Ý kiến: Hoa Kỳ không thể bị xóa sổ
Ý kiến bình luận
William Blake từng nói: “Năng lượng là niềm vui vĩnh cửu.”
Hãy so sánh giữa màn thể hiện của ông Joe Biden hôm 26/02 ở Texas với những gì ông Donald Trump đã thể hiện tại CPAC ở Orlando, Florida hôm 28/02.
Tội nghiệp ông Joe. Lập cập tìm kiếm trong mớ thẻ ghi chú của mình, ông ấy đã gắng sức thốt ra một vài cái tên: “và các Dân biểu Shir-Shirley Jackson Lee, Al Greene, Sylvia Garcia, Lizzie Penelley, ugh, uh, xin lỗi, Pannill, và, ugh, tôi đang làm gì ở đây thế này? Tôi sắp không theo kịp rồi.”
“Tôi đang làm gì ở đây thế này?” Đó là một câu hỏi mà nhiều người đang hỏi, bao gồm cả-tôi cá là-bà Sheila Jackson-Lee, chắc hẳn cũng tự hỏi Shir-Shirley là ai.
Tương phản lại, ông Donald Trump đã có một bài diễn thuyết thật sôi nổi, lạc quan và đầy sức lan tỏa tại CPAC.
Diễn thuyết trong một tiếng rưỡi, ông Trump đã đề cập đến nhiều thành tựu tiêu biểu của mình, đồng thời bàn rộng về chính sách đảo ngược đáng báo động của ông Joe Biden chẳng hạn như vấn đề năng lượng, và nạn nhập cư.
Ông ấy đã khiến hàng ngàn người tham dự hội nghị cảm thấy phấn khích khi gợi ý rằng ông có khả năng sẽ tái tranh cử vào năm 2024, và ông ấy đã trấn an các thành viên của Đảng Cộng Hòa khi nói rằng ông không quan tâm đến việc thành lập một đảng mới mà sẽ dốc sức vào việc hỗ trợ Đảng Cộng Hòa và các ứng cử viên thân thiện với ông Trump (không phải ông đâu, Mitt và cũng không phải bà đâu, Liz Cheney).
Ông Trump cũng giải thích về cuộc bầu cử năm 2020, lưu ý rằng ông đã giành được từ 74 đến 75 triệu phiếu bầu, nhiều hơn khoảng 11 triệu so với số phiếu mà ông giành được hồi năm 2016.
Ông nói trước đám đông rằng, đó là lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống đang tại vị đã cải thiện thành tích của mình nhưng vẫn bị thua cuộc.
Đây cũng là lần đầu tiên [một ứng cử viên] thắng ở Florida, Ohio và Iowa mà vẫn bị thua cuộc.
Làm thế nào mà chuyện này có thể xảy ra? Ông Trump đi thẳng vào vấn đề. Ông ấy nói, cuộc bầu cử là “gian lận.”
Tôi cũng nghĩ vậy, và lý do cho việc này đã từng được giải thích ở hội nghị này và một vài lần ở những nơi khác.
‘Thuyết âm mưu’
Tôi biết ta không nên nói rằng cuộc bầu cử năm 2020 là gian lận.
Các nguồn tin tức cánh tả giờ đây thường xuyên chêm vào những lời phủ nhận đối với bất kỳ nghi vấn nào về cuộc bầu cử này, khẳng định rằng bất kỳ luận điểm nào như vậy đều là “thuyết âm mưu” bị bác bỏ, là “lộng giả thành chân,” v.v.
Các bách khoa toàn thư trực tuyến của phe cánh tả như Wikipedia đã hỗ trợ trong dự án tước quyền hợp pháp của những ngôn luận này bằng cách thông báo tới các độc giả rằng ý tưởng cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 là gian lận hoặc ông Joe Biden giành chiến thắng nhờ gian lận cử tri trên quy mô lớn thì đều đã bị “lật tẩy” và “không đáng tin cậy.”
Tuy nhiên, ý tưởng đó không phải bị lật tẩy. Nó đã bị chối bỏ, vốn không cùng một khái niệm.
