Vàng có là một giải pháp chống lạm phát không? Nên có bao nhiêu vàng trong danh mục đầu tư?
Niềm đam mê của chúng ta với vàng đã có mặt ở khắp mọi nơi kể từ khi lịch sử bắt đầu được ghi chép, và vàng đã là một khoản đầu tư mạnh mẽ trên khắp các nền văn hóa trên toàn thế giới. Giá trị của vàng đến từ sự khan hiếm của nó như một loại hàng hóa, và giá của nó có xu hướng tăng trong thời kỳ kinh tế bất ổn, đặc biệt là khi lạm phát cao.
Vàng là duy nhất bởi vì, không giống như các loại hàng hóa khác, vàng không được tiêu thụ hoặc sử dụng ở mức độ như các loại hàng hóa khác. Giá trị căn bản của vàng là nội tại, mặc dù vàng được sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử ngày nay. Hệ thống tiền tệ của Hoa Kỳ dựa trên bản vị vàng cho đến những năm 1970, và những người ủng hộ điều này tin rằng một hệ thống dựa trên vàng, thứ có nguồn cung hữu hạn và vật chất, là lựa chọn tốt nhất.
Vàng không còn là tiêu chuẩn nữa, và đôi khi nó sinh lợi nhiều hơn những thời điểm khác. Tuy nhiên, kim loại quý có một lịch sử lâu đời là một khoản đầu tư chắc chắn. Điều đáng xem là làm thế nào để vàng có thể phù hợp với danh mục đầu tư của quý vị.
Kể truyện lịch sử
Kể từ buổi bình minh của nền văn minh, vàng đã được sử dụng như một loại tiền tệ và biểu tượng của sự giàu có. Các chính phủ tích trữ của cải, và các nhà thám hiểm lùng sục khắp các vùng xa xôi trên thế giới để tìm kiếm kim loại quý này. Ngay cả trong thời hiện đại, vàng vẫn là một khoản đầu tư khả thi và là tiêu chuẩn cho nhiều loại tiền tệ. Trong lịch sử, mặc dù đầu tư vàng không vượt trội so với cổ phiếu, nhưng vàng vẫn tiếp tục là một khoản đầu tư vững chắc—ngay cả sau khi cựu Tổng thống Nixon tuyên bố rằng USD không còn có thể được đổi lấy vàng vào năm 1971.
Vàng đã là một mặt hàng có giá trị đối với các nhà đầu tư trong nhiều thế kỷ, và sẽ tiếp tục như vậy vì bản chất vốn có của nó. Trong lịch sử, vàng đã vượt qua tất cả các hàng hóa khác về giá trị. Ngay cả khi giá cả biến động, giá trị nội tại mà chúng ta đặt cho vàng vẫn chưa bao giờ suy giảm. Vàng luôn là một khoản đầu tư mà mọi người sử dụng trong những thời điểm kinh tế không chắc chắn, chẳng hạn như thị trường giá xuống mà chúng ta hiện đang gặp phải.
Một giải pháp chống lạm phát
Vàng được ca ngợi rộng rãi như một biện pháp chống lạm phát do mối quan hệ của nó với tiền tệ của Hoa Kỳ; giá của vàng tính bằng USD có biến động. Điều này có nghĩa là nếu đồng USD mất giá vì lạm phát, thì vàng có xu hướng tăng giá trị. Vì vậy, mặc dù giá trị của đồng USD có thể bị xói mòn do lạm phát gia tăng, thì một nhà đầu tư vàng vẫn được bù đắp cho mỗi ounce vàng mà họ sở hữu.
Đây không phải là một năm sinh lợi đối với Wall Street, và với lạm phát chạm mức 9.1% vào cuối tháng Sáu, nhiều nhà đầu tư đã tiếp tục quan tâm đến kim loại quý này. Trong khi vàng hiện đang ở mức hơn 1,700 USD/ounce một chút, Goldman Sachs dự báo rằng nó có thể đạt 2,500 USD/ounce vào tháng 01/2023.
Kim loại quý, không chỉ vàng, từ lâu đã được coi là giải pháp tốt chống lạm phát. Cũng giống như các công ty đã áp dụng các mô hình kinh doanh để vượt qua lạm phát và đã trả cổ tức trong nhiều thập niên, vàng có xu hướng duy trì sức mua của nó trong thời kỳ lạm phát gia tăng.
Vàng đã có kết quả tốt trong lịch sử khi so sánh với USD. Ngay sau Đệ nhị Thế chiến, trong thời Bretton Woods, thế giới đã thống nhất một mức giá cố định cho vàng, định giá 1 ounce là 35 USD.
Nếu quý vị đã đặt một ounce vàng trong két sắt cùng với 35 USD vào giữa những năm 1940, ngày nay, được điều chỉnh theo lạm phát, 35 USD sẽ có trị giá 518 USD. Tuy nhiên, một ounce vàng sẽ có giá trị gần 1,700 USD. Đó là một sự khác biệt khá lớn.
Vàng không vượt trội so với cổ phiếu
Mặc dù vàng chắc chắn có một vị trí trong nhiều danh mục đầu tư, nhưng các nhà đầu tư không nên có những kỳ vọng phi thực tế về những gì kim loại quý này sẽ mang lại cho họ. Mua vàng và hy vọng vào nó để làm giàu không phải là một chiến lược đúng đắn, vì vàng đã hoạt động kém hiệu quả khi so sánh với chứng khoán trong vài thập niên qua. Một nghiên cứu cho thấy từ năm 1972–2013, cổ phiếu tăng giá tốt hơn vàng bất kể lãi suất tăng hay giảm.
Mặc dù giá vàng chắc chắn có dao động, nhưng chúng không được định giá giống như giá cổ phiếu và không có cùng tiềm năng tăng trưởng. Giá trị của một công ty có thể được dự đoán và định giá dựa trên dự báo về thu nhập trong tương lai của công ty ấy. Vàng không có thu nhập và giá trị của nó được định giá dựa trên những gì mọi người sẵn sàng trả cho nó, được xác định bởi cung và cầu. Điều này có thể khó dự đoán, mặc dù nhu cầu có xu hướng tăng do lo sợ về sự không chắc chắn của nền kinh tế hơn là do bất kỳ nguyên nhân khách quan nào.
Tỷ lệ nào trong danh mục đầu tư của quý vị nên là vàng?
Khi quyết định quý vị nên có bao nhiêu vàng trong danh mục đầu tư của mình, điều quan trọng là phải hiểu mục đích mà việc phân phối này phục vụ.
Mặc dù một số danh mục đầu tư của quý vị có thể được dành riêng cho cổ tức mang lại thu nhập ổn định, hoặc cho các cổ phiếu công nghệ mà quý vị hy vọng sẽ tăng theo cấp số nhân, đầu tư vàng nên phục vụ một mục đích khác.
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng từ 5 đến 10% danh mục đầu tư của quý vị nên được phân bổ cho vàng. Vì vàng sẽ không phải là thứ giúp tăng danh mục đầu tư của quý vị một cách mạnh mẽ, nhiều chuyên gia khuyên rằng quý vị nên sử dụng các khoản đầu tư liên quan đến vàng của mình để chuẩn bị cho những điều chưa biết.
Cổ phiếu và trái phiếu thường được coi là những công cụ tốt hơn để xây dựng tài sản và tài khoản hưu trí, vì chúng có hiệu quả cao hơn giá vàng trong lịch sử. Tuy nhiên, trong thời kỳ kinh tế bất ổn và suy thoái, thì vàng là thứ bảo hiểm tuyệt vời.
Cách mua vàng
Sở hữu vàng vật chất là một lựa chọn, mặc dù không còn cần thiết nếu quý vị muốn đầu tư vào vàng. Vàng vật chất như một tài sản ngày càng hiếm và phải chịu thêm chi phí. Vì vàng vật chất rất dễ bị trộm nên chủ sở hữu cũng phải bảo đảm rằng họ có các biện pháp bảo mật thích hợp, chẳng hạn như két sắt, để bảo vệ tài sản của họ. Vàng vật chất cũng đặt ra một vấn đề vì nó khó bán hơn, làm cho kém thanh khoản hơn.
Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) cho phép đầu tư vào vàng mà không gặp rắc rối khi sở hữu vàng vật chất. Một số, như VanEck Vectors Gold Miners ETF (GDX), theo dõi hiệu suất tổng thể của các công ty khai thác vàng. GDX là một trong những lựa chọn có tính thanh khoản cao hơn khi đầu tư vào vàng.
Nếu quý vị chưa quen với việc đầu tư vào vàng hoặc đang tìm cách đa dạng hóa hơn danh mục đầu tư của mình, có một số quỹ ETF liên quan đến vàng với các mức độ rủi ro khác nhau.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times