Vương cung thánh đường Saint Lawrence: Thánh địa của sự tĩnh lặng, cái đẹp và chân lý
‘Cái đẹp là chân lý, chân lý là cái đẹp,’ – đó là tất cả
Trên hành tinh người cần biết thế thôi.
– John Keats, “Thơ về Chiếc bình cổ Hy Lạp” (Ode on a Grecian Urn)
Khi bạn bước vào tiền sảnh của Vương cung thánh đường Saint Lawrence, bạn sẽ đi qua một tấm biển có viết: “Thể hiện sự tôn kính xin hãy giữ yên lặng”.
Bên ngoài bức tường của Thánh đường là dãy phố của Asheville, Bắc Carolina. Những con phố và vỉa hè tràn ngập khách du lịch, dân địa phương, dân hippie, người tung hứng, người chơi guitar, người ăn xin và đám đông tóc dài ngoằng xăm trổ đầy mình; một phác họa nhân loại hỗn độn mà gần 20 năm trước đã truyền cảm hứng cho Tạp chí Rolling Stone, phong cho Asheville là “thủ đô quái đản mới của Hoa Kỳ.”
Một miếng dán với khẩu hiệu “Giữ cho Asheville quái đản” đang thịnh hành, hầu hết những người sống ở đây sẽ đồng ý rằng sự quái đản ở Asheville dường như ít có nguy cơ tuyệt chủng. Một chàng trai ăn mặc như một nữ tu, đánh võng len lỏi giữa dòng xe cộ trên chiếc xe đạp; chiếc xe buýt LaZoom màu tím chạy vụt qua, hướng dẫn viên trên xe hét lên những lời bình luận kỳ quặc, những người lái xe uống bia rượu; một vài phụ nữ ngực trần biểu diễn trên sân khấu; các nhạc sĩ đường phố cạnh tranh để giành từng USD từ khách du lịch; xung quanh thành phố là những cửa hàng như: xem tướng tay, các dịch vụ tâm linh, trị liệu bằng hương thơm, yoga, mát-xa, châm cứu và một loạt các liệu pháp của Thời Đại Mới.
Vào các tối thứ Sáu tại Công viên Pritchard, những tay trống, người thổi sáo và các vũ công tụ tập theo vòng tròn biểu diễn những vũ điệu hoang dã, khán giả vỗ tay và lắc lư theo, khách du lịch – giống như các nhà nhân chủng học vừa phát hiện ra một bộ tộc mới ở Amazon – chụp tách tách để ghi lại hình ảnh. Trên bãi biển các hình xăm phổ biến như vỏ sò.
Trong những năm gần đây, Asheville cũng đã trở nên nổi tiếng với các nhà hàng và nhà máy bia, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch đến “Vùng đất của bầu trời”, hay một số người gọi nó là “San Francisco của phương Đông.”
Và phía sau có một Vương cung thánh đường
Đối với hầu hết du khách tấm biển trong tiền sảnh: “Thể hiện sự tôn kính xin hãy giữ yên lặng” là không cần thiết. Vẫn tươi cười và nói chuyện với sự náo động và ồn ào của đường phố, họ đẩy cánh cửa nặng nề rồi bước vào bên trong thánh đường, ngay lập tức họ bị thu hút bởi lời thì thầm trong không gian yên tĩnh với những ngọn nến lung linh trong bóng tối.
Khi đôi mắt đã thích nghi với ánh sáng dịu, du khách bắt đầu ngắm nhìn các bức tượng, tranh vẽ và kính màu trong thánh đường. Họ nhìn lên trần nhà hình vòm, đây là mái vòm không giá đỡ hình elip cao nhất ở Bắc Hoa Kỳ, tiếp theo là đi đến bàn thờ, một bức tượng có kích thước gần bằng người thật khắc họa Chúa Giêsu bị treo trên cây thập tự giá, mẹ ngài và Tông đồ John đang đau buồn dưới chân ngài.
Đằng sau các bức tượng là những bức chạm khắc bằng đất nung của Bốn vị Tông đồ. Bên phải bàn thờ là Nhà nguyện Chầu Thánh Thể, nơi giáo dân cầu nguyện. Bên trái là Nhà nguyện Đức Mẹ, với bức tượng lớn của Đức Mẹ Maria và nhiều bức tranh tôn vinh mẹ của Chúa Giêsu.
Cũng tại bên trong nhà nguyện Đức Mẹ là lăng mộ của người đã tạo ra vẻ đẹp huyền bí và tĩnh lặng nơi đây.
Vị kiến trúc sư người Tây Ban Nha
Kiến trúc sư người Tây Ban Nha Rafael Guastavino (1842–1908) nhập cư vào Hoa Kỳ năm 1881, mang theo nghệ thuật xây dựng cổ xưa bằng ngói và vữa, một phương pháp từ lâu đã được thực hành ở quê hương Catalonia của ông. Những công trình lát gạch nức lòng của ông như Lăng mộ Grant, Nhà hát Carnegie Hall, Thư viện Công cộng Boston, Nhà ga Grand Central của Thành phố New York và nhà nguyện ở West Point.
Sau khi đến Asheville làm việc cho Dinh thự Biltmore, Guastavino quyết định thiết kế và xây dựng một thánh đường cho tín đồ Công Giáo của thành phố, ông hợp tác cùng kiến trúc sư R.S. Smith.
Tra cứu trên Google với cụm từ “Rafael Guastavino St. Lawrence,” bạn có thể đọc một số bài báo nói về tầm quan trọng của nghệ thuật trong nhà thờ này, ví như: việc sử dụng đất nung, mái vòm, cầu thang của Guastavino và một số bức tranh cùng những pho tượng.
Nhưng Guastavino không thiết kế vương cung thánh đường để thu hút khách du lịch đến Asheville hoặc để gây ấn tượng với nhân loại về kỹ thuật điêu luyện. Ông thiết kế nó như một món quà để dâng tặng Chúa và là thánh địa để nhân loại thờ phụng. Ông hiểu được mối liên hệ giữa vẻ đẹp và chân lý, trong ngữ cảnh này là chân lý về Đức Chúa Trời của ông.
Guastavino hiểu được sức mạnh của vẻ đẹp có thể khiến chúng ta giật mình thoát khỏi những thói quen của cuộc sống hàng ngày. Ông thiết kế trần nhà mái vòm đó không phải để khoe khoang khả năng nghệ thuật của mình mà là để thu hút tầm mắt của chúng ta hướng lên thiên đường. Ông đã phác thảo sơ đồ nội thất bằng gạch, sàn lát đá cẩm thạch, hệ thống âm thanh tự nhiên ngoạn mục — bạn có thể nghe thấy tiếng thì thầm từ phía sau nhà thờ khi đang đứng ở phía trước — để tôn vinh đức tin của ông và cho phép những người khác chia sẻ sự tôn kính đó.
Giống như những du khách rời khỏi sự náo nhiệt của đường phố và bước vào Vương cung thánh đường, tất cả chúng ta đều cần niềm vui, sự thư giãn nơi cái đẹp. Chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời, đắm chìm trong những chiến thắng và thất bại của mình, đến nỗi chúng ta quên mất tâm hồn chúng ta khao khát sự tồn tại của những điều cao thượng biết bao nhiêu: cái đẹp, chân lý, hòa bình, tầm nhìn về một tình yêu lớn hơn những gì chúng ta có thể biết trên Trái Đất này.
Tấm biển trong thánh đường – ”Thể hiện sự tôn kính xin hãy giữ yên lặng” – có thể có tác dụng nhiều hơn một yêu cầu tôn trọng du khách đến Vương cung thánh đường. Đó là một lời khuyên hữu ích cho tất cả chúng ta, một lời nhắc nhở rằng trong sự tĩnh lặng, cái đẹp và chân lý sẽ tự bộc lộ ra cho chúng ta.
Rafael Gustavino qua đời trước khi hoàn thành kiệt tác của mình. Cũng không ảnh hưởng gì. Tượng đài về vẻ đẹp mà ông để lại củng cố niềm tin cho các tín đồ và tạo ra cho ngay cả những du khách bình thường một cảm giác kính sợ và tôn kính.
Trong bài “Thơ về Chiếc bình cổ Hy Lạp” (Ode on a Grecian Urn), John Keats đã viết những dòng này: “Thời hoàng kim chết với thế hệ này/ Bạn sẽ vẫn còn đó, giữa những khốn khó khác/ Nói với ta, bằng hữu của con người.”
Tại Vương cung thánh đường Saint Lawrence, chúng tôi đã tìm thấy một bằng hữu của con người và một ngôi đền thờ phụng dành cho Đức Chúa.
Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times