hạn để kiềm chế việc mua hàng từ các pháp nhân Trung Quốc, báo cáo này phân tích.
Hơn nữa, Bộ Thương mại đang duy trì một danh sách tổ chức mà qua đó chính phủ Hoa Kỳ có thể từ chối các đơn đặt hàng của các công ty đối đầu. Có khoảng 500 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách tổ chức này. Tuy nhiên, không có nhà cung cấp nào trong số bảy nhà cung cấp trung gian (cho PLA) của Trung Quốc đã đặt hàng 97 vi mạch AI cao cấp mà các nhà nghiên cứu của CSET tìm thấy nằm trong danh sách này. Và dựa trên nghiên cứu CSET trước đây, một phần nhỏ các nhà cung cấp AI của PLA đang có tên trong danh sách trừng phạt và kiểm soát xuất cảng quan trọng của Hoa Kỳ.
Bảy nhà cung cấp trung gian có trụ sở tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Trịnh Châu, Hàng Châu, và Tây An này đều có liên kết với quân đội Trung Quốc thông qua các tổ chức bao gồm Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của PLA, và nhiều tổ chức khác.
Trong khi đó, một số nhà cung cấp trung gian cho PLA đang là nhà phân phối vi mạch Hoa Kỳ được cấp phép.
Báo cáo CSET đưa ra ví dụ về Công ty TNHH Sitonholy (Thiên Tân) có trụ sở tại Thiên Tân, được liệt kê là một đối tác trên trang web của Nvidia. Công ty này đã giành được một hợp đồng cung cấp các đơn vị xử lý đồ họa Titan V do Nvidia thiết kế cho Học viện Khoa học Quân sự của PLA vào tháng 04/2020. Trên trang web của mình, Sitonholy tuyên bố là “đối tác cao cấp của Nvidia” và là một “nhà phân phối được ủy quyền chính thức các sản phẩm của Nvidia” tại Trung Quốc. Ngoài quân đội Trung Quốc, khách hàng của Sitonholy bao gồm 80% các trường đại học ở Trung Quốc đang nghiên cứu về AI.
Chiến lược kết hợp quân sự-dân sự của ĐCSTQ
Nghiên cứu trước của CSET đã nhấn mạnh rằng, trên toàn quốc, phần lớn vi mạch AI của quốc gia này được người tiêu dùng Trung Quốc tích cực nhập cảng từ Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, và Nam Hàn.
Chiến lược hợp nhất quân sự–dân sự của ĐCSTQ đang khiến các nhà quản lý Hoa Kỳ gần như không thể phân biệt được đâu là người dùng cuối trong quân sự và trong lĩnh vực phi quân sự ở Trung Quốc, vốn là cơ sở của phần lớn các biện pháp kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ. Mô hình tổng hợp này cho phép quân đội Trung Quốc né tránh các kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ và có quyền truy cập bí mật vào công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ thông qua các đối tác dân sự.
Các tác giả đề nghị rằng Hoa Kỳ nên mở rộng bộ sưu tập thông tin tình báo nguồn mở và áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới dựa trên các tính năng dành riêng cho các loại vi mạch cao cấp.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng PLA sử dụng các công ty bình phong để có được những gì họ cần. Ví dụ, vào tháng 08/2020, Công ty Công nghệ Hằng Thịnh Bắc Kinh (Beijing Hengsheng Technology Co. Ltd.), chuyên về bộ vi xử lý thông minh và điện toán hiệu năng cao, đã giành được hợp đồng cung cấp bộ vi xử lý Nvidia TX1 và Xilinx Virtex-7 cho một công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
Hai địa chỉ email được liệt kê là đầu mối liên hệ của Công ty Công nghệ Hằng Thịnh Bắc Kinh trong hồ sơ tài chính công được đăng ký cho hàng chục công ty tư vấn công nghệ khác có trụ sở tại Bắc Kinh.
“Thị trường Trung Quốc chiếm 25% lượng tiêu thụ vi mạch AI toàn cầu,” báo cáo này cho biết, “với lượng vi mạch AI được bán cho Trung Quốc vào năm 2021 có giá trị ước tính từ 2.5 tỷ USD đến 5 tỷ USD.”
Đối với các công ty vi mạch lớn của Hoa Kỳ, hơn một phần tư doanh thu của họ đến từ Trung Quốc vào năm 2021, như được thể hiện trong bảng dưới đây.
Các nhà nghiên cứu cho thấy việc hạn chế quyền tiếp cận của ĐCSTQ vào công nghệ của Hoa Kỳ có liên quan đến những tổn thất về kinh tế và chính trị. Một thách thức khác là liệu hoặc làm thế nào, để bù đắp cho việc mất khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc.
“Một giải pháp,” báo cáo này viết, “có thể là cung cấp cho các công ty Hoa Kỳ những lựa chọn thay thế khả thi cho thị trường Trung Quốc. Đạo luật CHIPS for America 2022 đưa ra những ưu đãi lớn để khuyến khích các công ty chất bán dẫn xây dựng cơ sở chế tạo tại Hoa Kỳ.”
Cô Kelly Song là một cây viết của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.