Vương quốc Anh xúc tiến chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ ĐCSTQ
Vương quốc Anh đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu mối đe dọa do chế độ ở Bắc Kinh gây ra đối với Đài Loan và tham vọng bành trướng của họ ở khu vực Á Châu–Thái Bình Dương, với việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “thách thức mang tính hệ thống và định hình thời đại.”
Hôm 13/03, chính phủ Anh đã cập nhật tài liệu chính sách ngoại giao của mình, Đánh giá Tích hợp (pdf). Báo cáo này phân biệt rõ ràng ĐCSTQ với Trung Quốc, đưa ra cách Vương quốc Anh sẽ điều chỉnh chính sách về Trung Quốc của mình để đối phó với các sáng kiến quân sự, tài chính, và ngoại giao ngày càng đáng lo ngại của ĐCSTQ cũng như “thách thức định hình thời đại” mà đảng này đặt ra.
Báo cáo này viết, “Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra một thách thức mang tính hệ thống và định hình thời đại với những mối quan hệ mật thiết đối với hầu hết mọi lĩnh vực trong chính sách của chính phủ và cuộc sống thường nhật của người dân Anh quốc.”
Báo cáo này cũng lần đầu tiên đề cập đến Đài Loan, nói rằng hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan đang gia tăng, đồng thời Vương quốc Anh sẽ “đẩy lùi các hành vi làm suy yếu luật pháp quốc tế, vi phạm nhân quyền, hoặc tìm cách cưỡng ép hoặc tạo ra sự lệ thuộc.”
Công khai ủng hộ Đài Loan
Hôm 16/05, cựu Thủ tướng Anh Liz Truss đã đến thăm Đài Loan. Được xem là nhân vật chính trị nổi bật nhất của Anh đến thăm hòn đảo tự trị này kể từ chuyến thăm của bà Margaret Thatcher, bà Truss đã gọi Đài Loan là một “ngọn hải đăng tự do.” Đồng thời, bà cũng kêu gọi thành lập một “khối kinh tế NATO” để chống lại mối đe dọa của ĐCSTQ.
Trong bài diễn văn của mình, bà Truss đã kêu gọi các nền dân chủ phương Tây thể hiện một lập trường cứng rắn trước nhà cầm quyền cộng sản này và hợp tác chặt chẽ trên mặt trận an ninh để bảo đảm Đài Loan có thể tự vệ.
Bà nói: “Tất cả các quốc gia tự do phải tự mình cam kết vì một Đài Loan tự do và sẵn sàng ủng hộ điều đó bằng các biện pháp cụ thể.”
Cựu thủ tướng này đã cảnh báo rằng phải giảm bớt sự phụ thuộc vào ĐCSTQ trong tất cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế và an ninh.
Bà cũng kêu gọi thủ tướng đương nhiệm của Anh quốc, ông Rishi Sunak, thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái khi ông chạy đua vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo Thủ, đó là xem ĐCSTQ là “mối đe dọa” và lập tức đóng cửa các Viện Khổng Tử do ĐCSTQ kiểm soát.
Nhấn mạnh mối đe dọa của ĐCSTQ
“Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu,” ông Sunak nói tại lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh G-7. “Họ ngày càng độc đoán ở trong nước và quyết đoán hơn ở ngoại quốc.”
Ông Sunak cho biết Vương quốc Anh và các quốc gia G-7 khác sẽ thực hiện một cách tiếp cận chung để giảm thiểu những thách thức mà ĐCSTQ đặt ra.
Ông nói thêm, “Với G-7, chúng tôi đang thực hiện các bước nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng sức ép kinh tế để can dự vào các vấn đề chủ quyền của nước khác.”
Hôm 13/03, ông Sunak nói với NBC News rằng ĐCSTQ là “mối đe dọa quốc gia lớn nhất” đối với lợi ích kinh tế của Vương quốc Anh và là “một thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự thế giới.”
