Vị trí mụn trên khuôn mặt và những cảnh báo về sức khỏe
Tây y cho rằng mụn mọc trên mặt là do viêm da tiết bã, còn Trung y thì từ hiện trạng này có thể nhìn ra các vấn đề về nội tạng. Chúng ta nhìn nhận sức khỏe từ mụn trứng cá như thế nào, và làm thế nào để điều chỉnh?
Mụn trứng cá ở trán, cần giải tâm hỏa
Rất nhiều người gặp phải tình trạng nổi mụn trên trán, nguyên nhân có thể là do tâm hỏa quá vượng. Trung y cho rằng tâm hỏa là một loại căng thẳng và có liên quan đến giấc ngủ. Trong lý luận dưỡng sinh có câu “pháp vu âm dương, hòa vu thuật số”, nghĩa là làm việc và nghỉ ngơi phải thuận theo tự nhiên, làm việc lúc mặt trời mọc và nghỉ ngơi lúc mặt trời lặn thì cơ thể mới khỏe mạnh. Nếu đêm không ngủ được, áp lực căng thẳng, thì mụn rất dễ xuất hiện trên trán.
Ngoài ra, một số bạn gái có thể vì để tóc mái dài che trán, khiến bụi bẩn trên tóc bám vào da và hình thành mụn trên trán.
Thông thường, muốn giải quyết mụn ở trán thì cần giải tâm hỏa. Những người bị mụn trên trán nên điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hàng ngày, biết cách xả stress và uống nhiều nước hơn. Cũng có thể ăn thêm các loại thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt như: bách hợp, hạt sen, đậu xanh, hoa cúc…, chúng đều có tác dụng thanh nhiệt rất tốt.
Cách làm chè hạt sen bách hợp: Cho hạt sen, bách hợp và táo đỏ vào nước, đun sôi, sau đó chuyển sang lửa nhỏ và đun thêm 40 phút là có thể dùng.
Món chè này có thể giúp tiêu trừ mụn trên trán, dưỡng tâm âm và thanh tâm nhiệt, rất thích hợp cho người tâm âm hư hay hư nhiệt.
Bấm huyệt cũng có thể giúp cải thiện tình trạng mụn ở trán, ví dụ như huyệt Thần Môn hoặc huyệt Thái Xung. Bấm các huyệt này có tác dụng sơ gan giải úc (làm dịu gan, giảm trầm cảm) và trấn an tinh thần.
Ngoài ra, nếu mụn mọc giữa hai lông mày thì cần cảnh giác, vị trí này có liên quan đến tim và phổi. Mụn giữa hai lông mày có thể kèm theo tim đập nhanh, tức ngực hoặc khó thở khi chạy, có thể là do bình thường ngồi một chỗ quá lâu và ít vận động.
Nếu bình thường bạn hiếm khi tập thể dục, chúng tôi khuyên bạn nên ăn ít đồ mặn hoặc đồ muối dưa để tránh phù nề và tạo gánh nặng cho tim.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, thông thường chúng ta còn có thể xoa bóp một số huyệt vị, ví dụ như huyệt Đại Lăng và huyệt Nội Quan, đều rất hiệu quả. Hai huyệt này cũng có thể khởi tác dụng trong việc ổn định thần kinh.
Cách ăn uống thế nào để có thể cải thiện tình trạng mụn ở lông mày? Bạn có thể nấu một số món ăn an thần, giúp ngủ ngon, bổ tim nhuận phổi. Ví dụ như Canh củ cải song đông, món này sử dụng Thiên Môn Đông, Mạch Môn Đông và sâm Mỹ có tác dụng thanh nhiệt, trừ hỏa và bổ khí, còn hạt sen có tác dụng thanh nhiệt tâm hỏa.
Cách làm Canh củ cải song đông: Cho nước dùng vào nồi, thêm củ cải trắng, 15 trái táo đỏ và 10 hạt sen, sau đó cho thêm 3g Thiên Môn Đông, 3g Mạch Môn Đông và 5g sâm Mỹ, đậy nắp lại rồi đun từ từ trên lửa nhỏ, cuối cùng thêm lượng muối phù hợp là có thể dùng.
Đầu mũi, cánh mũi, nhân trung bị nổi mụn, cần điều chỉnh tỳ vị
Trên mũi bị nổi mụn, bao gồm đầu mũi, cánh mũi và nhân trung, có một phần nguyên nhân là do mọi người hiện nay đeo khẩu trang cả ngày nên mụn xuất hiện nhiều ở vùng mũi, rãnh mũi má và cằm.
Trung y cho rằng mũi đối ứng với Tỳ (lá lách), còn hai bên cánh mũi đối ứng với Vị (dạ dày). Vậy nên nếu có mụn ở hai chỗ này, hơn nữa còn là mụn đầu đen, mụn trứng cá thì nên xem lại gần đây có ăn quá nhiều các loại hạt cũng như thức ăn chiên, rán, cay, gây gánh nặng cho lá lách và dạ dày hay không.
