Virginia: Các nhà tài trợ yêu cầu trường đại học trả lại 3.6 tỷ USD vì xóa tên tổ tiên của họ
Đại học Richmond đã xóa tên nhà tài trợ T.C. Williams khỏi trường luật của mình, viện cớ sinh viên khiếu nại rằng hơn 175 năm trước ông được cho là đã sở hữu nô lệ.
Gia tộc Williams hiện muốn trường đại học có trụ sở tại Virginia này trả lại các khoản đóng góp mà họ đã thực hiện trong suốt nhiều năm, cùng với tiền lãi, tổng số tiền sẽ là 3.6 tỷ USD.
Ông Robert Smith, tốt nghiệp Trường Luật của Đại học Richmond (UR), trước đây mang họ của cụ cố của mình, nói với The Epoch Times rằng nếu tên dòng họ này không còn đủ tốt cho trường đại học, thì những đóng góp tài chính của họ cũng vậy.
Trong một bức thư hôm 30/01 gửi cho chủ tịch trường đại học Kevin Hallock, ông Smith cho biết ông đã đưa ra con số 3.6 tỷ USD bằng cách cộng các khoản đóng góp từ cụ cố Williams, các con trai của cụ, và những người thân khác lại, sau đó tính toán tiền lãi gộp trong hơn 150 năm.
“Có thể đáng để ông yêu cầu mọi nhà hoạt động thức tỉnh phải tham gia một khóa học về tài chính để hiểu rõ giá trị và quý trọng những người mà họ muốn xóa sổ,” ông Smith viết trong bức thư hồi tháng Một gửi cho ông Hallock.
Ông Smith—người sáng lập hãng luật và tài chính Chartwell Capital Advisors ở Richmond, Virginia—cho biết trường đại học này vẫn chưa phúc đáp yêu cầu hoàn lại tiền của ông.
Xóa bỏ các chủ sở hữu nô lệ
Cuộc chiến bắt đầu trong năm học 2021-2022. Theo một thông báo hôm 23/09/2022 trên trang web của trường đại học nói trên, thì họ đã thành lập một ủy ban bao gồm các sinh viên, nhân viên, giảng viên, cựu sinh viên, và những ủy viên quản trị của trường đã đề xướng các nguyên tắc đặt tên cho các tòa nhà, các chương trình, và chức danh giáo sư.
Nhiều trường đại học hoặc là đã đổi tên hoặc là đã dỡ bỏ tượng các nhân vật lịch sử sau cái chết của ông George Floyd hồi năm 2020. Các nhóm cánh tả trên khắp cả nước đòi công bằng chủng tộc, và kêu gọi dỡ bỏ tượng đài lịch sử của các linh mục, của Christopher Columbus, và thậm chí của cả Abraham Lincoln.
Các nhà phê bình cho rằng việc loại bỏ các bức tượng là một phần của cuộc cách mạng văn hóa tân chủ nghĩa Marx nhằm miêu tả Hoa Kỳ là một quốc gia phân biệt chủng tộc có hệ thống được thành lập dựa trên chế độ nô lệ. Hệ tư tưởng của phong trào này đôi khi có những tên gọi khác, bao gồm thuyết chủng tộc trọng yếu (CRT); sự đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI); hoặc chủ nghĩa tiến bộ.
Những hệ tư tưởng này thúc đẩy việc miêu tả lịch sử với sự tập trung vào công lý chủng tộc, như trong Dự án 1619, một sáng kiến của The New York Times và Tạp chí The New York Times, nói rằng mục đích của dự án này là “tái cấu trúc lại lịch sử của đất nước bằng cách đặt hậu quả của chế độ nô lệ và đóng góp của những người Mỹ gốc Phi ở trung tâm của câu chuyện quốc gia của Hoa Kỳ.”
Những người ủng hộ CRT nói rằng nước Mỹ không nên thanh minh cho lịch sử và người Mỹ da trắng nên hối lỗi bằng cách ưu tiên cho nhóm người thiểu số trong các lĩnh vực như là tuyển dụng và tuyển sinh đại học để bù đắp cho các hành vi phân biệt chủng tộc đã xảy ra trong suốt lịch sử của đất nước.
Lập hồ sơ vụ kiện
Theo thông báo của trường đại học Richmond, các quy tắc về việc đổi tên các tòa nhà đã được thông qua “sau một quy trình bao quát và toàn diện” với ý kiến đóng góp của 7,500 thành viên của trường đại học và cộng đồng.
Thông báo này nêu chi tiết lịch sử của ông T.C. Williams Sr., sinh năm 1831, người điều hành các cơ sở kinh doanh thuốc lá ở Richmond và các nơi khác ở Virginia, bao gồm cả Patterson & Williams và Thomas C. Williams & Co.
Trường đại học này đã trích dẫn các hồ sơ từ Bản thống kê Nô lệ trong Điều tra Dân số Liên bang Hoa Kỳ năm 1860, cho thấy 35 người đàn ông và bé trai bị bắt làm nô lệ dưới tên Patterson & Williams ở khu vực Richmond.
Thông báo tiếp tục nói rằng hồ sơ thuế tài sản cá nhân cho thấy các doanh nghiệp của ông Williams bị đánh thuế trên 25-40 nô lệ. Một bài viết trên báo do Thomas C. Williams and Co. đặt đã đăng quảng cáo trao thưởng cho việc trao trả lại hai nô lệ của công ty, Todd và Alex, những người đã trốn thoát khỏi một trang trại ở khu vực Danville.
Ông Williams theo học tại trường đại học này, khi đó được đặt tên là Cao đẳng Richmond, từ năm 1846–1849. Ông phục vụ với tư cách là ủy viên quản trị trường cao đẳng này từ năm 1881 cho đến khi qua đời vào năm 1889, và trở thành một người đóng góp cho trường đại học này, thông báo cho biết.
Tuyên bố của trường đại học cho biết, năm 1890, gia tộc Williams đã tặng một món quà kỷ niệm trị giá 25,000 USD cho trường đại học, tạo ra một khoản tài trợ để thiết lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển của chương trình luật.
Cũng theo thông báo đó, một số người con của ông Williams—một trong số họ đã kế vị ông trong Hội đồng Ủy viên quản trị của trường cho đến năm 1929—cũng hỗ trợ hào phóng cho trường Đại học Richmond và Trường Luật. Và năm 1920, khi Cao đẳng Richmond được tái cấp phép thành Đại học Richmond, thì trường luật theo đó bắt đầu sử dụng tên Trường Luật T.C. Williams.
Ông Smith ban đầu tính toán rằng chỉ riêng khoản đóng góp của ông T.C. Williams, Sr., cộng với tiền lãi thì đã lên tới 51 triệu USD, khoản tiền mà ông đã nêu trong một bức thư hồi tháng Mười gửi cho ông Hallock.
“Bởi vì những người thức tỉnh này, họ ghét những người như gia tộc của tôi. Họ ghét những người ngay thẳng, sùng đạo, và những ai giàu có,” ông Smith nói, so sánh vụ kiện được lập ra để chống lại tổ tiên của ông với một vụ ám sát theo kiểu đám đông. “Ý tôi là, họ ghen tị.”
Ông Smith, người duy trì trang Facebook “Rob is Right” dành cho những người bảo tồn truyền thống, đã yêu cầu trường đại học này cung cấp tài liệu về nghiên cứu nhắc đến bên trên.
Ông cho biết các quan chức đã không phúc đáp lại.
“Một trong những giáo lý cơ bản nhất của di sản Kitô hữu Do Thái (Judeo-Christian) của chúng tôi là lòng biết ơn, một khái niệm mà ông và Hội đồng quản trị của Đại học Richmond hình như không biết,” ông viết trong bức thư gửi các quan chức trường đại học này hồi tháng Một.
Ông cho biết mọi người cần có những cuộc thảo luận dân sự về lịch sử của Hoa Kỳ, và việc đó bao gồm cả các cuộc thảo luận về chế độ nô lệ. Nhưng quan điểm của thời đại đó đã bị phớt lờ, ông nói thêm.
Ông Smith cho biết gia tộc của ông đã cống hiến rất nhiều cho việc nghĩa ở Richmond và trường đại học này trong gần 200 năm. Những điều tốt đẹp mà gia tộc ông đã làm bị bác bỏ bởi những người muốn “làm gương về mặt đạo đức,” ông nói.
‘Trả lại tất cả số tiền đó’
Ông Jesse Williams, cha của ông T.C. Williams, đã tặng vật liệu xây dựng cho Nhà thờ First Baptist, ông cho biết. Vị trưởng dòng họ này cũng đã quyên tặng gạch xây và các vật liệu khác cho Nhà thờ First African Baptist ở gần đó, ông Smith viết trong bức thư gửi đi hồi tháng Một của mình.
Ông Jesse Williams cũng đóng góp cho nhu cầu xây dựng của Đại học Richmond khi ngôi trường này được thành lập, ông nói.
Ông Smith cho biết trường đại học chuyển lại khoản tài trợ trị giá 3.3 tỷ USD cho hậu duệ của ông Williams mới là điều đúng đắn. Ông viết rằng khoản nợ 300 triệu USD còn lại phải được bảo đảm bằng một tờ cam kết dùng các tòa nhà trong khuôn viên trường làm tài sản thế chấp.
“Tất cả các giảng viên thức tỉnh của ông” nên cầm cố tài sản của họ để bảo đảm cho khoản vay, ông nói thêm.
“Vì ông và các nhà hoạt động của ông đã cố tình làm mất uy tín cái tên Williams, và vì có lẽ tiền của gia tộc Williams là ô uế, nên hãy chứng tỏ ‘đức hạnh’ của các vị và trả lại tất cả số tiền đó,” ông viết.
Ông Smith cho biết dòng họ này đã không đệ đơn kiện. Chưa thôi.
Một lịch sử khó hiểu
Ông Smith cho biết trường đại học này không đồng tình với quyền sở hữu nô lệ, nhưng đã từng sở hữu nô lệ trong những năm 1840.
Và trường đại học này được thành lập bởi một nhà thuyết giáo Baptist nhưng hiện lại tiếp nhận văn hóa LGBT, ông nói.
Đại học Richmond đã không phúc đáp những nỗ lực yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Tuy nhiên, trang web của trường đại học này lưu ý rằng họ công nhận “vai trò của gia tộc Williams” và tôn trọng “lịch sử đầy đủ và hoàn chỉnh của trường.”
Anh Stuart Smith, cháu trai của ông Robert Smith, cho biết trường đại học này lẽ ra đã có thể đổi tên trường luật mà không mô tả tiêu cực di sản của gia tộc anh.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times