Vụ rò rỉ thông tin và những xảo ngôn của Nga
Trung tá Yurii Bereza, một chỉ huy tiểu đoàn của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết về vụ rò rỉ tài liệu tuyệt mật của Hoa Kỳ gần đây, “Chúng ta đang ở giai đoạn đó của cuộc chiến này khi cuộc chiến thông tin đôi khi còn quan trọng hơn cả những cuộc đụng độ trực tiếp trên mặt trận.”
Hôm 11/04, FBI đã bắt giữ Jack Teixeira, một thành viên 21 tuổi của Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia Massachusetts, và cáo buộc anh ta làm rò rỉ các tài liệu tình báo tuyệt mật thông qua nền tảng truyền thông xã hội Discord. Các quan chức Hoa Kỳ đã từ chối bình luận về việc liệu bất kỳ hoặc tất cả các tài liệu là xác thực hay chính xác hay không. Tuy nhiên, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết một số tài liệu đã bị chỉnh sửa.
Có một số lý do khiến Hoa Kỳ không xác nhận cũng như không phủ nhận tính toàn vẹn của những tài liệu này. Đầu tiên, việc đưa ra bình luận có thể sẽ xác nhận tính xác thực của những tài liệu đó, và tiết lộ thông tin nhạy cảm. Thứ hai, Hoa Thịnh Đốn có thể muốn bảo vệ các hoạt động thu thập thông tin tình báo đang diễn ra. Thứ ba, việc đưa ra bình luận có thể sẽ đe dọa an ninh quốc gia.
Bản chất chính xác và kịp thời của những tài liệu bị rò rỉ này, vốn đã tiết lộ việc đấu đá nội bộ trong giới cầm quyền của Nga, cho thấy Hoa Kỳ có thể thu thập thông tin về việc ra quyết định và dự trù của Nga. Nếu Điện Kremlin nghi ngờ rằng Hoa Kỳ có một gián điệp trong bộ máy an ninh và tình báo của Nga, thì trước tiên họ sẽ cố gắng xác thực danh tính và hoạt động của gián điệp đó. Tiếp theo, họ sẽ kiểm soát tình hình và ngăn gián điệp đó phát tán thêm thông tin. Điều này rất có thể sẽ liên quan đến việc bắt giữ và thẩm vấn gián điệp đó. Thông tin rò rỉ này sẽ được phân tích để xác định mức độ thiệt hại. Và các bước sẽ được thực hiện để ngăn chặn một sự kiện tương tự xảy ra trong tương lai.
Tuy nhiên, có một khả năng khác là: Nga có thể liên quan đến vụ rò rỉ này. Ngay cả khi Teixeira tự hành động để làm rò rỉ các tài liệu kể trên, thì tình báo Nga có thể đã nắm bắt cơ hội này để chỉnh sửa một số tài liệu đó hoặc làm “rò rỉ” các tài liệu giả hoặc thật của chính họ. Những tài liệu này cho thấy Hoa Kỳ đang theo dõi các nhà lãnh đạo quân đội và chính phủ Ukraine và rằng quân đội Ukraine đang ở trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Hơn nữa, những tài liệu này còn chứa thông tin liên quan đến việc Hoa Kỳ đang do thám các đồng minh của mình. Đây là thông tin mà Điện Kremlin muốn công khai, vì nó có thể gây tổn hại đến mối bang giao của Hoa Thịnh Đốn với các đồng minh của họ.
Tuyên bố của ông Kirby cho rằng một số tài liệu này đã bị chỉnh sửa nhằm phù hợp với các kỹ thuật chiến tranh thông tin được các cơ quan an ninh Nga, GRU (tình báo quân đội), và FSB (cơ quan kế thừa của KGB) sử dụng. Cách tiếp cận tuyên truyền của Nga được xây dựng dựa trên một kỹ thuật cũ của Liên Xô được gọi là “một vòi phun những xảo ngôn” (firehose of falsehoods), qua đó sự thật bị bóp méo theo cách khiến các quốc gia khác hành động vì lợi ích tốt nhất của Điện Kremlin mà họ không hề hay biết.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm mục tiêu thông tin giả hàng đầu của Nga là:
1) miêu tả Nga như một nạn nhân vô tội;
2) chủ nghĩa xét lại lịch sử;
3) sự sụp đổ sắp xảy ra của nền văn minh phương Tây;
4) các phong trào phổ biến là “Cuộc Cách Mạng Màu” (Color Revolutions) do Hoa Kỳ tài trợ; và
5) thực tế là bất cứ điều gì Điện Kremlin muốn.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, rất khó để khiến những người dân thường ở Mỹ chấp nhận những thông điệp này. Ngày nay, việc này dễ dàng hơn nhiều.
Thông điệp sai lệch được khuếch đại khi Nga tận dụng môi trường công nghệ và thông tin hiện tại để tiếp cận một số lượng lớn người xem. Các dịch vụ bảo mật khai thác các kênh truyền thông xã hội và các hãng thông tấn. Những nỗ lực đưa thông tin giả của Nga thường nhắm vào các ký giả nghiệp dư dễ bị ảnh hưởng. Một khi nhiều người nghiệp dư đăng tải một câu chuyện, thì nó sẽ lọt vào các bài đăng và các dòng trạng thái của Twitter trên mạng xã hội của những người phương Tây tin vào câu chuyện đó. Cuối cùng, thông tin sai lệch này sẽ hiển thị trong kết quả của công cụ tìm kiếm và có thể vô tình được tham chiếu bởi các hãng truyền thông lớn, có uy tín. Một khi điều đó xảy ra, những lời nói dối này sẽ trở thành sự thật. Và ngay cả khi các hãng thông tấn lớn phát hiện ra sai sót và từ chối đăng tải những lời nói dối này hoặc cố gắng phơi bày nó, thì câu chuyện đó vẫn được đưa ra ngoài, và một số người sẽ tin vào nó.
Chiến lược “vòi phun những xảo ngôn” thường sử dụng thông tin giả dựa trên thông tin chính xác để làm cho thông tin đó hợp lý hơn và khó bị lật tẩy. Thông thường, cùng một nguồn sẽ đồng thời đưa ra hai câu chuyện trái ngược nhau để gieo rắc sự nhầm lẫn. Những lời nói dối hợp lý được tung ra với hy vọng chúng sẽ được tin tưởng. Vào những thời điểm khác, những lời nói dối không hợp lý cố ý được công bố, vì vậy những người hoài nghi sẽ tin rằng câu chuyện này quá kỳ lạ để có thể trở thành sự thật. Cuối cùng, tất cả những tín hiệu mâu thuẫn này đều nhằm làm giảm lượng tin tức thực, khiến mọi người mất lòng tin vào bất cứ thứ gì họ nhìn thấy, nghe thấy, hoặc đọc được.
Các tài liệu về vụ rò rỉ gần đây chứa bằng chứng cho thấy mối liên hệ tình báo giữa Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang ngày càng sâu sắc. Phía Nga có thể bịa đặt câu chuyện này để gây xích mích giữa Hoa Kỳ và UAE. Đồng thời, nếu đó là sự thật, thì điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ biết về mối liên hệ này, điều này có thể ngăn cản UAE hợp tác trong tương lai với Nga.
Câu chuyện này cũng có thể là sự pha trộn giữa sự thật và sự giả dối. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nghi ngờ rằng UAE đang giúp Moscow lách các lệnh trừng phạt và bán cho họ chất bán dẫn. Tình báo Hoa Kỳ tin rằng UAE có thể sẽ viện trợ tài chính cho Tập đoàn Wagner, nhà thầu quân sự tư nhân của Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trên khắp châu Phi và Trung Đông. Năm 2020, các nhà lãnh đạo UAE đã gặp gỡ ông Sergey Naryshkin, giám đốc Cơ quan Tình báo Ngoại giao (SVR), cơ quan tình báo ngoại giao của Nga. Theo thỏa thuận hòa bình Iran-Saudi Arabia gần đây do ông Tập Cận Bình làm trung gian, Hoa Kỳ đang tỏ ra thận trọng về mối quan hệ của mình với Trung Đông. Nếu chính xác, thì những tài liệu bị rò rỉ này cho thấy những lo ngại của Hoa Kỳ là chính đáng. Tuy nhiên, nếu người Nga đã làm giả các tài liệu đó, thì căng thẳng giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Trung Đông có thể leo thang.
Các quan chức Ukraine nhấn mạnh rằng những tài liệu này đều là giả mạo. Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của tổng thống Ukraine, cho biết trong một tuyên bố mà ông đăng trên mạng xã hội rằng người Nga đã bịa đặt các tài liệu này nhằm phá vỡ mối bang giao giữa các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine. Người Ukraine đang quy trách nhiệm cho GRU, đơn vị tình báo quân sự của Nga, vốn đã tham gia vào hoạt động thông tin giả tương tự nhắm vào lợi ích của Hoa Kỳ ở châu Phi. Những người thân cận của Moscow đã quảng bá thông điệp cho rằng Pháp là một thực dân thời hiện đại, ông Vladimir Putin là vị cứu tinh, lính đánh thuê Wagner của Nga là anh hùng, và quân đội Ukraine đang chứa chấp những người của Đức Quốc Xã và những người tôn thờ Satan. Những thông điệp này, vốn được lan truyền khắp châu Phi, lặp lại các quan điểm và tuyên bố chính thức của Điện Kremlin. Sau chiến dịch thông tin sai lệch ở châu Phi, các tài liệu bị rò rỉ này có thể sẽ dễ dàng trở thành chiến dịch chiến tranh thông tin mới nhất của Điện Kremlin.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times