Vượt qua hàng nghìn năm cô tịch, những người thợ điêu khắc Đôn Hoàng sáng tạo nên kỳ tích
Ai đã từng đến Đôn Hoàng đều không khỏi sửng sốt trước những bức bích họa tuyệt đẹp và những tác phẩm điêu khắc trang nghiêm thần thánh trong hang động. Khi nhìn thấy những kiệt tác nghệ thuật Phật giáo vô cùng tinh xảo này, người ta không khỏi đặt câu hỏi: Những tác phẩm này rốt cuộc đã được sáng tạo ra như thế nào? Những cảm hứng ấy đến từ đâu? Những người thợ điêu khắc đó đã vượt qua nỗi cô đơn từ năm này qua năm khác, từ ngày này qua ngày khác như thế nào, để rồi cuối cùng cho ra đời những kiệt tác có một không hai chấn động thế giới như vậy?
Bây giờ, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong một tác phẩm âm nhạc độc đáo của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn cổ điển Trung Quốc hàng đầu thế giới – Shen Yun.
Tác phẩm “Đôn Hoàng” do dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun biểu diễn tại buổi hòa tấu năm 2017 là câu chuyện kể về một nghệ nhân điêu khắc tượng Phật trong một sơn động ở Đôn Hoàng. Trong trạng thái mệt mỏi, ông mơ màng chìm vào giấc ngủ, lúc này ông đã nhìn thấy thần tích, hàng ngàn vạn tượng Phật xung quanh và các Phi thiên trên các bức bích họa đều phục sinh. Chính cảnh tượng thần kì tráng lệ này đã không ngừng cung cấp cảm hứng sáng tác cho những người thợ điêu khắc này.
Xem trailer: Dunhuang – 2017 Shen Yun Symphony Orchestra
Duyên khởi của kỳ tích Đôn Hoàng
Vào thời Trung Quốc cổ đại, Đôn Hoàng tứ bề bao quanh bởi sa mạc, nhưng nó lại là một thị trấn biên giới quan trọng trên tuyến đường giao thông trọng yếu nối liền với Tây Vực, Trung Á và Âu Châu. Khoảng 2,000 năm trước, Đôn Hoàng thuộc lãnh thổ của nhà Hán, trở thành vị trí hiểm yếu của con đường tơ lụa, và cũng là một trong những cửa ngõ chính để Phật giáo du nhập vào Trung Quốc.
Nằm cách Đôn Hoàng 25 km về phía Đông Nam, Hang Mạc Cao còn được gọi là Thiên Phật động, từng là nơi các bậc hành giả thiền định tu hành. Hiện có hơn 700 hang động (bao gồm 492 hang động nghệ thuật), 45,000 mét vuông bích hoạ và hơn 2,400 bức tượng điêu khắc màu. Tượng Phật lớn nhất cao khoảng 33 mét, tương đương tòa nhà 10 tầng, còn tượng Phật nhỏ nhất chỉ 2cm. Nơi đây được xem là Thánh địa nghệ thuật Phật giáo có quy mô lớn nhất và nội dung phong phú nhất còn lưu lại trên thế giới.
Các tác phẩm điêu khắc trong mỗi hang động của hang Mạc Cao nhìn chung đều theo kết cấu một bức tượng Phật lớn ở giữa làm trung tâm, xung quanh được bao bọc bởi rất nhiều tượng Bồ Tát và Thiên binh thiên tướng. Những bức bích họa với màu sắc rực rỡ tươi sáng khắc họa vẻ thù thắng của thế giới Thiên quốc, có thiếu nữ phi thiên, Pháp vương Thiên giới và Phật Đà trang nghiêm, cũng có một số tác phẩm triển hiện cảnh tượng kinh hoàng đáng sợ nơi địa ngục.
Tương truyền, vào năm 366, một vị tăng nhân tên gọi là Lạc Tôn đã băng qua sa mạc Gobi, đến vùng ốc đảo Đôn Hoàng này. Lúc chạng vạng tối khi ông dừng chân nghỉ ngơi tại nơi này thì đột nhiên trông thấy Thần Phật triển hiện đầy khắp bầu trời, đang tỏa ánh hào quang vàng rực rỡ, cùng với nhạc trời êm dịu. Cảnh tượng này khiến ông vô cùng xúc động, do đó ông bèn quyết định lưu lại nơi này, lựa chọn một hang động gần đó, vận dụng hết tài năng của mình về phương diện hội hoạ và điêu khắc, sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật sơ khai.
Kể từ đó, ngày càng có nhiều bậc tu hành và thợ điêu khắc tìm đến thánh địa xa xôi này. Tất cả họ đều cảm nhận được chỉ dụ của Thần, trong khoảng 1,000 năm tiếp sau đó, họ liên tục sáng tạo ra những tác phẩm điêu khắc và các bức bích họa đẹp đẽ tinh xảo.
Duyên khởi của việc thi công Đôn Hoàng được ghi chép trong “Trùng tu điện thờ Phật hang Mạc Cao” của Lý Hoài Nhượng thời nhà Đường như sau: “Vào năm Tần Kiến Nguyên thứ 2 đầu triều đại nhà Tần, có vị Lạc Tôn sa môn, giới hạnh thanh tịnh, phong thái điềm tĩnh, tay cầm tích trượng đi vào rừng sâu, khi đến núi này thì đột nhiên trông thấy ánh sáng vàng rực, hình trạng ngàn Phật. Ông liền đào đá dựng hang, bên trong xây dựng điện thờ. Về sau, có vị Thiền sư Pháp Lương từ phía Đông đi đến nơi này, đã xây dựng một hang khác bên cạnh hang của Lạc Tôn sư, nguồn gốc của chùa đến từ hai vị tăng nhân này” .