Hơn nữa, hầu hết những người bị mụn ở mũi cũng gặp các vấn đề về đầy hơi, hoặc đại tiện và khí thải nặng mùi, thậm chí là đại tiện khó. Đây chính là mụn do tràng vị thấp nhiệt (nhiệt độ ẩm ở đường tiêu hóa).
Nếu thường ăn quá nhiều thức ăn có vị nặng, sẽ khiến dạ dày phải vận động nhiều hơn. Có thể bấm các huyệt Túc Tam Lý, Phong Long và Nội Đình, những huyệt này đều có thể đóng vai trò thanh nhiệt trừ hỏa.
Huyệt Túc Tam Lý và huyệt Phong Long có tác dụng điều tiết hai chiều: có thể làm giảm cảm giác thèm ăn khi cảm giác thèm ăn quá mạnh; còn khi không muốn ăn, xoa bóp có thể thúc đẩy cảm giác thèm ăn. Ngoài ra còn có tác dụng cải thiện tình trạngtáo bón, nếu bị tiêu chảy cũng có thể đốt ngải hoặc chườm nóng lên hai huyệt này.
Đối với các vấn đề về đường tiêu hóa, khuyến nghị dùng Gia Vị Tứ Thần Dưỡng Vị Thang. Tứ Thần Thang là một bài thuốc thường được dùng trong dân gian. Nếu đường tiêu hóa của trẻ em hấp thu kém, ăn uống không ngon miệng, thì có thể nấu Gia Vị Tứ Thần Dưỡng Vị Thang để cải thiện.
Gia Vị Tứ Thần Dưỡng Vị Thang: Chuẩn bị Khiếm thực, hạt sen, khoai mỡ, phục linh, ý dĩ với lượng bằng nhau, cho vào ninh cùng sườn hoặc ruột heo. Cũng có thể cho thêm vài lát Đương quy và một ít rượu gạo để tăng hương vị. Rượu gạo có thể giúp giải phóng hữu hiệu các thành phần trong dược liệu, làm cho món ăn có mùi thơm đặc biệt.
Mụn ở má trái, cần dưỡng gan
Trung y xem tướng mặt có câu “trái gan phải phổi”, vậy nên mụn ở má trái có liên quan đến gan.
Tuy nhiên cũng không nên quá lo lắng, má trái nổi mụn không nhất định là gan có vấn đề, mà là nhắc nhở mọi người chú ý ăn ngủ, hoặc đến bệnh viện kiểm tra chức năng gan. Thường xuyên thức khuya hoặc uống rượu bia sẽ dẫn đến chức năng gan không bình thường, hiện tượng bệnh lý sẽ nổi rõ ở bên trái của mặt.
Nếu thường xuyên bị mụn ở má trái, các loại thuốc thường được các bác sĩ Trung y kê đơn bao gồm Sài Hồ Sơ Can Thang, Tiểu Sài Hồ Thang v.v, có thể trừ can hỏa (nhiệt ở gan).
Ngoài việc điều chỉnh cách ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cũng có thể bấm một số huyệt, chẳng hạn như huyệt Công Tôn và huyệt Thái Xung. Sự kết hợp của hai huyệt này có thể đóng vai trò rất tốt trong việc thông can lợi đảm (thông gan lợi mật), hạ hỏa cho gan.
Ngoài ra, khuyến nghị dùng một số thực phẩm giúp thanh nhiệt gan, bao gồm đậu xanh, dưa chuột, bí đao. Đối với trà, khuyến nghị nên uống Trà Hoa cúc Câu kỷ. Câu kỷ có tác dụng bổ gan dưỡng thận, hoa cúc cũng có tác dụng thanh gan, lợi mật và cải thiện thị lực.
Mụn bên má phải, cần dưỡng phổi
Mụn thường xuất hiện trên má phải cho thấy chức năng phổi có thể đã xuất hiện vấn đề. Rất nhiều người bị viêm mũi dị ứng đều bị nổi mụn ở má phải. Hiện tượng bệnh lý biểu hiện nổi bật trên má phải là phế hỏa quá vượng hoặc là phổi bị rối loạn chức năng.
Trong trường hợp này, lúc rảnh rỗi có thể bấm các huyệt Liệt Khuyết, huyệt Xích Trạch để thanh trừ hỏa khí trong phổi và làm nhuận phổi.
Cũng có thể dùng một số loại thực phẩm giúp nhuận phế như ý dĩ, mộc nhĩ, hạnh nhân, lê… chúng đều khá hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng mụn ở má phải.
Trong thời gian dịch COVID-19, mọi người đã bắt đầu chú ý đến việc điều dưỡng phổi. Khuyến nghị mọi người dùng một số loại trà dược liệu, ví dụ như trà Kim ngân hoa Sâm Mỹ.
Trà Kim ngân hoa Sâm Mỹ: Sâm Mỹ, Kim ngân hoa và Mạch môn đông. Kim ngân hoa có tác dụng thanh nhiệt giải hỏa, ức chế virus. Ngoài tác dụng tăng cường sinh lực, Sâm Mỹ còn có thể bồi bổi nguyên khí trong phổi. Loại trà này có thể khởi tác dụng giảm hỏa và nhuận phổi, hơn nữa uống cũng rất ngon.
Mụn xung quanh thái dương
Huyệt Thái Dương nằm trên kinh lạc của Can (gan) và Đảm (túi mật), đặc biệt là kinh Đảm. Nếu mụn dễ mọc quanh Thái Dương, có thể là do cách ăn uống thường ngày không đều đặn, bữa có bữa không, thậm chí mỗi ngày chỉ ăn một bữa nhưng lại ăn quá nhiều. Điều này sẽ khiến cho túi mật phải hoạt động quá tải dẫn đến mụn mọc quanh huyệt Thái Dương.
Trong trường hợp này, có thể bấm các huyệt như huyệt Thái Xung, huyệt Tam Âm Giao, huyệt Đảm Nang để giảm triệu chứng. Kiến nghị nên ăn uống thường xuyên và đều đặn. Ngoài ra, có thể uống một ít nước ép mướp đắng hoặc canh bí đao để giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Mụn mọc quanh miệng
Nếu nổi nhiều mụn quanh miệng thì có thể là do ăn uống kiêng khem, thích ăn đồ cay hoặc thịt, ít rau, điều này cũng sẽ dẫn đến tiêu hóa không tốt.
Đối với những người như vậy, khuyến nghị nên thay đổi cách ăn uống, ngoài việc tránh ăn cay còn nên bổ sung một số thực phẩm giàu chất xơ để hỗ trợ nhu động đường ruột và đi tiêu được bình thường.
Ngoài ra, xoa bóp các huyệt Túc Tam Lý và huyệt Khúc Trì sẽ làm giảm dần mụn quanh miệng. Dưới đây là trà Ngân Kiều đơn giản và ngon miệng dành cho những bạn bị mụn quanh miệng.
Trà Ngân Kiều: Kim ngân hoa, Liên kiều, Bạc hà, Quyết minh tử, táo đỏ.
Quyết minh tử có thể làm giảm sưng và lợi tiểu, nhưng phải được sao qua để đạt hiệu quả tốt, dùng Quyết minh tử sống dễ gây tiêu chảy. Kim ngân hoa có thể thanh nhiệt hạ hỏa, bao gồm nhiệt độc do vi khuẩn và virus gây ra, hoặc thức ăn có vị tanh nồng và thiếu rau. Bạc hà có chức năng điều hòa dạ dày và ruột, giúp loại trà này có tác dụng nhuận tràng.
Mụn ở cằm, cần điều hòa nội tiết
Cằm tương ứng với bộ phận niệu – sinh dục. Do đó, mụn ở cằm có thể liên quan đến rối loạn nội tiết. Nữ giới có thể gặp các vấn đề về buồng trứng và tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt; Nam giới có thể gặp các vấn đề về đường tiết niệu dưới như ngứa vùng kín, sưng bìu, đau, táo bón hoặc trĩ.
Tôi quan sát ở phòng khám thì thấy 80% người bị mụn ở cằm thích ăn đồ cay. Nếu có mụn ở cằm, bạn nên ăn nhiều rau muống, măng để thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và tống khứ chất cặn bã trong ruột ra ngoài. Ngoài ra, nam giới có thể ăn thêm cà chua, vì chất lycopene trong cà chua rất hiệu quả trong việc cải thiện các vấn đề về đường tiết niệu dưới.
Có thể xoa bóp huyệt Huyết Hải và huyệt Thận Quan. Ngoài việc điều chỉnh cách ăn, bạn cũng có thể uống trà Kỷ Cúc Bạc Minh.
Nếu nữ giới có vấn đề về buồng trứng và tử cung thì khuyến nghị nên điều hòa kinh nguyệt trước, sau khi kinh nguyệt được điều hòa thì vấn đề mụn ở cằm sẽ được giải quyết. Đây là chữa lành thân thể từ gốc. Chúng ta có thể thấy rằng phương pháp điều trị của Trung y là đi sâu vào cốt lõi và giải quyết vấn đề từ căn bản.
Tác giả: Quách Đại Duy (Giám đốc Viện Trung y Phù Nguyên tại Đài Loan)
Lưu Viêm Tâm biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