Việc giao thương với Trung Quốc không ảnh hưởng đến các quyết định của Vương quốc Anh
Theo dữ liệu (pdf) được Bộ Kinh doanh và Thương mại công bố, vào năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập cảng hàng hóa giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc tăng 18.3% so với năm 2021, trong đó xuất cảng của Anh sang Trung Quốc tăng 37.7% và nhập cảng từ Trung Quốc tăng 10.4%. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ tư của Vương quốc Anh, chiếm 6.5% tổng thương mại của Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong hoạt động xuất nhập cảng không làm cho chính phủ Anh bớt cảnh giác với ĐCSTQ. Ngày 31/03, Chính phủ Anh tuyên bố rằng nước này sẽ chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Nhật Bản và Úc, nhằm tăng cường liên kết thương mại với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vương quốc Anh là quốc gia Âu Châu đầu tiên của CPTPP. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong CPTPP sẽ giúp cho tổ chức này trở thành thị trường của 500 triệu dân và chiếm 15% GDP toàn cầu.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về Trung Quốc kiêm nhà bình luận các vấn đề thời sự, nói với The Epoch Times hôm 30/05, bên cạnh các yếu tố về kinh tế, quyết định tham gia của Vương quốc Anh vào Khu vực Thương mại Tự do Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thiên nhiều về chính trị chiến lược.
Ông Thạch nói rằng CPTPP cho thấy tầm quan trọng của Vương quốc Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và việc nước này có ý định đối trọng hơn nữa với ĐCSTQ. Hiệp định này cũng sẽ mang lại cho họ quyền chủ động và tiếng nói trong các vấn đề ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nói với giới truyền thông trên đường tới Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G-7, ông Sunak nói với Bloomberg rằng ông đang suy xét đến việc thắt chặt kiểm soát xuất cảng và hạn chế việc các công ty Anh quốc đầu tư vào Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng chính sách về Trung Quốc của ông rất phù hợp với chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Hợp tác sâu sắc hơn với Nhật Bản
Ngày 18/05, các nguyên thủ của Vương quốc Anh và Nhật Bản đã ký Hiệp định Hiroshima nhằm tăng cường hợp tác song phương về quốc phòng, an ninh, kinh tế và công nghệ, đồng thời tăng cường liên kết đối tác chiến lược trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, khoa học và công nghệ, năng lượng trong tất cả các khía cạnh. Hai bên cũng đồng ý hợp tác sâu sắc hơn trong các vấn đề kinh tế và an ninh, bao gồm giải quyết các mối đe dọa kinh tế.
Là một phần của thỏa thuận nói trên, Vương quốc Anh và Nhật Bản đã công bố liên kết đối tác về chất bán dẫn trong việc hợp tác nghiên cứu và phát triển, trao đổi công nghệ, và các lĩnh vực khác nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các ngành công nghiệp trong nước và các chuỗi cung ứng tương ứng của họ. Vào tháng 12/2022, hai nước đã công bố thiết lập liên kết đối tác kỹ thuật số, dự tính hợp tác hơn nữa trong 14 lĩnh vực chính, như chất bán dẫn, kiên liệu mạng, và trí tuệ nhân tạo.
Trong một chuyến thăm căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) ở Yokosuka hôm 18/05, ông Sunak đã công bố các kế hoạch mới về hợp tác quốc phòng giữa Vương quốc Anh và Nhật Bản, trong đó có kế hoạch cử một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2025 để hợp tác với JMSDF và các đối tác khu vực khác nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2021, Vương quốc Anh khai triển lực lượng tác chiến hàng không mẫu hạm tới khu vực này.
Vương quốc Anh cũng có kế hoạch tăng số lượng binh sĩ Anh tham gia cuộc tập trận quân sự “Vigilant Isles” năm nay lên 170, gấp đôi quân số của năm 2022. Cuộc tập trận tác chiến trên bộ song phương giữa Anh quốc và Nhật Bản “Vigilant Isles” được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018. Trước đó, chỉ có Lục quân Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên đất liền ở Nhật Bản.
Hồi tháng Một, Vương quốc Anh cũng đã ký Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) với Nhật Bản, đưa Vương quốc Anh trở thành quốc gia thứ hai sau Úc ký thỏa thuận như vậy với Nhật Bản. RAA cho phép hai nước này khai triển lực lượng vũ trang đến lãnh thổ của nhau, đồng thời cùng nhau sắp xếp và thực hiện các cuộc tập trận và khai triển quân sự lớn hơn, phức tạp hơn.
Về vấn đề này, ông Thạch cho biết rằng Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt khái niệm chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sự tiến triển của CPTPP.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times