Một phần của sự chối bỏ đó thể hiện ở sự gia tăng đột ngột của “văn hóa xóa sổ,” có vẻ như đang vận hành với độ nhuần nhuyễn hơn kể từ cuộc bầu cử.
Ông Donald Trump cũng đã nói về điều đó trong bài diễn thuyết của mình khi ông lên án “các phương tiện truyền thông tin giả và văn hóa xóa sổ độc hại của họ.”
Cuối tuần qua, tôi đã viết về một thí dụ nhỏ về văn hóa xóa sổ, đó là việc Amazon cùng các chi nhánh của công ty này đã đột ngột gỡ bỏ mà không báo trước cuốn sách của Ryan Anderson “Khi Harry trở thành Sally: Ứng phó với Xu hướng Chuyển giới” (“When Harry Became Sally: Responding to the Transgender Moment”).
Amazon nắm giữ khoảng 83% doanh số bán sách ở Hoa Kỳ, vì vậy nó gần như là một công ty độc quyền.
Với tư cách là nhà xuất bản của cuốn sách đó, tôi vui mừng nói rằng cuốn sách vẫn có sẵn tại các cửa hàng bán lẻ khác, bao gồm cả trực tiếp thông qua trang web Encounter Books. Chính thế, nỗ lực của Amazon để loại bỏ cuốn sách này đã khiến nó trở nên nổi tiếng. Chúng tôi đã bán được hàng nghìn bản vào tuần trước.
Tẩy chay Văn hóa Xóa sổ
Thế nhưng câu chuyện của Amazon, cùng với cuộc trò chuyện của ông Donald Trump về “văn hóa xoá sổ độc hại” và khẩu hiệu của CPAC trong hội nghị này của họ – “America Uncanceled” (Đất nước Hoa Kỳ không thể bị xóa sổ) được thêu chữ khổ lớn phía trên phông nền – nhắc nhở tôi rằng câu trả lời cho sáng kiến kỳ lạ và đầy thử thách này phải được đặt tại chính trọng tâm nghị trình của phe bảo thủ.
Văn hóa xoá sổ phục vụ cho mục đích chính trị bản sắc. Nó nhằm cưỡng ép sự phục tùng về hệ tư tưởng bằng cách kìm hãm quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng nhiều nhất có thể.
Làm thế nào để những người bảo thủ có thể chống lại điều này?
Theo cái lý thông thường nhất, tôi nghĩ rằng bà Nancy Reagan đã đúng đắn khi khuyên rằng, “Chỉ cần nói Không.”
Các ủy viên của văn hóa xóa sổ là những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng chuyên đe dọa người khác bằng cách phá hoại thiện chí và lòng khoan dung tự nhiên của xã hội nói chung.
Như tình huống thường xuyên đối với những kẻ bắt nạt, cách để vô hiệu hóa chúng là đứng lên chống lại chúng.
Nói cách khác, để hủy bỏ văn hóa xóa sổ, chúng ta phải có can đảm công khai phản đối nó.
Triết gia Aristotle nhận xét rằng lòng dũng cảm là đức tính quan trọng nhất bởi vì nếu không có nó, chúng ta không thể thực hành bất kỳ đức tính nào khác.
Để hủy bỏ văn hóa xóa sổ, chúng ta phải có can đảm đứng lên chống lại những kẻ theo chủ nghĩa chủng tộc mới đang tìm cách đảo ngược lại tầm nhìn của Martin Luther King, người đã nói rằng điều quan trọng không phải là màu da của quý vị mà là nhân cách của quý vị.
Phong trào thiên tả Black Lives Matter hoàn toàn mới và các phong trào tương tự muốn bác bỏ [luận điểm của] ngài King và muốn quy mọi thứ về sắc tộc.
Chúng ta phải nhấn mạnh rằng màu da của một người chẳng có liên quan gì với chính trị và đạo đức của người đó.
Đối với những cáo buộc bừa bãi như “phân biệt chủng tộc có hệ thống” và “quyền thượng đẳng của người da trắng,” chúng ta phải chỉ ra rằng đối xử với mọi người bình đẳng không phải là phân biệt chủng tộc và hơn thế nữa, chẳng có gì là đáng xấu hổ về mặt di truyền khi bản thân là một người da trắng, cũng giống như không phải cứ người da đen hoặc bất kỳ người da màu nào khác đều nghiễm nhiên là người đức hạnh.
