Y tá tại một bệnh viện cấp 2 quá tải ở tỉnh Hồ Nam: Thiếu giường, thiếu thuốc, thiếu nhân viên
Một bệnh viện cấp 2 ở tỉnh Hồ Nam thuộc miền trung Trung Quốc đã quá tải trong bối cảnh một đợt bùng phát đại dịch bùng nổ từ tháng Mười Hai năm ngoái.
Một y tá làm việc tại bệnh viện này cho biết, “Chúng tôi không có đủ giường; chúng tôi đang thiếu thuốc men; các đồng nghiệp của chúng tôi hầu hết đều đã bị nhiễm COVID,” đồng thời cho biết thêm rằng cho đến nay chỉ có hai y tá chưa bị nhiễm COVID.
Các bệnh viện của Trung Quốc được chia thành ba cấp: cấp 1, cấp 2, và cấp 3.
Bệnh viện cấp 2 tương tự như bệnh viện khu vực hoặc bệnh viện địa hạt ở phương Tây, có 100 đến 500 giường, và thường được thành lập ở một thành phố hoặc quận huyện có quy mô trung bình. Một bệnh viện cấp 1 là tương tự như các bệnh viện cộng đồng ở phương Tây và được phân bổ ít nguồn lực y tế nhất. Các bệnh viện hàng đầu là những bệnh viện cấp 3, tương tự như các bệnh viện tuyến ba ở phương Tây, và nhận được nhiều nguồn lực y tế nhất. Chi phí khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên này thường đắt hơn rất nhiều.
Không đủ giường
Theo cô Tiểu Trần (Xiao Chen) (hóa danh), một y tá làm việc cho một bệnh viện ở thành phố Lâu Để, tỉnh Hồ Nam, số lượng bệnh nhân đã tăng đột biến kể từ tháng Mười Hai.
Cô Trần cho hay, “Chúng tôi chỉ là một bệnh viện cấp 2. Mặc dù tất cả các giường bệnh đều là dành cho bệnh nhân COVID, nhưng họ vẫn đang phải xếp hàng dài để chờ.”
Khi nói chuyện với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, cô Trần cho biết cả 70 giường bệnh trong khoa hô hấp của cô đều đã có bệnh nhân. “Chúng tôi hiện đã bỏ trống các khoa phẫu thuật, phẫu thuật thần kinh, và phụ khoa để tiếp nhận bệnh nhân COVID,” cô Trần nói.
Cô cho biết thêm rằng cô cảm thấy bất lực và thương xót cho những bệnh nhân phải chờ để có một giường bệnh.
Thiếu thuốc
Bệnh viện này đang trải qua tình trạng thiếu hụt thuốc men nghiêm trọng do dịch bùng phát hồi tháng trước.
“Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc, nhưng không còn chút thuốc nào ở các hiệu thuốc cũng như bệnh viện này,” cô Trần nói. Loại thuốc bệnh viện còn là Azvudine, và các bác sĩ chỉ kê cho mỗi bệnh nhân năm viên Azvudine.
Do công ty dược phẩm Trung Quốc Genuine Biotech Hà Nam sản xuất, thuốc kháng virus Azvudine được phê chuẩn ở Trung Quốc như một phương pháp điều trị cho bệnh nhân trưởng thành nhiễm COVID-19.
“Không có Ibuprofen, và bản thân tôi chưa bao giờ nhìn thấy thuốc COVID nhập cảng từ Mỹ, cũng như chưa nghe bác sĩ nào kê đơn thuốc như vậy,” cô Trần nói.
Globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch được cho là có hiệu quả trong việc tăng cường khả năng miễn dịch, và các bệnh nhân thường yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc này cho họ.
Cô Trần cho hay, “Các bác sĩ sẽ nói, ‘Không còn thuốc nữa, nên tôi không thể kê đơn cho anh chị được.’”
Một ngày nọ, cô thấy người nhà của một bệnh nhân mang thuốc globulin truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân đó và cô hỏi người này mua thuốc đó ở đâu và đã trả bao nhiêu tiền.
Người đó nói với cô rằng thuốc này có giá 3,000 nhân dân tệ (khoảng 440 USD) một liều. “Người đó nói rằng chi phí mua thuốc không phải là vấn đề. Họ đã mua được thuốc này thông qua các mối quan hệ,” cô Trần nhớ lại.
Các bệnh nhân và gia đình họ không hiểu tại sao một bệnh viện lại không có thuốc cho các bệnh nhân. “Chúng tôi cũng không biết tại sao; chúng tôi đúng là không có thuốc,” cô Trần cho hay.
Thiếu nhân viên y tế
Cô Trần cho biết số lượng bệnh nhân bắt đầu tăng cao kể từ khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế chống COVID hồi tháng Mười Hai.
“Chao ôi! Đột nhiên, bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, và gần như tất cả các bác sĩ và y tá đều bị nhiễm bệnh, ngoại trừ hai y tá,” cô Trần kể lại.
Hai y tá đó đã phải ứng phó với tất cả các bệnh nhân. Hai người này phải mặc đồ bảo hộ cá nhân và không ăn uống trong suốt quá trình làm việc để giảm nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh.
“Tôi đã dương tính với COVID và chỉ nghỉ ngơi trong hai ngày,” cô Trần cho hay.
Cô làm việc ca đêm, và có một y tá khác làm việc cùng. “Hai chúng tôi đã phải chăm sóc hơn 70 bệnh nhân trong khoa của chúng tôi và chúng tôi bị kiệt sức; lưng của chúng tôi thậm chí không thể thẳng lên sau khi làm việc suốt đêm,” cô Trần chia sẻ.
Các bệnh nhân không hài lòng khi cô không thể phản hồi ngay lập tức. Cô Trần tâm sự, “Làm sao chúng tôi có thể chăm sóc nhiều người như vậy cùng một lúc? Các y tá chúng tôi đều rất căng thẳng mỗi ngày.”
Cô cho biết thêm, mặc dù tất cả các bác sĩ và y tá đều đã chích vaccine đầy đủ nhưng vẫn bị nhiễm COVID.
“Chủng ngừa là bắt buộc đối với chúng tôi,” cô Trần nói.
Cô chia sẻ thêm rằng sức khỏe thể chất của cô đã sụt giảm đáng kể sau khi bị nhiễm bệnh.
“Việc nhiễm bệnh đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho cơ thể. Tim tôi đập nhanh đến nỗi cảm thấy như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Ngực thì rất căng. Sau khi chạy được một đoạn thì tôi bị khó thở. Trước khi bị nhiễm bệnh, tôi đã chạy bộ mỗi ngày. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy thật khó để đi lên cầu thang,” cô Trần thở dài.
Một trong những đồng nghiệp của cô phải quay lại làm việc chỉ vài ngày sau khi vừa trải qua phẫu thuật ung thư.
Cô Trần cho biết, “Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, nhưng thu nhập của chúng tôi là quá thấp.”
Theo cô Trần, thu nhập hàng tháng của cô hiện ở vào khoảng 4,000 nhân dân tệ (khoảng 589 USD), ngay cả một y tá thâm niên có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc cũng chỉ kiếm được chưa đến 6,000 nhân dân tệ (884 USD) mỗi tháng.
Bản tin có sự đóng góp của Triệu Phượng Hoa và Hồng Ninh
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times