Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (2)
Lời bạch: Thời kỳ Đông Chu Liệt Quốc, chế độ thế khanh thế lộc bắt đầu bị phá bỏ, chế độ quan liêu dần dần hình thành. Chế độ chính trị của đất nước cũng biến đổi từ phân đất phong hầu đời Chu thành chế độ trung ương tập quyền bắt đầu từ triều Tần. Chúng ta đã thấy, sau thời Tần phàm là mưu đồ khôi phục hoặc là khôi phục một phần chế độ phân đất phong hầu, cuối cùng đều tạo thành chiến loạn, như loạn bảy nước Ngô Sở thời Hán Cảnh Đế; loạn bát vương thời Tây Tấn; loạn An Sử triều Đường; loạn Tam Phiên triều Thanh. Hơn hai ngàn năm sau thời Tần, chế độ chính trị của Trung Quốc cơ bản là chế độ quận huyện.
Chúng ta lại nói về văn học và triết học. Văn học trong thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc cũng là thời kỳ vô cùng quan trọng. Vào thời Xuân Thu, bắt đầu xuất hiện một bộ tổng tập thơ ca đầu tiên của Trung Quốc được Khổng Tử tổng kết một cách có hệ thống, đó chính là “Kinh Thi.” “Kinh Thi” có tổng cộng 305 bài thơ, phân thành Phong, Tiểu Nhã, Đại Nhã và Tụng, đó chính là những ca khúc được hát trong dân gian, trong cung đình và trong tế tự. Một loại hình thức văn học của thời kỳ Xuân Thu, đó chính là Kinh Thi.
Kinh Thi tuy có 305 bài thơ, nhưng chúng ta hoàn toàn không biết tác giả của mỗi bài thơ là ai, bởi vì thời kỳ Xuân Thu là một loại kinh tế trang viên, chính là tại khu vực nông thôn rộng rãi người dân cần cù, rất nhiều người sau khi làm ra một bài hát, thì dùng phương thức truyền xướng để lưu truyền, mọi người đều hát, về phần ca từ là ai viết thì không không truyền lại. Khổng Tử đem những ca khúc trong dân gian và cung đình khi đó sưu tầm lại và chỉnh lý thành “Kinh Thi.”
Khi đó, Khổng Tử đã có một tổng kết về “Kinh Thi,” ông nói 300 bài thơ, nói một cách vắn tắt, là trong ý tứ không có tà niệm. Trong “Kinh Thi,” tuy có một số bài thơ nói về phương diện chính trị, một số bài liên quan đến tế tự, còn có một số bài nói về tình yêu nam nữ, nhưng những bài thơ này, khi hát lên là không có tà niệm.
Đến thời Chiến Quốc thì không giống như vậy. Vào thời kỳ Chiến Quốc xuất hiện khá nhiều đô thị, đô thị phát triển, khiến rất nhiều nhân sĩ ở đô thị tập trung lại. Sĩ là tầng lớp quý tộc thấp nhất, họ cũng không có nhiều tiền, nhưng họ có quyền lợi về giáo dục, cho nên các nhân sĩ thường thành thạo về một nghề.
Đến thời kỳ Chiến Quốc, những nhân sĩ có tay nghề này bắt đầu chu du giữa các nước Liệt Quốc, xem ở quốc gia nào có thể được đãi ngộ. Cho nên trong thời kỳ Chiến Quốc đã xuất hiện một hiện tượng, gọi là “dưỡng sĩ” (nuôi kẻ sĩ), ví như Tín Lăng Quân của nước Tề, Bình Nguyên Quân của nước Triệu, Xuân Thân Quân của nước Sở, Mạnh Thường Quân của nước Tề, bao gồm cả Lã Bất Vi sau này, v.v., đều là dưỡng sĩ. Những nhân sĩ này, người tương đối giỏi về phương diện văn học gọi là văn sĩ, võ công giỏi gọi là võ sĩ, ăn nói giỏi gọi là biện sĩ, đưa ra kế sách cho người khác gọi là mưu sĩ. Những nhân sĩ này có tính lưu động rất cao, năng lực cũng rất lớn, trong đó có một số người bắt đầu viết sách lập thuyết (đưa ra chủ trương và học thuyết mới), sau đó cùng nhau biện luận, đây chính là “Bách gia tranh minh” (trăm nhà đua tiếng) xuất hiện bắt đầu vào thời kỳ Chiến Quốc, hoặc vào những năm cuối thời kỳ Xuân Thu.
