Vụ thu hoạch kém của Hoa Kỳ khiến khủng hoảng nguồn cung thực phẩm toàn cầu thêm tồi tệ
Các nhà điều hành trong ngành nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết ngành này đang phải đối mặt với một vụ thu hoạch kém trong năm nay, khiến cuộc khủng hoảng cung cấp lương thực toàn cầu thêm phần trầm trọng.
Nguồn cung cấp lương thực toàn cầu bị thắt chặt do cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã cắt đứt các chuyến hàng quan trọng chở nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất phân bón và các sản phẩm ngũ cốc.
Một số giám đốc điều hành cao cấp của các đại công ty nông nghiệp như Bayer, Corteva, Archer Daniels Midland, và Bunge, nói với The Wall Street Journal rằng sẽ phải mất ít nhất hai năm nữa mới có các vụ thu hoạch tốt ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ nhằm giảm sức ép nguồn cung.
Ông Chuck Magro, giám đốc điều hành Công ty hạt giống và thuốc trừ sâu Corteva, cho biết tại một buổi giới thiệu với nhà đầu tư trong tuần này, “Triển vọng thị trường hiện tại là, để ổn định nguồn cung toàn cầu thì các thị trường ngũ cốc và hạt có dầu toàn cầu cần phải có hai năm vụ mùa bình thường liên tiếp.”
Ông giải thích rằng, vụ thu hoạch ngũ cốc năm nay đã ở mức dưới năng suất bình thường tại phương Tây, cản trở các nỗ lực khôi phục nguồn cung nông sản toàn cầu.
Hoa Kỳ và Nam Mỹ, hai trong số các nhà xuất cảng nông sản lớn trên thế giới, đã phải đối mặt với tình trạng hạn hán dai dẳng trong mùa hè năm nay.
Mùa hè nóng nực làm tình trạng hạn hán ở các tiểu bang trên khắp Vành đai Ngũ cốc Hoa Kỳ thêm phần tồi tệ, khiến sản lượng thu hoạch giảm nhiều do thiếu nước và mất một vụ gieo trồng vào mùa xuân ẩm ướt trước đó trong năm.
Hôm 12/09, Bộ Nông nghiệp thông báo rằng họ đã hạ sản lượng bắp ước tính trên cả nước xuống còn 13.9 tỷ giạ.
Con số này thấp hơn 3% so với dự báo hồi tháng Tám, thấp hơn khoảng 8% so với tổng sản lượng thu hoạch năm ngoái.
Những dự báo về số liệu ước tính sản lượng đậu tương trong tháng Chín giảm 3% so với tháng Tám, giảm nhẹ so với năm 2021.
Duy trì thỏa thuận lương thực
Những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã đè nặng lên các thị trường hàng hóa lương thực, còn cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine không giúp ích cho các vấn đề.
Theo Wall Street Journal, giá lúa mì tương lai tại Chicago Board of Trade đã tăng 17% trong 12 tháng qua.
Giá bắp tăng khoảng 28%, còn đậu tương tăng 14%.
Giá lương thực đã tăng vọt sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi cuối tháng Hai.
Sau đó, giá nông sản đã bắt đầu giảm nhẹ sau một thỏa thuận hồi tháng Bảy giữa Nga và Ukraine — do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian thông qua Liên Hiệp Quốc — cho phép xuất cảng hơn một triệu tấn ngũ cốc được lưu kho ở Ukraine đi qua Biển Đen.
Theo Đài quan sát Xung đột Ukraine, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, Ukraine đã mất khoảng 15% dự trữ ngũ cốc kể từ cuộc xâm lược hồi tháng Hai.
Tại một hội nghị đầu tư trong tháng Chín, ông Juan Luciano, Giám đốc điều hành Tập đoàn kinh doanh hàng hóa và chế biến thực phẩm toàn cầu của Hoa Kỳ Archer Daniels Midland, cho rằng trước khi có thỏa thuận Biển Đen, Ukraine chỉ có thể xuất cảng khoảng 40% lượng ngũ cốc mà họ thường vận chuyển trong giai đoạn đó.
Ông Luciano cho biết thỏa thuận này đã cho phép Ukraine tăng các chuyến hàng lên khoảng 60% công suất trước đây và có thể lên 80 hoặc 90% nếu thỏa thuận này được giữ vững.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, đất nước của ông có thể rút khỏi thỏa thuận, cáo buộc phương Tây chuyển ngũ cốc Ukraine đến các quốc gia của họ thay vì cho phép chuyển đến các nước đang phát triển cần ngũ cốc nhất.
Tuyên bố của ông Putin đã dẫn đến đợt tăng giá lúa mì gần đây nhất, vốn đã giảm kể từ sau thỏa thuận này.
Ngay lập tức các nhà lãnh đạo phương Tây cáo buộc Điện Kremlin đã phát tán thông tin sai lệch về điểm đến sau khi ngũ cốc Ukraine được vận chuyển ra khỏi Biển Đen.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Charles Michel cho biết tại một hội nghị của Liên Hiệp Quốc: “Trái ngược với thông tin sai lệch của Nga, lương thực này đang đến Phi Châu, Trung Đông và Á Châu.”
Các quan chức Nga cho biết các mặt hàng trong thỏa thuận này cho phép quốc gia của họ bán phân bón và các nông sản khác trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang bị vi phạm.
Các chuyên gia đang cảnh báo sự gián đoạn trong các chuyến hàng phân bón do cuộc chiến này gây ra đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vụ thu hoạch trên khắp thế giới.
Các nhà điều hành trong ngành nông nghiệp đã thúc giục mạnh mẽ rằng thỏa thuận này phải được gia hạn khi nó hết hạn vào cuối tháng Mười Một, để tránh sức ép lên các kho dự trữ lương thực toàn cầu.
Khủng hoảng lương thực toàn cầu
Hội nghị thượng đỉnh về An ninh Lương thực Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc về tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng hôm 20/09 đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng khốc liệt vào năm tới nếu cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.
Các đại diện từ Hoa Kỳ đã cùng các quan chức của Liên minh Âu Châu và Liên minh Phi Châu thảo luận về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với giá lương thực.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người thúc giục gia hạn thỏa thuận Biển Đen, cho biết, “Như chúng ta đã thấy trong những năm qua do hậu quả của COVID, trước đó là biến đổi khí hậu và gần đây là xung đột — đáng chú ý là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine — nên tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ảnh hưởng đến hơn 200 triệu người trên hành tinh này, tất nhiên là bao gồm cả Yemen.”
Hồi tuần trước, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới Liên Hiệp Quốc, ông David Beasley, nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng thế giới hiện đang đối mặt với “một tình trạng khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có”, với một nguy cơ thực sự xảy ra “nhiều nạn đói” trong năm nay.
Ông nói rằng 345 triệu người đang phải chịu cảnh thiếu ăn, với 70 triệu người bị ảnh hưởng từ việc gián đoạn các chuyến hàng lương thực do cuộc chiến ở Ukraine.
Mới đây, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng mặc dù toàn thế giới sản xuất đủ lương thực, nhưng vấn đề chính là việc phân phối.
Mùa hè năm nay, UNICEF và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc cho biết vì đại dịch gây ra sự gián đoạn [nguồn cung lương thực] nên hồi năm ngoái có từ 702 đến 828 triệu người chịu ảnh hưởng bởi nạn đói.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times