Văn hóa quyết định sắc thái ‘ảo thanh’
Theo một nghiên cứu mới, những người bị tâm thần phân liệt có thể nghe thấy “những giọng nói trong đầu” hay ảo giác thính giác khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa của họ.
Nhà nhân chủng học Tanya Luhrmann và các đồng nghiệp của cô phát hiện ra rằng những người bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng ở Mỹ nghe thấy những giọng nói gay gắt và đe dọa khi xuất hiện ảo thanh. Trong khi ở Phi Châu và Ấn Độ, những giọng nói dường như ôn hòa và vui tươi hơn.
Cô cho rằng điều này có thể có ý nghĩa lâm sàng đối với cách thức điều trị ở những người bị tâm thần phân liệt.
Theo Luhrmann, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Stanford và là tác giả chính của bài báo trên Tạp chí Tâm thần học Anh, trải nghiệm ảo thanh rất phức tạp và khác nhau ở mỗi người.
Giáo sư Luhrmann nói rằng các bác sĩ lâm sàng Mỹ “đôi khi coi những giọng nói mà những người bị rối loạn tâm thần nghe được như những triệu chứng phụ về thần kinh không đáng quan tâm của bệnh, và thường bỏ qua. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng ở các nền văn hóa khác nhau có những trải nghiệm ảo thanh khác nhau. Điều này gợi ý rằng cách mọi người suy nghĩ về giọng nói trong đầu mình sẽ thay đổi những gì họ nghe thấy. Phát hiện này có thể có ý nghĩa lâm sàng.”
Những sự khác biệt về văn hóa
Giáo sư Luhrmann nói rằng vai trò của văn hóa đối với những hiểu biết sâu sắc về các bệnh lý tâm thần thường bị bỏ qua.
Giáo sư Luhrmann, một nhà nhân chủng học được đào tạo về tâm lý học, nói rằng: “Công trình nghiên cứu của các nhà nhân chủng học về bệnh tâm thần cho chúng ta thấy rằng, có những thay đổi nhỏ nhưng quan trọng trong loại bệnh lý này tại các xã hội khác nhau trên thế giới. Các nhà khoa học tâm thần thường không chú ý đến sự khác biệt văn hóa. Nhưng chúng ta nên chú ý, vì điều đó rất quan trọng và có thể mang đến cho chúng ta những hiểu biết mới về bệnh tâm thần.”
Trong nghiên cứu này, Giáo sư Luhrmann và các đồng nghiệp của cô đã phỏng vấn 60 người lớn được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt, bao gồm 20 người ở San Mateo, California; 20 người ở Accra, Ghana; và 20 người ở Chennai, Ấn Độ. Tổng cộng có 31 phụ nữ và 29 nam giới với độ tuổi trung bình là 34. Họ được hỏi về số lượng, tần suất, biểu hiện của các giọng nói và giọng nói nào họ nghĩ là do ảo giác thính giác.
Giáo sư Luhrmann nói: “Sau đó, chúng tôi hỏi những người tham gia xem liệu họ có biết ai đang nói không, họ có trò chuyện với giọng nói đó hay không và giọng nói đó nói điều gì. Chúng tôi cũng hỏi về điều mà họ cảm thấy khó chịu nhất về giọng nói ấy, liệu họ có trải nghiệm tích cực nào về giọng nói hay không và liệu giọng nói đó có nói về quan hệ nam nữ hay Chúa không.”
Theo Giáo sư Luhrmann, những quan sát cho thấy rằng ở cả ba nền văn hóa, ảo thanh về tổng quan là khá giống nhau. Nhiều người được phỏng vấn cho biết họ nghe được cả giọng nói tốt và xấu, và họ cũng có các cuộc trò chuyện với những giọng nói đó, có cả những giọng thì thầm và gay gắt, nhưng họ hoàn toàn không thể xác định được nơi chúng phát ra. Một vài người đã nghe được âm thanh từ Chúa trong khi một số khác cảm thấy những tiếng nói dường như là một “cuộc tấn công tình dục” phía trên họ.
Tiếng nói dữ dội
Sự khác biệt nổi bật là trong khi nhiều người Phi Châu và Ấn Độ chủ yếu nhắc đến những trải nghiệm tích cực về giọng nói trong đầu họ, thì không một người Mỹ nào có trải nghiệm như vậy. Thay vào đó, phần lớn các chủ đề người Mỹ đưa ra là về bạo lực, thù hận, và bằng chứng về tình trạng bệnh tật.
Người Mỹ nghe thấy những âm thanh như bắn phá dữ dội và những triệu chứng của tổn thương não do gen hoặc chấn thương gây ra.
Một đối tượng mô tả rằng có những tiếng nói “giống như tiếng đang tra tấn người khác, dùng nĩa để móc mắt hoặc tiếng chặt đầu ai đó rồi uống máu, những thứ thực sự kinh khủng.” Những người Mỹ khác (năm người trong số họ) thậm chí đã kể về tiếng trong đầu của họ như tiếng gọi đến từ một trận chiến hoặc chiến tranh – “trận chiến chỉ thấy tiếng la hét của mọi người.”
Hơn nữa, theo Giáo sư Luhrmann, hầu hết người mỹ không nhận ra được ai đã nói chuyện với họ và dường như có rất ít mối quan hệ thân thiết với những tiếng nói đó.
Trong số những người Ấn độ ở Chennai, hơn một nửa đã nghe thấy những tiếng nói của họ hàng hay gia đình đang yêu cầu họ làm việc nào đó. Một người cho hay: “Những tiếng nói giống như tiếng của người lớn tuổi đang đưa ra lời khuyên cho những con cháu.” Điều đó khác hẳn với người Mỹ, trong số họ chỉ có hai người nghe được giọng các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, so với những người Mỹ, những người Ấn Độ ít nghe thấy những giọng nói đe dọa hơn. Một số người nghe thấy những giọng nói vui tươi, như thể của linh hồn hoặc ma thuật, và thậm chí là mang tính giải trí. Cuối cùng, không nhiều người trong số họ mô tả giọng nói giống với một vấn đề y tế hoặc tâm thần, như tất cả những người Mỹ đã trải nghiệm.
Ở Accra, Ghana, nơi văn hóa chấp nhận rằng những linh hồn đã lìa khỏi thân xác có thể nói chuyện, rất ít đối tượng mô tả những giọng nói bằng những thuật ngữ liên quan đến bệnh não. Khi nói về những giọng nói trong đầu, 10 người coi đó chủ yếu là những trải nghiệm tích cực và 16 người cho biết đã nghe thấy tiếng Chúa. Một đối tượng cho biết: “Phần lớn là những giọng nói tốt đẹp.”
Mối đe dọa với thế giới riêng tư
Tại sao có sự khác biệt? Giáo sư Luhrmann đưa ra một lời giải thích: Người dân Âu Châu và Hoa Kỳ có xu hướng coi bản thân là những cá thể độc lập hoạt động dựa trên ý thức tự thân. Trong khi bên ngoài Tây phương, người ta quan niệm tâm trí và bản thân có sự đan xen với những người khác và được xác định thông qua các mối quan hệ.
Các học giả lưu ý: “Những người thực tế không phải lúc nào cũng tuân theo các chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, bằng chứng về dân tộc học và thực nghiệm ở nhiều nơi đã chứng minh những xã hội đặc trưng mang tính “Tây phương” thường nhấn mạnh vào sự độc lập hơn và những nơi khác thường nhấn mạnh vào sự phụ thuộc lẫn nhau trong xã hội.”
Các học giả viết rằng, do đó, ảo thanh có thể khác nhau đáng kế với từng người, liên quan đến hoàn cảnh sống riêng của họ. Ở Mỹ, giọng nói trong đầu là một sự xâm nhập và mối đe dọa đối với thế giới riêng tư của một người – họ không thể kiểm soát được chúng.
Tuy nhiên, ở Ấn Độ và Phi Châu, các đối tượng không gặp khó khăn với giọng nói trong đầu họ. Ở một mức độ nào đó, các giọng nói chỉ khiến họ cảm thấy đang ở trong một thế giới có nhiều mối quan hệ hơn. Tuy nhiên, giữa những người tham gia ở Ấn Độ và Phi Châu vẫn tồn tại sự khác biệt; trải nghiệm ảo thanh của người Ấn Độ nhấn mạnh đến sự vui tươi và quan hệ nam nữ, trong khi trải nghiệm của người Phi Châu thường liên quan đến âm thanh của Chúa.
Tiếng nói như mối quan hệ thân thiết
Giáo sư Luhrmann nói rằng, cách người ta nhìn nhận về giọng nói trong đầu dường như không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tôn giáo hay tính đô thị hóa.
Các nhà nghiên cứu viết: “Thay vào đó, sự khác biệt dường như nằm ở chỗ những đối tượng tham gia từ Chennai (India) và Accra (Ghana) cảm thấy thoải mái hơn vì coi những giọng nói trong đầu như những mối quan hệ thân thiết chứ không phải dấu hiệu của sự xâm phạm tâm trí.”
Theo quan sát của Giáo sư Luhrmann, nghiên cứu cho thấy rằng “những giọng nói gắt gỏng, bạo lực rất phổ biến ở Tây phương có thể không phải là một đặc điểm không thể tránh khỏi của bệnh tâm thần phân liệt”. Văn hóa định hình nên hành vi tâm thần phân liệt có thể còn sâu sắc hơn những gì trước đây người ta nghĩ.
Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện này có thể có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Nghiên cứu trước đây cho thấy các liệu pháp cụ thể có thể làm thay đổi những gì bệnh nhân nghe thấy trong đầu.
Một cách tiếp cận mới tuyên bố rằng mối quan hệ giữa các cá nhân với giọng nói trong đầu có thể được cải thiện bằng cách dạy họ đặt tên và xây dựng mối quan hệ thân thiết với giọng nói trong đầu. Việc này sẽ làm giảm dần những tác động của chúng. Họ viết: “Những giọng nói nhẹ nhàng hơn có thể góp phần tạo ra chiều hướng và kết cục tốt hơn.”
Viên An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times