Trước thời “trăm nhà đua tiếng,” những gì ở Trung Quốc mà có thể ghi chép lại, về cơ bản là lấy hình thức thi ca, giống như “Kinh Thi”, bao gồm “Chu Dịch”, “Thượng Thư”, v.v. Những điển tịch thời cổ cơ bản là lấy thơ hoặc hình thức loại tản văn để ghi chép lại.
Nhưng đến thời Chiến Quốc, do sự phát triển của đô thị và sự tập trung của các nhân sĩ, cũng như nhu cầu của “trăm nhà đua tiếng,” liền khiến cho tản văn trong thời kỳ Tiên Tần Chư Tử trở nên vô cùng phát triển. Nếu chúng ta tìm hiểu văn học sử Trung Quốc, có thể thấy tản văn phát triển bắt đầu từ những năm cuối thời Xuân Thu, hoặc là những năm đầu Chiến Quốc. Cho nên chúng ta đọc “Cổ Văn quan chỉ,” chúng ta sẽ thấy rằng bài trong đó được lựa chọn sớm nhất là trong “Tả truyện,” tiếp đó là trong “Quốc ngữ,” sau đó là trong “Chiến quốc sách,” tiếp theo là trong “Sử ký.” Toàn bộ tản văn của Tiên Tần Chư Tử ảnh hưởng rất lớn đến cách viết của đời sau, bao gồm cả cách dùng từ. Ví dụ như Tư Mã Thiên, ông thực sự chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tản văn Tiên Tần Chư Tử.
Đồng thời do sự phát triển của đô thị, tài văn chương của một số người đã được mọi người biết đến, đồng thời truyền ra ngoài. Nó không giống như thời kỳ Xuân Thu trước đây vốn giống như trang viên thôi, chỉ truyền ra ngoài thông qua phương thức ca hát. Vào thời kỳ Chiến Quốc, nhân khẩu tập trung tương đối đông đúc, đó là một phương thức khác để truyền bá văn học. Do đó, trong thời Chiến Quốc, đã xuất hiện thi nhân có danh tính đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc – Khuất Nguyên. Sở Từ do Khuất Nguyên viết, nếu xét về văn học sử, thể văn của nó chính là mở đường cho nền văn học thời Xuân Thu Chiến Quốc. Thể văn của Sở Từ và tản văn sau này đều là nhờ Tiên Tần Chư Tử mà trở nên vô cùng phát triển.
Về phương diện triết học, thời kỳ Tiên Tần Chư tử đã để lại rất nhiều các loại học thuyết, hoặc gọi là tư tưởng triết học. Lịch sử triết học và tư tưởng triết học này của Trung Quốc, là được phân chia theo các triều đại: Tiên Tần tử học, Lưỡng Hán kinh học, Ngụy Tấn huyền học, Tùy Đường Phật học, và Tống Minh lý học. Ngoài việc Phật giáo được truyền đến từ Ấn Độ, trong các học thuyết khác, đều có thể tìm thấy sự ảnh hưởng của một số tư tưởng của Tiên Tần Chư Tử.
Nếu chúng ta muốn đọc “Trung quốc triết học giản sử” (Sơ lược lịch sử triết học Trung Quốc), quý vị sẽ phát hiện có khoảng một nửa đến hai phần ba số bài là nói đến tư tưởng của Tiên Tần Chư Tử, tư tưởng của họ đã ảnh hưởng rất lớn đến những triết học gia đời sau.