Như những gì vừa xảy ra vào tuần trước, khi một hiệu trưởng trường công lập ở thành phố New York đã viết thư cho phụ huynh mời họ lên để phàn nàn về “sắc tố trắng” của họ để biến họ thành “những kẻ phản bội da trắng” và “những người theo chủ nghĩa bãi nô da trắng,” thì những phụ huynh này ngoài việc yêu cầu hiệu trưởng đó từ chức ngay lập tức, thì cần phải nói không [với tất cả những cáo buộc đó].
Không chấp nhận thực tại
Tôi không nói rằng việc này sẽ dễ dàng.
Nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng các phong trào độc tài chuyên chế dường như là không có khả năng chống đỡ ngay khi bản chất thực sự của chúng bị phơi bày, do đó chúng có xu hướng tan rã nhanh chóng và sụp đổ.
Văn hóa xóa sổ được nuôi dưỡng dựa trên việc phủ nhận hiện thực. Còn hiện thực sớm muộn gì cũng sẽ tự khẳng định lại chính nó. Cái gọi là “trans-culture” (kết hợp nhiều nền văn hóa khác nhau) không phải là vấn đề dân quyền mới mẻ nhất, theo như các kênh truyền thông biết nghe lời đã thuyết phục chúng ta, mà đó thực ra là một bệnh lý đáng để chúng ta thương hại.
Xã hội Hoa Kỳ không phải là “xã hội phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống,” nó chỉ phục vụ cho hiến pháp rằng tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng.
Điều đó không có nghĩa là đất nước Hoa Kỳ hoàn hảo hay lịch sử của đất nước này không có sự tàn ác và bất công. Về điều này Hoa Kỳ cũng giống như mọi quốc gia khác. Điều khiến Hoa Kỳ trở nên khác biệt là những lý tưởng của quốc gia này, và những điều đó, như tổng thống Lincoln đã nói, đã biến đất nước này trở thành niềm hy vọng tốt nhất cuối cùng trên trái đất.
Ông Donald Trump đã lan tỏa cảm xúc đó vào cuối bài diễn thuyết của mình tại CPAC. Ông nói, “Trong những năm tới đây, cùng nhau chúng ta sẽ tiếp tục [thắp lên] ngọn đuốc tự do của người dân Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ cùng nhau dẫn dắt phong trào bảo thủ và Đảng Cộng Hòa lấy lại chiến thắng hoàn toàn thuyết phục. …Chúng ta sẽ cùng nhau làm cho đất nước Hoa Kỳ đáng tự hào hơn, tự do hơn, mạnh mẽ hơn và vĩ đại hơn bao giờ hết.”
Kết thúc văn hóa xóa sổ là điều kiện tiên quyết cho chiến thắng đó.
Những mệnh lệnh xảo quyệt, phá hoại tự do của văn hóa xóa sổ hiện diện ở khắp mọi nơi. Nhưng, tôi rất vui khi nói rằng, tinh thần phản kháng cũng như thế, cũng đang trỗi dậy ở khắp nơi nơi.
Chúng ta bị mắc kẹt trong một cuộc đấu tranh giữa việc bị cuốn theo một dòng chảy tuân lệnh một cách trì trệ, rối ren, già nua hay là đi theo một [tiếng nói] khẳng định tự do mới tràn đầy năng lượng.
Tôi hiểu rằng lựa chọn thứ nhất là được nuôi dưỡng bởi vị thế và nguồn lực từ những quan niệm cố hữu. Mà lựa chọn còn lại là xuất phát từ bản năng, với tinh thần độc lập, yêu mến tự do.
Vào rốt cục thì, tôi nghĩ rằng lựa chọn thứ hai sẽ thắng thế.
Roger Kimball là biên tập viên kiêm nhà xuất bản của tạp chí The New Criterion và là nhà xuất bản của Encounter Books. Cuốn sách gần đây nhất của ông là “Ai là người thống trị? Chủ quyền, Chủ nghĩa dân tộc và Số phận của Tự do trong Thế kỷ 21.”
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Roger Kimball thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: