Vì sao con số tử vong chính xác do COVID-19 vẫn khó xác định sau 3 năm
Con số tử vong do COVID-19 đã là một chủ đề gây tranh cãi kể từ khi đại dịch bùng phát. Nguyên nhân lớn là do các bác sĩ báo cáo số liệu các ca tử vong liên quan đến virus này.
Những con số thay đổi liên tục từ các tổ chức y tế lớn cũng góp phần vào sự nhầm lẫn, thúc đẩy suy đoán. Điều này là do tỷ lệ tử vong dựa trên ước tính “tử vong vượt mức” từ các nhà chức trách có thể thay đổi.
Liên quan đến COVID-19, thuật ngữ “tử vong vượt mức” đề cập đến một số trường hợp tử vong trên lý thuyết không được các bộ y tế của các quốc gia liệt kê trong các báo cáo chính thức.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) mô tả về “tử vong vượt mức” là sự chênh lệch giữa con số tử vong được quan sát và tỷ lệ tử vong được dự báo trong một thời điểm nhất định.
Và cũng như mọi lý thuyết, nó không nhất định chính xác.
Hồi tháng Năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố một bản báo cáo về tử vong vượt mức trên toàn cầu do COVID-19, đưa ra con số 15 triệu. Chỉ chưa đầy một tháng sau, các nhà khoa học của tổ chức này đã thừa nhận những sai lầm trong ước tính của họ, dẫn đến phải điều chỉnh những con số này.
Ngược lại, số ca tử vong thực tế được báo cáo trên toàn cầu do COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu là khoảng hơn 6.5 triệu.
Sự khác biệt lớn về số liệu đã khiến một số chính phủ phản đối con số tử vong vượt mức của WHO. Chính phủ Ấn Độ đã công khai gọi các ước tính này là “mang tính suy đoán và sai lệch.”
Hồi tháng Ba, CDC cũng đã điều chỉnh giảm đi 72,277 ca tử vong liên quan đến COVID khỏi trình theo dõi dữ liệu của mình.
Một vấn đề về quan điểm
Trong khi đó, các chuyên gia y tế ở Hoa Kỳ đang cởi mở về bản chất đáng ngờ và các khó khăn trong việc báo cáo các ca tử vong liên quan đến COVID.
Đó là bởi vì đến tận hôm nay vẫn chưa có quy định toàn diện, đầy đủ để xác định liệu COVID-19 có phải là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân dương tính hay chỉ là một bệnh lý đi kèm. Việc này hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ, giám định viên y tế, hoặc nhân viên điều tra.
Bác sĩ William Schaffner, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nói với The Epoch Times: “Thời kỳ ban đầu của dịch COVID, đó là nguyên nhân gây tranh cãi lớn bởi những người nói rằng những bệnh nhân nào có bệnh nền nghiêm trọng và bị COVID thì không nên được thống kê là bệnh nhân tử vong vì COVID.”
Ông Schaffner giải thích rằng một số bác sĩ sẽ phản đối lập luận này, họ cho rằng bệnh nhân của họ lẽ ra sẽ không qua đời nếu không bị nhiễm [thêm] COVID-19.
Cuối cùng, COVID thường được coi là nguyên nhân chính gây tử vong, mặc dù nhiều bệnh nhân đã có các tình trạng bệnh nghiêm trọng từ trước hoặc thậm chí mắc các chứng bệnh đe dọa đến tính mạng.
Vì vậy, điều này đã đẩy tỷ lệ tử vong liên quan [đến COVID-19] lên thậm chí còn cao hơn.
Ông Schaffner nói: “Đó hoàn toàn dựa vào đánh giá của người bác sĩ điền giấy chứng tử.”
Nhà khoa học trưởng kiêm Giám đốc điều hành của Phòng khám SyneuRx, Tiến sĩ Emil Tsai, nói với The Epoch Times rằng báo cáo tử vong vì COVID-19 đang trở nên “ngày càng mập mờ” và có lẽ sẽ tiếp tục như vậy.
“Về mặt thống kê, chúng ta có số trường hợp tử vong trung bình mỗi năm ở Hoa Kỳ trước đại dịch. Đã có những trường hợp tử vong vượt quá [con số trung bình này], vì vậy chúng tôi cho rằng những cái chết đó, dù là nguyên nhân chính hay phụ, đều liên quan đến COVID,” ông Tsai nói.
Ông bổ sung, “Khi đại dịch vẫn tiếp tục, các con số tử vong vượt quá sẽ giảm đi và sẽ khó nhận biết việc nhiễm COVID hơn. Việc ghi nhận [con số tử vong] sẽ ngày càng khó khăn.”
Ông Tsai lưu ý rằng nhiều văn phòng điều tra có thể đã bị quá tải vào thời kỳ đầu của đại dịch, dẫn đến các cuộc tranh cãi trong việc xác định những trường hợp tử vong nào nên được tính là liên quan đến COVID.
Hơn nữa, một số chuyên gia khẳng định rằng khi virus tiếp tục lẫn vào giữa những căn bệnh truyền nhiễm khác — chẳng hạn như cúm mùa — thì sẽ có trở ngại nữa trong việc xác định COVID-19 có vai trò như thế nào đối với các trường hợp tử vong.
Những thách thức liên quan đến xét nghiệm và chẩn đoán sai
Các lọai xét nghiệm COVID-19 sẵn có đã cho thấy một vấn đề lớn đối với việc chẩn đoán trong những tháng đầu của đại dịch. Mặc dù một khi các xét nghiệm kháng nguyên và phản ứng chuỗi polymerase (PCR) trở nên phổ biến rộng rãi, dương tính giả vẫn là một vấn đề nan giải của ngành chăm sóc sức khỏe.
Được hầu hết các chuyên gia y tế coi là “tiêu chuẩn vàng” của các xét nghiệm COVID-19, PCR được cho là có tỷ lệ chính xác từ 95-100%. Mặc dù vậy, vẫn có hàng ngàn trường hợp dương tính giả đã được ghi nhận trong các báo cáo chính thức từ năm 2020.
Điều này càng khiến việc xác định số ca tử vong chính xác thêm phần nan giải vì những người được liệt kê là tử vong do COVID-19 thường không được xét nghiệm lại, nhưng đó là cách duy nhất để xác định xem liệu xét nghiệm đầu tiên có cho ra kết quả dương tính giả hay không.
Dù vậy, ngoài vấn đề về xét nghiệm, một vài người làm trong ngành y nói rằng một phần của vấn đề là [năng lực] chẩn đoán chính xác bởi vì thời nay, các bác sĩ dành rất ít thời gian cho bệnh nhân.
Y tá có chứng chỉ đã về hưu Donna Brown nói với The Epoch Times: “Hồi xưa, thời tôi mới vào làm y tá, toàn bộ sự tập trung là dành cho bệnh nhân.”
Có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại các bệnh viện, bà Brown đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong ngành chăm sóc sức khỏe. Chủ yếu trong số này là các bác sĩ ngày càng dành ít thời gian hơn để đánh giá và chẩn đoán về tình trạng của bệnh nhân.
Thời nay, thời gian đó ít đến nỗi quý vị có thể đo được bằng đồng hồ bấm giờ.
“Tôi rất tiếc, nhưng 10 hay 15 phút thậm chí còn chưa đạt đến mức thời gian gần đủ cho các bác sĩ,” bà Brown nói. Bà nói thêm rằng điều này đặc biệt đúng với các bệnh nhân lớn tuổi, các trường hợp mà những hiểu biết sâu hơn về các chẩn đoán trước đây và tình trạng hiện tại là vô cùng quan trọng.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thời gian trung bình các bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân là khoảng 13-24 phút với mức trung bình thấp phổ biến hơn.
Một phân tích trước đại dịch tiết lộ chỉ 11% bệnh nhân và 14% bác sĩ tin rằng khoảng thời gian tiếp xúc giữa họ là đủ để có được dịch vụ chăm sóc chuẩn mực cao nhất.
Ông Tsai đồng ý rằng các chuyên gia y tế đang ngày càng có ít thời gian để tiếp xúc với bệnh nhân hơn nhiều năm về trước.
Ông nói: “Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân đã nhiều hơn khả năng chăm sóc của các bác sĩ và thời gian trở nên rất hạn hẹp.”
“Nhiều bác sĩ thấy rằng họ không có đủ thời gian mà họ mong muốn để đánh giá kỹ lưỡng mỗi bệnh nhân. Đưa thêm COVID-19 vào mớ hỗn độn đó và các bác sĩ càng có ít thời gian hơn nữa.”
Mặc dù một phần nguyên nhân của điều này đến từ việc thiếu hụt nhân viên y tế do đại dịch, nhưng các bác sĩ hiện dành nhiều thời gian hơn để làm việc với các hồ sơ sức khỏe điện tử thay vì trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân. Do những thay đổi trong cách các nhà cung cấp bảo hiểm và chính phủ chi trả cho chăm sóc sức khỏe, các bác sĩ hiện dành nhiều thời gian trên máy điện toán hơn là với bệnh nhân.
Điều này cũng đúng cho nhiều trường hợp, không chỉ giới hạn ở đến bệnh viện thăm khám.
Trong một nghiên cứu với 57 bác sĩ Mỹ thuộc các chuyên khoa khác nhau, họ chỉ dành 27% thời gian để tương tác “trực tiếp lâm sàng” với bệnh nhân.
Theo bà Brown, xu hướng này trở nên đặc biệt nổi trội kể từ khi Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Giá cả phải chăng (Affordable Care Act) có hiệu lực dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times