Vì sao cha mẹ nên khuyến khích con trẻ đọc các tác phẩm kinh điển?
Ở Hoa Kỳ khi bắt đầu vào học kỳ mới, các trường học đều sẽ gửi cho học sinh một danh sách dài những cuốn sách nên đọc phù hợp với từng cấp lớp, đồng thời cũng sẽ tổ chức cuộc thi “Đọc sách chỉ định”.
Ở Đài Loan dường như không có chi tiết “danh sách sách đề cử cho từng lứa tuổi”, mặc dù cha mẹ khuyến khích con cái mình đọc sách, nhưng rất nhiều trẻ nhỏ phần lớn lại đắm chìm trong những cuốn truyện tranh, chất lượng đọc cũng không tốt. Các phụ huynh ở Hoa Kỳ ngoài việc khuyến khích con mình đọc nhiều sách ra, còn yêu cầu trẻ đọc nhiều tác phẩm “kinh điển”, vừa coi trọng chất vừa coi trọng lượng!
Có một lần, tôi nhìn thấy Gấu Nhỏ (con trai tôi) làm bài tập về nhà môn tiếng Quốc ngữ là đặt câu với từ “… vì sao…?”. Cậu bé viết là: “Tôi thực sự không hiểu vì sao các bạn trong lớp đều rất ngưỡng mộ Châu Kiệt Luân?”. Tôi đọc xong liền thầm cười trộm trong lòng.
Cậu bé viết không sai, trong nhà chúng tôi không có đĩa nhạc của Châu Kiệt Luân, khi Gấu Nhỏ ở Mỹ cũng chưa từng nghe qua bài hát của ca sĩ này (ở vùng nông thôn của Hoa Kỳ càng không có cơ hội nghe được). Việc này cũng khó trách cậu bé không hiểu vì sao các bạn học đều rất thích Châu Kiệt Luân, ngay cả các chị họ của bé mỗi khi tập hát Karaoke ở nhà cũng thích chọn bài hát của Châu Kiệt Luân. Sống ở Hoa Kỳ nhiều năm, tôi chỉ láng máng nghe qua các loại tin đồn về vị được gọi là “Thiên Vương” này. Sau khi trở về Đài Loan, tôi mới có cơ hội xem MV của anh ấy, cảm thấy ca từ ý cảnh trong bài hát không tệ. Có điều, tôi phát hiện người viết ca từ không phải Châu Kiệt Luân, mà phần lớn là do Phương Văn Sơn viết. Cho nên tôi vẫn luôn hiếu kỳ đối với Phương Văn Sơn.
Sau đó, tôi cuối cùng cũng đọc được một câu chuyện về Phương Văn Sơn trên tạp chí. Ông xuất thân trong gia đình lao động, tốt nghiệp trường trung học tư thục, thời nhỏ chưa từng tham gia một trường luyện thi hay lớp tài năng nào. Ông từng làm qua các công việc như chạy quảng cáo, phục vụ ở sân Golf, nhân viên phục vụ, nhân viên bảo vệ; sau khi xuất ngũ thì làm công việc giao báo, nhân viên sửa chữa máy ở xưởng may, tài xế hậu cần, nhân viên sửa chữa thiết bị chống trộm… Nói cách khác, ông là một người hoàn toàn không liên quan gì với nền giáo dục tinh hoa, hay trường đào tạo ngôi sao.
Vậy vì sao hiện nay ông lại thành công như thế, khắp phố lớn ngõ nhỏ đều phát những bài hát do ông viết ca từ? Điều này có liên quan đến việc ông Đọc nhiều từ thời còn nhỏ. Trong bài báo có nhắc đến, Phương Văn Sơn chưa từng trải qua bất kỳ trường lớp đào tạo sáng tác chính quy nào, những nền tảng cho việc sáng tác của ông cũng không phải đến từ hệ thống giáo dục, mà là đến từ việc “đọc sách”. Khi còn học cấp hai, ông đã tìm thấy một thế giới tươi đẹp và rộng lớn trong một hiệu sách nhỏ ở gần nhà. Ở đó ông đã gặp gỡ Lý Thanh Chiếu, Lý Hậu Chủ, Hạ Vũ và Tịch Mộ Dung…, những lời hay ý đẹp của các nhà thơ nhà văn cổ đại cũng như hiện đại này đã khiến cậu bé Phương Văn Sơn rung động sâu sắc, đồng thời cũng có những ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của ông sau này.
Có người nói ông rất may mắn, vừa vặn gặp được siêu sao Châu Kiệt Luân để “đi nhờ xe”. Phương Văn Sơn cũng không phủ nhận bản thân mình quả thật gặp được “cơ hội” tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu không nhờ sự tích lũy của việc đọc nhiều trong nhiều năm cùng với việc tiếp tục sáng tác không ngừng của ông, thì dù có gặp được cơ hội ngàn năm có một, cũng sẽ là uổng công.
