Vòng quay của Trái Đất tiếp tục tăng tốc, 29/06 trở thành ngày ngắn nhất trong lịch sử
Các khoa học gia nói rằng ngày 29/06/2022 là ngày ngắn nhất trong lịch sử kể từ khi nhân loại phát minh ra đồng hồ nguyên tử và bắt đầu đo thời gian với độ chính xác cao. Nguyên nhân là do Trái Đất “lắc lư” nhẹ khiến tốc độ quay của nó tăng lên.
Trung bình, một ngày là khoảng 24 giờ, hay 86,400 giây. Nhưng theo tin tức từ Timeanddate.com, ngày 29/06 ít hơn bình thường 1.59 mili giây.
Nhiều khoa học gia cho rằng gia tốc quay của Trái Đất là “dao động Chandler” (Chandler wobble), hoặc những chuyển động nhỏ của trục quay Trái Đất so với bề mặt Trái Đất. Insider đưa tin rằng “dao động Chandler” đã được nhà thiên văn học người Mỹ Seth Carlo Chandler chú ý vào cuối những năm 1880.
Vì sự “dao động” nhẹ này, ngày 29/06 là ngày ngắn nhất từng được ghi nhận với các phép đo chính xác cao từ đồng hồ nguyên tử. Theo Insider, việc Trái Đất “chao đảo” không phải là hiện tượng hiếm gặp, bởi Trái Đất không phải là một khối cầu hoàn hảo.
Theo báo cáo của Timeanddate.com, các nguyên nhân gây ra “sự dao động” nhẹ bao gồm thủy triều, lực hấp dẫn của mặt trăng, khí hậu và chuyển động của bên trong Trái Đất. Trang web lưu ý rằng vòng quay của Trái Đất đã được tăng tốc trong những năm qua. Từ những năm 1960, con người đã sử dụng đồng hồ nguyên tử cực kỳ chính xác để đo và ghi lại thời gian trong ngày. Riêng năm 2020, Trái Đất đã phá kỷ lục ngày ngắn nhất 28 lần. Đến nay, Trái Đất vẫn quay ngày một nhanh hơn, lại lập kỷ lục vào ngày 29/06/2022, trở thành ngày ngắn nhất.
Trong khi “sự dao động” của Trái Đất rút ngắn thời gian của ngày, nhưng dường như không tạo ra nhiều khác biệt đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.