WGC: Năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua nhiều vàng nhất kể từ năm 1967
LONDON — Hôm thứ Ba (31/01), Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết trong năm 2022, các ngân hàng trung ương đã bổ sung một lượng vàng rất lớn là 1,136 tấn trị giá khoảng 70 tỷ USD vào kho dự trữ của họ, mức cao nhất trong bất kỳ năm nào kể từ năm 1967.
Số liệu này nhấn mạnh sự thay đổi thái độ đối với vàng kể từ những năm 1990 và 2000, thời kỳ mà các ngân hàng trung ương, đặc biệt là các ngân hàng sở hữu nhiều vàng thỏi ở Tây Âu, đã bán hàng trăm tấn mỗi năm.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008–2009, các ngân hàng Âu Châu đã ngừng bán và ngày càng có nhiều nền kinh tế mới nổi như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ấn Độ mua vào.
Các ngân hàng trung ương ưa chuộng vàng vì vàng được cho là sẽ giữ nguyên giá trị trong những thời kỳ hỗn loạn và, không giống như tiền tệ và trái phiếu, vàng không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức phát hành hoặc chính phủ nào.
Vàng cũng cho phép các ngân hàng trung ương đa dạng hóa khỏi các tài sản như Công khố phiếu Hoa Kỳ và USD.
Nhà phân tích Krishan Gopaul của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết: “Đây là sự tiếp nối của một xu hướng.”
“Quý vị có thể thấy những động lực đằng sau đó đang góp phần vào những gì đã xảy ra vào năm ngoái. Quý vị có rất nhiều bất ổn và biến động trên phương diện địa chính trị và phương diện kinh tế vĩ mô.“
Theo WGC, lực mua giảm trong đại dịch virus corona nhưng đã tăng tốc vào nửa cuối năm 2022, với việc các ngân hàng trung ương mua 862 tấn trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai (2022).
Các ngân hàng bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập, và Qatar cho biết họ đã mua vàng vào năm ngoái. Tuy nhiên, WGC cho biết, khoảng ⅔ lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào năm ngoái đã không được báo cáo công khai.
Trong số các ngân hàng không thường xuyên công bố thông tin về những thay đổi trong kho dự trữ vàng của họ có Trung Quốc và Nga.
WGC cho biết, “Việc mua vàng của ngân hàng trung ương (vào năm 2023) khó có thể sánh ngang các mức của năm 2022.”
“Tổng dự trữ thấp hơn có thể hạn chế khả năng bổ sung vào các khoản phân bổ hiện có. Nhưng báo cáo trễ sau của một số ngân hàng trung ương có nghĩa là chúng ta cần áp dụng mức độ không chắc chắn cao cho kỳ vọng của mình, chủ yếu là theo hướng tăng giá.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times