Điểm chấn động của Đôn Hoàng
Ngoài kiệt tác nghệ thuật chưa từng thấy từ trước đến nay, hang Mạc Cao còn phát ra năng lượng hết sức to lớn, có thể tẩy tịnh tâm hồn của những người đến viếng thăm nơi đây, khiến người ta có thể quên hết mọi tạp niệm và phiền não của thế tục. Những khán giả từng nghe qua bản giao hưởng mang tên “Đôn Hoàng” của Shen Yun cũng bày tỏ rằng, ngay tại thời điểm nghe tác phẩm đó, họ đã thật sự bị chấn động. Thậm chí có người còn nói rằng: “Cảm giác như có một luồng điện, không thể nói rõ là vì sao, dường như kết nối với ký ức xa xưa.”
Tác phẩm giao hưởng “Đôn Hoàng” của đoàn nhạc giao hưởng Shen Yun được sáng tác bởi Tổng giám đốc nghệ thuật Shen Yun, ngài D.F, phối khí bởi nhạc sĩ Tịnh Huyền, hiện nay đã được đăng trên website Shenyun Creations.
Sau màn biểu diễn khai mạc long trọng là âm nhạc miêu tả khung cảnh tu hành thanh tịch trong một hang động lạnh lẽo và tối tăm, cùng với đó là tiếng nước chảy tí tách. Một người thợ điêu khắc vừa mới hoàn thành bức tượng Phi thiên với kích thước như người thật, xung quanh ông là những bức bích họa cao lớn.
Giai điệu trầm bổng của tiếng sáo cùng với tiếng chuông mõ ngân lên, thể hiện bức tranh tu hành, các tăng lữ tụng kinh trong tự viện. Cùng với thanh âm trầm của tiếng kèn Cor vang lên lần thứ nhất, tâm tình của người thợ điêu khắc cũng trở nên cởi mở hơn, tâm hồn thành kính nhưng đầy mệt mỏi của ông cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Tiếp theo sau đó là âm điệu uyển chuyển du dương của tiếng đàn nhị, một loại nhạc cụ hai dây của phương Đông với hàng ngàn năm lịch sử. Người thợ điêu khắc lúc này đã hết sức mệt mỏi, ông nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Vào lúc đó, âm nhạc biến đổi, cùng với sự vang lên của tiếng đàn hạc và đàn tỳ bà, những bức tượng Phi thiên xung quanh người thợ dường như sống lại.
Các Phi thiên lần lượt nhẹ nhàng bước ra từ các bức điêu khắc, bắt đầu điệu múa dịu dàng uyển chuyển, kèm theo đó là giai điệu gảy đàn tỳ bà, một loại đàn truyền thống của Trung Quốc.
Trong số các loại nhạc cụ xuất hiện trong tác phẩm “Đôn Hoàng”, không phải ngẫu nhiên mà người ta sử dụng đàn tỳ bà để kết hợp với điệu múa của Phi thiên. Bởi vì đàn tỳ bà là thích hợp nhất để thể hiện động tác vũ đạo cũng như động tác tay uyển chuyển mềm mại của các Phi thiên.
Trong các đoạn nhạc tiếp theo, sự tương phản giữa đàn tỳ bà, đàn nhị hồ với các loại nhạc cụ khác đã tạo nên ý cảnh cổ xưa của Trung Quốc. Sự kết hợp giữa nhạc cụ Đông phương và Tây phương này quả thật đã phản ánh một giai đoạn lịch sử giao lưu văn hoá phồn vinh hưng thịnh trên con đường tơ lụa thời Trung Quốc cổ đại
Cùng với sự gia tăng mỗi lúc một nhiều các loại nhạc cụ, tất cả các bức tượng điêu khắc cũng như bích hoạ đều sống dậy. Trong tiếng đàn dây du dương trầm bổng, các Phi thiên từ trên bầu trời cũng bay xuống, người thợ điêu khắc hưng phấn nhảy theo vũ điệu Thần vận.
Lúc này, một cảnh tượng long trọng và huy hoàng triển hiện ra trước mặt người thợ điêu khắc: hàng nghìn vị Phật đang ngồi ngay ngắn trên đài hoa sen, toả ra muôn vạn ánh hào quang, cùng với những thủ ấn vô cùng mỹ diệu, dùng ngôn ngữ của Thiên quốc để đại hiển quang minh.
Cảnh tượng này đã khiến cho người thợ điêu khắc có một tín niệm kiên định rằng: Chỉ cần có tín ngưỡng thì cho dù có ở trong khổ nạn cũng không cảm thấy cô đơn.
Sau cùng, người thợ điêu khắc mới hiểu ra rằng những linh cảm sáng tác cũng như hết thảy năng lực của bản thân đều do Thần ban tặng.
Cổ nhân thường tin rằng: Trên đầu ba thước có Thần linh, Thần Phật luôn ở bên cạnh đệ tử của họ. Và những người có sứ mệnh Thần thánh với niềm tin kiên định vào tín ngưỡng, hẳn là sẽ chia sẻ về những Thần tích mà bản thân mình đã chứng kiến.