WEF xuất bản bài viết kêu gọi sử dụng AI và trí tuệ con người để kiểm duyệt toàn cầu
Một bài xã luận đăng trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đề xướng xây dựng một chương trình trí tuệ nhân tạo mà sau cùng có thể đóng vai trò như một công cụ kiểm duyệt toàn cầu toàn diện.
Trong bài báo này, nhà văn kiêm chuyên gia an ninh mạng Inbal Goldberger đề nghị kết hợp một mạng lưới trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ với đầu vào từ dữ liệu trí tuệ con người để theo dõi và ngăn chặn trước một số nội dung đang lưu hành trực tuyến.
Ông Goldberger viết: “Kể từ khi mạng Internet ra đời, các cuộc chiến đã nổ ra, suy thoái tìm đường đến, và các loại virus mới cũng tạo thành nhiều thiệt hại. Mặc dù Internet đóng một vai trò sống còn trong cách nhìn nhận những sự kiện này, nhưng những thay đổi khác — như cực đoan hóa các quan điểm cực đoan, lan truyền thông tin sai lệch và phạm vi tiếp cận rộng rãi của nội dung xâm hại tình dục trẻ em (CSAM) — đã được tạo điều kiện để phát triển trên mạng.”
Bài viết đề cập đến tầm quan trọng của việc giải mã mật ngữ mà những kẻ lạm dụng trẻ em và những kẻ khiêu dâm sử dụng để phổ biến CSAM và xóa những nội dung đó trước khi được chia sẻ rộng rãi.
Nhưng cùng với điều này, ông Goldberger cũng đề cập rằng công nghệ AI sẽ được sử dụng để phát hiện “chủ nghĩa cực đoan”, “thông tin sai lệch”, và “phát ngôn thù hận”.
Ông Goldberger cho biết, chương trình AI đề xướng sẽ được gia cố bằng cách thu thập trí tuệ con người “ngoài nền tảng”.
Bài xã luận này đã vấp phải nhiều lời chỉ trích trên các trang tin tức ủng hộ truyền thống.
Một bài viết cho The Daily Caller cho thấy rằng các công ty truyền thông xã hội được biết là nhắm mục tiêu vào nội dung truyền thống trực tuyến, bao gồm các bài đăng chỉ trích tư tưởng giới, lý thuyết biến đổi khí hậu, chính sách COVID-19, và tính an toàn của vaccine. Một số nội dung trong đó đã bị gắn nhãn là thông tin sai lệch, [chứa] ngôn từ kích động thù địch, và thậm chí còn bị chặn hoàn toàn trên một số nền tảng.
Để đối phó với phản ứng dữ dội của dư luận đối với bài báo, WEF đã thêm một lưu ý cho độc giả ở đầu trang.
“Xin lưu ý rằng bài báo này đã được chia sẻ trên các trang web thường xuyên xuyên tạc nội dung và truyền bá thông tin sai lệch,” ghi chú viết, và nói thêm rằng nội dung của bài xã luận này chỉ là “ý kiến của tác giả”, không phải của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Ghi chú còn viết: “Quý vị hãy tự mình đọc bài viết. Diễn đàn chúng tôi cam kết xuất bản đa dạng các quan điểm và nội dung xuyên tạc chỉ làm giảm bớt những cuộc trò chuyện cởi mở.”
Nghị trình theo chủ nghĩa toàn cầu thúc đẩy kỹ thuật hóa xã hội cánh tả
WEF được biết đến với việc thúc đẩy một nghị trình theo chủ nghĩa toàn cầu “thiên về kỹ thuật hóa xã hội hơn là kinh tế”, chuyên gia về Trung Quốc Antonio Graceffo đã viết trong một bài báo đăng trên The Epoch Times. Kỹ thuật hóa xã hội bao gồm việc gây sức ép buộc các công ty phải “tuân thủ các mệnh lệnh xã hội của WEF”.
WEF cũng có liên hệ với ĐCSTQ, các chương trình của tổ chức này có mời giới chính trị gia và doanh nhân Trung Quốc. Trong một hội nghị đối thoại trực tuyến được tổ chức hồi tháng Bảy, ông Mã Tuấn (Ma Jun), một quan chức ngân hàng của ĐCSTQ, đã kêu gọi huy động vốn tư nhân để “tránh các hoạt động tài trợ” làm tổn hại đến tự nhiên.
Ông Graceffo viết: “Về căn bản, những gì ông Mã Tuấn đang nói là các công ty không tuân thủ nghị trình chủ nghĩa toàn cầu sẽ bị cắt vay nợ.”
Và tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của WEF hồi tháng Ba, người đứng đầu Tập đoàn Alibaba đã nói về một hệ thống sẽ theo dõi dấu chân carbon của từng người dân, được tính toán bằng cách phân tích thói quen ăn uống, thói quen đi lại, và các hành vi khác của họ.
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.