Việc Bắc Kinh đình chỉ các chuyến thăm lãnh sự của ký giả người Úc làm dấy lên lo ngại
Cộng sự của bà Thành Lôi (Cheng Lei), một ký giả người Úc gốc Hoa, đã bị giam giữ ở Trung Quốc trong gần hai năm, đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng sức khỏe giảm sút của bà Thành và việc tạm dừng các chuyến thăm lãnh sự.
Ông Nick Coyle, Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của Phòng Thương mại Trung Quốc-Úc, cho biết các chuyến thăm lãnh sự hàng tháng và các cuộc họp video kéo dài 30 phút thường xuyên giữa cộng sự của ông là bà Thành và các quan chức Úc đã bị đình chỉ do các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Tôi thấy điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được,” ông Coyle nói với Sky News Australia. “Những chuyến thăm lãnh sự hàng tháng này thực sự là những gì đã giúp bà ấy kiên trì trong suốt 20 tháng qua.”
“Bà ấy không thể gọi điện thoại cho bất kỳ ai. Có thể bà ấy đã được luật sư của mình đến thăm ba lần, chỉ để chuẩn bị cho phiên tòa.”
Ông nói, “Bản thân tôi đã từng ở trong hệ thống của Trung Quốc, (tôi) đã sống ở đó, nếu họ muốn đưa ra một sự miễn trừ cho các quan chức Úc, nhưng thế nào thì họ cũng phải xét nghiệm trước khi vào. Làm xét nghiệm PCR hoặc cách ly vài ngày … và gọi điện video.”
Bà Thành, 46 tuổi, trước đây từng làm xướng ngôn viên Anh ngữ cho Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), chi nhánh quốc tế của đài truyền hình nhà nước thuộc chính quyền Trung Quốc, CCTV. Bà đã bị giam giữ tại Bắc Kinh vào ngày 13/08/2020, vì tình nghi “truyền bá trái phép bí mật quốc gia ra ngoại quốc,” và đã chính thức bị bắt vào tháng 02/2021.
Hôm 31/03, vụ án của bà Thành đã được xét xử bí mật tại Tòa án Nhân dân Trung cấp số 2 của Bắc Kinh sau 19 tháng bị giam giữ, cùng với việc các nhà chức trách đã từ chối cho phép ông Graham Fletcher, đại sứ Úc tại Trung Quốc, tham dự.
“Điều này thật đáng lo ngại, đáng thất vọng và rất đáng tiếc,” ông Fletcher nói với các phóng viên vào thời điểm đó. “Chúng tôi không thể tin tưởng vào tính hợp lệ của một quy trình được tiến hành trong bí mật.”
Theo Thỏa thuận của Úc về Quan hệ Lãnh sự với Bắc Kinh, các quan chức đại sứ quán Úc có thể đến thăm các công dân bị giam giữ ít nhất một lần mỗi tháng.
Ông Coyle cũng đã bày tỏ lo ngại về “một loạt các vấn đề sức khỏe” của cộng sự của ông, vốn đã giảm sút kể từ khi bà bị giam giữ và ngày càng trầm trọng hơn khi phải ăn gạo sống.
Ông Coyle nói, “May mắn thay, chúng tôi đang làm việc với một người mạnh mẽ nhất mà tôi biết, về mặt tinh thần, tình cảm, nhưng đã có những thử thách về sức khỏe thực sự cam go trên chặng đường này.”
“Bà ấy đã nói đùa với tôi trong một lần đến thăm lãnh sự bằng một trong những tin nhắn của bà ấy với tôi rằng cà phê Starbucks của tôi, tôi đã chi cho món đó nhiều hơn giá trị đồ ăn trong tuần của bà ấy.”
Một trong những lý do các quan chức ĐCSTQ đưa ra cho việc thiếu dinh dưỡng của bà Thành là do đại dịch gây ra sự hạn chế về lương thực ở Bắc Kinh, nhưng ông Coyle không bị thuyết phục bởi những tuyên bố này.
“Không có giới hạn thực phẩm ở Bắc Kinh, mỗi ngày tôi đều nói chuyện với mọi người ở đó,” ông nói với Sky News. “Ý kiến cho rằng trung tâm giam giữ không thể có đủ thức ăn là không thể chấp nhận được.”
Ông Coyle cũng cho biết ông vẫn không thể hiểu bà Thành đã làm sai điều gì, nói rằng bà ấy thậm chí còn không quan tâm đến chính trị tới mức ấy, đúng hơn là tập trung vào kinh doanh.
“Đối với tôi điều đó không hợp lý chút nào,” ông nói. “Không bao giờ có chuyện đó.”
Sau khi tốt nghiệp Đại học Queensland, bà Thành trở về Trung Quốc và trở thành nhà phân tích kinh doanh cho một công ty liên doanh Trung-Úc vào năm 2001. Bà đã bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình tại CCTV một năm sau đó, theo trang hồ sơ CGTN của bà. Hồ sơ này sau đó đã bị xóa khỏi trang web, cùng với các video có các bài báo trước đây của bà Thành.
Sau khi làm việc tại vị trí thông tín viên CNBC Trung Quốc trong 9 năm, bà đã bắt đầu làm việc tại văn phòng của CGTN ở Bắc Kinh vào năm 2012.
Là người Úc gốc Hoa thứ hai bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ kể từ năm 2019 sau nhà văn Dương Hằng Quân (Yang Hengjun), bà Thành đã bị giam giữ vài tháng sau khi Thủ tướng Úc đương thời Scott Morrison đã kêu gọi điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Mối quan hệ ngoại giao đã xấu đi sau đó, với việc Bắc Kinh bắt đầu áp đặt thuế quan và hạn chế thương mại đối với hàng hóa xuất cảng của Úc để trả đũa Canberra.
Hai người con của bà Thành đang sống ở Melbourne, ông Coyle nói rằng họ đã không gặp mẹ kể từ khi bà bị bắt.
Ông nói, “Trẻ nhỏ rất kiên cường, vì vậy tôi chắc chắn rằng chúng sẽ vượt qua được thời gian này, nhưng đó sẽ càng là lý do cần bà ấy quay trở về. Việc này không phải là về tôi, mà là về bà ấy và những đứa con của bà ấy.”
Sau phiên tòa vào tháng Ba, phán quyết của bà Thành đã được hoãn lại vào một ngày không xác định trong tương lai.