‘Đây là gia đình tôi’: Câu chuyện của một người Mỹ bảo vệ tự do tại Trung Quốc và Hoa Kỳ
Bà Gail Rachlin không hề quan tâm đến Trung Quốc trong 54 năm, nhưng sau đó, vào mùa thu năm 1997, một bất ngờ đã đến trong cuộc đời bà.
Tại một cuộc triển lãm về sức khỏe ở Trung tâm Javits của thành phố New York, bà đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng như các giải pháp sức khỏe cho mình thì để ý đến một chàng trai trẻ tại một gian hàng. Từng là giám đốc điều hành quan hệ công chúng (PR), bà đã chuyển sang điều hành công việc kinh doanh PR của riêng mình.
Bà giỏi trong việc nhìn người, và năng lượng của chàng trai này đã thu hút sự chú ý của bà.
“Anh bán sản phẩm gì đó?” bà bước đến gần chàng trai và nghĩ rằng đó là những viên vitamin.
“Dạ không,” người đàn ông cười đáp, “Cái này là miễn phí ạ.”
“Không có gì miễn phí ở New York cả!” bà nói.
Chắc chắn là có rồi, chàng trai trẻ đã giới thiệu miễn phí cho bà một bài công pháp Pháp Luân Công. Còn được biết đến với tên gọi là Pháp Luân Đại Pháp, Pháp Luân Công là một tín ngưỡng cổ xưa bắt nguồn từ văn hóa Phật gia và Đạo gia truyền thống của Trung Quốc. Môn tu luyện này dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đồng thời có một bộ năm bài công pháp với động tác khoan thai.
Ngay lập tức, bà Rachlin cảm thấy một luồng năng lượng trong cơ thể mình. Vì vậy, bà đã học thêm các bài công pháp còn lại và bắt đầu tu luyện. Là người sống sót sau căn bệnh ung thư buồng trứng từ năm 29 tuổi, bà vẫn luôn tìm kiếm các phương pháp chăm sóc sức khỏe thay thế.
Vài tháng sau, bà Rachlin được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Khi phải lựa chọn giữa phẫu thuật và tập các bài công pháp của Pháp Luân Công, bà đã chọn tu luyện. Hai tháng sau, bác sĩ của bà xác nhận rằng một khối u ác tính đã giảm kích thước xuống còn chưa đầy một phần tư và không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa. Ngay sau đó, bà đã hồi phục hoàn toàn.
“Tôi đã thực sự tin tưởng bởi vì môn tu luyện này thật là tuyệt vời,” bà Rachlin, hiện 79 tuổi, nói với The Epoch Times, đề cập đến môn tu luyện Pháp Luân Công.
Cùng với bảy phụ nữ khác, tất cả đều là người Mỹ gốc Hoa, những người đã đến Công viên Riverside ở Đường 105 để cùng nhau luyện các bài công pháp Pháp Luân Công, bà bắt đầu quảng bá môn tu luyện này tại địa phương.
Chuyến đi đến Bắc Kinh và Trường Xuân
Hồi tháng 08/1998, một người bạn đã giúp bà Rachlin ký được một hợp đồng, và nhiệm vụ của bà là tới Bắc Kinh để tìm cách thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia hội chợ triển lãm tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York.
Với mục đích đó, bà đã có các cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh. Trong tuần đầu tiên của chuyến thăm, khi bà và ba quan chức đang trò chuyện về việc tập thể dục, bà Rachlin nói: “Tôi cũng tập luyện đấy!”
Bà nhớ lại, “Đây là lần đầu tiên tôi gặp [các quan chức trong] chính quyền cộng sản Trung Quốc. Tôi nói với họ rằng tôi đang tu luyện — tôi mới bắt đầu tu luyện một năm trước — đó là môn Pháp Luân Công, và tất cả bọn họ đều nhìn nhau, chết lặng theo đúng nghĩa đen.”
“Tôi đã rất tự hào. Tôi không thấy có vấn đề gì hết; cũng không ai dặn dò tôi điều gì trước cả,” bà nói thêm. “Là một người Mỹ thuần phác, tôi đã nói rằng tôi đang tu luyện [Pháp Luân Công], và sức khỏe của tôi có những thay đổi tuyệt vời.”
Sau một hồi im lặng khó xử, một quan chức có tên tiếng Anh là Bill cho biết ông cũng đã tập khí công được vài năm. Sau đó, nhóm này đã chuyển chủ đề.
Tại thời điểm đó, bà Rachlin không biết rằng rất nhiều người ở Trung Quốc đã cuốn theo trào lưu khí công nhờ tác dụng chữa bệnh khỏe người của loại hình tập luyện này — các bài tập thể chất và hít thở có liên quan đến văn hóa truyền thống Trung Hoa — vào những năm 1980 và 1990. Khí công rất thịnh hành trong xã hội Trung Quốc.
Ông Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, đã giới thiệu môn tu luyện này ra công chúng hồi năm 1992 như một môn khí công. Đến năm 1998, Pháp Luân Công đã trở thành môn khí công phổ biến nhất mà người dân Trung Quốc biết đến. Đến tháng 07/1999, các ước tính chính thức cho thấy số lượng học viên của môn này là từ 70 triệu đến 100 triệu người.
Bà nói rằng, vào một tuần sau đó, bà cảm thấy các quan chức Trung Quốc đang rất hiếu kỳ muốn tìm hiểu thêm khi họ sắp xếp cho bà đi thăm một số nhà máy sản xuất của Trung Quốc:
“Tất cả bọn họ đều nhìn tôi, kiểu như, bà ấy đang làm gì ở đây vậy? Bà ấy định làm gì?”
Mãi sau chuyến đi này, bà mới hiểu tại sao.
Bà Rachlin đã có một chuyến du lịch ngoài mục đích công tác đến thăm Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc Trung Quốc, vì một lý do cá nhân: thành phố này là quê hương của nhà sáng lập Pháp Luân Công, nơi mà môn tu luyện được truyền ra. Ở đó, bà đã đến các điểm luyện công để cùng tập với mọi người; bà ước tính có khoảng 2,000 người tại một công viên và 5,000 người ở một công viên khác.
“Tôi thật sự ngạc nhiên,” bà nói, so sánh con số này với nhóm tám người ở địa phương của bà tại Manhattan.
Các học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân đã rất ngạc nhiên khi biết một người Mỹ có cùng đức tin với họ. Tại Đại học Cát Lâm, bà đã gặp một số người và uống trà với họ. Họ trò chuyện qua thông dịch viên của bà. Bà vẫn nhớ một số câu chuyện mà các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đã chia sẻ với mình.
Một câu chuyện trong số đó đã khiến bà đồng cảm sâu sắc.
Một người phụ nữ 65 tuổi, vốn là một chuyên gia y tế đã về hưu, cho biết cách đây 5 năm, bác sĩ của bà đã nói với bà rằng bà chỉ còn sống được sáu tháng. Sau đó, bà ấy đã tu luyện Pháp Luân Công và nghĩ rằng nếu phải ra đi, thì bà cũng có thể được an ủi về mặt tinh thần và cảm thấy thanh thản. Bà Rachlin đặc biệt nhớ rằng bà ấy đã sử dụng từ “thanh thản.” Người phụ nữ đó nói rằng bà ấy đã sống sót sau căn bệnh nan y này nhờ Pháp Luân Công.
Bà Rachlin vẫn còn nhớ người phụ nữ đó có mái tóc ngắn bạc phơ, nhưng phần chân tóc dài khoảng một inch (gần 3cm) lại là màu đen.
Bà ấy nói, “Quý vị có thể tưởng tượng được tất cả chân tóc đều có màu đen không? Đó là tóc của bà ấy đang mọc dài ra.”
“Tôi ngạc nhiên, ‘Chuyện gì đã xảy ra với mái tóc đó vậy? Việc này là như thế nào đây?’”
“Và bà ấy nói, ‘Tôi nghĩ là tôi đang khỏe lên.’ Bà ấy thật dễ thương,” bà Rachlin hồi tưởng lại.
Ở Trường Xuân, các học viên Pháp Luân Công khác đã cảnh báo bà Rachlin “hãy cẩn thận.” Họ nói với bà rằng gần đây công an đã thể hiện sự quan tâm bất thường đối với nhóm này bằng cách thường xuyên xuất hiện tại các điểm luyện công ngoài công viên và thẩm vấn các học viên khác nhau. Bà nhớ lại cuộc trò chuyện với các quan chức cộng sản Trung Quốc và hiểu tại sao sau đó ông Bill lại hỏi riêng bà về lý do bà tu luyện Pháp Luân Công.
Sau sáu tuần ở Trung Quốc, bà Rachlin quay trở lại New York mà không có thu hoạch gì, tức là không có quan khách Trung Quốc nào đến hội chợ. Nhiều năm sau, bà nhận ra rằng việc đề cập đến Pháp Luân Công có thể đã góp một phần vào kết quả đó.
Mọi thứ bắt đầu trở thành vấn đề cá nhân
Cuộc sống của bà Rachlin trở lại bình thường, và bà tiếp tục quảng bá về Pháp Luân Công ở thành phố New York. Sau khi có tin tức rằng, vào ngày 25/04/1999, hơn 10,000 học viên Pháp Luân Công đã kháng nghị ôn hòa bên ngoài trụ sở trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Bắc Kinh để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp leo thang của chính quyền đối với môn tu luyện này, bà Rachlin bắt đầu sử dụng công ty của mình để tạo ra các video và tài liệu khác để kể câu chuyện từ phía Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp bắt đầu vài tháng sau đó và đã càn quét khắp đất nước. Nhiều phụ đạo viên tình nguyện tổ chức các điểm luyện công tập thể tương tự như những điểm luyện công mà bà Rachlin đã tham gia ở Trường Xuân đã bị bắt trong đêm.
Vì đã đến thăm Trường Xuân và quen biết các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, bà có cảm tưởng như sự việc đang xảy ra với chính mình.
“Đây là gia đình tôi. Làm sao mà người ta lại có thể đụng đến họ chứ? Điều này thật không đúng,” bà nói.
“Vì vậy, đó là một vấn đề cá nhân đối với tôi. Chuyện đó thực sự là như vậy, và tôi luôn cảm thấy như vậy. Tôi vẫn luôn cảm thấy như vậy.”
Vì vậy, với kinh nghiệm quảng bá chuyên nghiệp của mình, bà đã tình nguyện làm một phát ngôn viên cho Pháp Luân Công.
“Trước đây tôi không biết gì về Trung Quốc, cũng không biết gì về Đại Cách mạng Văn hóa,” bà nói, đề cập đến thời kỳ đại biến động do ĐCSTQ khởi xướng từ năm 1966 đến năm 1976, quãng thời gian mà các di sản văn hóa và phong tục truyền thống của đất nước này đều bị hủy hoại. “Có thể là hồi nhỏ tôi đã đọc về điều này, nhưng tôi chưa từng là một người học chuyên về sử.”
“Xét đến lịch sử thế giới, thì đó không phải là vấn đề lớn bởi lẽ, là một người Mỹ thì tôi quan tâm đến đất nước của mình: [màu cờ] đỏ, trắng, và xanh. Và tôi muốn tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đây. Không phải là tìm hiểu về mặt chính trị, mà là xem xem người dân sống ở Texas khác với người dân ở California như thế nào?”
Bà nói thêm: “Tôi đã không suy nghĩ đến phạm vi Trung Quốc cho đến khi tôi bắt đầu tu luyện môn này và nghe một số người bạn của tôi kể lại. Những gì các học viên Trung Quốc đã trải qua ở đó thật tàn khốc. Là một người phương Tây, tôi đã không thể tin được rằng người dân Trung Quốc lại phải sống theo cách như thế ở Trung Quốc, tức là bị hạn chế.”
Cuộc bức hại ập đến nhà
Bà đọc tuyên bố làm chứng của mình bên ngoài Tòa án Địa hạt Liên bang ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hồi tháng 04/2002, “Tên tôi là Gail Rachlin. Thông thường, khi tôi đứng ở đây, tôi là một phát ngôn viên của Pháp Luân Công, tuy nhiên hôm nay, tôi là một nguyên đơn trong vụ án này bởi vì tôi cũng bị chính quyền Trung Quốc xâm phạm trên đất Mỹ.”
Hôm 03/04 năm đó, hơn 50 học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ, bao gồm cả bà Rachlin, đã đệ một đơn kiện chống lại Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc (cơ quan tình báo của chính quyền này), Bộ Công an (cơ quan giám sát an ninh nội địa), và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vì đã chỉ thị một “tập đoàn tội phạm không ngừng” đe dọa sát hại, đột nhập, đánh đập, đốt phá, và nghe lén họ.
Vụ kiện này là dựa trên Đạo luật chống Tổ chức Tội phạm Gây ảnh hưởng và Tham nhũng (RICO), một đạo luật được ban hành hồi năm 1970 để giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm có tổ chức.
Bà Rachlin đã sống trong căn hộ của mình trong suốt 16 năm gần Công viên Trung tâm (Central Park) mà chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra. Vậy mà từ tháng 07/1999 đến tháng 09/1999, nhà của bà đã bị đột nhập ba lần.
Lần đột nhập đầu tiên xảy ra vào ngày 25/07/1999, vài ngày sau khi cuộc bức hại ở Trung Quốc bắt đầu vào ngày 20/07. Khi bà về đến nhà, bà thấy cửa sau dẫn đến lối vào cho nhân viên dịch vụ để ngỏ, còn ổ khóa xích ở cửa này thì đã bị phá. Mặc dù dường như không bị lấy đi thứ gì, nhưng sau khi kiểm tra cẩn thận, bà nhận ra hồ sơ thuế để ở ngăn kéo trên cùng của tủ hồ sơ trong văn phòng tại nhà của bà đã bị lấy đi.
Bà Rachlin đã rất sửng sốt.
“Tại sao họ [ĐCSTQ] lại cố làm gì đó với tôi? Tôi là một người Mỹ bận rộn với cuộc sống của mình. Và việc thiền định chỉ là một phần trong cuộc sống của tôi.”
Bà cho biết rằng cảnh sát cũng không thể hiểu được vụ việc này.
Bà cho biết thêm, “Thỉnh thoảng, cảnh sát sẽ kiểm tra lại vì họ không thể tin nổi. Hơn nữa, một vài người trong số họ đã bị choáng ngợp trước sự táo bạo của Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc phải rất táo bạo để làm ra sự việc này.”
Lần thứ hai vào tháng Tám, bà đã bị mất cuốn sổ ghi địa chỉ của mình. Sau đó, bà cài hai ổ khóa ở cả cửa trước lẫn cửa sau. Lần thứ ba là vào tháng Chín, ổ khóa cửa sau bị phá, và cánh cửa đã bị đập mẻ.
Ông Martin McMahon, luật sư đại diện cho các nguyên đơn Pháp Luân Công trong vụ kiện RICO, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2003, “Điều quan trọng là các học viên nên có khả năng đi bộ trên đường phố Hoa Thịnh Đốn như bất kỳ ai khác, và họ không thể, đơn giản chỉ vì họ là học viên Pháp Luân Công.”
Đối với bà Rachlin, đây thực sự là điều đã diễn ra, ngoại trừ việc tình trạng này diễn ra ở New York chứ không phải ở Hoa Thịnh Đốn.
Hồi tháng 03/2000, sau khi tổ chức một cuộc họp báo bên trong trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Manhattan, bà đã đi ăn trưa cách đó vài dãy nhà với phát ngôn viên Pháp Luân Công Trương Nhi Bình (Zhang Erping). Khi họ bước ra khỏi nhà hàng sau bữa trưa, họ nhìn thấy một nhóm thành viên phái đoàn Trung Quốc trên cùng một vỉa hè.
Bà Rachlin cho biết bà có thể cảm nhận được bầu không khí thù địch khi các quan chức hét vào mặt họ bằng tiếng Trung Quốc; ông Trương bảo bà nhanh chóng băng qua đường sang phía bên kia và không nhìn lại phía sau.
Khi họ băng qua đường, một thành viên phái đoàn Trung Quốc đã ném đá vào họ. Ngay sau đó, cảnh sát đã ngăn chặn kẻ ném đá.
Đến tháng 08/2003, ĐCSTQ vẫn chưa trả lời vụ kiện RICO. Thay vào đó, họ đã gửi một lá thư tới Bộ Tư pháp, yêu cầu DOJ “làm điều gì đó về vụ kiện,” theo ông McMahon, người cho biết DOJ đã chia sẻ bức thư với ông. Các nguyên đơn đã yêu cầu một phán quyết khiếm diện, nhưng đã bị từ chối vào ngày 03/06/2008, với lý do thiếu bằng chứng để chứng minh cho yêu cầu bồi thường. Theo bà Rachlin, rất khó để chứng minh rằng một mối liên hệ hợp đồng có tồn tại giữa ĐCSTQ và những tên côn đồ thực hiện các vụ đe dọa đến tính mạng, đột nhập, đánh đập, đốt phá, và nghe lén.
Vụ kiện RICO có lẽ là nỗ lực đầu tiên trong việc phác thảo và đẩy lùi sự đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ. Chiến dịch toàn cầu rộng lớn của nhà cầm quyền này nhằm theo dõi, sách nhiễu, đe dọa, và cưỡng bách hồi hương những người bất đồng chính kiến ở ngoại quốc trong những năm gần đây đã được ghi nhận rộng rãi hơn.
Trong một bản tin năm 2021 (pdf), tổ chức Freedom House nói rằng ĐCSTQ đã thực hiện “chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia phức tạp, toàn cầu và toàn diện nhất trên thế giới.” Các công tố viên Hoa Kỳ cũng đã đệ trình một số vụ án hình sự chống lại các sĩ quan và quan chức tình báo Trung Quốc cũng như những người Mỹ làm việc với họ trong một loạt âm mưu bị cáo buộc nhằm giám sát, sách nhiễu, hoặc cưỡng bách hồi hương những người bất đồng chính kiến sống ở Hoa Kỳ.
‘Chúng tôi không thể nói ra những lời của mình’
Mặc dù cuộc bức hại diễn ra thảm khốc ở Trung Quốc, nhưng các học viên ở hải ngoại cũng cảm thấy áp lực rất lớn do những nỗ lực hung hăng của ĐCSTQ nhằm xóa sạch sự ủng hộ của quốc tế dành cho môn tu luyện này.
Một bài báo đã viết về chính sách năm 2015 của “Phòng 610” (pdf) như sau, “Chúng ta phải nắm bắt cơ hội từ nhu cầu ngày càng tăng của các quốc gia phương Tây đối với chúng ta và thúc đẩy các quốc gia liên quan cấm hoặc hạn chế các hoạt động của ‘Pháp Luân Công’ … và cố gắng loại bỏ các cơ sở hoạt động lâu dài, các nhà tài trợ, và đối tác của họ.”
“Phòng 610” là một cơ quan kiểu Gestapo chuyên lãnh đạo cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cơ quan này có tên như vậy là bởi vì nó được thành lập vào ngày 10/06/1999.
“Phòng 610 sử dụng khoảng 15,000 người trên khắp Trung Quốc và ở các lãnh thổ hải ngoại” và các đặc vụ của cơ quan này “hành động mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để xóa sổ phong trào Pháp Luân Công,” theo một báo cáo năm 2021 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Trường Quân sự Pháp (được biết đến với tên viết tắt tiếng Pháp là IRSEM), một cơ quan cố vấn thuộc quân đội nước này.
Vài tháng sau khi cuộc đàn áp chính thức bắt đầu kể từ tháng 07/1999, bà Rachlin bắt đầu nhận thấy có ít bài báo về Pháp Luân Công hơn trên các hãng thông tấn. Ví dụ, ông Mike Wallace của chương trình “60 Minutes” đã phỏng vấn nhà sáng lập Pháp Luân Công tại căn hộ của bà Rachlin vào năm 1999, nhưng chương trình này đã không được phát sóng. Khoảng cuối năm 1999 đến đầu năm 2000, CNN đã đi theo bà và ông Trương trong suốt một ngày khi họ đến thăm nhiều văn phòng của Quốc hội; nhưng chương trình đó đã không được phát sóng. Một cuộc phỏng vấn khác của New York Times cũng đã không dẫn đến một bài báo nào.
“Điều này xảy ra không phải hai, ba lần mà là năm, tám lần. Và điều đó giống như là, chúng tôi không thể nói ra những lời của mình!” bà Rachlin nói. “Vì vậy, đối với tôi, điều này trở nên quá khó chịu. Người dân Tây phương ơi, sao quý vị không hiểu? [Pháp Luân Công] rất là tốt.”
“Không có gì được phát hành, không gì cả. Đây là ĐCSTQ, thậm chí là vào thời đó,” bà nói thêm.
Mãi sau này, những nỗ lực của nhà cầm quyền nhằm gây ảnh hưởng và mua chuộc sự im lặng của các tập đoàn phương Tây mới được các nhà nghiên cứu và phóng viên trình bày chi tiết.
Một báo cáo năm 2013 (pdf) của Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (NED) đã trình bày tóm lược các biện pháp kiểm soát truyền thông xuyên quốc gia của ĐCSTQ. Báo cáo này nói rằng ĐCSTQ đã sử dụng các phương pháp gây ảnh hưởng tinh vi dưới các hình thức “khuyến khích về kinh tế và chính trị” để “dẫn dắt các chủ sở hữu hãng truyền thông và ký giả tránh các chủ đề có thể khiến ĐCSTQ tức giận, đặc biệt là các bài bình luận thách thức tính hợp pháp của chế độ độc đảng này hoặc các bài báo động chạm đến các vấn đề ‘nóng hổi’ như hoàn cảnh của người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, và các học viên Pháp Luân Công.”
Các vụ kiện toàn cầu chống lại ông Giang Trạch Dân
Khi cuộc bức hại ngấm ngầm diễn ra ở Trung Quốc, và thế giới dường như đã tiếp tục cuộc sống với chỉ một ít tin tức về Pháp Luân Công, các học viên ở hải ngoại đã quyết định phải chủ động hơn. Họ đã nhắm vào quan chức cộng sản cao cấp nhất chịu trách nhiệm ra lệnh và chỉ thị cuộc bức hại này: Tổng bí thư ĐCSTQ lúc bấy giờ, ông Giang Trạch Dân (pdf).
Bà Terri Marsh, giám đốc điều hành của Tổ chức Luật Nhân quyền (HRLF), đã dành hơn một thập niên để cố gắng đưa ông Giang ra trước công lý trên toàn thế giới. Hồi tháng 10/2002, bà đã đệ đơn kiện ông Giang lên Tòa án Địa hạt phía Đông ở Illinois về các tội ác bao gồm tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại. Trong số các hành vi lạm dụng được liệt kê trong đơn kiện có tra tấn, làm mất tích, cưỡng bức lao động, tội ác tình dục, vây bắt và giam giữ bất hợp pháp trên diện rộng.
Vụ kiện đầu tiên này đã gây ra làn sóng pháp lý chống lại ông Giang và các cộng sự của ông trên toàn thế giới.
“Tôi đã hy vọng ông Giang Trạch Dân sẽ sống sót đủ lâu để trở thành bị cáo trong một vụ án hình sự tại một Tòa án Liên Hiệp Quốc hoặc một Tòa án nào đó ở Trung Quốc về những tội ác mà ông ta đã gây ra đối với các học viên Pháp Luân Công, bên cạnh các nhóm bất đồng chính kiến khác,” bà Marsh nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, bà hài lòng với thực tế là hơn 50 vụ kiện được đệ trình trên toàn cầu chống lại ông Giang và các cộng sự của ông ta đã khiến cựu lãnh đạo này “trên thực tế là đang ở tù tại Trung Quốc.” Ông Giang đã không rời khỏi Trung Quốc trong hơn 20 năm qua.
Tháng 11/2009, ông Giang bị truy tố (pdf) tại tòa án quốc gia Tây Ban Nha vì phạm tội diệt chủng và tra tấn đối với Pháp Luân Công. Theo bà Marsh, thẩm phán lẽ ra đã yêu cầu Interpol đưa ông Giang đến Tây Ban Nha nếu ĐCSTQ không tác động đến Tây Ban Nha để thay đổi luật thành không cho phép quyền tài phán chung, vốn sẽ cho phép các tòa án xét xử ông Giang vì những tội ác đã gây ra ở Trung Quốc.
Một tháng sau, sau bốn năm điều tra, một thẩm phán liên bang Argentina đã yêu cầu Interpol ban hành lệnh bắt giữ ông Giang vì hành vi tra tấn và diệt chủng đối với Pháp Luân Công. Trước đó hồi tháng 04/2008, Thẩm phán Octavio de Lamadrid đã tổ chức các phiên điều trần với 17 nhân chứng Pháp Luân Công làm chứng chống lại ông Giang tại lãnh sự quán Argentina ở New York.
Được đệ trình lần đầu hồi tháng 12/2005, vụ kiện vẫn đang tiếp diễn ở Argentina. Ông Lamadrid từ chức trước Giáng Sinh năm 2009. Người kế nhiệm tạm quyền của ông đã lập tức hủy bỏ lệnh bắt giữ vào tháng 01/2010 và khép lại vụ án. Các học viên Pháp Luân Công đã kháng cáo hai lần, lần gần đây nhất là vào hồi tháng 04/2013 tại tòa phúc thẩm hình sự, tòa án cao cấp thứ hai của Argentina, để giữ nguyên vụ kiện.
Vụ kiện của bà Marsh đã bị bác bỏ vào tháng 09/2003 bởi một thẩm phán của Tòa Địa hạt Liên bang ở Chicago vì thiếu quyền tài phán và chính phủ các quốc gia có quyền miễn trừ.
“Quyết định của chính phủ chúng ta trong việc miễn trừ cho ông Giang Trạch Dân với tư cách là nguyên thủ quốc gia và bảo vệ ông ta theo đúng nghĩa đen tại tòa án liên bang ở Illinois là đáng kinh ngạc khi xét đến cách chính phủ của chúng ta đối đãi với ông Saddam Hussein, một tội phạm quốc tế khác,” bà Marsh nói.
Các tiểu bang thể hiện sự ủng hộ
Trong khi chính phủ liên bang có thể đã can thiệp để hỗ trợ vị cựu lãnh đạo này trong một hành động pháp lý của Hoa Kỳ, các tiểu bang đã hành động theo cách khác.
Hồi tháng Sáu, tổng chưởng lý của 23 tiểu bang đã viết một văn bản tóm tắt chung trình lên Tối cao Pháp viện, kêu gọi tòa án xét xử một vụ kiện do các học viên Pháp Luân Công đệ trình, khởi kiện Liên minh Thế giới Chống Tà giáo Trung Quốc (CACWA), một tổ chức bình phong của ĐCSTQ hoạt động tại Hoa Kỳ.
Đơn kiện (pdf) mô tả khoảng 40 vụ đe dọa hoặc hành hung các học viên Pháp Luân Công trong khi họ đang tham gia các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, chẳng hạn như tham gia vào các cuộc diễn hành, phát tờ rơi trên đường phố, hoặc coi sóc quầy thông tin Pháp Luân Công.
Trong một vụ việc hồi tháng 07/2011, hai nguyên đơn đã mô tả các chi tiết bạo lực trong một cuộc tấn công do bà Lý Hoa Hồng (Li Huahong), người đứng đầu CACWA, dàn dựng. Theo lời các nhân chứng, dưới sự chỉ huy của bà Lý, một nhóm “viện binh” khoảng 20 đến 30 người đã bao vây hai học viên Pháp Luân Công ở Flushing, New York. Một trong số các học viên bị giữ chân ở đó khoảng 30 phút cho đến khi cảnh sát đến, trong khi đám đông la hét, “hãy hạ sát bà ta đi” và “đánh bà ta cho đến chết.”
Trong bản tóm tắt của họ, các tổng chưởng lý tiểu bang nói rằng phán quyết bác bỏ vụ kiện của một tòa án cấp thấp hơn là “sai lầm trong một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia vốn nằm ở trung tâm trong truyền thống Hiến Pháp của chúng ta” — cụ thể là quyền tự do tôn giáo.
“Cam kết của Hoa Kỳ đối với quyền tự do tôn giáo là ‘thiết yếu.’… Cam kết này hiện thân cho ‘một trong những quyền hiến định quý giá nhất và được bảo vệ cẩn mật nhất của chúng ta,’” các tổng chưởng lý viết, viện dẫn các quan điểm trước đây của tòa án.
Hồi tháng Mười, Tối cao Pháp viện đã từ chối xét xử vụ án.
23 tiểu bang đó là: West Virginia, Alabama, Arizona, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, New Hampshire, North Dakota, Ohio, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah, và Virginia.
Xưa và nay
Mặc dù các hoạt động gây ảnh hưởng và quấy rối công dân Mỹ của ĐCSTQ có thể đã từng bị truyền thông dòng chính bác bỏ, nhưng các hoạt động như thế này đã nhận được sự chú ý rộng rãi hơn trong bối cảnh ngày càng có nhiều người phơi bày và nhận thức được các hành động thâm độc của chính quyền Trung Quốc ở cả trong và ngoài nước.
“Tôi nghĩ rằng ngày nay chúng ta có thể hiểu biết nhiều hơn về những sự việc đang diễn ra. Đặc biệt là với các cuộc biểu tình phản đối [chính sách zero COVID], mọi người đang thức tỉnh,” bà Rachlin nói. “Với tôi, trước kia, tôi cảm thấy các học viên [Pháp Luân Công] của chúng tôi đang thức tỉnh, và họ chỉ muốn được tự do thiền định.”
Bà nói thêm rằng sự thật về cuộc bức hại vẫn cần phải được phơi bày vì giờ đây mọi người sẽ hiểu về cuộc bức hại này.
Bà cho biết: “Giờ là lúc [sự thật về ĐCSTQ] phải được phơi bày để mọi người hiểu chúng tôi là ai và hoan nghênh chào đón môn tu luyện này vào trong tâm mình.”
Bà Rachlin sẽ tròn 80 tuổi vào năm tới. Bà cho biết khi nhìn lại cuộc đời mình, chưa bao giờ bà cảm thấy tích cực như khoảng thời gian sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
“Dù cuộc sống có khó khăn hay không, thì tôi luôn vượt qua — đó là cách duy nhất tôi có thể diễn tả về việc tu luyện,” bà cho biết.
Bà Rachlin đã dành 25 năm cuối đời để học hỏi về “ý nghĩa của việc đặt những điều khác lên trên bản thân.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times