Cho nên giai đoạn lịch sử này, về phương diện quân sự, đó là một thời kỳ vô cùng quan trọng trong lịch sử quân sự; về mặt chính trị, nó là sự chuyển đổi từ Thế Khanh Thế Lộc sang chế độ quan lại, chuyển đổi từ chế độ phân đất phong hầu sang chế độ tập quyền trung ương; về văn sử học, là thời kỳ tản văn phát triển trong lịch sử văn học; về triết học là sự xuất hiện của Tiên Tần Chư Tử. Bởi vậy, giai đoạn lịch sử này, biến cục của 500 năm này là một thời kỳ vô cùng to lớn trong lịch sử 5,000 năm của Trung Quốc, cũng là một thời kỳ biến hóa vô cùng quan trọng.
Đến sau đời Hán, học vấn Nho gia trở thành học vấn được chính thức công nhận. Tại sao học vấn Nho gia lại được chính thức công nhận? Một cách giải thích trong “Trung quốc triết học giản sử,” tôi cảm thấy cũng rất có ý nghĩa. Trong đó nói Trung Quốc là nền văn minh nông canh, chính là lấy nông nghiệp lập quốc, lấy nông nghiệp làm cơ sở phát triển sản xuất. Văn minh nông canh không giống với văn minh thương mại Hy Lạp cổ đại, cũng không giống với người Hung Nô vốn là dân tộc du mục.
Giữa loại văn minh nông canh này ở khu vực Trung Nguyên và các dân tộc du mục kia của người Hung Nô có một ranh giới tự nhiên, giới hạn này chính là lượng nước mưa hàng năm có vượt qua 400ml hay không. Nơi vượt qua 400ml thích hợp cho trồng trọt, nhân khẩu dựa vào nông nghiệp để sinh sống; nếu như không đạt 400 ml, thì phát triển chăn nuôi, dân tộc du mục tìm nước và cỏ để ở, năm nay ở nơi này bị hạn hán, nơi khác nước cỏ phong phú hơn, họ liền đem hết đồ đạc chất lên xe chuyển đến nơi nguồn cỏ và nước dồi dào để chăn thả gia súc.
Vậy nên, người Mông Cổ sống ở trong lều tròn, như vậy để thuận tiện di chuyển. Tuy nhiên thường xuyên chuyển nhà, giáo dục sẽ tương đối trở thành vấn đề, văn minh không dễ dàng truyền từ đời này qua đời khác. Bởi vậy người Hung Nô, hoặc là các dân tộc thiểu số khác, trình độ văn minh của họ so với văn minh canh tác là tương đối thấp, cho nên người Trung Quốc gọi họ là người “man di,” phía Đông gọi là Di, Đông Di, phía Tây gọi là Nhung, phía Nam gọi là Man, phía Bắc gọi là Địch, không công nhận họ là dân tộc Trung Hoa.
Ranh giới tự nhiên giữa văn minh canh tác và văn minh du mục của Hung Nô, ngoài ranh giới phân chia là lượng mưa 400ml ra, còn có công trình nhân tạo Vạn Lý Trường Thành do Tần Thủy Hoàng xây dựng. Bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, về cơ bản đều thuộc các dân tộc du mục, không thích hợp trồng trọt; bên trong Vạn Lý Trường Thành thích hợp cho trồng trọt, thuộc về văn minh canh tác.
Quá khứ có một cách nói, “canh độc truyền gia.”Khi cần làm việc nhà nông, vậy thì liền đi trồng trọt; khi nông nhàn, khi đến mùa đông, thì ở trong nhà đóng cửa đọc sách. Điều này tương đối có lợi đối với việc kế thừa văn minh, bởi vì đất đai không thể di chuyển, cho nên người của một gia tộc sẽ đời này qua đời khác sống ở trên mảnh đất đó. Trung Quốc thời cổ là đại gia tộc quần tụ sinh sống, trong một gia tộc có rất nhiều mối quan hệ cần giải quyết, ví dụ như quan hệ cha con, quan hệ anh em, quan hệ giữa chị em dâu… Bởi vậy cần có một bộ luân lý về duy trì quan hệ gia đình.
Mà Nho gia, chính là một học thuyết vô cùng thích hợp để duy trì bộ luân lý gia đình như vậy. Ví dụ như Nho gia đề xướng cha phải từ (hiền từ), con phải hiếu, giữa các anh em với nhau phải hòa thuận; đem đạo đức của gia đình phát triển ra ngoài xã hội, chính là coi Quốc Quân là cha, coi đại thần như con, đều nói Vua như cha, thần chính là thần tử; luân lý của gia đình, cha hiền con hiếu, mở rộng ra ngoài xã hội, chính là Quốc Quân nên nhân từ, đại thần nên trung; Vua nhân thần trung, tương ứng với cha hiền con hiếu; giữa anh em trong gia đình phải hòa thuận, mở rộng ra ngoài xã hội, chính là “tứ hải giai huynh đệ” (mọi người khắp bốn biển đều là anh em) mà Nho gia giảng.
Giải quyết mối quan hệ với những người khác ngoài xã hội cũng giống như giải quyết mối quan hệ giữa anh em. Chúng ta giảng về “nghĩa” cũng vậy, hay mô tả những thứ khác, loại giá trị quan của quan hệ anh em này cũng là phát triển từ đạo đức gia đình mà mở rộng ra. Cho nên đây chính là lý do tại sao văn hóa Nho gia rất dễ dàng được xã hội tiếp nhận, bởi vì bản thân nó ở trong gia đình, mọi người cũng đã tiếp nhận rồi, chẳng qua là đem nó phát triển ra toàn bộ quốc gia, đẩy mạnh đến xã hội mà thôi. Vì vậy đây là một quá trình vô cùng tự nhiên.
Đương nhiên trong một gia đình, địa vị của người cha là tự nhiên cao hơn người con. Con từ khi còn nhỏ được sinh ra, chính là nghe lời người cha, sau khi lớn lên, khi cha còn tại thế thì cần phải hiếu kính và nghe lời cha. Vậy thì trong một gia tộc như vậy, sẽ có một đẳng cấp tự nhiên, quyền uy của người cha tự nhiên cao hơn con cái. Loại quan niệm đẳng cấp này đưa ra ngoài xã hội, liền biến thành địa vị của Quốc Quân cao hơn các đại thần. Vậy nên, đây chính là nguyên nhân “Trung quốc triết học giản sử” giải thích vì sao văn hóa Nho gia ở các đời sau lại trở thành chính thức, có thể được toàn xã hội, cũng có thể được những nhà cầm quyền đương thời tiếp nhận.
Trong “Trung Quốc triết học giản sử” còn đưa ra ví dụ cho thấy sự khác nhau giữa văn minh nông canh và văn minh buôn bán Hy Lạp. Vì sao Hy Lạp cổ đại là chế độ dân chủ thành bang? Bởi vì khi đó Hy Lạp đều là một số thành bang rất nhỏ, mọi người đến kinh doanh, không ai quen biết ai, vậy thì sẽ rất khó nói địa vị của Trương Tam cao hơn Lý Tứ; nếu Trương Tam và Lý Tứ là bình đẳng, vậy khi quyết định một sự việc, thì mọi người chỉ có thể cùng thương lượng, đây chính là một loại chế độ dân chủ nguyên thủy. Mọi người thảo luận với nhau xem nên giải quyết như thế nào, đã trở thành loại chế độ dân chủ thành bang như vậy của Hy Lạp cổ đại.
Còn nền văn minh nông nghiệp này của Trung Quốc, do trật tự sắp xếp tự nhiên của đại gia tộc, đã dẫn đến toàn bộ những thứ mà Nho giáo đề xướng sau này, một loại luân lý xã hội giống như loại quan hệ Quân thần, Phụ tử vậy.
Gia tộc ở Trung Quốc rất lớn, một bộ sách xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc, giống như một cuốn từ điển, gọi là “Nhĩ Nhã.” Trong đó có khoảng hơn một trăm mối quan hệ gia đình được đề cập đến, chẳng hạn giữa cha và con trai, cậu và cháu ngoại, chú và cháu trai, bác trai như thế nào, chị dâu em chồng thế nào, anh em đồng hao ra sao… Có rất nhiều, rất nhiều từ ngữ cùng loại cho những mối quan hệ như vậy, mà trong ngôn ngữ phương Tây không thể tìm thấy từ ngữ tương ứng để dịch. Đây là một đặc điểm tương đối lớn của văn hóa Trung Quốc.
Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