Vận động viên Olympic từng bị bắt ở Bắc Kinh: ‘Hãy dời Thế vận hội 2022’
‘IOC không học được gì. Họ quá tin Trung Cộng.’
Năm 2002, khi một vận động viên Olympic Úc chạy vào Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, giương một biểu ngữ Thế vận hội Tokyo 1964 với dòng chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” viết trên đó để phản đối vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, bà đã biết quốc gia cộng sản này được đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008.
Năm năm sau vào năm 2007, trước thềm Thế vận hội, bà đã đi khắp thế giới với tư cách là đại sứ Rước Đuốc Nhân Quyền Toàn Cầu (GHRTR)—với lời kêu gọi “Thế vận hội và tội ác chống lại nhân loại không thể đồng thời tồn tại ở Trung Quốc.” Người phụ nữ này không ngờ rằng tám năm sau, vào năm 2015, Trung Quốc sẽ được trao đặc quyền đó một lần nữa; lần này là đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022.
Cựu vận động viên bơi lội Olympic Jan Becker, đến từ Melbourne, Úc, hiện 76 tuổi, từng thi đấu trong nội dung bơi tiếp sức 100 mét tự do ở Tokyo tại Thế vận hội năm 1964 và giành huy chương bạc.
Cuộc biểu tình của bà tại Quảng trường Thiên An Môn — nơi bà bị bắt giữ, thẩm vấn và trục xuất cùng một số người Úc khác — là một sự kiện quan trọng vào thuở ban đầu của cuộc hành trình kéo dài nhiều thập kỷ để lên tiếng về cuộc đàn áp đức tin của Trung Cộng của bà. Bà trở về nhà để xem tin tức trên trang nhất của các phương tiện truyền thông với nhan đề: “Vận động viên Olympic bị bắt giữ ở Trung Quốc.”
“Chỉ cần dời Thế vận hội. Những gì họ đã làm với nhân quyền là vô cùng tàn ác. Trung Cộng rất phản Thần… Ủy ban Olympic Quốc tế không học được bất cứ điều gì.”
— Cựu vận động viên bơi lội Olympic Jan Becker
Bà Becker nói với The Epoch Times rằng, “Khi tôi chứng kiến những gì họ đang làm, khi họ sát nhân và cướp lấy nội tạng của những người đó, tôi cần phải đứng lên. Đó là lý do tại sao tôi đến Quảng trường Thiên An Môn, vì tôi muốn đưa tin này ra ngoài thế giới và cho người dân Trung Quốc biết rằng thế giới phương Tây nhận thức được những gì họ đang trải qua và chúng tôi đang ủng hộ họ.”
“Tôi muốn Trung Cộng biết từng có một vận động viên Olympic ở đó, biết rằng điều đó đã được kết nối với — Thế vận hội.”
Tin vào “một mối liên hệ” giữa Thế vận hội và “đức tin đối với Thần,” nhưng không thấy có sự chấm dứt việc đàn áp liên tục của Trung Cộng, bao gồm cả đàn áp những người theo đạo Thiên Chúa, người Tây Tạng, Phật tử, học viên Pháp Luân Công, và gần đây là người Duy Ngô Nhĩ, bà Becker đang kêu gọi một cuộc di dời hoàn toàn Thế vận hội 2022 ra khỏi Trung Quốc.
Bà Becker nói: “Tôi muốn nhìn thấy một cuộc di dời hoàn toàn của Thế vận hội, chứ không phải là tẩy chay Trung Quốc, chỉ cần di dời Thế vận hội. Những gì họ đã làm với nhân quyền là vô cùng tàn ác, những gì họ đã làm với các học viên Pháp Luân Công, bán nội tạng của các học viên trên khắp thế giới. Họ không tin vào bất kỳ đức tin nào cả. Trung Cộng rất phản Thần, so với những người kính ngưỡng Chúa hoặc thần của họ.”
“Rất nhiều vận động viên thực sự trông đợi vào thiên đường. Họ tin vào Thượng Đế, họ tin vào Thần, và nó phải có mối liên hệ với nhau.” Nhưng đối với Trung Cộng, “họ chắc chắn sẽ không kết nối bất cứ điều gì với đức tin hay tôn giáo,” bà Becker nói.
Hành trình vận động nhân quyền kéo dài 22 năm
Ngoài việc là một vận động viên Olympic, bà Becker còn giảng dạy và huấn luyện bơi lội trong 20 năm, làm tư vấn viên trong 8 năm và giám đốc nhân sự trong 22 năm trước khi cuối cùng nghỉ hưu vào năm 2014.
Nhưng thay vì sống chậm lại, bà Becker, một bà mẹ ba con và là người bà của tám người cháu, đã dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình cho những việc bà vẫn luôn làm ngoài công việc toàn thời gian của mình kể từ năm 1999—nâng cao nhận thức về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc, chủ yếu là về cuộc bức hại, tra tấn, và thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công.
“Tôi luôn cống hiến 100% sức lực cho bất kỳ công việc nào, cho gia đình của tôi, và làm mọi thứ trong khả năng tốt nhất của mình. Và đó là những gì tôi hiện đang làm,” bà nói.
Khi nói về điều đã khiến bà bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc, bà Becker cho biết đó là do cuộc bức hại đang diễn ra của Trung Cộng đối với đức tin của bà: Pháp Luân Công.
Khi bà đang tìm cách chữa bệnh ở tuổi 54, bà Becker được giới thiệu đến với môn tu luyện tinh thần này vào tháng 02/1999. Một phương pháp tu thân dưỡng tính kết hợp các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn.” Pháp Luân Công (hay Pháp Luân Đại Pháp) đã được 70 triệu đến 100 triệu người ở Trung Quốc tập luyện trước khi Trung Cộng bắt đầu một chiến dịch bức hại vào tháng 07/1999 trong một nỗ lực nhằm xóa sổ môn tu luyện này.
Bà nói: “Tôi đã phải chịu đựng một căn bệnh nan y trong đâu đó khoảng năm hay sáu năm, và tôi đã thử rất nhiều cách khác nhau nhưng dường như không hiệu quả. Và rồi sau đó có người nói với tôi về Pháp Luân Công. Tôi có thể hiểu sau khi đọc cuốn sách, rằng điều này thực sự tốt cho tôi. Đó là một cuộc hành trình tâm linh.”
Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe, bà Becker cho biết sau 22 năm tu luyện, Pháp Luân Đại Pháp đã giúp bà trở thành một người tốt hơn. Bà nói: “Tôi học được rằng mình phải có lòng trắc ẩn. Đó là điều trọng yếu mà tôi phải học. Và tôi đã trở thành một người tốt hơn vì lẽ đó. Điều này thật tuyệt vời.”
Tuy nhiên, chỉ năm tháng kể từ khi bà Becker bắt đầu tu luyện, Trung Cộng đã bắt đầu cuộc đàn áp ở Trung Quốc.
Đến năm 2002, các báo cáo về việc bắt giữ, tra tấn, và sát hại các học viên Trung Quốc đã khiến bà và một số học viên Úc khác đến Trung Quốc để tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn nhằm yêu cầu chế độ cộng sản chấm dứt cuộc bức hại.
Bà nói: “Tôi đã đến Quảng trường Thiên An Môn cùng với một nhóm người Úc khác. Tôi cầm biểu ngữ Thế vận hội năm 1964, và tôi vẽ một biểu tượng Pháp Luân Công trên đó — trên vòng tròn đỏ của Nhật Bản — và dòng chữ ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ và tôi chạy vào Quảng trường Thiên An Môn.”
Bà Becker cho biết bà quyết tâm tạo ra thay đổi và không sợ hãi khi đi, mặc dù biết rằng hàng ngàn học viên Trung Quốc biểu tình ở Quảng trường này trước bà đã bị bắt, bị thường xuyên tra tấn, và một số thậm chí đã bị mất mạng.
“Tôi chưa bao giờ sợ hãi về việc đi đến đó. Tôi biết tôi sẽ đi, tôi sẽ làm điều đó và tôi sẽ trở về nhà,” bà Becker cho hay. Câu chuyện đến Thiên An Môn của bà được ghi lại trong bộ phim năm 2020 với tựa đề “Protest at Heaven’s Gate” (“Biểu tình ở Thiên Môn.”)
“Việc là một vận động viên Olympic đã cho tôi một nền tảng để có thể bước ra. Đó là lý do tại sao tôi đến Quảng trường Thiên An Môn, vì tôi muốn đưa tin này ra thế giới. Cái chính là để cho Trung Cộng biết rằng có một vận động viên Olympic ở đó. Và ngoài ra, để khiến người dân trên khắp thế giới chú ý hơn một chút về những gì đang diễn ra.”
Vào ngày hôm đó, ngày 07/03/2002, bà Becker đã bị bắt cùng tám người Úc khác, không quá 30 giây sau khi chạy vào Quảng trường với biểu ngữ Olympic. Bà bị thẩm vấn trong 5 tiếng rưỡi trước khi bị giam giữ qua đêm và bị trục xuất vào ngày hôm sau, bị đưa vào danh sách đen mãi mãi không bao giờ được quay trở lại.
Bà Becker nói, “Họ muốn biết những cuốn sách Pháp Luân Công của tôi ở đâu, băng thu âm của tôi ở đâu. Tôi đã nói ‘chúng ở trong đầu và trong tâm tôi, tôi không cần phải mang chúng đến đây.’ Và họ tiến đến vẫy vẫy một chiếc găng tay, muốn làm một cuộc khám xét thân thể. Họ yêu cầu tôi cởi y phục. Tôi cởi xuống đến nội y, và tôi nói, quý vị còn muốn tôi cởi tiếp phải không?”
“Tôi nhớ đã nói với viên cảnh sát đang thẩm vấn tôi rằng họ cần phải ra ngoài để nhìn thế giới nhiều hơn, rằng bên ngoài Trung Quốc ‘không như thế này.’ Thế giới không giống như Trung Quốc. Ở Trung Quốc, bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều bị theo dõi. Họ theo dõi chúng tôi trên phố bằng điện thoại. Đó là lý do tại sao người Trung Quốc rất sợ hãi, họ sợ không dám làm bất cứ điều gì.”
Bà Becker nói sự sách nhiễu không dừng lại ở đó. Nó vượt ra khỏi ranh giới của Trung Quốc kể cả những lời đe dọa buộc bà ngừng lên tiếng trước truyền thông chỉ vài ngày sau khi bà trở về nhà ở Úc và kể câu chuyện của mình cho nhiều hãng thông tấn khác nhau. Khoảng hai hoặc ba ngày sau khi trở về nhà, bà đã ra khỏi nhà vào ban ngày, và khi bà trở về, bà thấy cửa trước nhà đã bị đánh sập, “hoàn toàn bị đá văng khỏi bản lề.”
“Họ đã đặt một cây đinh ba lên giường của tôi, như thể là để dọa tôi vậy,” bà nói, khi đề cập đến những người mà bà mô tả là “các đặc vụ Trung Cộng” sống bên ngoài Trung Quốc. Bà Becker đã trình báo vụ việc với cảnh sát.
Khi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 dần cận kề, để nâng cao nhận thức và kêu gọi tẩy chay Thế vận hội, một liên minh những người ủng hộ nhân quyền cho Trung Quốc đã tổ chức cuộc rước đuốc nhân quyền của họ và đề nghị bà Becker làm đại sứ GHRTR Úc. Cuộc rước đuốc bắt đầu tại Athens, Hy Lạp vào ngày 09/08/2007, và đã đi qua hơn 100 thành phố ở hơn 30 quốc gia trên khắp Âu Châu, Mỹ Châu, Á Châu, và Úc Châu.
Trong khi Trung Cộng đang diễu ngọn đuốc Olympic đi khắp thế giới, bà Becker đã mang một ngọn đuốc tương ứng với nó, “ngọn đuốc nhân quyền,” trong chuyến đi vòng quanh thế giới của riêng ngọn đuốc này, bao gồm đưa nó qua 67 thị trấn và vùng ngoại ô ở tiểu bang quê hương bà, tiểu bang Victoria, tại Úc.
Bà nói, “Tôi phải đứng lên. Rất nhiều người đã tham gia. Ở nhiều thị trấn, có các thị trưởng, nghị sĩ, các hãng thông tấn, các nhà lãnh đạo tinh thần, các nhóm trường học, và những người ủng hộ nhân quyền; đã có rất nhiều báo cáo và rất nhiều sự kiện xảy ra với cuộc rước đuốc đó.”