Từ câu chuyện của Phương Văn Sơn có thể thấy rằng, “đọc nhiều” quả thực có thể thay đổi số phận của một người vốn ban đầu có phần yếu thế.
Đọc các tác phẩm vĩ đại, tác phẩm kinh điển có thể mang đến cho trẻ những gì?
Về vấn đề này, tôi nghĩ tới cuốn sách “Tầm quan trọng của việc đọc nhiều” (Hiệu sách Bác Nhã) của Lý Gia Đồng viết. Ngoài việc khuyến khích đọc nhiều, ông còn đưa ra rất nhiều ý kiến khác. Chẳng hạn như, ông cho rằng biển đọc quá lớn, bởi vậy đọc nhiều cũng cần phải có phương hướng. Theo ông, có 6 loại sách tài liệu giúp ích rất lớn trong việc bồi dưỡng năng lực đọc sách của trẻ nhỏ, đó là:
- Tác phẩm kinh điển nổi tiếng;
- Các tác phẩm phân tích có chất lượng;
- Án lệ và Tiểu thuyết trinh thám;
- Các tác phẩm văn chương mang tính tri thức;
- Tin tức quốc tế;
- Các bài văn trong sách giáo khoa nói chung.
Tác giả Lý Gia Đồng còn cho rằng: “Bất kỳ cuốn sách hay tác phẩm nào đã trở thành tác phẩm bất hủ, thì nhất định có đạo lý riêng của nó. Sách không có chiều sâu thì rất khó trở thành tác phẩm kinh điển nổi tiếng. Ở đây, tôi xin khuyên độc giả nên đọc những cuốn sách có sức nặng… Một cuốn sách có thể lưu truyền đến tận bây giờ mà không bị thời gian đào thải, tất nhiên phải có trình độ nhất định trong việc miêu tả và khắc họa nhân tâm và nhân tính, thì mới có thể khơi dậy sự đồng cảm của con người ở các thời đại khác nhau”.
Tôi tin rằng rất nhiều người đều có chung thắc mắc như thế này: “Ai nói rằng nhất định phải đọc sách kinh điển?”. Trên thực tế, thời còn nhỏ tôi cũng đọc không ít sách giải trí (chủ yếu như truyện tranh, tiểu thuyết võ hiệp), hơn nữa cho rằng đọc sách là một loại hưởng thụ cá nhân. Vì vậy, ban đầu tôi cũng không ủng hộ quan niệm đọc những tác phẩm vĩ đại hoặc tác phẩm kinh điển cổ xưa. Sau khi trưởng thành, từ từ tĩnh tâm đọc các tác phẩm kinh điển, tôi mới dần dần hiểu được rằng:
Tôi đã đi khá nhiều đường vòng trong việc đọc! Đáp án mà tôi từng khổ sở truy tìm, mớ bòng bong tình cảm mà tôi vướng mắc, hóa ra trong những tác phẩm kinh điển của mấy trăm năm trước đã có người sớm từng nghĩ tới, từng trăn trở và tỉnh ngộ ra rồi.
Vì vậy, tôi khuyến khích con trai Gấu Nhỏ của tôi đọc nhiều tác phẩm kinh điển thiếu nhi. Vào kỳ nghỉ đông, nghỉ hè hàng năm, tôi đều sẽ chỉ định cho Gấu Nhỏ đọc những tác phẩm văn học cổ “Cuộc phiêu lưu của Robinson”, “Cuộc phiêu lưu của Gulliver”, “Gia đình Robinson trên đảo hoang”, “Đảo châu báu”, “Nanh trắng”, “Tây du ký”, “Tam quốc diễn nghĩa” v.v…
Đương nhiên, có đôi khi, Gấu nhỏ cũng không thể hiểu được những cuốn sách này, khi đó tôi sẽ yêu cầu bé dừng lại, chờ đến kỳ nghỉ tiếp theo lại lấy ra đọc thử xem. Ban đầu Gấu Nhỏ rất phản kháng, bởi vì các bạn học của bé đều không đọc sách, cho rằng việc đọc sách kia chắc hẳn vừa lỗi thời vừa vô vị! Nhưng sau khi tôi kiên trì yêu cầu bé đọc thử, quả nhiên dần dần bé phát hiện ra sức hấp dẫn khó cưỡng của những cuốn sách này!
Có rất nhiều lần, sau khi Gấu Nhỏ đọc xong một cuốn tiểu thuyết kinh điển, quay lại nói với tôi: “Mẹ, cuốn sách này đọc thật hay… Mẹ đã đọc qua chưa? Nhất định phải đọc nhé! Nhất là ở chương này…”.
Kế hoạch khuyến khích con trẻ đọc những tác phẩm kinh điển của tôi, rốt cuộc đã nước chảy thành sông rồi, và hiện giờ vẫn còn đang tiếp tục.
Bài viết được trích từ “Phương pháp giáo dục suy nghĩ sáng tạo của mẹ Gấu Nhỏ” do Nhà xuất bản Dã Nhân cung cấp.
Trương Mỹ Lan thực hiện
Lê Vi biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: