Video cho thấy khói bốc lên từ chiến hạm Trung Quốc gây tranh cãi về vấn đề hư hỏng và chất lượng
Một đoạn video cho thấy khói bốc lên từ một tàu quân sự Trung Quốc mới đây đã thu hút rất nhiều sự chú ý trên mạng xã hội trong khi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn giữ im lặng về vụ việc này.
Cư dân mạng và các chuyên gia suy đoán chiến hạm này gặp tai nạn hoặc bị hư hỏng, và họ nhấn mạnh vấn đề chất lượng của vũ khí và thiết bị quân sự của Trung Quốc.
Được đăng trên Weibo hôm 21/11 và sau đó được chia sẻ trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, video kể trên cho thấy một chiến hạm cách bờ vài hải lý đang chìm trong làn khói đen đặc tỏa ra từ ba bộ phận thân tàu: pháo chính, khoang chứa ở giữa thân tàu, và đuôi tàu. Vị trí của con tàu không được tiết lộ.
Một số cư dân mạng suy đoán rằng một trục trặc có thể đã gây ra khói hoặc hỏa hoạn bùng phát trên tàu mà không rõ nguyên nhân.
Tính đến ngày 27/11, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra lời giải thích về vấn đề này.
The Epoch Times không thể xác minh một cách độc lập về tính chân thực của video, kể cả các chi tiết như thời gian và địa điểm video được ghi lại, hoặc liệu đó có phải là do một tai nạn hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 24/11, ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu trung tá hải quân Trung Quốc hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, đã xác định con tàu trong video là Long Hổ Sơn Loại 071 (Longhushan Type 071), một tàu vận chuyển đổ bộ của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN). Loại 071 là một trong những thiết bị quan trọng trong việc khai triển quân đội của ĐCSTQ ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Nhà bình luận thời sự sống tại Hoa Kỳ Trần Phá Không (Chen Pokong) phỏng đoán rằng có điều gì đó bất thường đã xảy ra trên chiếc chiến hạm này; khói có thể được gây ra bởi “một vụ nổ và hỏa hoạn hoặc bởi một sĩ quan hoặc binh sĩ bất mãn nào đó bên trong con tàu.”
Ông Diêu có một cách giải thích khác là có thể do hạm đội hải quân Trung Quốc đang sử dụng màn khói để tiến hành diễn tập cứu hộ chữa cháy trên biển.
Theo nhà phân tích chính trị Lục Thiên Minh (Lu Tianming) sống tại Hoa Kỳ, bất kể là con tàu bốc cháy hay đang diễn tập, thì sự im lặng của ĐCSTQ đã khiến công chúng ngày càng nghi ngờ hơn.
Ông Lục nói với The Epoch Times rằng vì sự thiếu minh bạch của chính quyền Trung Cộng, ngoại giới không thể biết được sự thật liên quan đến những trục trặc quân sự như vậy.
Nhưng ngay cả khi quân đội đưa ra tuyên bố chính thức về tàu ngầm Loại 071, công chúng có thể không tin vì “giới lãnh đạo cộng sản toàn là dối gạt từ trên xuống dưới, và sự thật bị che đậy tầng tầng lớp lớp,” ông nói thêm.
Những vấn đề về chất lượng
Chính quyền quân sự của ĐCSTQ từ lâu đã không minh bạch về các sự kiện hàng hải. Chẳng hạn như vào tháng Tám, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Loại 093 đã phát nổ và chìm ở biển Hoàng Hải khiến 55 thủy thủ Trung Quốc thiệt mạng. The Daily Mail đã công bố một bản tin độc quyền về vụ việc dựa trên một nguồn tin tình báo quốc phòng rất cơ mật của Vương quốc Anh, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn im lặng.
Bản tin từ Vương quốc Anh này cho biết Bắc Kinh phủ nhận sự việc này và dường như “từ chối yêu cầu quốc tế trợ giúp cho chiếc tàu ngầm bị nạn của họ.”
“Chiếc tàu ngầm đã va phải chướng ngại vật bằng dây xích và neo mà Hải quân Trung Quốc sử dụng để bẫy các tàu ngầm của Hoa Kỳ và đồng minh. Điều này dẫn đến lỗi hệ thống và phải mất sáu giờ để sửa chữa và cho nổi con tàu lên. Hệ thống oxy trên tàu đã đầu độc thủy thủ đoàn sau một trục trặc thảm khốc,” The Daily Mail trích dẫn báo cáo tình báo Vương quốc Anh.
Ngay sau vụ việc, ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nhấn mạnh tại một hội nghị rằng chất lượng trang thiết bị quân sự cần được cải thiện dựa trên việc “có trách nhiệm với tính mạng của sĩ quan và binh lính.”
Ông Diêu chỉ ra vấn đề chất lượng dẫn đến vụ tai nạn này rằng: “Loại 093 được sản xuất trong nước và hiệu suất của chiếc tàu ngầm này không đạt tiêu chuẩn nên việc chiếc tàu này bị hư hỏng là điều bình thường.” Ông tin rằng hệ thống lưu thông không khí bên trong tàu ngầm có vấn đề nên đã ảnh hưởng đến sự an toàn của thủy thủ đoàn.
Theo People.cn, trang tin tức truyền thông nhà nước Trung Quốc, Loại 093 là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ thứ hai của hải quân Trung Quốc, có lượng giãn nước khi chìm là 6,000 tấn, có chiều dài tổng thể 106 mét, chiều rộng thân 11 mét, và khả năng lặn sâu tối đa là 400 mét.
Chiến hạm đổ bộ
Được cho là dài 210 mét, rộng 28 mét, có lượng giãn nước tối đa trên 29,000 tấn, Tàu đổ bộ Long Hổ Sơn Loại 071 là tàu thứ năm trong lớp tàu này và là chiến hạm đổ bộ lớn nhất được thiết kế và đóng trong nước.
Theo ông Diêu, ĐCSTQ sở hữu mười tàu Loại 071, ngoài ra còn có tàu tấn công đổ bộ Loại 075 và Loại 076. Trong số đó, Loại 075 đứng thứ hai sau các hàng không mẫu hạm về trọng tải. Thêm vào đó, ông còn cho biết, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc còn có tàu đổ bộ như Loại 072, Loại 073, Loại 074, và các loại khác. Ông nói thêm tất cả loại tày này có khoảng 83 chiếc và Bắc Kinh có kế hoạch đóng 100 tàu đổ bộ khổng lồ như vậy.
Cựu sĩ quan hải quân Trung Quốc này cho biết tàu Loại 071 có thể chở một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến và chứa được tám xe tăng chủ lực và tàu này còn được gọi là tàu đổ bộ bọc thép, chủ yếu dùng để chở thiết bị hạng nặng với lượng giãn nước 25,000 tấn khi không tải hàng và 29,000 tấn khi chất đầy hàng. Ông Diêu cho biết trong số các tàu đổ bộ, khi chất đầy hàng, con tàu này chỉ đứng sau Loại 075 và Loại 076.
Chức năng của Loại 075 cũng giống như tàu neo đậu, ngoại trừ khả năng chở được nhiều trực thăng hơn, con tàu này có thể chứa bốn chiếc cano đệm khí mà có thể bay thấp trong điều kiện lơ lửng trên biển để dọn bãi biển, ông Diêu nói.
Hạn chế của hàng không mẫu hạm Trung Quốc
Vào tháng 06/2021, một bức ảnh vệ tinh về hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung Quốc đã lan truyền rộng rãi. Hình ảnh cho thấy một “vết nứt lớn trên sàn đáp quanh thiết bị làm chệch hướng vụ nổ tại vị trí phóng và trên đường băng,”
Tàu Sơn Đông được thiết kế và chế tạo dựa trên bản thiết kế của tàu Liêu Ninh. Liêu Ninh là hàng không mẫu hạm đầu tiên của hải quân Trung Quốc, được đưa vào hoạt động vào năm 2012. Tuy nhiên, tàu Liêu Ninh lại được chuyển đổi từ tàu Varyag, một chiếc hàng không mẫu hạm do Liên Xô chế tạo mà Ukraine đã ngưng sử dụng.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc bày tỏ lo ngại về năng lực hoạt động của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Tốc độ chậm và khả năng phản ứng với khí tượng hạn chế của chiếc tàu này khiến cho phi cơ gặp phải thách thức khi cất cánh. Hơn nữa, những vấn đề tiềm ẩn trong trong phần thép của chiếc tàu này khiến Liêu Ninh không phù hợp với các cuộc xung đột căng thẳng.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố trong báo cáo năm 2015 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc rằng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và các chiến đấu cơ của chiếc tàu này, khi hoạt động hết công suất, vẫn sẽ gặp khó khăn trong tác chiến tầm xa. Báo cáo này cho biết: “Con tàu Liêu Ninh có kích thước nhỏ hơn có thể chở được số lượng phi cơ giới hạn, trong khi giới hạn trong kết cấu của hệ thống phóng bằng cầu nhảy trượt hạn chế tải trọng nhiên liệu và vũ khí.”