Xâm lược Đài Loan: Một mục tiêu mà ông Tập Cận Bình không bao giờ có thể đạt được (Phần 2/2)
Phần đầu của loạt bài này nói về hai lý do tại sao ông Tập Cận Bình không thể xâm lược Đài Loan bằng vũ trang. Một là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ mất đi công nghệ cao mà đảng này đang lệ thuộc để duy trì quyền cai trị của mình; hai là suy thoái kinh tế sẽ đe dọa nghiêm trọng đến quyền cai trị hợp pháp của ĐCSTQ. Còn hai lý do quan trọng khác: sự bảo đảm quyền lực của ông Tập và khả năng cao là ông sẽ bại trận.
Một cuộc xâm lược vũ trang vào Đài Loan có nghĩa là ông Tập sẽ phải trao quyền sử dụng những vũ khí tối tân nhất, cũng như quyền chỉ huy vào tay quân đội. Điều này rất nguy hiểm cho ông Tập vì người ta sẽ không biết những người lính này sẽ chĩa súng vào đâu một khi họ nắm được những vũ khí này trong tay.
Mọi người đều biết rằng vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn đã xảy ra vào ngày 04/06/1989. Ông Đặng Tiểu Bình đã điều động 300,000 quân dã chiến để đàn áp và tấn công sinh viên và những công dân đòi dân chủ. Trên thực tế, ở Quảng trường Thiên An Môn vào thời điểm đó, số sinh viên ở lại cũng không còn là bao. Ông Đặng chỉ cần vận động 10,000 quân là sự cũng thành, nhưng tại sao ông ta lại điều động những 300,000 quân?
Lý do rất đơn giản, đó là ông Đặng không chắc liệu quân đội có thực hiện theo đúng mệnh lệnh hay không nếu ông chỉ vận động 10,000 quân, hoặc liệu đoàn quân này có quấy đảo Trung Nam Hải cùng với các sinh viên hay không. Ông cảm thấy yên tâm hơn khi điều động 300,000 quân và phân chia họ thành nhiều nhóm khác nhau. Trong trường hợp này, bởi vì mỗi nhóm không biết liệu các đội quân khác có thực hiện mệnh lệnh hay không, nên chỉ huy mỗi nhóm sẽ tự động nghĩ rằng nếu anh ta đứng về phía sinh viên, thì anh ta sẽ bị những đội quân khác bao vây và tiêu diệt. Theo cách này, các đội quân khác nhau đóng vai trò là quân chắn cho nhau.
Ông Đặng là một trong những người sáng lập nên quân đội của ĐCSTQ. Trong cuộc nội chiến giữa ĐCSTQ và Quốc Dân Đảng, ĐCSTQ có bốn đạo quân dã chiến, và ông Đặng là ủy viên chính trị của Đạo quân Dã chiến Số hai. Nói cách khác, với thâm niên và uy tín của ông Đặng trong quân đội, ông không dám giao súng một cách vô tư cho quân lính mà phải tính đến sự ràng buộc và kiềm cự lẫn nhau giữa các đội quân.
Ngược lại, ông Tập, người không có uy tín trong quân đội, sẽ càng cảm thấy bất an hơn nếu ông phải sử dụng nhiều quân hơn và cung cấp cho họ nhiều vũ khí tối tân hơn để tấn công Đài Loan so với những gì ông Đặng đã làm trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Họa như cuộc xâm lược Đài Loan có thành công, thì các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội sẽ tạo dựng được thanh thế to lớn. Đồng thời, với việc được tùy ý sử dụng quân đội của mình, những người này sẽ có đủ quyền lực chính trị để thay thế ông Tập trở thành nhà lãnh đạo tối cao. Những điển cố như vậy trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều. Ông Tập có lẽ đã quá quen với sự tích này rồi, chuyện này cũng giống như quyết định Vượt sông Rubicon của Caesar mà mọi người dân ở phương Tây đều biết.
Như nhà lý luận quân sự người Phổ Carl von Clausewitz đã nói, “Chiến tranh không chỉ đơn thuần là một hành động chính trị mà còn là một công cụ chính trị thực sự, một sự kế tục của quan hệ chính trị, được thực hiện với mục đích tương tự, chỉ là bằng các phương tiện khác mà thôi.”
Chúng ta hãy bỏ qua câu hỏi liệu ông Tập có thể đồng ý tiến hành một cuộc xâm lược vũ trang vào Đài Loan hay không. Nếu như kết quả của việc chiến thắng cuộc chiến này là tạo ra một địch thủ chính trị cho chính ông Tập, vậy thì thống nhất vũ trang Đài Loan để làm gì?
Ông Tập không thể thắng cuộc chiến đó. Điều này đưa chúng ta đến lý do thứ tư, đó là tại sao ông ấy không thể hợp nhất Đài Loan với đại lục bằng vũ lực. Theo Bloomberg, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã thực hiện một loạt các kịch bản diễn tập tác chiến hồi tháng Tám năm nay, cho thấy rằng nếu như Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc chiến và Nhật Bản không còn giữ thái độ trung lập, thì ĐCSTQ sẽ không thể tiếp quản Đài Loan.
Những dự báo này đã không tính đến sự tham nhũng và hủ hóa của quân đội ĐCSTQ. Sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã thanh trừng một số lượng lớn các tướng lĩnh quân đội, trong đó có Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Quách Bá Hùng, Thượng tướng Từ Tài Hậu, và Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn.
Thật khó để tưởng tượng rằng vấn nạn tham nhũng trong quân đội sẽ không ảnh hưởng gì đến hiệu quả chiến đấu và hoạt động hậu cần của lực lượng này. Các chỉ huy của ĐCSTQ dành phần lớn tâm sức của mình để lấy lòng lãnh đạo vừa ý thượng cấp, nhờ đó mà thăng quan tiến chức, có được phú quý giàu sang, thay vì học hỏi để thành thạo các phương pháp chiến đấu hiện đại.
Ngay cả khi ông Tập muốn nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề này, thì các quan chức ở tất cả các cấp trong quân đội đều nhìn thấy rất tỏ tường. Vào ngày 09/08/2021, tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) dẫn lời một người trong nội bộ chính trị nói rằng bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Trung Quốc đang khẩu chiến về lối diễn ngôn. Bộ quốc phòng đã trách cứ bộ ngoại giao về chính sách “chiến lang” vốn làm phật lòng các quốc gia dân chủ. Nguồn tin này cũng tiết lộ cuộc đôi co giữa bộ ngoại giao và bộ quốc phòng đổ lỗi lẫn nhau trước mặt ông Tập.
Nếu việc thống nhất Đài Loan bằng vũ trang của ông Tập là vì mục đích chính trị, vậy thì ông ta có khả năng tiến hành một cuộc chiến mà ông ta chắc chắn sẽ thua hay không? Nếu việc thua trận này mà khiến ông mất chức, vậy thì tại sao ông ta không giả vờ đánh trận và dựa vào các chiến thuật trì hoãn để kéo dài thời gian nắm quyền của mình chứ?
Quý vị có thể đọc phần 1 tại đây.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times