‘Thế vận hội 2022 nên được dời đi’
Khi đề cập đến phán quyết cuối cùng hồi tháng 03/2020 của Tòa án Luận tội Trung Quốc, một tòa án nhân dân có trụ sở tại London, bà Becker nói rằng sau khi điều tra kỹ lưỡng, chủ tịch tòa án Ngài Geoffrey Nice QC và một hội đồng gồm bảy thành viên đã tóm tắt rằng “bất kỳ chính phủ, tổ chức hoặc cá nhân nào giao lưu với Trung Quốc nên nhận ra họ đang ‘giao lưu với một quốc gia tội phạm.’”
Tòa án tuyên bố trong phán quyết của mình rằng “Việc Phạm các Tội ác Chống lại Nhân loại đối với Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ đã được chứng minh là không thể chối cãi, vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý” và rằng các cuộc điều tra đã dẫn đến “kết luận cuối cùng không thể tránh khỏi của tòa án rằng thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được thực hiện trong nhiều năm qua ở khắp Trung Quốc trên một quy mô đáng kể.”
Bà Becker nói: “Do đó, tôi kêu gọi Thế vận hội 2022 nên được dời đi. Và tôi tin rằng sự thiêng liêng của cuộc sống và sự tôn trọng đối với con người phải được ưu tiên hơn bất kỳ sự kiện thể thao nào — ngay cả Thế vận hội.”
Mặc dù các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu, và gần đây là Úc, đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, bà Becker nói rằng bà không tin điều này sẽ giải quyết được vấn đề, vì Trung Cộng chẳng còn quan tâm đến việc làm hài lòng các nhà ngoại giao, nên “điều đó sẽ không khiến họ mất gì,” cũng như không ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền của họ.
Bà nói: “Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ quan tâm chút nào nếu các nhà ngoại giao không đi. Quý vị chỉ cần nhìn vào cách họ đối xử với Úc vào lúc này, nhìn xem họ đã lấy đi bao nhiêu thứ ở Úc; họ không thực sự quan tâm đến các chính trị gia hoặc các nhà ngoại giao đến thế nữa. Tôi nghĩ rằng họ phải dời Thế vận hội 2022, họ phải thúc đẩy để dời Thế vận hội đi.”
Bà Becker, hiện đang có các vật phẩm kỷ niệm trưng bày tại triển lãm “Ký ức về Tokyo 1964” tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Melbourne, nói rằng, ngay cả khi Thế vận hội phải bị trì hoãn, điều này “có thể được thực hiện như chúng ta đã thấy ở Tokyo 2020,” việc dời hẳn ra khỏi Trung Quốc là có thể đạt được.
Bà nói: “Có rất nhiều quốc gia có thể tổ chức Thế vận hội. Nhiều quốc gia Âu Châu có cơ sở hạ tầng đã được thiết lập. Nếu họ cần sắp xếp mọi thứ lại, chúng ta có thể tạm hoãn một năm, nhưng tôi chắc chắn rằng sẽ có các quốc gia Âu Châu sẽ tiếp tục đăng cai.”
Bà Becker nói rằng trông cậy vào bất kỳ hình thức tẩy chay nào từ phía các vận động viên cũng không phải là một giải pháp thực tế. Chuyển gánh nặng cho các vận động viên đã “bỏ 110%” [tâm lực] sẽ không phải là một kỳ vọng công bằng hoặc hợp lý; bà cho biết gánh nặng thuộc về Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Bà Becker nói về các vận động viên, “Đây có thể là cơ hội duy nhất của họ, một cơ hội để đi đến một kỳ Thế vận hội. Rất khó để yêu cầu họ từ bỏ điều đó. Các quản trị viên và IOC đáng lẽ đã phải đưa ra lựa chọn đúng đắn, điều đó hoàn toàn không nên liên quan đến việc các vận động viên phải đưa ra quyết định này.”
