Việt Nam đề nghị Cambodia đánh giá tác động của dự án kênh đào Funan Techo
Ngày 05/05, bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết Việt Nam rất quan tâm, tôn trọng lợi ích chính đáng của Cambodia với dự án kênh đào Funan Techo.
“Chúng tôi mong rằng Cambodia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước, và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói.
Việt Nam mong muốn Cambodia thực hiện các biện pháp quản lý phù hợp, bảo đảm lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong.
Dự án kênh đào Funan Techo do một công ty Trung Quốc thực hiện
Dự án kênh đào Funan Techo của Cambodia dự kiến dài 180 km, nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan. Theo tài liệu trình lên Ủy hội sông Mekong hồi tháng 8/2023, kênh Funan Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028.
Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2024, chi phí ước tính khoảng 1.7 tỷ USD do công ty Trung Quốc thực hiện theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, dự án có thể tạo thuận tiện cho chiến hạm Trung Quốc đi vào sông Mekong.
Dự án kênh đào Funan Techo khiến lượng nước về miền Tây giảm 50%?
Tại hội nghị tham vấn tại Cần Thơ hôm 23/04, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, cho rằng việc khai triển dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn, khiến lượng nước từ sông Mekong về miền Tây có thể giảm 50%. Vào những năm khô hạn, tình trạng thiếu hụt nước sẽ trầm trọng hơn.
Tiến sĩ Tuấn nói: “Kênh Funan Techo khi vận hành, miền Tây Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn”.
Cụ thể, vào mùa mưa, đường bờ hai bên kênh Funan Techo thành đường giao thông sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ. Sự phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng, làm giảm nguồn cá, phù sa, và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học….
Cần sớm đánh giá tác động của dự án kênh đào Funan Techo
Ông Đặng Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, dự án này dự kiến có tốc độ thực hiện rất nhanh, ít nhất trong năm tới sẽ đưa vào khai thác. Do đó cần sớm có kết quả đánh giá tác động chính thức, đưa vào trong các nghiên cứu lập quy hoạch.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc kênh đào Funan Techo chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của sông Mekong ra cảng Kẹp nằm ngoài lưu vực, sẽ gây suy giảm đáng kể tài nguyên nước tới đồng bằng, gây tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế và sản xuất của người dân, cũng như đến các hệ sinh thái tự nhiên.
Dự án kênh đào Funan Techo – Một ‘lựa chọn cố ý’ có tính chiến lược?
Trước đó, vào giữa tháng 12/2023, trong cuộc viếng thăm Hà Nội, ông Hun Manet, Thủ Tướng Cambodia giải thích rằng Dự án kênh đào Funan Techo sẽ không ảnh hưởng tới hệ thống dòng chảy sông Mekong do con kênh đào chỉ chuyển nước từ sông Bassac, vốn là một phụ lưu. Tuy nhiên chính danh sông Bassac là một phân lưu của sông Mekong.
Trước thông báo không chính xác như vậy, kỹ sư Phạm Phan Long, thuộc Hội Sinh Thái Việt VEF, cho rằng: “Đó là một ‘lựa chọn cố ý’ có tính chiến lược để Cambodia né tránh một nghiên cứu đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới/TbEIA và phải tham vấn có sự đồng thuận của phía Việt Nam khi con kênh lấy nước từ dòng chính sông Mekong theo tinh thần Hiệp Định Sông Mekong 1995”.
Băng Băng tổng hợp