Văn hóa truyền thống Việt Nam là văn hóa tín ngưỡng Thần Phật
Tết Nguyên Đán của người Á Đông là một cái Tết hết sức đặc biệt và ý nghĩa, chứa đựng nhiều nội hàm sâu sắc về đạo đức truyền thống. Ở Việt Nam có sự tích bánh chưng bánh dày, đây cũng là một trong những Thần tích mà người xưa để lại. Và những hình thức văn hóa dân gian khác như tặng quà Tết cho nhau, thờ cúng tổ tiên, tiễn ông Táo về trời, dâng lễ đón giao thừa đêm 30, đi lễ chùa đầu năm cũng đều thuộc về văn hóa truyền thống, chúng khởi nguồn từ chữ “Lễ”.
Trong bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Lễ Tết trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Văn hóa truyền thống chân chính đề cao lý niệm đạo đức con người và sự tôn kính biết ơn tổ tiên, Trời Đất, Thần Phật
Ngày giao thừa và năm mới là một dịp đặc biệt, vì đó là thời khắc bước sang một giai đoạn mới Theo văn hóa tín ngưỡng truyền thống, đây là thời điểm các vị Thần năm cũ sẽ bàn giao công việc sang các vị Thần khác để quản lý nhân gian. Lễ giao thừa chính là để tiễn đưa vị Thần năm cũ và chào đón vị Thần năm mới.
Sự tích bánh chưng bánh dày là một thần tích rất ý nghĩa của dân tộc Việt Nam. Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) là con trai thứ 18 của vua Hùng Vương thứ 6, là một người có tính tình hiền hậu, đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng lại chịu thiệt thòi nhiều nhất vì mẹ mất sớm. Vì Lang Liêu quanh năm chỉ biết quanh quẩn đầu tắt mặt tối chăm lo đồng áng trồng lúa, trồng khoai, nên không biết có cách nào để đi kiếm tìm của ngon vật lạ dâng vua cha trong buổi lễ nhà vua dự định chọn người truyền ngôi. Cảm động trước tấm lòng thành kính, hiếu thảo cha mẹ, tôn kính Trời Đất của Lang Liêu nên Thần đã điểm hoá qua giấc mơ cho ông về ý nghĩa và cách làm bánh chưng bánh dày với nguyên liệu là hạt gạo cũng chính là hạt ngọc trời, là sản vật của Thượng Thiên ban cho con người. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho Đất, bánh dầy có hình tròn tượng trưng cho Trời. Lễ vật tuy đơn giản nhưng lại ý nghĩa, hơn hẳn các món ăn sơn hào hải vị khác nên hợp ý vua Hùng và được truyền ngôi vua.
Từ Thần tích bánh chưng bánh dày, chúng ta hiểu được phần nào về văn hóa truyền thống chính thống của người thời xưa, nghiệm ra được con người là một phần của trời đất, vì vậy con người không thể tách rời quy luật của đất trời, quy luật của vũ trụ. Tôn kính Thần sẽ được Thần bảo hộ. Vì thế mà từ bách tính lê dân cho đến các vương tôn quý tộc, mọi hoạt động trong cuộc sống đều không thể thiếu việc cúng tế, tôn kính trời đất và Thần Phật. Điều ấy cũng nói lên rằng, vào thời kỳ cổ đại xa xưa, văn hóa của nhân loại là nền văn hóa nửa Thần nửa nhân.
Trong chữ “Lễ” có rất nhiều nội hàm, trong đó “Lễ” đầu tiên là khởi nguồn từ việc tế tự, tế Trời, tế Đất, tế Thần. Là một nghi lễ tế tự của cổ nhân, vừa là kính Thần cầu phúc tiêu tai, nhưng mục đích căn bản của nó là để báo đáp. Tuân Tử từng giảng Lễ có 3 cái gốc: “Lễ thượng sự Thiên, hạ sự Địa, tôn tiên tổ nhi long quân sư, thị lễ chi tam bản dã”, nghĩa là: “Lễ, trên phụng sự Trời, dưới phụng sự Đất, tôn kính tổ tiên và quân sư, đây là ba cái gốc của Lễ nghi” (Lễ Luận – Tuân Tử). Lễ là kinh của Trời, là Nghĩa của đất, là trật tự và phép tắc quan trọng nhất trong trời đất.
Văn hóa truyền thống chân chính là văn hóa mà Thần cố ý an bài để truyền cấp cho con người. Thông qua văn hóa lễ nghi, Thần dạy con người quy phạm chuẩn tắc đạo đức làm người, để con người có thể sống hòa hợp với thiên nhiên và không quên đi cái gốc của chính mình. Trong Thần tích Việt Nam, các câu chuyện cũng kể về nguồn cội con cháu Âu Lạc (Việt Nam cổ) là con Rồng và cháu Tiên. Điều này thể hiện văn hóa cổ xưa là văn hóa nửa Thần nửa nhân, con người dù làm gì cũng phải biết ơn và tôn kính đến tổ tiên Trời Đất, qua đó thể hiện mối liên hệ giữa sinh mệnh con người với Thiên thượng.
Văn hóa truyền thống dạy con người “Lễ” chân chính phải xuất phát từ nội tâm, khi hành lễ cũng phải có thái độ cung kính hướng thượng, mang ơn tổ tiên, Trời Đất Thần Phật. Khi con người biểu lộ sự tôn kính và thái độ khiêm nhường, kính sợ và biết ơn Trời Đất, Thần Phật thông qua chữ “Lễ”, cũng chính là diệt trừ cái tôi tự cao tự mãn.
Người xưa tư tưởng vốn thuần phát, sống thuận theo tự nhiên, nên dâng Lễ đối với người thời xưa đơn thuần là sự tôn kính, cảm tạ và biết ơn Trời Đất, Thần Phật. Thần Phật cũng chỉ nhìn tâm con người, khi thấy đạo đức con người thăng hoa, thì Thần sẽ bảo hộ và an bài những điều tốt đẹp cho con người.
Sự biến dị trong văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại
Thuận theo thời gian con người càng ngày càng coi trọng vật chất hiện thực, nên đã làm mất đi nội hàm đạo đức và biến dị ý nghĩa của văn hóa truyền thống, biến chữ “Lễ” trở thành sự trao đổi truy cầu vật chất và truy cầu hưởng thụ. Con người ngày nay khi dâng lễ phần đông là mang tâm cầu danh lợi, bạc tiền, quan chức, thi cử… Chính những quan niệm biến dị, thực dụng này đã làm méo mó khái niệm dâng lễ, dẫn đến việc đạo đức con người càng ngày càng trượt dốc.
Những nơi tâm linh thờ phụng biến thành những dịch vụ kinh doanh dâng lễ cúng bái. Nó không còn mang nội hàm tinh thần vốn có ban đầu, mà nặng về hình thức với sự chấp trước mạnh mẽ vào vật chất, khiến con người càng trở nên tham lam và vị kỷ. Cùng với sự xói mòn trong đạo đức và biến dị trong quan niệm, con người đã tự mình làm mai một đi nội hàm đạo đức trong văn hóa truyền thống chính thống, càng lúc càng rời xa tiêu chuẩn mà Thần đã truyền cấp cho nhân loại.
Khi không còn lý niệm ban đầu, con người không còn tin vào Thần Phật, muốn gì làm nấy, đi ngược lại đạo Trời, từ đó mà chịu nhận quả báo. Thần sẽ dùng ôn dịch, thiên tai, chiến loạn, hoặc những tai nạn tự nhiên để cảnh tỉnh con người, không cho phép nhân loại cứ mãi trượt dốc về đạo đức, bại hoại về tư tưởng như vậy. Qua đó, cổ nhân muốn nhắn nhủ hậu thế rằng tôn kính Thần sẽ được Thần bảo hộ, hành sự theo Thiên đạo sẽ được ban phúc phận.
Do Tuyết Mai thực hiện