IOC ‘độc lập’
Năm 2001, khi IOC để Trung Quốc đăng cai Thế vận hội 2008, với tư cách là một cựu vận động viên Olympic vẫn còn quan hệ tốt với Ủy ban Olympic Úc (AOC), bà Becker đã trực tiếp nêu ra mức độ nghiêm trọng của hồ sơ nhân quyền “khủng khiếp” của chế độ cộng sản này với họ.
Sau đó vào năm 2007, khi đang đi vòng quanh thế giới với tư cách là đại sứ Úc cho GHRTR, bà đã khẩn cầu họ hãy đề nghị IOC chuyển Thế vận hội đến Athens.
Bà Becker nói rằng, vào thời điểm đó, họ đã thu thập các kiến nghị để dời Thế vận hội Bắc Kinh 2008; các kiến nghị đó đã được chuyển đến cấp trên với sự hỗ trợ của một thành viên của IOC và AOC.
Ngay cả khi Trung Quốc vẫn đang được coi là ứng cử viên đăng cai Thế vận hội 2008, bà Becker đã cố gắng bày tỏ mối lo ngại của mình với một quan chức chủ chốt của IOC tại một sự kiện Olympic vào tháng 11/2000. Bà cho biết người này nói rằng “Trung Cộng sẽ cải thiện,” nhưng bà đã bảo đảm với họ rằng đảng cộng sản sẽ không thay đổi.
“Điều thú vị là họ không tìm hiểu, IOC đã không thực sự biết được gì về Trung Cộng. Năm 2001, họ đã được đăng cai kỳ Thế vận hội đó; đã 20 năm trôi qua và họ vẫn đang làm điều tương tự cho đến ngày hôm nay,” bà cho biết.
Đề cập đến vấn đề Hồng Kông, việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các hoạt động xâm phạm của Trung Cộng ở Đài Loan gần đây, bà Becker gọi tất cả những điều này là “những vụ vi phạm nhân quyền mới.” Bà nói: “Đây là những vụ mới sau khi họ được đăng cai Thế vận hội. IOC đã không học được bất cứ điều gì. Họ quá tin Trung Cộng. Sau đó Trung Cộng đã làm chính xác những gì họ muốn làm.”
Bà Becker hoan nghênh các thành viên của Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), những người đã phối hợp các hành động lập pháp tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, nói rằng họ là “những chính trị gia có trái tim nhân hậu và hiểu các vấn đề về nhân quyền.” Tuy nhiên, bà cho biết ít có khả năng các tổng thống và thủ tướng sẽ can dự vào việc này.
Bà nói, “IOC là một tổ chức rất mạnh. Tổ chức này độc lập, tránh xa chính trị. Đó là lý do tại sao những chính trị gia đó không muốn can dự. Họ biết rằng nó độc lập. Vì vậy, việc này tùy thuộc vào việc người dân cố gắng nói chuyện với Ủy ban Olympic Quốc tế, Ủy ban Olympic Úc, những người hữu quan ở cấp đó là những người mà chúng ta phải tiếp cận.”
‘Tùy thuộc vào người dân’
Bà Becker cho biết công dân trên khắp thế giới quan tâm đến việc Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội có thể tìm và ký một bản kiến nghị hiện để gửi lên IOC, hoặc bắt đầu một bản kiến nghị mới. Bà nói, “Tôi nghĩ họ đều có thể ký vào một bản kiến nghị. Đứng lên ở nơi họ có thể, cho thấy Trung Quốc là như thế. Chúng ta thấy rằng không thể tín nhiệm Trung Quốc, ngay cả với tình hình COVID. Tôi nghĩ rằng mọi người đang thực sự thức tỉnh về bản chất của nước này.”
Để Thế vận hội dời đi, bà Becker cho biết thế giới không nên chỉ dựa vào “những người ở cấp cao trong chính phủ.” Bà nói: “Tôi nghĩ rằng cá nhân người dân có thể khiến điều đó xảy ra hơn, và khi làn sóng xảy ra, những người ở cấp cao sau đó có thể sẽ tham dự.”
Bàn về việc các nhà tài trợ doanh nghiệp đổ tiền vào Thế vận hội Bắc Kinh – được những người chỉ trích mệnh danh là “Thế vận hội Diệt chủng” – bà Becker cho biết các tập đoàn “sẽ làm bất cứ điều gì vì tiền.” Bà nói: “Các tập đoàn cần được nói chuyện vì họ luôn luôn ủng hộ Thế vận hội và sẽ là một khó khăn để lay chuyển họ về vấn đề đó, nhưng chúng ta phải cố gắng.”
Nhiều vụ vi phạm nhân quyền đã được báo cáo là đã xảy ra trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008: Người già bị đuổi ra khỏi nhà và trở thành người vô gia cư để dọn chỗ cho làng Olympic, và những người bất đồng chính kiến bị Trung Cộng bao vây và tống giam hàng loạt vì sợ họ sẽ vạch trần tội ác của Trung Cộng cho du khách ngoại quốc.
Bà nói: “Chúng tôi đã nói về tất cả những điều này hồi năm 2008. Tôi không biết có nhiều người đã lắng nghe nhiều như họ nên lắng nghe hay không, nếu có thì chúng ta đã không rơi vào tình huống này. Tôi đoán chúng ta phải trải qua chuyện này một lần nữa.”
Khi dự đoán rằng “họ sẽ tái phạm,” bà Becker nói rằng những hành vi lạm dụng trước đây của Trung Cộng cần lại thu hút sự chú ý của thế giới bởi vì, “một lần nữa, họ sẽ bảo đảm rằng bất kỳ ai không phù hợp với cam kết của Đảng, Trung Cộng, sẽ bị thủ tiêu để không ai có thể nhìn thấy họ.”
Tương lai của Trung Quốc, Trung Cộng, và Chủ nghĩa Cộng sản
Khi được hỏi suy nghĩ của bà về việc một quốc gia cộng sản đăng cai Thế vận hội và điều bà mong muốn cho tương lai của Trung Quốc, bà Becker nói: “Tôi không tin vào chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội. Tôi nghĩ điều đó thực sự không tốt cho thế giới, quý vị có thể thấy điều gì đang xảy ra — người dân không được phép có bất kỳ suy nghĩ nào, họ không thể nghĩ cho bản thân họ, đó là một kiểu sống rất tệ.”
Bà Becker cho biết bà muốn “nhìn thấy Trung Cộng sụp đổ” và trả lại tự do cho người dân Trung Quốc. “Cuối cùng, đó sẽ là một thế giới tốt đẹp hơn cho người dân Trung Quốc. Và tôi hy vọng điều đó đến sớm hơn,” bà nói.
Nhìn nhận chủ nghĩa cộng sản là một mối đe dọa đối với thế giới, bà Becker nói từ kinh nghiệm của chính mình rằng “chúng ta sẽ không muốn bị Trung Cộng cai trị.” Nhưng bất chấp điều dường như là triển vọng ảm đạm với mức độ thâm nhập của Trung Cộng vào phương Tây, bà vẫn hy vọng rằng công dân của các nước phương Tây sẽ lên tiếng để giành lại chủ quyền đang bị thu hẹp của họ.
Bà nói: “Thậm chí chỉ ở Úc – và điều này cũng đang diễn ra ở Mỹ và các quốc gia khác – mọi người đang thức tỉnh; họ đang nhận ra Trung Cộng thực sự là gì và họ muốn kiểm soát mọi thứ đến mức nào. Mọi người có thể nhìn thấu được nó.”
Về việc liệu Trung Quốc có tiếp tục là quốc gia đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 hay không, bà Becker tin rằng điều đó “sẽ không tốt cho phong trào Olympic.”
“Họ đang tự đặt mình vào một tình huống thực sự khó khăn nếu để Trung Quốc đăng cai Thế vận hội 2022. Lẽ ra, họ phải học được từ lần trước, và từ những quầy hàng trống ở Tokyo. Thế vận hội có thể không bao giờ tiếp tục. Thế vận hội có thể không tiếp tục nữa nếu chúng ta không thể đưa nó ra khỏi tay Trung Cộng,” bà nói.
“Điều đó thật sai lầm, rất sai lầm khi họ đăng cai nó.”
Bà Peta Evans là một nhà văn sống ở Melbourne, Úc. Bà kể những câu chuyện đầy cảm hứng về con người, cuộc sống và truyền thống.
Bản tin có sự đóng góp của Arshdeep Sarao
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: