Vào Tết Nguyên Tiêu người xưa nhất định sẽ làm những việc này!
Nói đến Tết Nguyên Tiêu, mọi người thường nhắc đến ăn chè trôi nước, đoán đố đèn, ngắm hoa đăng, v.v. Nhưng những tập tục của Tết Nguyên Tiêu không chỉ có những chuyện này, đặc biệt đối với nữ giới ở thời cổ đại, thì còn có một số việc nhất định không thể không làm.
Hôm nay chúng ta hãy tìm hiểu xem từ xưa đến nay có bao nhiêu tập tục thú vị trong ngày Tết Nguyên Tiêu, ở các triều đại trong lịch sử ăn mừng ngày lễ này như thế nào.
Tết Nguyên Tiêu ở mỗi triều đại
Ban đầu vào thời kỳ nhà Hán, hoạt động ăn mừng Tết Nguyên Tiêu chỉ có một ngày; đến thời nhà Đường đã biến thành ba ngày; thời Tống, số ngày Tết Nguyên Tiêu được kéo dài đến năm ngày; đến thời nhà Minh phải ăn mừng suốt mười ngày, từ ngày mùng 8 là đốt đèn mãi cho đến đêm ngày 17 mới hạ đèn, cuối cùng đến triều Thanh lại trở về ba ngày.
Chín tập tục trong ngày Tết Nguyên Tiêu
1. Đốt đèn
Vì sao Tết Nguyên Tiêu phải đốt đèn? Điều này phải từ cái tên gọi khác của Tết Nguyên Tiêu là “Tết Thượng Nguyên” để giải thích.
Đạo giáo gọi ngày 15 tháng Giêng là Tết Thượng Nguyên, ngày 15 tháng Bảy là Tết Trung Nguyên, ngày 15 tháng 10 là Tết Hạ Nguyên, hợp lại gọi là Tam Nguyên.
Ba ngày này theo thứ tự là ngày sinh nhật của ba vị quan chủ quản Thiên, Địa, Nhân. Trong đó, Thiên Quan Đại Đế thường được dân gian cho là Đế Nghiêu trong “Nghiêu, Thuấn, Vũ”, sinh nhật của ông chính là ngày 15 tháng Giêng.
Tương truyền, Hán Vũ Đế thời Tây Hán từng đốt đèn trong Hoàng cung để cúng tế Thần “Thái Nhất” vào đêm Rằm tháng Giêng. Điều này được người đời sau coi ngày 15 tháng Giêng là ngày bắt đầu cúng tế các Thần linh.
Đến đời Hán Minh Đế thời Đông Hán, Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Theo trích dẫn “Tăng sử lược” ghi chép trong “Tuế thời quảng ký” của Trần Nguyên Tịnh thời nhà Tống rằng: “Hán pháp bản truyền Tây Vực, ngày 30 tháng 12 chính là nhằm ngày rằm tháng Giêng của Trung Quốc, gọi là Đại Thần Nông biến thành mặt trăng, Hán Minh Đế lệnh đốt đèn, để thể hiện Phật pháp đại minh”.
Hán Minh Đế Lưu Trang tôn sùng Phật giáo, không chỉ cử hành pháp hội đốt đèn ở trong hoàng cung và chùa chiền, lại lệnh trong toàn quốc bất kể là sĩ tộc hay thứ dân, hết thảy đều phải đốt đèn treo lên, để biểu thị ý tôn kính và tín ngưỡng đối với Phật tổ.
Bắt đầu từ lúc đó, loại lễ nghi Phật giáo này từ cung đình đã phát triển đến dân gian, dần dần hình thành nên phong tục ngày tết sau này với quy mô lớn và rộng khắp.
Từ trong bài thơ “Nguyên tịch vu thông cù kiến đăng dạ thăng nam lâu” (Nguyên Tiêu dựng đèn nơi đường cái, đêm lên lầu nam) của Tùy Dương Đế, chúng ta có thể thấy được cảnh tượng giăng đèn ăn mừng náo nhiệt trong cung triều Tùy lúc đó:
“Pháp luân thiên thượng chuyển, phạm thanh thiên thượng lai. Đăng thụ thiên quang chiếu, hoa diễm thất chi khai.Nguyệt ảnh nghi lưu thủy, xuân phong hàm dạ mai.Phần động hoàng kim địa, chung phát lưu ly đài”.
Tạm dịch:
Pháp luân trên Trời chuyển, lời Phật trên Trời truyền;Dựng ngàn đèn chiếu sáng, hoa lửa khai bảy nhánh;Bóng trăng tựa dòng nước, gió xuân ngậm hương mai;Đốt động đất hoàng kim, chuông vang đài lưu ly.
“Phạm thanh” ở đây chính là chỉ âm thanh niệm Phật tụng kinh, cho nên đốt đèn vào Tết Nguyên Tiêu ban đầu mang ý nghĩa là lễ Phật và cúng tế Thần linh.
2. Hội đèn lồng
Cùng với việc Tết Nguyên Tiêu phát triển ngày càng thịnh hành và rộng khắp ở dân gian, thì dần dần đã hình thành nên tập tục cử hành hội đèn lồng ngắm hoa đăng.
Ở hội đèn lồng nhất định sẽ có một số hoạt động truyền thống như múa rồng và gánh xiếc biểu diễn. Trong bức tranh “Minh Hiến Tông Nguyên Tiêu hành nhạc đồ”, có thể thấy gánh xiếc và sạp nhỏ bán tạp hóa bên đường được mời cả vào trong hoàng cung, để cho Hoàng Đế và chúng phi tần trải nghiệm một ít lạc thú dân gian. Trong bức tranh “Càn Long Đế Nguyên Tiêu hành nhạc đồ” thời Thanh cũng miêu tả cảnh tượng tương tự.
3. Đoán đố đèn
Đố chữ Trung Quốc bắt nguồn từ thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, về sau phát triển thành viết câu đố vào mảnh vải nhỏ treo lên trên đèn, đôi khi đoán trúng còn có thể thắng được hoa đăng rất đẹp.
Chu Mật là người sống từ thời Nam Tống, trong “Vũ lâm cựu sự – Đăng phẩm” của ông, khi ông nhớ lại những chuyện cũ ở thời Nam Tống, đã miêu tả cảnh tượng náo nhiệt của hội đố đèn trong Tết Nguyên Tiêu: “Viết thơ lên đèn lụa, thường ngụ ý châm biếm, và vẽ nhân vật, dùng câu nói bóng gió để ẩn gợi ý, cùng với kinh sách xưa và lời trêu đùa, trêu chọc người đi đường. Ngày hội Nguyên Tiêu ở kinh thành xuyên đêm, hội ngắm đèn đêm xuân, bách tính đông đảo chen chúc, câu đố thơ viết trên đèn, ánh nến sáng rực, treo đầy đường lớn, mặc cho người đoán, cho nên gọi là đố đèn”.
4. Ăn bánh nguyên tiêu
Ngày nay vào Tết Nguyên Tiêu, nhà nhà đều ăn bánh nguyên tiêu hoặc bánh trôi (chè trôi nước), món ăn này được xuất hiện vào thời Tống, thời đó món này còn được gọi là nguyên tử, đoàn tử…
Trong “Chước trung chí” của hoạn quan Lưu Nhược Ngu triều Minh có ghi lại cách làm bánh nguyên tiêu trong cung lúc bấy giờ: “Phương pháp làm bánh nguyên tiêu, dùng bột gạo nếp, bên trong dùng hạt hạch đào, đường trắng, hoa hồng làm nhân, cho nước vào lăn thành, bánh giống như quả hạch đào lớn, chính là ở vùng Giang Nam gọi là bánh trôi vậy”.
Ghi chú: “Bánh nguyên tiêu là lăn bột mà thành, còn bánh trôi là gói lại giống như gói sủi cảo vậy”.
5. Ngắm trăng
Ngày Rằm tháng Giêng là đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, trong ngày này mọi người sẽ ngắm trăng và tế nguyệt. Đồng thời, trăng tròn và bánh trôi đều tượng trưng cho cả nhà đoàn viên, đây cũng là ngày cả nhà đoàn tụ.
Trăng sáng giữa trời, cảnh đẹp trước mắt, các văn nhân đều thích thú làm thơ, cũng có rất nhiều bài thơ nổi danh lưu truyền cho tới ngày nay.
Nổi danh nhất phải kể tới bài thơ “Thanh ngọc án chi nguyên tịch” của Tân Khí Tật:
Đông phong dạ phóng hoa thiên thụ,Cánh xuy lạc, tinh như vũ.Bảo mã điêu xa hương mãn lộ.Phụng tiêu thanh động,Ngọc hồ quang chuyển,Nhất dạ ngư long vũ.
Nga nhi tuyết liễu hoàng kim lũ,Tiếu ngữ doanh doanh ám hương khứ.Chúng lý tầm tha thiên bách độ,Mạch nhiên hồi thủ,Na nhân khước tại,Đăng hoả lan san xứ”
Tạm dịch nghĩa
Gió đông thổi làm nở ngàn cây hoa,Cuối cùng rơi rụng, như mưa sao.Ngựa quý, xe chạm khắc, hương bay khắp đường.Tiếng tiêu phượng uyển chuyển,Ánh trăng sáng lay động,Suốt đêm cá, rồng vui múa.
(Đầu đội) mũ hình con ngài, tơ liễu vàng rủ,
Cười nói vui đùa đi qua, hương bay thoảng.
Giữa đám đông tìm người trăm ngàn lượt,
Bỗng nhiên quay đầu lại,
Người ở ngay đó,
Ở nơi lửa đèn tàn.
6. Nhảy dây
Trung Quốc cổ đại gọi nhảy dây là “Khiêu bạch (bách) tác”, thời triều Minh và triều Thanh, thì nhảy dây phần lớn được cử hành trong ngày Tết Nguyên Tiêu này.
Trong cuốn “Đế kinh cảnh vật lược – Đăng thị” do Lưu Đồng và Dịch Chính triều Minh sáng tác có viết: “Ngày mười lăm tháng Giêng, hai đồng tử vung dây trên đất, giống như vầng bạch quang (ánh sáng trắng), một đồng tử nhảy trong vầng bạch quang đó, gọi là khiêu bạch tác”.
Cuốn “Nhạc Lăng huyện chí” ghi lại rằng: “Trong dịp Nguyên Tiêu, nữ tử có trò nhảy dây, trò này tên là khiêu bách tác (nhảy dây trăm [lần])”.
7. Qua cầu
Tẩu kiều (qua cầu) còn gọi là “tẩu bách bệnh” (tránh nhiều bệnh), đây là tập tục đặc biệt dành riêng cho nữ giới thời cổ đại. Chúng ta có thể thấy tập tục này được miêu tả trong các thư tịch thời Minh Thanh.
Ví dụ như, trong “Tẩu bách bệnh hành” của Chu Dụng viết: “Hội đèn hoa đầu xuân nơi đô thành phồn thịnh, mọi người cùng vui tết. Các dì các bà dẫn theo các cô gái nhỏ, trang điểm đi tránh bách bệnh. Tục nói rằng đêm ấy hang quỷ trống không, trăm bệnh về hết trong bụi đất. Nếu không năm nay lại nhiều bệnh, cánh tay khô gầy, mắt mờ, trúng gió nghẹo đầu”.
Trong ngày thường, giới nữ ở trong nhà cũng không có cơ hội ra bên ngoài nhiều, nhưng trong ngày này, già trẻ trong nhà đều muốn kết bạn cùng nhau đi dạo trên cầu.
Vào năm thứ 8 Sùng Trinh thời nhà Minh (năm 1635), trong “Đế kinh cảnh vật lược” bản in đầu tiên ghi rằng: “Từ ngày mùng 8 đến ngày 18 (tháng Giêng), tụ tập ngoài cửa Đông Hoa, gọi là chợ đèn hoa. Sang hèn cùng nhau xem, giàu nghèo cùng buôn bán, người và vật đều đủ vậy. Phụ nữ mặc áo lụa trắng, ban đêm đi thành từng hàng, nói là để không có nhiều bệnh ở lưng và chân, gọi là tẩu kiều”.
Trong “Tẩu bách bệnh” của Trương Túc thời Minh chép: “Áo lụa trắng ánh trăng chiếu sáng, đi qua cầu để không bị nhiều bệnh. Lại qua trước cửa chạm tay vào cái đinh, đi một lần cả năm vui vẻ”.
Còn trong “Nguyên Tiêu khúc” của Thái Sĩ Cát triều Minh có câu: “Chàng chớ xem đèn đi qua cầu, áo lụa trắng tung bay yêu kiều. Đi thì lo hai chân nhỏ, không đi lo vặn eo”.
Về sau phong tục đi trên cầu tiêu bách bệnh lại biến thành hình thức leo núi, dạo phố, v.v. Thú vị nhất chính là ở Liêu Ninh, bởi vì thời tiết giá rét, nên tẩu bách bệnh trở thành tẩu bách băng (đi trên băng).
8. Sờ đinh
Trong cuốn “Đế kinh cảnh vật lược” ghi rằng: “Đến các cửa thành, lén đưa tay sờ đinh, cho là cầu con trai, gọi là sờ đinh”.
Trong “Nguyên tiêu khúc” của Thái Sĩ Cát ở triều Minh có câu: “Cô, dì ai ở cửa này, hỏi cửa trước giả vờ không biết. Tay sờ cửa lòng mừng thầm, người bên cạnh không nói đến đinh”.
9. Trộm xanh
Trộm xanh chính là trộm rau, hay còn được gọi là trộm đỏ, trộm đèn. Dịp tết Nguyên Tiêu, nam nữ thanh niên chưa lập gia đình đi trộm rau, trộm đèn để cầu gặp được đối tượng kết đôi với mình, còn phụ nữ đã kết hôn thì để cầu con cái.
Trong cuốn “Đế kinh cảnh vật lược” ghi rằng: “Thời Kim Nguyên, có ba ngày để trộm, thấy trộm đến thì cười xua đi, cho dù trộm đến vợ con cũng không có tội, tục lệ lạ thay”.
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ EpochTimes Hoa Ngữ
Xem thêm: