Văn hóa Xoá sổ: Nguồn gốc và hệ lụy đối với Hoa Kỳ
Ý kiến bình luận
Là công dân Hoa Kỳ, chúng ta đã có những điều tốt đẹp được duy trì từ lâu đời đến mức chúng ta thường coi những thứ quan trọng là hiển nhiên cho đến khi chúng sắp bị cướp mất. Gần đây nhất là năm hoặc sáu năm trước, ai có thể nghĩ rằng các nền tảng truyền thông xã hội thống trị của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Facebook, Google-You Tube hay Twitter sẽ tấn công các quyền trong Tu chính án Thứ Nhất của đất nước chủ quản bằng cách tham gia vào việc bịt miệng một lượng lớn người dùng thông qua kiểm duyệt, xóa sổ và cấm sử dụng nền tảng?
Trong tất cả những trở ngại đối với sự tiến bộ của Hoa Kỳ trên mọi mặt trận, thì kiểm duyệt và văn hóa xóa sổ có lẽ được xếp ở vị trí đứng đầu. Nhiều người thuộc thế hệ trẻ chấp nhận văn hóa xóa sổ như là một phần của các mối liên hệ phi cá nhân hóa mà phương tiện truyền thông xã hội đã nuôi dưỡng. Có vẻ như nhiều người đã quen với việc đàn áp trên mạng và xóa bỏ con người, ý tưởng và mối liên hệ một cách dễ dàng – tất cả đều được tạo điều kiện chỉ với một vài cú nhấp chuột.
Các thế hệ cũ trân trọng việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do liên kết và việc thừa nhận mọi người vốn vô tội luôn là những nguyên tắc cốt lõi ở Hoa Kỳ không chỉ vì các Tu chính án Thứ Nhất, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Mười Bốn của Hiến pháp, mà còn vì tầm quan trọng của sự văn minh và sự công nhận rộng rãi rằng lòng khoan dung là một đức tính cần thiết trong một xã hội đa nguyên và không ai có độc quyền về những ý tưởng tốt đẹp nhất. Ngay từ khởi đầu của nền cộng hòa lập hiến Hoa Kỳ, người ta đã tiên đoán rằng sự tiến bộ trong mọi lĩnh vực và sự nỗ lực là tuỳ thuộc vào sự cạnh tranh về ý tưởng, chính sách và sản phẩm.
Ai được lợi
Vậy tại sao văn hóa xóa sổ, thứ vốn bị hạn chế, có hại và phản xã hội một cách rõ ràng – làm trầm trọng thêm sự mâu thuẫn và thù hận, lại tiếp tục gia tăng ở Hoa Kỳ? Điều đó có thể được trả lời rõ ràng nhất bằng cách đơn giản là xác định xem ai được lợi. Rõ ràng những kẻ thù bên ngoài của Hoa Kỳ được hưởng lợi, đặc biệt là những người muốn tái tạo thế giới như Trung Cộng và giới tinh hoa liên quan đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới của ông Klaus Schwab, nổi tiếng với các cuộc họp thường niên ở Davos và nỗ lực mang lại “Sự tái thiết vĩ đại.”
Các thế lực thù địch bên ngoài này có các đồng minh trong nước nằm trong giới tinh hoa ở Hoa Kỳ, trong các đảng phái chính trị, bộ máy chính phủ, học viện và trong thế giới doanh nghiệp, nhưng cũng có các nhóm như Black Lives Matter (BLM) và Antifa. Giới tinh hoa sử dụng các nhóm này theo cách tương tự như Hitler đã sử dụng đội bạo động Áo nâu (Brown Shirts). BLM và Antifa về cơ bản là những con tốt của giới tinh hoa được sử dụng để khơi dậy nỗi sợ hãi và chia rẽ nội bộ, đồng thời phá hủy mối liên hệ xã hội với quá khứ của chính nó, và thậm chí gây ra nội chiến – tất cả đều tạo điều kiện cho kết cục cuối cùng là khiến cho Hoa Kỳ bị phụ thuộc vào trật tự thế giới mới của giới tinh hoa toàn cầu.
Phần lớn văn hóa xóa sổ này có thể không nhận ra rằng khi phá bỏ và xúc phạm các di tích lịch sử và viết lại lịch sử, họ đang vô tình phục vụ giới thượng lưu. Nhưng với việc hủy hoại sự tôn trọng của thế hệ hiện tại và thế hệ kế tiếp đối với các biểu tượng và tri thức về lịch sử và đức hạnh của quá khứ của Hoa Kỳ – từ những nhân vật và lý tưởng sáng lập của đất nước, việc soạn thảo một hiến pháp duy nhất dựa trên những lý tưởng đó, và quá trình chuộc lỗi của nó lên đến đỉnh điểm là đạt được bình đẳng chủng tộc bởi phong trào dân quyền – Hoa Kỳ có thể rụng như trái chín vào tay kẻ thù. Xoá sổ và phá hủy các di sản của Hoa Kỳ là tiền đề để làm điều này.
Văn hóa xóa sổ là thoái trào, không phải tiến bộ – và chúng ta có thể dự đoán nó sẽ đưa chúng ta đến đâu bằng cách hiểu quá khứ và những gì đã xảy ra với các xã hội và quốc gia khác đã trải qua quá trình đó. Và đó là lý do tại sao mục tiêu chính của văn hóa xoá sổ là tách rời xã hội hiện tại ra khỏi quá khứ của nó.
Mô tả của George Orwell về một tương lai loạn lạc, được trình bày trong cuốn tiểu thuyết “1984” của ông, được xuất bản vào năm đánh dấu sự khởi đầu của chế độ cộng sản Mao Trạch Đông ở Trung Quốc vào năm 1949, đã chứng minh tính đúng đắn của mình qua thời gian, văn hóa và địa lý. Ông Orwell không sử dụng thuật ngữ văn hóa xóa sổ nhưng ông đã mô tả cách nó hoạt động trong câu châm ngôn của mình rằng “ai kiểm soát quá khứ thì kiểm soát tương lai [và] ai kiểm soát hiện tại thì kiểm soát quá khứ.”
Cách mạng vô sản Pháp, Nga, Trung Cộng
Văn hóa xóa sổ có nguồn gốc từ sự không khoan dung có từ thời Cách mạng Pháp (1789-1794), khi Triều đại khủng bố của Robespierre dẫn đến khoảng 30,000 người chết – một giai đoạn đi kèm với nỗ lực phối hợp nhằm xóa bỏ và tiêu diệt Cơ đốc giáo cũng như các truyền thống và thể chế của nó. Đỉnh cao của giai đoạn đó của Cách mạng Pháp được đánh dấu bằng âm mưu của chế độ này cài đặt một gái điếm làm người đứng đầu Nhà thờ Đức Bà. Với thái độ coi thường sự tôn nghiêm và nhằm loại bỏ Chúa, Robespierre và những người kế nhiệm ông ta nghĩ rằng họ có thể cai trị mà không bị ràng buộc về mặt đạo đức.
Chủ nghĩa Marx đã đưa việc xóa bỏ văn hóa lên một tầm cao mới. Mặc dù hệ tư tưởng đó được Karl Marx và Friedrich Engels hình thành vào nửa đầu những năm 1800, nhưng nó đã không được thực hiện cho đến cuộc cách mạng Bolshevik của Vladimir Lenin ở Nga năm 1917. Một trong những dự án đầu tiên của Lenin là xóa bỏ quá khứ bằng cách đập phá các bức tượng Nga hoàng và các biểu tượng của lịch sử Nga như các bức tượng, biểu tượng, áo giáp, đại bàng hai đầu – tất cả đều bị phá hủy nhân danh cuộc cách mạng và sự sáng tạo của con người mới – “Con người Xô Viết.”
Vào thời điểm diễn ra cuộc cách mạng, phần lớn người dân ở Đế quốc Nga tin vào tôn giáo. Lenin đã ra lệnh cho các đội trưởng đội tiên phong cộng sản của mình phá hủy các cơ sở tôn giáo và thay thế niềm tin tôn giáo bằng chủ nghĩa vô thần. Trong năm đầu tiên sau cuộc cách mạng, nhà nước đã tịch thu toàn bộ tài sản của nhà thờ, và trong giai đoạn từ năm 1922 đến năm 1926, 28 giám mục Chính thống giáo Nga và hơn 1,200 linh mục đã bị giết. Nhiều người khác đã bị bắt bớ.
Vladimir Lenin và Leon Trotsky gần gũi cả về tư tưởng và cá nhân trong những năm đầu. Với tư cách là người đứng đầu Hồng quân, Trotsky đã có công trong việc bảo đảm cuộc cách mạng cộng sản cho Lenin, và cho người kế nhiệm ông là Stalin sau khi Lenin qua đời vào năm 1924. Nhưng đến năm 1927, Stalin đã thanh trừng Trotsky khỏi Đảng Cộng sản và chính trường Liên Xô, và trục xuất ông ta vào năm 1929. Stalin sau đó đã thành lập một nhóm để xóa tất cả các bức ảnh và tài liệu tham khảo về Trotsky trong mọi hồ sơ lịch sử. Vào thời điểm ra lệnh ám sát ông ta vài năm sau đó, hầu như không có tài liệu chính thức hoặc bức ảnh nào còn lại cho thấy Trotsky từng tồn tại.
Mặc dù đã có nỗ lực phối hợp để che giấu tội ác hàng loạt đã gây ra, nhưng đến những năm 1960, người ta mới biết rằng chế độ độc tài toàn trị của phe Bolshevik và cộng sản Liên Xô đã khiến 20 triệu người chết và con số này có thể lên tới 30 triệu người.
Giống như chế độ cộng sản của Lenin và Stalin ở Nga, cuộc cách mạng cộng sản của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc dựa trên Thuyết quyết định lịch sử – một nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác đòi hỏi phải xóa bỏ lịch sử quá khứ và đòi hỏi sự phục tùng từ công dân của mình đối với bản sắc tập thể của nhà nước cộng sản.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976, Mao chỉ đạo Hồng vệ binh vận động dân chúng xóa sổ và loại bỏ “Tứ cựu”: Phong tục cũ, Văn hóa cũ, Thói quen cũ và Tư tưởng cũ. Kết quả thật tàn khốc, với cảnh người Trung Quốc quay lưng với nhau, với những thanh niên bị tẩy não thậm chí phản bội anh chị em và cha mẹ của chính họ.
Cuối cùng thì cuộc Cách mạng Văn hóa và cách mạng Đại nhảy vọt của Mao là thủ phạm khiến cho khoảng 40-60 triệu người chết, bao gồm những cái chết mà Mao phải chịu trách nhiệm trực tiếp và những cái chết do những chính sách tai hại mà ông ta không chịu thay đổi.
Bắc Triều Tiên và Campuchia
Ở các nước cộng sản nhỏ hơn như Bắc Triều Tiên và Campuchia, việc thực hiện văn hóa xóa sổ vừa hoàn thiện hơn lại vừa tàn khốc hơn.
Sau khi thành lập vào năm 1948, Triều Tiên trở thành một xã hội khép kín, chối bỏ quá khứ và bị cô lập với thế giới xung quanh hiện thời. Nhanh chóng xuống dốc thành một nhà nước độc tài toàn trị cộng sản bí mật, nhà nước này có thể thất bại ở một số thời điểm nếu không được Liên Xô và Trung Cộng viện trợ. Dưới các chế độ độc tài liên tiếp của gia đình họ Kim, các chính sách cộng sản tàn bạo về quốc hữu hóa và đàn áp của Triều Tiên đã giết chết khoảng 3.5 triệu người dân, làm cho nhiều người chết đói hàng loạt.
Campuchia thậm chí còn tệ hơn. Từ năm 1975 đến năm 1979, cộng sản chuyên chế Pol Pot đã tàn phá gần như hoàn toàn các thành phố và vùng nông thôn của nước này, biến toàn bộ đất nước thành nhà tù – hủy bỏ và xóa sổ các trường công lập, đại học, tài sản tư nhân, nhà thờ, tín ngưỡng tôn giáo, và hành quyết những người Campuchia có học thức và khá giả. Cuối cùng, các chính sách diệt chủng của Pol Pot đã giết chết gần 3 triệu người, tức là khoảng hai phần năm dân số 7 triệu người của quốc gia này.
Đây chỉ là một số ví dụ về kết quả ở các quốc gia lớn và nhỏ đã đi theo con đường của chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta nghĩ thế kỷ 20 là thế kỷ của sự tiến bộ. Nhưng sự áp đặt của chế độ cộng sản và các chính sách độc tài của nó cũng khiến thế kỷ đó trở thành thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.
Chúng ta đã dè dặt và chậm chạp khi đối mặt với mối đe dọa cộng sản từ Trung Cộng. Họ không chỉ là mối đe dọa quân sự lớn nhất của chúng ta ở bên ngoài mà còn cả bên trong – thông qua các chương trình gián điệp và lật đổ ngành công nghiệp, học thuật và chính trị trị giá nhiều tỷ USD đang hoạt động tại Hoa Kỳ – Trung Cộng cũng là mối đe dọa hiện hữu lớn nhất của chính chúng ta.
Xuất phát điểm của việc bảo vệ nền tự do và mở rộng cơ hội của chúng ta tại Hoa Kỳ là từ chối chấp nhận hoặc tạo điều kiện cho các lực lượng có liên quan rõ rệt đến đàn áp và chuyên chế. Ngay cả khi các phe phái chính trị và sự khác biệt của chúng ta gây khó khăn cho việc xây dựng sự đồng thuận về các định hướng và chính sách mới, thì nguyên tắc đầu tiên vẫn là “không gây hại.”
Nói tóm lại, xuất phát điểm thích hợp cho một tương lai tốt đẹp hơn là chấm dứt văn hóa xoá sổ và kiểm duyệt vốn là một phần không thể thiếu của các hệ thống chính trị có sức tàn phá nhất trong lịch sử nhân loại.
Scott Powell là thành viên cao cấp tại Viện Khám phá ở Seattle. Liên hệ với ông tại [email protected]
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Scott S. Powell thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: